Đánh giá giàu nghèo ở việt nam hiện nay

Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2020 "Phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp"

26/12/2021

Chủ nhiệm

đề tài

TS. Hồ Ngọc Châm

Thời gian

thực hiện

Năm 2020

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện nay qua tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và một số hệ lụy xã hội, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIII, góp phần từng bước hạn chế phân hóa giàu nghèo vì mục tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể:

  • Rà soát, nghiên cứu chính sách;
  • Tìm hiểu thực trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện nay;
  • Xác định một số nguyên nhân và hệ lụy xã hội của hiện tượng phân hóa giàu nghèo;
  • Phân tích xu hướng, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần từng bước hạn chế phân hóa giàu nghèo, xây dựng xã hội bền vững gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng phương pháp phân tích dựa trên các tài liệu có sẵn, phân tích số liệu thứ cấp của Tổng cục thống kê và một số bộ ngành khác. Về nguồn số liệu, bộ số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình từ năm 2008 – 2018 được sử dụng trong phân tích và đánh giá thực trạng, xu hướng phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam trong 10 năm qua. Tuy đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu không mới nhưng việc sử dụng số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình trong 10 năm liên tiếp để phân tích là có ý nghĩa bởi đây là khảo sát có quy mô rộng, trên phạm vi toàn quốc vì vậy các kết quả nghiên cứu phản ánh tương đối chân thực bức tranh phân hóa giàu nghèo của Việt Nam.

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy trong 10 năm qua, chênh lệch giàu nghèo không có dấu hiệu giảm đi ở Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh phân hóa giàu nghèo là khác nhau ở từng nhóm dân cư và từng vùng miền. Phân hóa giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng ở khu vực nông thôn, những khu vực có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa chậm và có xu hướng giảm đi ở khu vực đô thị, những vùng miền có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh. Trong xu hướng đó, nhóm nghèo nhất thường sống tập trung ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Nghèo đói cũng thường phổ biến hơn ở nhóm dân tộc thiểu số so với nhóm người Kinh, người Hoa. Nhìn chung, người nghèo thường có trình độ học vấn và tay nghề thấp, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và công việc lao động giản đơn. Tính dễ bị tổn thương của người nghèo sẽ ngày càng tăng lên đặc biệt dưới tác động của những cú sốc về kinh tế - xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo hoặc làm gia tăng/ giảm tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, trong đó có nhóm nguyên nhân thuộc về tự nhiên, khách quan; có nhóm nguyên nhân thuộc về thể chế, chính sách của nhà nước; có nhóm nguyên nhân gắn với đặc điểm nhân khẩu – xã hội của cá nhân và gia đình. Chúng ta không thể thay đổi thực tế khách quan rằng phân hóa giàu nghèo là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong bất kỳ xã hội nào, nhưng những tác động về mặt chính sách và sự vươn lên về mặt cá nhân có thể là chìa khóa để giảm sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Phân hóa giàu nghèo một mặt kích thích sự vươn lên làm giàu hợp pháp của một số nhóm trong xã hội, nhưng mặt khác phân hóa giàu nghèo cũng dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho xã hội. Phân hóa giàu nghèo quá mức làm gia tăng hiện tượng bất bình đẳng xã hội trong thể hiện tiếng nói và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thụ hưởng phúc lợi và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa các tầng lớp dân cư trong một quốc gia, khắc sâu thêm mối ngăn cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo, dẫn đến sự phân cực xã hội, làm gia tăng hiện tượng bất bình đẳng, từ đó đe dọa sự ổn định của xã hội.

Những kinh nghiệm nghiên cứu về bất bình đẳng trên thế giới lưu ý rằng khi xem xét vấn đề bất bình đẳng cần đặt trong 4 xu hướng lớn đang diễn ra: cách mạng công nghệ, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa và di cư quốc tế. Đại dịch COVID - 19 có lẽ là một yếu tố mới và cần được tính đến bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trên thế giới hiện nay. Một số giải pháp đưa ra trên quy mô toàn cầu để giải quyết bài toán bất bình đẳng đều nhấn mạnh việc cải thiện tiếp cận giáo dục từ đó tăng cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn, cải thiện và có những điều chỉnh trong chính sách thuế, đồng thời hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội thông qua hệ thống bảo trợ xã hội. Đây là những bài học cho Việt Nam trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề phân hóa giàu nghèo.

Khuyến nghị

Các khuyến nghị, giải pháp được đưa ra để giảm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay tương đối toàn diện và cũng xuất phát từ 3 nguyên nhân nói trên. Thứ nhất, dưới góc độ thể chế chính sách ở tầm vĩ mô, các nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam cần xây dựng mô hình xã hội trung lưu để hạn chế sự phân cực diễn ra trong xã hội. Trong phát triển kinh tế, Việt Nam cần thực hiện quá trình đô thị hóa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Xây dựng mô hình kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, dần tiến tới phát triển mô hình kinh tế gắn với việc sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra cho Việt Nam. Thứ hai, dưới góc độ các chính sách giảm nghèo, Việt Nam cần tiếp tục giúp người nghèo xác định những nguyên nhân gây nghèo để có hướng giải quyết phù hợp. Cùng với các chính sách giảm nghèo, cần một hành lang pháp lý phù hợp và chặt chẽ để xử lý nghiêm minh những trường hợp làm giàu bất hợp pháp. Thứ ba, cần phát triển mạng lưới an sinh xã hội góp phần ổn định và nâng cao mức thu nhập cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu.

Kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết bài toán về chênh lệch giàu nghèo cho thấy các giải pháp của Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải xem xét vấn đề phân hóa giàu nghèo trong bối cảnh mới để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện nay.