Đánh giá mua sắm tập trung năm 2024

Thay mặt cử tri huyện Hải Hà – Đầm Hà, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Trần Thị Thiêm, thuộc tổ đại biểu Hải Hà – Đầm Hà chất vấn:

“Trong những năm qua, việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách và tài sản công. Hàng năm, sau khi Sở Tài chính có văn bản triển khai, các địa phương thực hiện đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung (MSTT) theo Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh trình Sở Tài chính và Trung tâm công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh thẩm định, tổng hợp...

Đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ năm 2022, những bất cập trên và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.

Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm trả lời:

1. Thực trạng tình hình mua sắm tài sản công trên cả nước:

Những năm gần đây, cả nước đang đứng trước khó khăn, hạn chế trong quá trình mua sắm tài sản công. Cụ thể:

Đối với phương thức mua sắm phân tán còn một số hạn chế chủ yếu: (i) Không chuyên nghiệp và chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ trong quản lý tài sản công; (ii) Tốn kém chi phí tố chức thực hiện. Trong quá trình mua sắm, các đơn vị cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm đối với một số loại tài sản như nhau (ô tô, trang thiết bị phục vụ công tác), (iii) Giá cả hàng hóa, dịch vụ cao hơn do mua sắm nhỏ lẻ; (iv) Tài sản mua sắm thiếu tính đồng bộ, hiện đại và việc đảm bảo tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng TSNN.

Đối với phương thức mua sắm tập trung còn một số hạn chế chủ yếu: (i) Mô hình tổ chức mua sắm tập trung chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện do chưa bố trí đủ nhân lực; (ii) Thời gian thực hiện mua sắm tập trung kéo dài, không đáp ứng kịp nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đơn vị, nhất là trong các trường hợp phát sinh đột xuất, cấp bách; (iii) Trong thời gian bảo hành, khi tài sản bị lỗi, đơn vị rất khó khăn trong việc liên lạc với nhà cung cấp nên không được bảo trì, bảo dưỡng kịp thời. Một số đơn vị có tài sản phải tự bỏ kinh phí sửa chữa; các thiết bị thay thế, sửa chữa không thông dụng trên thị trường; (iv) Việc chỉ một nhà thầu trúng thầu dẫn đến việc ký hợp đồng, bàn giao tài sản khó thực hiện đồng thời, mà cần sắp xếp ưu tiên theo đối tượng, nhóm khu vực nên tiến độ lắp dặt, bàn giao tài sản bị chậm.

Đặc biệt đối với mua sắm ngành y tế, giáo dục: Sau dịch Covid-19 nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao (từ 40 tới 60%) nên dự tính, dự trù không sát, vượt nhu cầu so với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh trên toàn thế giới có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng cơ chế pháp lý còn tồn tại, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Một phần do hiện nay đang khởi tố rất nhiều vụ án nên dẫn đến có tâm lý e ngại trong đấu thầu.

2. Tình hình mua sắm tại tỉnh Quảng Ninh:

Trước đây khi chưa có Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, việc mua sắm tài sản được thực hiện theo 02 hình thức chủ yếu như sau:

Đối với tài sản, trang thiết bị, vật tư gắn với công trình xây dựng cơ bản: Giao các Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Đối với tài sản, trang thiết bị, vật tư gắn với việc sử dụng trực tiếp: Do các đơn vị chuyên ngành như y tế, giáo dục và các đơn vị dự toán trực tiêp mua sắm và sử dụng.

Khi có Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, vật tư được thực hiện theo 4 mô hình chủ yếu như sau:

Đối với tài sản, trang thiết bị, vật tư gắn với công trình xây dựng cơ bản: Giao các Ban quản lý dự án, Chú đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Đối với tài sản, trang thiết bị, vật tư chuyên ngành (y tế, giáo dục) gắn với việc sử dụng trực tiếp của ngành: Giao cho ngành y tế và giáo dục trực tiếp mua sắm và sử dụng.

Các tài sản, trang thiết bị, vật tư còn lại (trừ 5 danh mục tài sản MSTT): Giao Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản mua sắm.

Đối với 05 danh mục tài sản MSTT (Máy vi tính để bàn kèm lưu điện; laptop; máy in; máy scan; máy photo) quy định tại Quyết định số 1476/QĐ- UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh: Giao đơn vị mua sắm tập trung của tỉnh thực hiện mua sắm.

3. Tình hình mua sắm tập trung năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh:

Đối với phản ánh của đại biểu Trần Thị Thiêm “đến thời điểm này, UBND tỉnh chưa ban hành quy định danh mục hàng hóa, tài sản phải mua sắm theo phương thức tập trung thực hiện cho năm 2022. Do đó, một số trang thiết bị, tài sản thiết yếu, sử dụng thường xuyên như máy tính, máy photo, máy in, máy scan... các địa phương không có căn cứ triển khai mua, việc này ảnh hưởng đến duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở”: Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh quy định 05 danh mục tài sản mua sắm tập trung (Máy vi tính để bàn kèm lưu điện; laptop; máy in; máy scan; máy photo), được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Do vậy, năm 2022, tỉnh vẫn triển khai MSTT đối với 05 danh mục tài sản này nên các địa phương, đơn vị có đủ căn cứ để mua sắm, đảm bảo duy trì hoạt động.

Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, vật tư theo các phương thức mua sắm tập trung có những mặt tích cực, cụ thể như đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ các tài sản, giá cả hợp lý, giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, chống lãng phí, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế như thời gian thực hiện mua sắm tập trung kéo dài, không đáp ứng kịp nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đơn vị, nhất là trong các trường hợp phát sinh đột xuất, cấp bách; việc chỉ một nhà thầu trúng thầu dẫn đến việc ký hợp đồng, bàn giao tài sản khó thực hiện đồng thời, mà cần sắp xếp ưu tiên theo đối tượng, nhóm khu vực nên tiến độ lắp đặt, bàn giao tài sản bị chậm. Đặc thù tỉnh Quảng Ninh có nhiều khu vực biên giới, hải đảo nên công tác bàn giao, bảo hành tài sản cũng phát sinh nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, tồn tại các hạn chế như Đại biểu Trần Thị Thiêm đã đề cập: Đăng ký đầu năm nhưng đến cuối năm mới được bàn giao sản phẩm, do đó không đáp ứng được tính kịp thời nhu cầu làm việc thường xuyên, cần phải có tài sản bổ sung, thay thế ngay; tài sau khi bị lỗi không có vật tư, nguyên liệu thông dụng thay thế tại chỗ do đơn vị cung cấp ở xa; việc chăm sóc khách hàng chưa đảm bảo, bảo hành, bảo trì chậm không đáp ứng kịp thời khắc phục sự cố, hư hỏng; nhiều thiết bị độc quyền, khi hỏng hóc không thay thế được một bộ phận mà phải thay cả bộ, gây tốn kém; tài sản và hàng hóa mua sắm tập trung thường chất lượng, tuổi thọ kém.

* Những hạn chế nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân:

(1) Do ảnh hướng của dịch bệnh Covid-19 tác dộng trực tiếp đến mọi phương diện, lĩnh vực của tỉnh.

(2) Do điều chỉnh đơn vị mua sắm tập trung từ ngày 09/9/2022 tại Quyết định số 2592/QĐ-UBND của UBND tỉnh từ Trung tâm Công nghệ và Thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp nên Ban cần có thời gian để tiếp nhận, triển khai thực hiện nhiệm vụ;

(3) Các đơn vị, địa phương chậm trễ trong việc đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung năm 2022. Đến nay, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, việc đăng ký mua sắm của các đơn vị là rất chậm và chưa đảm bảo thông tin. Cụ thể: Ban đã nhận được đăng ký nhu cầu của 06 cơ quan, địa phương (Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các địa phương Hải Hà, Đầm Hà, Hạ Long và Cẩm Phả) bao gồm các tài sản phục vụ công tác chuyên môn và các tài sản phục vụ giải quyết thủ tục hành chính tại TTHCC và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã. Tuy nhiên, nội dung đăng ký chỉ ghi số lượng, còn chủng loại và thông số kỹ thuật không thể hiện nên không thể lấy báo giá của các nhà cung cấp để trình Hội đồng thẩm định giá. Một số đơn vị đăng ký nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách. Do vậy, để việc mua sắm được thực hiện ngay là rất khó khăn.

(4) Thời gian tổ chức mua sắm tập trung kéo dài, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng do phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước (Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản; Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung; Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo thỏa thuận khung, hợp đồng mua sắm tài sản; Ký thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản; Bàn giao, tiếp nhận tài sản; Thanh toán hợp đồng; Quyết toán, thanh lý họp đồng; Bảo hành, bảo trì tài sản);

(5) Sự phối hợp giữa đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện MSTT với đơn vị sử dụng vẫn chưa chặt chẽ, nhất là trong khâu bàn giao, tiếp nhận, bảo hành, bảo trì sản phẩm.

(6) Công tác thuê tư vấn thẩm định giá gặp khó khăn.

(7) Tác động tâm lý khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra ảnh hưởng đến việc mua sắm.

4. Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Để khắc phục hạn chế nêu trên và góp phần đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung trong thời gian tới, Sở Tài chính xin đề xuất một số giải pháp, cụ thể như sau:

Để phục vụ mua sắm tập trung năm 2023, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung danh mục tài sản mua sắm tập trung tại Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh để phù hợp thực tiễn của địa phương, đơn vị (nếu cần thiết).

Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ văn bản phân bổ dự toán của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung của tỉnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh) trước ngày 31/01 hàng năm, đảm bảo đúng số lượng, chủng loại, tránh tình trạng có sự thay đổi giữa số lượng đăng ký mua ban đầu và số lượng ký hợp đồng mua sắm trực tiếp, ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu.

Đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để triển khai các bước tiếp theo theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Các sở, ngành, địa phương, Hội đồng thẩm định giá, Tổ hướng dẫn, giám sát hoạt động mua sắm tập trung căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo đúng quy định đã ban hành.

Tại Điều 68 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền đơn vị mua sắm tập trung để thực hiện mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại, giao bổ sung nhiệm vụ cho một cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện có (không thành lập mới, không bổ sung biên chế của bộ, cơ quan trung ương, địa phương).

Trên cơ sở dự thảo sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ (Bộ Tài chính đang lấy ý kiến), Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài chính bỏ từ “một”. Sở Tài chính sẽ phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tăng cường phân cấp đơn vị mua sắm tập trung cho các sở chuyên ngành lớn và UBND các địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp sử dụng tài sản, hàng hóa dịch vụ công về chính sách của Nhà nước trong việc quản lý mua sắm công để cùng tham gia, phối hợp thực hiện.

Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ mua sắm tập trung chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức chính trị tốt, có khả năng thuyết phục và hiện thực hóa các ưu thế của mua sắm tập trung.