Đơn vị giải quyết chế độ chính sách cho sinh viên là

Trang chủ / Sinh viên

Thông báo về việc thu hồ sơ Trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập Học kỳ 2, năm học 2020 - 2021

Căn cứ Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 25 tháng 8 năm 1998 của liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập;
Căn cứ Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị Định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;
Căn cứ Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học;
Căn cứ vào các văn bản về hướng dẫn thực hiện các chế độ đối với học sinh sinh viên đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp hệ chính quy công lập của Bộ GD&ĐT và quy định của hội đồng nhà trường. Ban giám hiệu yêu cầu Trưởng các khoa khẩn trương triển khai đến HSSV nạp hồ sơ đúng thời hạn. Thủ tục hồ sơ gồm:
A. ĐỐI TƯỢNG MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ; TRỢ CẤP XÃ HỘI; HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP
Học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung thuộc diện ngân sách Nhà nước cấp học tập trung tại Nhà trường thuộc các đối tượng sau:
I. Về chế độ miễn học phí:
1. Đối tượng 1: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể:
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh;
b) Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
2. Đối tượng 2: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa.
3. Đối tượng 3: Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.
4. Đối tượng 4: Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu.
-Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; các xã thuộc huyện nghèo theo quy định tại các văn bản hiện hành của Nhà nước.
II. Đối tượng giảm học phí
1. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm
- Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm
a. Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;
b. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong thời gian 03 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
III. Đối tượng trợ cấp xã hội
1. Học sinh, sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao. Căn cứ để xác định người dân tộc ít người là giấy khai sinh bản gốc, hoặc giấy kết hôn của bố mẹ (nếu giấy khai sinh bản gốc bị thất lạc), trong đó có ghi bố hoặc mẹ là người dân tộc ít người. Người dân tộc ít người ở vùng cao là người dân tộc ít người liên tục sống ở vùng cao hoặc có hộ khẩu thường trú ở vùng cao ít nhất từ 3 năm trở lên (tính đến thời điểm vào học tại trường đào tạo).
2. Học sinh, sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa. Đây là những người không có người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên (học sinh, sinh viên phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan thương binh xã hội cấp quận, huyện, thị xã trên cơ sở đề nghị của phường, xã nơi học sinh, sinh viên cư trú).
3. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình của họ thuộc diện xoá đói giảm nghèo (phải xuất trình giấy chứng nhận là hộ nghèo do UBND Phường (xã) cấp).
IV. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập
Sinh viên là người dân tộc thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/10/2014.
B. TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ HỒ SƠ
I. Yêu cầu về hồ sơ xét miễn học phí
1. Đối tượng 1: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng
- Đơn xin miễn học phí (theo mẫu);
- Giấy xác nhận do Ủy ban nhân dân phường (xã) cấp;
- Thẻ thương binh, bệnh binh của bố hoặc mẹ (bản phô tô công chứng);
- Giấy khai sinh (bản sao)
2. Đối tượng 2: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa
- Đơn xin miễn học phí (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân phường (xã) cấp.
3. Đối tượng 3: Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo
- Đơn xin miễn học phí (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Sổ hộ khẩu (bản sao);
- Giấy chứng nhận dân tộc (nếu có);
- Giấy chứng nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do UBND xã (phường) cấp.
4. Đối tượng 4: Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn
- Đơn xin miễn học phí (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Sổ hộ khẩu (bản sao).
II. Yêu cầu về hồ sơ xét giảm học phí
1. Đối tượng HS,SV người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Đơn xin giảm học phí (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản chính phô tô công chứng);
- Sổ hộ khẩu (bản sao);
- Giấy chứng nhận dân tộc (nếu có);
- Giấy chứng nhận vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Đối tượng Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên
- Đơn xin giảm học phí (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng của cha/mẹ (bản sao);
- Giấy chứng nhận bị tại nạn hoặc bệnh nghề do cơ quan chủ quản cấp.
3. Đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong thời gian 03 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp
- Bằng tốt nghiệp THCS (bản sao) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
III. Yêu cầu về hồ sơ trợ cấp xã hội
1. Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, vượt khó học tập
- Đơn xin hưởng trợ cấp xã hội (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy hộ nghèo của chính quyền địa phương phường xã cấp. (Bản gốc để đối chiếu và bản phô tô công chứng);
- Giấy chứng nhận HSSV thuộc hộ nghèo có xác nhận của Phường (xã) (theo mẫu).
2. Học sinh sinh viên con dân tộc ít người ở vùng cao
- Đơn xin hưởng trợ cấp xã hội (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận con dân tộc ít người vùng cao của chính quyền địa phương nơi gia đình học sinh sinh viên cư trú;
- Giấy khai sinh bản gốc (nếu giấy khai sinh bị mất) thì nạp giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ (bản gốc) và bản phô tô công chứng;
- Hộ khẩu phô tô công chứng.
3. Học sinh sinh viên con mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa
- Đơn xin hưởng trợ cấp xã hội (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy chứng nhận mồ côi không người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên của cơ quan thương binh xã hội cấp quận, huyện, thị xã trên cơ sở đề nghị của phường, xã nơi sinh viên cư trú.
IV. Yêu cầu về hồ sơ hỗ trợ chi phí học tập
- Đơn xin hỗ trợ chi phí học tập (theo mẫu);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy chứng nhận HSSV thuộc hộ nghèo (hoặc cận nghèo) của chính quyền địa phương phường xã cấp (bản gốc để đối chiếu và bản phô tô công chứng).
* Lưu ý:
- Mẫu đơn xin miễn, giảm học phí, xin trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập (theo mẫu do Phòng Quản trị & Công tác HSSV cấp).
- HSSV cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ có cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất.
- HSSV thuộc diện hưởng các chế độ bị tạm dừng học tập, khi trở lại học phải làm lại hồ sơ.
- Các bản sao đều có chứng thực, đóng giáp lai và có giá trị trong vòng 06 tháng kể từ ngày ký.
- Chính sách Trợ cấp ưu đãi, vay vốn tín dụng học tập: nhà trường hướng dẫn và xác nhận hồ sơ theo quy định cho HSSV làm căn cứ thực hiện chế độ ưu đãi tại địa phương.
V. Thời gian và địa điểm nộp hồ sơ
Thời gian: Học kỳ II từ 01/4 đến 24/4
Địa điểm: Phòng Quản trị & Công tác HSSV (phòng 110 nhà Hiệu bộ)
Việc xét miễn, giảm học phí; trợ cấp xã hội; hỗ trợ chi phí học tập được xét theo học kỳ, vì vậy HSSV phải nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời gian quy định. Nhà trường không giải quyết trường hợp HSSV nộp hồ sơ không đầy đủ và không đúng thời gian quy định. Nhận được thông báo này yêu cầu Trưởng các khoa thông báo rộng rãi cho HSSV biết và thực hiện./.
Xem tin theo ngày: