Giao dịch nguồn vốn là gì

Thanh Toán Giao Dịch Vốn, Làm Sao Cho Đúng?

11/03/2020 admin2020-03-11T14:26:06+07:00

Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, khi Luật Đầu Tư và Luật Doanh Nghiệp chính thức có hiệu lực, môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có được điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút được nguồn vốn đầu tư khi mà các điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư được quy định một cách rõ ràng và minh bạch. Qua đó, các giao dịch chuyển nhượng vốn, góp vốn hay còn được gọi chung là các giao dịch vốn giữa các nhà đầu tư được thực hiện thường xuyên.

Để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, các giao dịch vốn cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật bao gồm các điều kiện để các bên có thể tiến hành giao dịch và các quy định mà các bên cần tuân thủ khi thực hiện thanh toán. Thông thường, các điều kiện để giao dịch được thực hiện luôn được các nhà đầu tư và doanh nghiệp tuân thủ vì đây là điều kiện tiên quyết của giao dịch. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều thường xuyên quên tuân thủ các quy định pháp luật khi thực hiện thanh toán, đặc biệt là các giao dịch vốn trong doanh nghiệp vừa và nhỏ vì lý do không biết để tuân thủ. Hậu quả của việc không tuân thủ quy định pháp luật về thanh toán trong giao dịch vốn là (i) doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định pháp luật, (ii) doanh nghiệp và các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc chứng minh các nhà đầu tư đã hoàn tất giao dịch vốn, (iii) nhà đầu tư nước ngoài không thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài do không thể chứng minh dòng tiền góp vốn được chuyển một cách hợp pháp.

Do đó, để tuân thủ các quy định pháp luật khi thực hiện thanh toán giao dịch vốn, các bên cần xác định được các yếu tố bao gồm: (i) giao dịch vốn là giao dịch chuyển nhượng vốn hay giao dịch góp vốn, (ii) giao dịch vốn có diễn ra doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không? (iii) các bên trong giao dịch là người cư trú hay người không cư trú? (iv) các bên trong giao dịch là cá nhân hay tổ chức? Căn cứ trên các yếu tố được xác định, cấu trúc thanh toán giao dịch vốn cụ thể bao gồm:

  • Trong trường hợp giao dịch góp vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc góp vốn của các nhà đầu tư đều được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật về ngoại hối.
  • Trong trường hợp giao dịch góp vốn tại doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì:
    • Nhà đầu tư là người không cư trú phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng thương mại tại Việt Nam để thực hiện chuyển tiền góp vốn vào tài khoản của doanh nghiệp.
    • Nhà đầu tư là tổ chức là người cư trú phải thực hiện việc góp vốn bằng cách chuyển khoản ngân hàng.
    • Đối với nhà đầu tư cá nhân là người cư trú thì pháp luật không có quy định cụ thể, nên có thể góp vốn thông qua tài khoản ngân hàng hoặc góp bằng tiền mặt.
  • Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn diễn ra giữa các nhà đầu tư cá nhân là người cư trú, việc thanh toán giao dịch vốn có thể được thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản giữa các nhà đầu tư cá nhân với nhau khi pháp luật hiện hành không có hướng dẫn chi tiết đối với vấn đề này.
  • Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn diễn ra giữa các nhà đầu tư là người cư trú và một trong các bên là tổ chức, việc thanh toán phải được thực hiện bằng hình thưc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của các bên.
  • Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn diễn ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các nhà đầu tư là người không cư trú (không phân biệt cá nhân hay tổ chức), việc thanh toán giữa các nhà đâu tư có thể được thực hiện thông qua tài khoản của các nhà đầu tư tại nước ngoài. Trường hợp này, pháp luật về ngoại hối chỉ quy định việc thanh toán của các nhà đầu tư không thực hiện qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của công ty.
  • Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn diễn ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa nhà đầu tư là người cư trú và nhà đầu tư là người không cư trú, giá trị thanh toán phải được bên mua chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp và từ đây giá trị thanh toán tiếp tục được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bên bán.
  • Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn diễn ra tại doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà một trong các bên là người không cư trú thì việc thanh toán phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của (các) nhà đầu tư là người không cư trú.

Trên đây là vấn đề mà doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần lưu ý tuân thủ khi thực hiện thanh toán giao dịch vốn để có thể hạn chế được các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong tương lai.

Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (Phần 2)

admin2021-12-17T09:37:21+07:00

Như đã trình bày ở bài viết trước, khác với việc tiến hành khởi kiện tại Tòa Án, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều vấn đề đặc biệt cần lưu ý. Bên cạnh các vấn đề về kiểm tra tính hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và thực hiện các công việc để đảm bảo quyền lựa chọn trọng tài, các vấn đề dưới đây cũng là những công việc quan trọng nhưng lại thường chưa được quan tâm đúng mực:

Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (Phần 1).

3. Lựa chọn và phỏng vấn trọng tài viên

Một điểm khác biệt cơ bản khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với quy trình tố tụng của Tòa án là các bên sẽ được quyền lựa chọn trung tâm trọng tài và cả trọng tài viên để giải quyết tranh chấp của mình. Quy định này cho phép các bên tranh chấp được lựa chọn những trọng tài viên có chuyên môn và kỹ năng phù hợp nhất cho tranh chấp của các bên.

Xuất phát từ tính chung thẩm của phán quyết trọng tài, các bên cần thực sự cẩn trọng trong việc lựa chọn trọng tài viên để giải quyết tranh chấp của mình.

Tuy nhiên, một hội đồng trọng tài giỏi chỉ khi có trọng tài viên giỏi, việc hội đồng trọng tài có đủ năng lực giải quyết tranh chấp giữa các bên không sẽ phụ thuộc nhiều vào những trọng tài viên mà các bên lựa chọn. Trên thực tế, khi lựa chọn trọng tài viên, các bên thường có xu hướng chọn những trọng tài viên nổi tiếng hoặc có quen biết với mình, cách lựa chọn này tuy có nhiều lợi ích, nhưng cũng không hẳn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Theo quan điểm của tác giả, trọng tài viên được lựa chọn nên là trọng tài viên phù hợp, họ không cần phải quá nổi tiếng nhưng phải có kiến thức, chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, việc xem xét quan điểm của người được lựa chọn về vấn đề pháp lý tranh chấp cũng là một vấn đề để xem xét.

Ngoài ra, trước khi chính thức nộp hồ sơ chỉ định trọng tài viên, bên chỉ định nên dành thời gian để phỏng vấn sơ bộ đối với trọng tài viên mình dự định chỉ định về thời gian, chuyên môn, kinh nghiệm của họ đối với các vụ việc tương tự trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc trao đổi này chỉ là về quan điểm và những vấn đề chung nhằm đảm bảo trọng tài viên được chỉ định có đủ thời gian nghiên cứu và giải quyết vụ việc một cách tốt nhất, không đi sâu và tránh làm lộ quá nhiều thông tin vụ việc vì người này vẫn chưa được chính thức chỉ định làm trọng tài viên.

4. Lưu ý thực hiện quyền phản đối trong tố tụng trọng tài

Khi thực hiện tố tụng tại Tòa Án, nếu phát hiện Tòa án có sai sót trong quá trình giải quyết vụ án, và vụ việc đang được giải quyết theo hướng bất lợi cho mình. Bên bị bất lợi thường có xu hướng giữ bí mật các sai sót tố tụng đó lại để kháng cáo phúc thẩm hoặc yêu cầu xem xét lại theo thủ tục tái thẩm/giám đốc thẩm. Tuy nhiên, chiêu trò này sẽ không thể áp dụng khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài bởi tố tụng trọng tài không có thủ tục xem xét lại bản án.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 13 LTTT, trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án. Do đó, dù là không đồng ý với thẩm quyền trọng tài hay các vi phạm về nội dung, thủ tục trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên phải ngay lập tức thực hiện quyền phản đối để tránh trường hợp bị mất quyền.

Thực hiện tố tụng tại trọng tài là một quá trình dài và đòi hỏi người thực hiện phải có những kinh nghiệm và kiến thức nhất định, loạt bài giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và những vấn đề cần lưu ý này cũng không thể bao quát được hết tất cả những vấn đề phát sinh, tuy nhiên, chúng tôi mong rằng loạt bài viết này cũng đã mang lại được cho người đọc một số kiến thức hữu ích về việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài để có thể vận dụng trong tương lai.

Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (P1)

admin2021-12-17T09:40:43+07:00

Trọng tài thương mại, với tư cách là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, từ lâu đã trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp được ưa chuộng và được sử dụng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại quốc tế.

Mặc dù du nhập vào Việt Nam từ khá sớm (khoảng cuối thế kỷ XIX), chế định trọng tài mới chỉ thật sự được quan tâm đúng mực và ghi nhận với tư cách là một cơ quan tài phán từ sau Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003. Tuy còn nhiều hạn chế về nội dung nhưng pháp lệnh trọng tài 2003 mang ý nghĩa quan trọng về mặt điều chỉnh pháp luật, là nền tảng pháp lý cho trọng tài Việt Nam tiếp cận, hoà nhập với xu hướng chung của nền tài phán trọng tài quốc tế. Đến Luật trọng tài thương mại 2010, các hạn chế về thẩm quyền trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu đã được khắc phục, giúp phương án giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trở nên rõ ràng về mặt pháp lý, dễ áp dụng và cũng dần được áp dụng phổ biến hơn tại Việt Nam.

Tuy cùng là biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa Án và Trọng tài có nhiều điểm khác biệt, bài viết này sẽ đưa ra một số điểm cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài để bạn đọc cùng xem xét:

1. Xem xét điều kiện có hiệu lực của Thỏa thuận trọng tài

  • Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực Trọng tài có thẩm quyền giải quyết

Không phải tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài. Trọng tài chỉ có thẩm quyền các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM, gồm:

  1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
  • Có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Khác với thẩm quyền của Tòa án được quy định bởi luật và phát sinh một cách tự động, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài chỉ phát sinh nếu các bên có thoả thuận. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

  • Không thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Về hình thức: Theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản.

Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

  • Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Về các vấn đề khác: Nhìn chung, từ khi soạn thảo một điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay bắt đầu giải quyết tranh chấp tại trọng tài, vấn đề hiệu lực của thỏa thuận trọng tài nên được đặt ra xem xét đầu tiên. Các bên nên tham khảo các trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại và được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để thực hiện cho phù hợp.

2. Thực hiện thỏa thuận lại trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng

Dù quy định về trọng tài đã được đổi mới và thuận lợi hơn rất nhiều từ sau Luật trọng tài thương mại 2010, nhưng thực tế, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng 2-3 năm ở lại đây. Rất nhiều những tranh chấp được giải quyết tại trọng tài xuất phát từ những hợp đồng đã được soạn thảo và ký kết từ nhiều năm trước, do đó không tránh khỏi việc có những thiếu sót trong thỏa thuận trọng tài như không chỉ rõ hình thức trọng tài (quy chế hay vụ việc) hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể.

Khi thuộc vào các trường hợp thỏa thuận trọng tài không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể như nêu trên, các bên cần lưu ý quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật TTTM về việc phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

Mặc dù việc áp dụng quy định về thỏa thuận lại nêu trên trên thực tế có là một điều kiện bắt buộc để nguyên đơn có quyền lựa chọn tổ chức trọng tài hay không vẫn còn đang tranh cãi. Nhưng các bên với tư cách là bên đi kiện cũng nên lưu ý vấn đề thỏa thuận lại để đảm bảo hơn quyền lựa chọn trong tài của mình.

Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài (P2).

E-Signatures Under The Laws Of Vietnam

admin2021-12-15T15:31:18+07:00

The Covid-19 pandemic has impacted the global economy, changed the way most businesses operate and changed traditional trading habits. Under the influence of social distancing, travel restrictions and suspension of commercial flights, the form of work or face-to-face transaction has faced significant obstacles. Instead, during the stressful epidemic period, most businesses work online instead of at the office and conduct online transactions through e-signatures and e-contracts instead of traditional transactions. So, what is an e-signature, and does it have legal validity? Within the scope of this article, the author will focus on analyzing the provisions of Vietnamese laws related to this issue.

1. E-signature:

When referring to the concept of e-signature, many people think about the concept of digital signature and equate these two concepts as one. However, this is a misconception, in essence, e-signature is a general concept including the concept of digital signature. An electronic signature is established in the form of words, letters, numerals, symbols, sounds or other forms by electronic means, logically attached or associated with a data message and capable of certifying the person who has signed the data message as well as the approval of such person to the content of the signed data message. Meanwhile, digital signature means a form of e-signature created by the transformation of a data message using asymmetric cryptography in which those who have initial data messages, and the public key of the signatory can be determined exactly: (a) The above transformation is created by the correct private key corresponding to the public key in the same key pair; (b) The integrity of the content of data messages since the implementation of the mentioned above transformation. Currently, digital signatures (also called token) are widely used for paying taxes online, submitting customs declarations, social insurance, issuing invoices or transacting with banks. This type of signature is rarely used for signing contracts.

In addition to digital signatures, image signatures and scanned signatures are also forms of e- signatures. As for the image signature, this type of signature is commonly used for low-value contracts, signed many times, and applied in cases the parties are not in the same place to be able to sign directly. When using an image signature, the signatory will insert an image of his/her signature into the signature box in the e-contract and send it via email. Regarding the scanned signature, this type of signature is commonly used for cases in which the parties entering into the contract have difficulties in terms of geographical distance. To use the scanned signature, the signatory will print the e-contract and directly sign the contract. After that, the signed paper contract will be converted into electronic form by taking photographs or scanning and sending it to other parties via email.

Although Vietnamese laws already have provisions governing e-signatures. However, in fact, these regulations only apply to digital signatures, not the use of scanned signatures and image signatures. Specifically, regulations on the legal value of e-signatures are stated in Article 24 of the Law on Electronic Transactions 2005 and guided by Article 8 of Decree 130/2018/ND-CP. Both these regulations only deal with the case of digital signatures., especially Article 8 of Decree 130/2018/ND-CP is also specifically called legal value of digital signatures.

Accordingly, an e-signature is legally valid when satisfying the following conditions:

a) A method of creating an electronic signature that permits to identify signatories and indicating their approval of the contents of the data message;

b) The method is sufficiently reliable and appropriate to the purpose for which the data message was originated and sent.

The lack of legal documents regulating scanned signatures and image signatures makes the determination of the legal value of contracts and documents signed with these two types of signatures still controversial. However, according to the authors opinion, the fact that the image signature and the scanned signature have not been stipulated in any legal documents cannot affect the legal value of such types of signatures, if the signature is signed by the person having authority and can be capable of expressing the will of the signatory.

Chữ Ký Điện Tử Theo Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam

admin2021-12-15T15:29:15+07:00

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, làm thay đổi phương thức hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp mà còn thay đổi thói quen giao dịch truyền thống., Dưới ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển và tạm dừng các chuyến bay thương mại, hình thức làm việc hay giao dịch trực tiếp đã gặp trở ngại lớn. Thay vào đó, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn hình thức làm việc trực tuyến thay thế cho làm việc tại văn phòng và thực hiện giao dịch trực tuyến thông qua chữ ký và hợp đồng điện tử thay cho giao dịch truyền thống. Vậy chữ ký điện tử là gì và có giá trị pháp lý hay không? Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ tập trung phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này.

1. Chữ ký điện tử:

Nhắc đến khái niệm chữ ký điện tử nhiều người thường lầm tưởng đến khái niệm chữ ký số và đánh đồng hai khái niệm này là một. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm vì về bản chất chữ ký điện tử là một khái niệm chung, bao hàm khái niệm chữ ký số. Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Trong khi đó, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: (a) việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; và (b) sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên. Hiện nay, chữ ký số (còn được gọi là token) thường chỉ được sử dụng để thực hiện nộp thuế qua mạng, nộp tờ khai hải quan, bảo hiểm xã hội, phát hành hóa đơn hoặc thực hiện giao dịch với ngân hàng mà ít được các bên sử dụng để ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, bên cạnh chữ ký số, chữ ký hình ảnh và chữ ký scan cũng là các dạng của chữ ký điện tử. Đối với chữ ký hình ảnh, loại chữ ký này thường được sử dụng cho các hợp đồng có giá trị nhỏ, lặp đi lặp lại và áp dụng trong trường hợp các bên không ở cùng một địa điểm để có thể ký sống. Khi sử dụng chữ ký hình ảnh, người ký sẽ chèn hình ảnh chữ ký của mình vào ô chữ ký trong hợp đồng điện tử và gửi đi bằng thư điện tử. Đối với chữ ký scan, đây là loại chữ ký được sử dụng phổ biến trong trường hợp các bên tham gia giao kết hợp đồng có trợ ngại về khoảng cách địa lý. Để sử dụng chữ ký scan, người ký sẽ thực hiện in hợp đồng điện tử ra giấy và trực tiếp ký sống vào bản giấy của hợp đồng. Sau đó, hợp đồng giấy đã được ký sẽ được chuyển thành dạng điện tử bằng cách chụp lại hoặc quét hình và gửi đi cho các bên còn lại thông qua thư điện tử.

2. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử:

Mặc dù, hiện tại pháp luật Việt Nam đã có quy định điều chỉnh đối với chữ ký điện tử nhưng thực tế những quy định này chỉ áp dụng đối với chữ ký số mà chưa có quy định điều chỉnh đối với trường hợp sử dụng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Cụ thể, quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được ghi nhận tại Điều 24 Luật Giao Dịch Điện Tử 2005 và được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP. Nội dung của cả hai điều này đều chỉ đề cập đến trường hợp của chữ ký số, đặc biệt Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP còn được đặt tên cụ thể là giá trị pháp lý của chữ ký số. Theo đó, một chữ ký điện tử được xem là có giá trị pháp lý khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

Việc chữ ký scan và chữ ký hình ảnh chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào khiến việc xác định giá trị pháp lý của các hợp đồng cũng như văn bản được ký kết bằng hai loại chữ ký này vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả việc chữ ký scan và chữ ký hình chưa được quy định trong văn bản pháp quy không thể loại trừ giá trị pháp lý của hai loại chữ ký này nếu chữ ký được ký bởi người có thẩm quyền và thể hiện được ý chí của người ký.