Điều kiện áp dụng sáng kiến là gì

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO SÁNG KIẾN

“Một số giải pháp chỉ đạo các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường tiểu học”

I. Tác giả sáng kiến:

- Họ và tên: Nguyễn Hải Yến

- Chức vụ: Hiệu trưởng

- Đơn vị: Trường Tiểu học Chu Trinh, thành phố Cao Bằng

II. Lĩnh vực áp dụng:

Sáng kiến “Một số giải pháp chỉ đạo các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường tiểu học” được áp dụng trong công tác quản lý trường học.

III. Thực trạng trước khi áp dụng sáng kiến

Trường Tiểu học Chu Trinh trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo sát sao của phòng Giáo dục và Đào tạo, cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên nên chất lượng dạy và học của nhà trường đã được nâng lên. Tuy nhiên đối với môn Tiếng Anh là một môn học khó, đa số học sinh của trường sợ học tiết Tiếng Anh. Nhiều phụ huynh, học sinh chưa nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của môn Tiếng Anh trong thời đại hiện nay. Bên cạnh đó cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho việc giảng dạy môn Tiếng Anh. Do vậy chất lượng học môn Tiếng Anh chưa cao.

Cụ thể qua tổng hợp kết quả khảo sát chất lượng môn Tiếng Anh của học sinh đầu năm 2016- 2017 đối với học sinh khối 4, 5 như sau:

Hoàn thành tốt

%

Hoàn thành

%

Chưa hoàn thành

%

7/52

13,5%

35/52

67,3%

10

19,2%

Là một cán bộ quản lý tôi luôn trăn trở làm cách nào để giúp học sinh yêu thích môn Tiếng Anh; tiếp thu tốt những kiến thức cơ bản của chương trinh, tiến tới nâng cao chất lượng học môn Tiếng Anh của học sinh, tôi đã mạnh dạn áp dụng sáng kiến  “Một số giải pháp chỉ đạo các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường Tiểu học”.

IV. Mô tả bản chất sáng kiến

1. Tính mới, tính sáng tạo, tính khoa học

1.1. Tính mới

Sáng kiến này hoàn toàn mới, được áp dụng lần đầu và không trùng lặp với bất kì sáng kiến nào khác.

1.2. Tính sáng tạo, tính khoa học

Để nâng cao chất lượng học môn Tiếng Anh của học sinh, tôi đã thực hiện một số giải pháp sau:

* Giải pháp 1: Tăng cường công tác tuyên truyền giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu được sự cần thiết của Tiếng Anh trong thời đại hiện nay

Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức triển khai những yêu cầu về việc thực hiện chương trình dạy học Tiếng Anh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trong trường.  Giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh nhận thức rõ học ngôn ngữ Tiếng Anh là hình thành một công cụ giao tiếp mới để trao đổi những tri thức khoa học, để tìm hiểu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Tiếng Anh là một  trong những ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất trên thế giới hiện nay. Học Tiếng Anh ở tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết đồng thời là một trong những điểm khởi đầu quan trọng vào việc hình thành và phát triển các kĩ năng học tập suốt đời, năng lực làm việc trong tương lai và khả năng tham gia các hoạt động văn hóa xã hội. Học Tiếng Anh ở tiểu học còn tạo nền tảng cho việc tiếp tục học Tiếng Anh ở các cấp học tiếp theo cũng như trang bị các kĩ năng học ngoại ngữ cơ bản khác trong tương lai. Ngoài ra, học Tiếng Anh còn giúp cho học sinh hình thành năng lực diễn đạt ý tưởng cá nhân một cách tự tin, độc lập và sáng tạo.

* Giải pháp 2: Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục để tu sửa cơ sở vật chất, đảm bảo đủ các phương tiện dạy học môn Tiếng Anh

Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh, một điều kiện rất quan trọng là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải đảm bảo. Để làm được điều này, tôi luôn xác định cần nỗ lực làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo chính quyền địa phương, ngành giáo dục. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành giáo dục, Năm học 2016 – 2017 nhà trường đã có một phòng dành cho việc dạy và học môn Tiếng Anh với đầy đủ máy tính, máy chiếu, màn chiếu. Nhờ vậy mà giáo viên có thể sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy. các tiết học nhờ vậy mà sinh động hơn, nhẹ nhàng hơn. Bằng nguồn tài trợ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà trường được đầu tư 7 bộ máy vi tính và tai nghe để học sinh có thể luyện thi Tiếng Anh trên mạng vào thời gian ngoài tiết học.

* Giải pháp 3: Giảm áp lực cho học sinh trong việc học môn Tiếng Anh và giúp học sinh yêu thích môn Tiếng Anh

Để giảm áp lực cho học sinh trong việc học môn Tiếng Anh và giúp học sinh yêu thích môn Tiếng Anh, tôi đã chỉ đạo giáo viên dạy ngoại ngữ đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng tiết giảng nhẹ nhàng, hiệu quả; tổ chức một số hoạt động trải nghiệm.

Cụ thể như sau:

+ Tăng cường sử dụng các trò chơi ngôn ngữ để dạy mẫu câu, ngữ liệu mới và rèn luyện kĩ năng đặt câu cho học sinh.

Có thể nói rằng trò chơi mang lại hiệu quả kép. Thông qua quá trình chơi, các em được phát triển tri giác, tư duy, trí tưởng tượng và ngôn ngữ; giúp các em lĩnh hội tri thức một cách tự nhiên, không căng thẳng, không áp lực.

Ví dụ:

Để rèn cho học sinh kĩ năng đặt câu, giáo viên cho học sinh chơi trò chơi “Oẳn tù tì”. Trò chơi này tạo được sự bất ngờ và hứng thú cho học sinh trong việc chia nhiệm vụ và trả lời. Sau khi giới thiệu từ vựng, mẫu câu, học sinh sẽ thực hành mẫu câu theo nhóm đôi. Học sinh sẽ oẳn tù tì. Bạn thắng sẽ chỉ tranh và hỏi, bạn thua sẽ nhìn tranh để trả lời. Đối với mẫu câu hỏi- đáp, bạn thắng sẽ chỉ tranh và đọc to từ hoặc nhóm từ trong tranh, bạn thua phải đặt câu với từ hoặc nhóm từ đó.

+ Chơi trò chơi trong thực hành mẫu câu

Hoạt động này giúp các em có cơ hội học tập lẫn nhau, chia sẻ thông tin, những điều mình chưa rõ. Đồng thời giúp giáo viên dễ kiểm soát, giúp đỡ học sinh trong quá trình hoạt động; giúp học sinh tự nhiên trong giao tiếp qua việc đặt câu hỏi để lấy thông tin. Tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sôi nổi và học sinh không cảm thấy bị áp lực trong học tập.

Ví dụ:

Giáo viên phân nhóm, phát phiếu bài tập. Học sinh sử dụng mẫu câu vừa học, hỏi lấy thông tin, điền vào phiếu. Hết thời gian, ai hỏi được nhiều bạn trong nhóm nhất sẽ là người chiến thắng.

+ Dạy kĩ năng nói

Trong khi dạy học sinh phát âm, giáo viên cần chú ý dạy cách phát âm bằng cấu hình của bộ máy phát âm để giúp các em biết cách phát âm và phát âm chuẩn ngay từ đầu. Giáo viên cần tích cực, kiên trì sử dụng câu lệnh bằng Tiếng Anh và yêu cầu học sinh nói lại. Như vậy sẽ giúp học sinh chú ý nghe - hiểu để thực hiện.

+ Rèn kĩ năng nghe cho học sinh

Tìm từ qua nghe câu hội thoại; giáo viên có thể sử dụng băng đĩa cho học sinh nghe kể những mẩu chuyện ngắn bằng Tiếng Anh có sử dụng câu hỏi đơn giản để tìm hiểu nội dung hoặc nhân vật.

+ Rèn kĩ năng phát âm cho học sinh

Giáo viên cho học sinh tập hát những bài hát bằng Tiếng Anh đơn giản, ngắn, dễ hát, dễ thuộc.

 + Rèn kĩ năng nhớ từ vựng

Giáo viên cho học sinh tìm sự vật với từ cho trước; gọi tên sự vật hiện tượng, …

+ Tổ chức một số hoạt động trải nghiệm

+ Tổ chức lồng ghép một số hoạt động múa, hát, chơi trò chơi có sử dụng Tiếng Anh trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp;

+ Thành lập câu lạc bộ Tiếng Anh;

+ Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ 1 lần/tháng

Trong các buổi sinh hoạt, các hội viên được thực hành giao tiếp bằng Tiếng Anh, chơi các trò chơi ngôn ngữ về từ vựng; tập một số bài hát, múa để biểu diễn trong tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần. Qua các hoạt động thực tế này, học sinh biết thêm được nhiều từ mới, giúp các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn và bắt đầu yêu thích môn Tiếng Anh.

2. Hiệu quả

Nhờ áp dụng một số giải pháp nêu trên, chất lượng học môn Tiếng Anh của học sinh trường Tiểu học Chu Trinh đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể trong năm học 2016 – 2017, lần đầu tiên trường Tiểu học Chu Trinh có 2 học sinh đạt giải môn Tiếng Anh trong kì thi Tiếng Anh trên mạng cấp thành phố và kết qủa môn Tiếng Anh của học sinh khối 4, 5 cuối năm học 2016- 2017 đạt như sau:

Hoàn thành tốt

%

Hoàn thành

%

Chưa hoàn thành

%

16/52

30,7%

36/52

69,3%

0

3. Khả năng và điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến

a. Khả năng áp dụng

Sáng kiến “Một số giải pháp chỉ đạo các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường Tiểu học” có thể áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý ở các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng.

b. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến

- Đối với người cán bộ quản lý

+ Phải có lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; quyết tâm đưa chất lượng dạy và học ngày một đi lên. Làm tốt công tác tham mưu với ngành, địa phương; phát huy vai trò tiên phong của người hiệu trưởng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

+ Chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến, nhận thức sâu sắc tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc cần thiết phải nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường tiểu học.

+ Phải xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra. Các biện pháp thực hiện phải cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của trường mình, giáo viên và học sinh mình.

-  Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Tiếng Anh

Tâm huyết với nghề, thương yêu, gần gũi, quan tâm tới tất cả các đối tượng học sinh; không ngừng học hỏi, tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm từ đồng nghiệp, qua các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề trong tổ chuyên môn; nắm chắc chương trình, dạy sát đối tượng, lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và từng dạng bài.

- Đối với học sinh

Cần có ý thức học tốt, hứng thú với môn học, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; chủ động hợp tác, chia sẻ với bạn trong nhóm, trong lớp, trong câu lạc bộ.

4. Thời gian áp dụng sáng kiến

Sáng kiến được tôi áp dụng lần đầu tại trường Tiểu học Chu trinh, thành phố Cao Bằng trong năm học 2016- 2017 cho đến nay.

V. Kết luận

 Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân tôi được đúc rút trong công tác, thực tế mang lại hiệu quả tương đối khả quan đối với thực tế của trường tôi. Những giải pháp này tôi vẫn đang áp dụng trong năm học 2017 – 2018. Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh trong trường tiểu học còn là một bài toán khó không chỉ đối với trường tôi mà là vấn đề chung của nhiều trường. Vì vậy tôi mạnh dạn đưa ra những giải pháp mà mình đã thực hiện để đồng nghiệp tham khảo, vận dụng. Trong quá trình thực hiện, tôi mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các đồng chí để việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh ở trường tôi đạt kết quả cao hơn.

                                                                           Cao Bằng, ngày 09 tháng 4 năm 2018

                                                                NGƯỜI BÁO CÁO

                                                                   Nguyễn Hải Yến