Hành vi bôi xấu cán bộ xử lý thế nào

Khi bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nhiều người muốn đòi lại quyền lợi bằng cách yêu cầu bên kia phải bồi thường, công khai xin lỗi. Vậy, người bị làm nhục nên tố cáo tới cơ quan Công an hay kiện ra tòa?

1. Bị xúc phạm danh dự: Tố cáo tới công an hay kiện ra tòa?

Tại Điều 20 Luật Hiến pháp 2013 đã nêu rõ:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Theo đó, mọi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm. Người thực hiện hành vi làm nhục người khác có thể phải chịu các trách nhiệm sau:

- Bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021);

- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; mức phạt cao nhất là tư 02 - 05 năm tù).

- Bồi thường thiệt hại cho người bị làm nhục (Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015)

Trong đó, theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm phải gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cư trú (theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền tố cáo đến cơ quan công an để điều tra và xử phạt hành chính. Trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác.

Mặt khác, nếu không muốn người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết yêu cầu bồi thường.

Hành vi bôi xấu cán bộ xử lý thế nào
Anh N.V.T. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) được triệu tập đến cơ quan công an để làm việc sau khi đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Ảnh: Trần Danh

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, việc dùng MXH để bày tỏ bức xúc cá nhân với mục đích xúc phạm, vu khống cán bộ, chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

* Cẩn trọng khi dùng MXH để bày tỏ bức xúc cá nhân

Trong thời gian qua, phần lớn các trường hợp đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm cán bộ, chính quyền trên MXH đều bị phát hiện và xử lý nghiêm. Tuy nhiên vẫn không ngăn chặn được triệt để hành vi vi phạm. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức pháp luật của người dùng MXH còn hạn chế nên không nghĩ việc làm này của mình vi phạm pháp luật.

Gần nhất vào ngày 20-9, Công an H.Long Thành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với anh N.V.T. (26 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm Tỉnh ủy Đồng Nai trên MXH theo Điểm G, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Làm việc với cơ quan công an, anh N.V.T. thừa nhận, do nhận thức chưa đúng nên đã đăng tải thông tin gây xúc phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Sau khi nhận ra hành vi sai trái của mình, anh T. đã xóa bài đăng, đồng thời đăng lại thông tin đính chính và cam kết không tái phạm.

Ngoài ra còn có trường hợp vì bức xúc cá nhân dẫn tới hành vi sử dụng MXH để đăng bài, livestream vu khống, xúc phạm, hạ thấp uy tín cán bộ.

Cụ thể như trường hợp Nguyễn Văn Nhanh (28 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) bị TAND H.Trảng Bom tuyên phạt 1 năm tù vào ngày 7-1 về tội làm nhục người khác theo Khoản 2, Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện KSND cùng cấp, nhằm cản trở việc thi công công trình thủy lợi khu vực hồ Suối Đầm, cũng như việc xử lý những sai phạm về xây dựng, sử dụng đất đai khu vực hồ Suối Đầm của chính quyền các cấp; bôi nhọ, hạ thấp uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo, cá nhân liên quan trong việc giải quyết, thi công công trình, bị cáo Nhanh thường xuyên sử dụng 2 tài khoản Facebook gồm “Hồ Bàu Hàm”, “Người Bàu Hàm” để đăng tải, chia sẻ những thông tin về quá trình làm việc của các đoàn công tác liên quan.

Trong đó, vào 2 ngày 18-5-2020 và 8-6-2020, Nhanh livestream và sử dụng những từ ngữ xúc phạm, miệt thị, chửi rủa đối với Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu và Phó chủ tịch UBND huyện Lương Thị Lan. Sau đó, bà Châu và bà Lan đã gửi đơn tố cáo Nhanh xúc phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự đến Công an H.Trảng Bom.

* Có thể bị xử lý hình sự

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, hành vi xúc phạm, bôi nhọ chính quyền trên MXH sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ. Theo đó, cá nhân có hành vi lợi dụng MXH để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Điểm a, Khoản 1, Điều 101) và cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Điểm g, Khoản 3 Điều 102) bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập MXH quy định, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

 Về trách nhiệm hình sự, hành vi xúc phạm, bôi nhọ chính quyền còn có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Chẳng hạn như tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117) bị phạt tù từ 5-20 năm; tội phá rối an ninh (Điều 118) bị phạt tù từ 5-15 năm; tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331) bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm…

Riêng hành vi xúc phạm, bôi nhọ cán bộ trên MXH, ngoài xử lý hình sự về tội làm nhục người khác còn có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ (theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn khuyến cáo, Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rất rõ các hành vi bị cấm về an ninh mạng. Trong đó có việc cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Do đó, người dùng MXH cần thận trọng khi sử dụng MXH khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên MXH để tránh hành vi vi phạm pháp luật.

Đoàn Phú

.