Dấu hiệu bị nấm móng tay

Dấu hiệu bị nấm móng tay

Nấm móng là một tình trạng nhiễm trùng ở móng do vi nấm gây nên. Khi bị nhiễm nấm, móng sẽ đổi màu và thay đổi hình dạng. Tùy mức độ nhiễm trùng nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Nếu không điều trị, bệnh sẽ không tự khỏi mà tiến triển hàng tháng hàng năm.

Trong bài viết này, YouMed sẽ chia sẻ đến bạn đọc các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa nấm móng hiệu quả.

1. Nấm móng là gì?

Nấm móng là tình trạng nhiễm trùng ở móng tay hay móng chân do vi nấm tấn công. Khi bị nhiễm nấm, các móng sẽ thay đổi về màu sắc, độ bóng hay hình dáng. Nếu tình trạng nhẹ thì bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ làm mất thẩm mỹ. Khi nhiễm trùng nặng, vi nấm có thể làm biến dạng móng và làm tổn thương móng vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến trong dân số chung. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Nếu không điều trị, bệnh không thể tự khỏi mà tiến triển nhiều tháng nhiều năm. Mặc khác, nấm có thể lan từ móng này sang móng kia và lây nhiễm cho người xung quanh. Vì vậy, nên điều trị dứt điểm để phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho mọi người.

>> Các bạn hãy tiếp tục cùng YouMed tìm hiểu các phương pháp giúp điều trị và làm thế nào để không bị nấm móng.

2. Nguyên nhân gây nấm móng?

Dấu hiệu bị nấm móng tay
Nấm Trichophyton là nguyên nhân gây nên bệnh nấm móng

Nguyên nhân chính gây ra bệnh nấm móng là do vi nấm. Có nhiều loại vi nấm khác nhau, nhưng Trichophyton là tác nhân thường gây nhiễm trùng móng nhất. Các yếu tố làm tăng khả năng bị nhiễm trùng móng đó là:

2.1. Ẩm ướt

  • Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho các vi nấm phát triển và gây bệnh.
  • Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt như làm ruộng, dọn dẹp dễ bị nấm móng.
  • Người bị phong thấp, thường xuyên đổ mồ hôi tay chân dễ bị nhiễm trùng móng do nấm.
  • Đi chân trần ở những nơi ẩm ướt như hồ bơi, phòng tắm công cộng khiến cho vi nấm có thể xâm nhập.

2.2. Tiếp xúc gián tiếp

Vi nấm có thể lây nhiễm cho người xung quanh qua các vật dụng cá nhân. Sử dụng chung găng tay, tất (vớ) với người bị nấm móng sẽ dễ bị mắc bệnh theo.

Vi nấm từ các nguồn lây nhiễm này sẽ tấn công vào vết thương dễ hơn da lành. Vì vậy, các móng bị tổn thương trước đó sẽ tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập dễ dàng hơn.

2.3. Bệnh lý

  • Người bệnh tiểu đường rất thường bị nấm móng nếu không thường xuyên chăm sóc bàn tay, bàn chân.
  • Các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo điều kiện cho vi nấm tấn công.
  • Một số bệnh lý khác gây rối loạn mạch máu cung cấp cho bàn tay bàn chân cũng dễ làm nhiễm trùng móng.

3. Triệu chứng của nấm móng?

Dấu hiệu bị nấm móng tay
Khi bị nấm móng một hoặc vài móng bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát

Khi bị bệnh, một hoặc vài móng bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Thay đổi về màu sắc, hình dáng của móng bắt đầu từ đầu móng và hai cạnh bên, tiến triển dần vào trong. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Móng tay hoặc móng chân mất màu sắc tự nhiên và chuyển sang màu vàng hay nâu.
  • Các móng không còn độ bóng. Trên bề mặt móng bị lỗ chỗ hoặc có những đường rãnh ngang dọc.
  • Móng trở nên dày hơn bình thường.
  • Không còn độ cứng chắc mà móng trở nên giòn và dễ gãy.
  • Bên dưới móng có nhiều bột vụn gồm vi nấm và chất bẩn gây ra mùi khó chịu.
  • Bệnh càng tiến triển, các móng sẽ bị lẹm dần và thay đổi hình dạng.
  • Trường hợp nặng hơn, phần da quanh móng bị sưng đỏ và đau nhức.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy ngứa hoặc đau nhẹ ở các móng.
  • Nếu không điều trị, vi nấm tiếp tục tấn công và có thể gây ra các biến chứng sau:
    • Vi nấm lan truyền và gây bệnh sang các móng khác khiến cho cả bàn chân hoặc bàn tay đều bị bệnh.
    • Các móng bị tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi.
    • Ngoài việc mất thẩm mỹ, biến dạng móng làm cho người bệnh đau nhức nhiều và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

4. Chẩn đoán nấm móng

Có thể chẩn đoán tình trạng này dựa vào yếu tố gợi ý, các thay đổi của móng và xét nghiệm.

4.1. Yếu tố gợi ý

  • Tiếp xúc với người bị nấm móng.
  • Thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong môi trường ẩm ướt.
  • Mắc các bệnh lý kèm theo như tiểu đường, bệnh mạch máu, bệnh suy giảm hệ miễn dịch.

4.2. Biểu hiện

  • Móng thay đổi về màu sắc, độ dày, độ bóng và hình dáng.
  • Móng có mùi hôi và dễ gãy.
  • Cảm thấy ngứa hoặc đau ở các móng.

4.3. Xét nghiệm

Cạo bột vụn ở móng, sau đó nhỏ KOH và đem đốt tạo thành một hỗn hợp. Quan sát hỗn hợp này dưới kính hiển vi sẽ thấy các sợi tơ nấm có vách ngăn.

Người bệnh chưa thoa hay ngừng thoa thuốc điều trị nấm 1 tuần trước khi làm xét nghiệm sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể làm tổn thương móng vĩnh viễn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bệnh này có thể được điều trị khỏi, mặc dù có thể tái phát trở lại.

Vì vậy, bên cạnh dùng thuốc điều trị nấm, người bệnh cần thay đổi các thói quen sinh hoạt và làm việc để vi nấm không thể quay lại gây bệnh.

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Nail fungus, https://www.aad.org/diseases/a-z/nail-fungus-treatment, accessed on 2019 October 16

Nail fungus, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nail-fungus/symptoms-causes/syc-20353294, accessed on 2019 October 16

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người

Có thể bạn quan tâm