Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

Con người cũng vậy. Chúng ta thường phán xét một người dựa trên vẻ ngoài của họ nhưng ít khi hiểu được rằng, đằng sau khuôn mặt đó, nụ cười đó, ánh mắt đó hay hành vi lạ lùng của họ là cả một thế giới đầy rẫy những mối lo toan, suy nghĩ, trăn trở hay những nỗi muộn phiền mà chỉ có họ mới hiểu được. Họ đang "diễn" nốt vai của mình và chắc chắn, họ đã làm tốt. Bạn cũng vậy, cũng đang trong một vở kịch mang tên "cuộc đời", vậy thì đừng chỉ dựa vào những gì họ nói ra hay hành động của họ để phán xét. Chẳng ai khẳng định sẽ đủ mạnh mẽ và tươi cười khi bị người khác chỉ trích, đặc biệt là những lời chỉ trích không có căn cứ.

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

Cuộc sống có rất nhiều sự việc xảy ra mà chẳng thể nào chúng ta hiểu rõ được bản chất. Chính vì vậy, không thiếu những lần vì quá vội vàng mà chúng ta đã đưa ra những lời phán xét xét làm tổn thương người khác, khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn và cuối cùng, đến khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Câu chuyện dưới đây chính là lời nhắc nhở dành cho mỗi người: đừng bao giờ đánh giá dựa trên suy nghĩ chủ quan mà hãy xem xét trên tất cả các phương diện.

Một lần Khổng Tử đi du thuyết từ Lỗ sang Tề có dẫn theo một số học trò xuất sắc nhất, trong đó có Nhan Hồi và Tử Lộ.

Thời đó, chiến tranh liên miên, dân chúng lầm than, đói khổ và thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Mặc dù nhiều ngày còn phải nhịn đói, thiếu nước nhưng không một ai kêu ca, than vãn. May mắn thay, khi đặt chân đến đất Tề, một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Sau khi Tử Lộ dẫn những người khác vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, còn Khổng Tử nằm đọc sách. Đang lúc ngẫm nghĩ từng câu chữ, một tiếp "cộp" từ nhà bếp vọng lên khiến Khổng Từ ngừng đọc. Khi liếc mắt nhìn xuống, Khổng tử thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay, nắm lại nắm nhỏ và cho vào mồm. Thấy vậy, Khổng Tử vô cùng thất vọng, ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi! Học trò xuất sắc của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!"

Một lúc sau, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về và sau khi luộc rau xong, tất cả liền mời Khổng Tử xuống nhà xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: "Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch,vẫn yêu thương đùm bọc nhau và một dạ theo thầy. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, thật may mắn khi thầy trò ta có được một bữa cơm, khiến thấy chạnh lòng nhớ đến quê hương và cha mẹ.... thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Tất cả các môn sinh, trừ Nhan Hồi đều chắp tay thưa: "Dạ, thư thầy, nên ạ". Khổng Tử lại nói: "Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?"

Lúc bấy giờ, Nhan Hồi lễ phép nói: "Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch. Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em ...Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi ... bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và ... thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!".

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử than rằng: "Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt nữa thì Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!".

Vậy nên, đừng vội vàng phán xét hay chỉ trích người khác khi bạn chưa thực sự hiểu rõ về hành động của họ.

Đánh giá (evaluate): tính toán, đo lường và nhận định về giá trị, tầm quan trọng, chất lượng, số lượng hoặc tính đúng sai tốt xấu của một sự vật, sự việc hoặc người nào đó.

Phán xét (judge): đưa ra đánh giá cuối cùng mang tính quyết định dựa trên các đánh giá trước đó.

Ví dụ bạn có một món ăn để qua đêm. Bạn xem xét và nhận định món ăn này đã nổi váng, bốc mùi (Đó là đánh giá). Bạn quyết định món ăn này đã hỏng, cần phải đổ đi (Đó là phán xét).

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

2.Không ai sống mà không phán xét:

Đôi khi chúng ta vẫn thường nghe ai đó hay nói những câu đại loại như “Đừng phán xét người khác!” như thể cả đời họ chưa bao giờ phán xét vậy. Thực ra họ phán xét rất nhiều, họ phán xét mỗi ngày, họ phán xét nhiều lần trong một ngày. Họ phán xét, bạn phán xét, tôi phán xét, tất cả chúng ta đều phán xét bởi vì không có ai sống mà không hề phán xét.

Bạn luôn phán xét trong mỗi hoạt động của đời sống hàng ngày. Khi bạn chọn món ăn cho bữa tối (“Tôi không ăn món này vì nó có hại cho sức khỏe của tôi”), bạn đang phán xét. Khi bạn đi mua một chiếc điện thoại mới và so sánh giữa 2 mẫu điện thoại (“Điện thoại A phù hợp với nhu cầu của tôi hơn điện thoại B nên tôi sẽ mua nó”), bạn đang phán xét. Không chỉ phán xét đồ vật và sự việc, bạn còn phán xét người khác. Phán xét là một điều tự nhiên, một điều tất yếu. Xét về bản chất, phán xét không phải là một điều xấu bởi chính nó. Không ai có thể sống mà không ra quyết định, và không ai có thể ra quyết định mà không phán xét. “Đừng phán xét” chỉ là một lời tuyên truyền ngớ ngẩn được tạo ra bởi những kẻ hoặc có tinh thần quá yếu đuối hoặc muốn che đậy những sai lầm,tội lỗi của bản thân. Một con người có lòng tự trọng sẽ không sợ bị phán xét và đồng thời cũng không sợ phán xét người khác.

Tại sao bạn đi học? Tại sao bạn đọc sách? Tại sao bạn muốn có thêm nhiều kiến thức? Tại sao bạn muốn có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn? Chẳng phải là để bạn có thể đưa ra nhiều phán xét chính xác hơn đó sao? Với nhiều phán xét chính xác hơn, bạn sẽ đưa ra được nhiều quyết định tốt hơn. Với nhiều quyết định tốt hơn, bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Ngay khi đang đọc bài viết này, bạn cũng đang phán xét một cách vô thức hoặc một cách có ý thức. Bạn đang xem xét tính đúng sai của từng câu, từng chữ mà bạn đang đọc, bạn so sánh nó với hệ thống quan điểm và thế giới quan của bạn. Tốt thôi, hãy phán xét. Tôi không hề thấy phiền nếu bạn phán xét.

Phán xét không phải là vấn đề. Vấn đề là phán xét đó đúng hay sai, phán xét đó dựa trên thông tin khách quan hợp lý hay hời hợt võ đoán, phán xét đó xuất phát từ thiện ý hay ác ý.

“Rất ít người có đủ trí tuệ để ưa thích những lời chỉ trích làm cho họ trở nên tốt lên hơn những lời ca ngợi dối trá.” - Françoisde La Rochefoucald

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

3.Xuất xứ và ý nghĩa của câu nói “Đừng đánh giá/phán xét một cuốn sách bằng bìa của nó”:

“Đừng đánh giá/phán xét một cuốn sách bằng bìa của nó” có xuất xứ từ một câu thành ngữ tiếng Anh “Don't judge a book by its cover”. Ý nghĩa của câu nói này về cơ bản là: bạn không nên đưa ra các giả định về giá trị của một người dựa trên những gì bạn nhìn thấy ở bề ngoài của người đó. Rộng hơn mà nói, câu thành ngữ này khuyên bạn không nên đánh giá một người khi chưa thu thập đầy đủ thông tin về người đó.

Câu thành ngữ trên dựa trên niềm tin rằng:cho dù bề ngoài của một người (hình dáng của họ, cách họ ăn mặc, cách họ nói chuyện, thái độ của họ…) như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng không nói lên được“con người thật” của họ ẩn sâu bên trong, và cách họ tương tác với thế giới thì không liên quan gì với việc họ thật sự là ai.

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

4.Về những cuốn sách (nghĩa đen):

Bây giờ, hãy thử tưởng tượng bạn là một người đi mua sách và lúc này đây bạn đang bước chân vào nhà sách.

Bạn cầm lên một cuốn sách, không mở nó ra, chỉ nhìn bìa sách. Bạn có thể biết được những thông tin gì chỉ từ bìa sách đó?

  • Nhìn thoáng qua hình minh họa và phong cách trình bày ở mặt trước cuốn sách, thậm chí chưa cần đọc tên sách và tên tác giả, bạn có thể dễ dàng đoán được cuốn sách này thuộc thể loại nào với một mức độ chính xác gần như tuyệt đối. Nếu hình minh họa là ảnh chân dung của tác giả, font chữ vuông vắn và nghiêm túc, cuốn sách đó thuộc thể loại khoa học hoặc sách kỹ năng, nghệ thuật sống. Nếu hình minh họa là một cô gái, hoặc một người đàn ông, hoặc một cặp đôi với biểu hiện tình cảm đặc trưng, bạn dễ dàng nhận ra đó là một tiểu thuyết tình cảm. Các thể loại sách khác như sách thiếu nhi, truyện tranh, văn học cổ điển, sách kỹ thuật, sách nấu ăn… cũng có những dấu hiện đặc trưng riêng mà chỉ cần nhìn sơ qua bìa của chúng, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra được.
  • Trên bìa luôn có tên của cuốn sách. Dựa vào nó bạn hầu như có thể đoán được phần nào nội dung chủ đạo của cuốn sách.
  • Tên tác giả. Nếu đó là một tác giả bạn quen thuộc và những cuốn sách trước đó của tác giả này có chất lượng khá tốt, xác suất cao là cuốn sách này cũng sẽ không quá tệ.
  • Giá của cuốn sách. Thông tin này cho biết cuốn sách này có phù hợp túi tiền của bạn không.
  • Lời nhận xét của độc giả. Nhiều cuốn sách cho đăng một số lời nhận xét về cuốn sách ở bìa sau của nó.
  • Ước lượng số trang của cuốn sách dựa trên bề dày của nó.

Nhiều thông tin, đúng không? Tất nhiên để quyết định có bỏ tiền ra mua cuốn sách đó hay không, chỉ nhìn vào bìa cuốn sách là chưa đủ. Thường thì bạn phải mở cuốn sách đó ra, xem sơ phần mục lục, đọc lướt qua vài trang, nếu cảm thấy ưng ý bạn mới quyết định mua nó. Nhưng ít nhất bìa của những cuốn sách đã giúp bạn giảm bớt thời gian khi lựa chọn những cuốn nào nên đọc thử. Đứng trước kệ sách với hàng trăm đầu sách khác nhau thuộc thể loại bạn muốn mua, bạn lọc bớt những cuốn có giá quá cao, bỏ qua những tác giả mà bạn không thích, lại tiếp tục bỏ qua những cuốn có tiêu đề không gợi hứng thú cho bạn, còn lại mười cuốn. Bạn đọc sơ qua mười cuốn này rồi quyết định mua hai cuốn trong số đó. Nhờ vào việc đánh giá dựa trên bìa sách, bạn đã giới hạn những cuốn sách mà bạn cần đọc thử từ hàng trăm xuống tới mười, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

5.Về việc phán xét con người qua bề ngoài của họ:

Phán xét như thế nào là tốt? Tất nhiên là độ chính xác càng cao càng tốt. Mà muốn đạt được độ chính xác cao khi phán xét, chúng ta thu thập thông tin càng đầy đủ càng tốt.

Nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian cần thiết để thu thập thông tin. Do đó chúng ta buộc phải học cách ra quyết định dựa trên xác suất, học cách đánh giá sự việc và con người thông qua những biểu hiện bề ngoài. Hàng ngày, chúng ta đưa ra rất nhiều phán xét và quyết định trong tình trạng thiếu hụt thông tin. Bạn có một cơ hội làm ăn, nếu chờ đợi cho đến khi nắm chắc 100% thì cơ hội đã trôi tuột đi mất từ lúc nào, ngay thời điểm cơ hội tới bạn buộc phải đưa ra quyết định tham gia hay từ bỏ. Bạn đang đi trong một con hẻm tối bỗng nhiên phát hiện có hai kẻ lạ mặt đang bám theo bạn, trực giác của bạn báo động cho bạn biết rất có thể hai kẻ khả nghi sau lưng bạn là hai tên cướp đang chuẩn bị hành hung bạn. Lúc này bạn tin theo trực giác của bạn và chuẩn bị các biện pháp đề phòng hay chờ cho tới lúc gặp chuyện không hay rồi mới đưa ra phán xét?

Phán xét có thể sai, đặc biệt là phán xét khi chưa thu thập đầy đủ thông tin cần thiết. Nhưng không phải vì thế mà bạn không phán xét. Phán xét là một bộ phận tất yếu của cuộc sống, và phán xét với sự thiếu hụt về thông tin, phán xét dựa trên bề ngoài là những trường hợp phổ biến tất yếu của phán xét.

Đừng ngại việc phán xét người khác qua vẻ bề ngoài, miễn là nó không đi kèm với ác ý hoặc gây tổn hại cho họ.

Bạn nhìn thấy một người có biểu hiện đáng nghi, bạn khẳng định với mọi người xung quanh rằng người đó là kẻ trộm mà không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Đó là bạn đang vu khống, đó là hành động ác ý gây tổn hại tới người đó.

Bạn nhìn thấy một người có biểu hiện đáng nghi đang bám theo bạn, bạn tìm cách tránh xa người đó. Đó là hành động tự vệ chính đáng, không có ác ý.

Vấn đề không phải là bạn có phán xét con người qua vẻ bề ngoài hay không, vấn đề là cách bạn hành động với phán xét đó.

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

6.Dù bạn có phán xét người khác qua vẻ ngoài hay không, đa số mọi người vẫn sẽ phán xét bạn qua vẻ ngoài của bạn. Và họ làm như thế là đúng.

Tới đây, tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện xảy ra cách đây khá lâu. Nhiều năm về trước, khi tôi còn là sinh viên của trường Đại học Y Dược, lúc đó tôi phải đi thực tập ở một bệnh viện trong vòng 2 tuần. Nội dung thực tập cũng khá đơn giản, tuy nhiên cũng như các môn thực tập khác, sinh viên cần phải mặc áo blouse. Ngày đầu tiên, theo thói quen tôi mặc sẵn áo blouse, lúc bước từ cổng bệnh viện qua sân, rồi đi dọc theo một dãy nhà tới địa điểm thực tập, tôi đã bị bệnh nhân chặn lại hỏi 3 lần. Bởi vì lúc đó hầu hết các bác sĩ đang ở trong phòng khám nên tôi là “bác sĩ” duy nhất bước đi trên sân bệnh viện. Các bệnh nhân đã nhầm tưởng tôi là bác sĩ, bởi theo quan niệm của họ, trong bệnh viện chỉ có bác sĩ mới mặc áo blouse. Và sau một hồi giải thích cho họ hiểu tôi chỉ là sinh viên thực tập chứ không phải bác sĩ, tôi mới thoát ra được. Rõ ràng trong trường hợp này, các bệnh nhân đã có một phán xét sai dựa trên vẻ bề ngoài. Họ phán xét tôi là bác sĩ bởi vì tôi mặc áo blouse trong bệnh viện. Nhưng đó có phải là lỗi của họ không? Không! Hoàn toàn không. Họ không hề có lỗi, đó hoàn toàn là lỗi của tôi. Bởi vì việc sinh viên thực tập tại bệnh viện là một việc khá hy hữu và những bệnh nhân này chắc chắn sẽ không nghĩ tới được.Lỗi của tôi là đã không lường trước được điều đó. Rút kinh nghiệm, ngày thứ hai thực tập tôi đã không mặc sẵn áo blouse từ trước nữa, chỉ đến khi đã đứng trước cửa phòng thực tập, lúc này tôi mới khoác vào chiếc áo blouse.

Một ví dụ khác: Hai ứng cử viên tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc vào công ty nọ. Hai người có năng lực chuyên môn ngang nhau, bằng cấp như nhau, đều thông minh và có khả năng sáng tạo xuất sắc, đáp ứng đẩy đủ yêu cầu của công việc. Tuy nhiên một người ăn mặc chỉnh tề lịch sự, đến phỏng vấn đúng giờ, người thứ hai ăn mặc lôi thôi lếch thếch, đến phỏng vấn muộn 10 phút, cử chỉ tùy ý, ăn nói suồng sã. Trong hầu hết các trường hợp, ứng cử viên thứ nhất sẽ được chọn và ứng cử viên thứ 2 sẽ bị loại. Bởi vì người thứ 2 gợi nên cảm giác anh ta là một người thích nổi loạn, vô kỷ luật và khó hòa nhập với văn hóa công ty.

Nếu bạn là một anh chàng hiền lành, tốt bụng nhưng bị người khác e dè, tránh né, bạn oán tránh mọi người vì họ đánh giá bạn như một tên du côn chỉ do đầu tóc, cách ăn mặc, hành vi cử chỉ của bạn. Vậy tại sao một người hiền lạnh như bạn lại ăn mặc và hành xử như một tên du côn? Nếu bạn không muốn người khác đánh giá sai về bạn thì tốt nhất bạn không nên tạo ra một tình trạng trong ngoài bất nhất như vậy.

Nếu bạn là một cô gái nhà lành, bạn nổi điên lên khi một người đàn ông dừng xe lại hỏi bạn giá bao nhiêu một đêm. Nhưng bạn lại quên mất rằng chính cách ăn mặc của bạn khiến cho người ta hiểu lầm rằng bạn là một cô gái bán hoa.

Bạn là một người trưởng thành có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng mỗi lần lên mạng bạn lại văng tục chửi thề, gây sự khắp nơi. Như vậy cũng khó trách mọi người đánh giá bạn là một đứa trẻ trâu tám,chín tuổi.

Mọi người sẽ luôn phán xét bạn qua vẻ bề ngoài. Nếu không muốn người khác đánh giá sai lầm về bạn, vậy thì đừng tạo ra ấn tượng sai lầm.

“Đừng sợ những lời chỉ trích của người khác. Nếu không có những thông tin phản hồi như vậy, công việc của bạn chỉ là những ảo tưởng cá nhân.” - Robert Greene

Đừng đánh giá quyển sách chỉ qua bìa sách

7.”Sợ bị phán xét” là một đặc điểm mang tính nữ:

Sự phán xét vốn thẳng thắn và khắc nghiệt. Nó bóc trần những tật xấu bên trong con người. Nó phá tan sự tự mãn. Chính vì vậy nó bị nhiều người sợ hãi và thù ghét.

Bởi đa cảm thuộc về bản chất của tính nữ, cho nên phụ nữ và những người đàn ông ẻo lả thường là những người khó chấp nhận sự phán xét nhất. Có vô số ví dụ thực tế và hư cấu trong lịch sử khẳng định điều này, trong đó nổi bật nhất là câu chuyện “Phán xét của Paris” – nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến thành Troy:

Theo sử thi Illiad, nữ thần Bất hoà Eris đã lấy một quả táo vàng, ghi lên đó dòng chữ "Tặng vị nữ thần đẹp nhất" rồi ném nó vào bàn tiệc. Cuộc tranh cãi giữa 3 vị nữ thần, Hera - vợ thần Zeus, Athena - nữ thần chiến tranh và trí tuệ và Aphrodite - nữ thần tình yêu, để giành quả táo diễn ra quyết liệt. Cuối cùng, họ phải nhờ đến người phân xử là hoàng tử Paris, con vua Priam của thành Troy. Ba vị nữ thần tìm cách hối lộ Paris như sau: Athena sẽ giúp chàng trở thành chiến binh bất khả chiến bại, Hera sẽ giúp chàng có được quyền lực, còn Aphrodite sẽ giúp chàng có được một người vợ xinh đẹp nhất thế gian. Cuối cùng, Paris đã chọn Aphrodite. Thua cuộc, Hera và Athena thề sẽ tiêu diệt thành Troy, nơi cha của Paris đang trị vì.

Tất nhiên không khó để dự đoán, nếu Paris không chọn Aphrodite mà chọn một trong hai nữ thần còn lại, kết quả cũng sẽ không có gì khác biệt.