Hãy so sánh tội trộm cắp và cướp

Tình trạng bắt trộm chó hiện đang gây nhức nhối ở nước ta, đặc biệt là ở nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên việc xử lý loại tội phạm này lại chưa thống nhất và chưa xử lý nghiêm để mang tính răng đe. Ngoài một số vụ án nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của con người đã từng bị pháp luật trừng trị, thì hầu hết các vụ trộm bị bắt đều chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính - đây là một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm chó ngày càng gia tăng về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm… Đó là chưa kể nếu bị đưa ra xét xử loại tội phạm này thì việc định tội danh cũng có khi chưa thỏa đáng.

Trước hết phải khẳng định rằng, hành vi chiếm đoạt chó của người khác là hành vi chiếm đoạt tài sản, tùy theo mức độ vi phạm để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi chiếm đoạt chó của người khác sẽ được xem là trộm cắp tài sản hay là cướp tài sản. Nếu xem đó là hành vi trộm cắp tài sản thì người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính (tài sản dưới hai triệu đồng và chưa bị xử phạt hành chính lần nào về hành vi chiếm đoạt, chưa được xóa án tích...) hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS). Nếu xem đó là hành vi cướp tài sản thì sẽ không xử phạt hành chính nữa mà phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS bởi tội cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức và ở điều luật không có quy định xử phạt hành chính như tội trộm cắp tài sản. Như vậy người có hành vi vi phạm chỉ có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản (trộm cắp chó) trong trường hợp giá trị tài sản chưa đến hai triệu đồng, chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt...

Theo ý kiến bản thân thì trong một số trường hợp cụ thể thì hành vi chiếm đoạt chó của người khác không chỉ đơn thuần là hành vi trộm cắp tài sản mà còn là hành vi cướp tài sản. Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết để chiếm đoạt tài sản. Hành vi lén lút chiếm đoạt chó của người khác có thể là lợi dụng chủ sở hữu không trông giữ, không có nhà để bắt trộm hoặc cũng có thể là hành vi công khai nhưng công khai với những người không phải là chủ sở hữu. Ví dụ: Nguyễn Đình C có ý định vào nhà ông A để bắt trộm chó, lúc này phía ngoài nhà ông A có một số công nhân đang thi công đường giao thông. Tuy nhiên, C vẫn vào nhà ông A mở dây xích chó và dắt đi một cách bình thản giống như mình là chủ nhà, công nhân thi công đường ở đó tưởng rằng C là chủ nhà nên cũng không có phản ứng gì. Như vậy, đây là hành vi công khai với những người không phải là chủ tài sản bằng cách che giấu thân phận thật của mình nhưng là lén lút với chủ tài sản. Những hành vi đó nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS.

Thực tế đã cho thấy, hầu hết các đối tượng trộm cắp chó đều là những đối tượng hung dữ, manh động và sẵn sàng dùng vũ lực để chống trả chủ sở hữu hoặc người khác nếu họ phát hiện được hành vi của chúng. Đối với hình vi dùng vũ lực để chống trả này thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét cẩn trọng để xử lý một cách chính xác. Có trường hợp thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, nhưng có trường hợp cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Sau đây tôi xin đưa ra một số trường hợp cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: C vào nhà ông A và bắt trộm một con chó (đã bỏ được vào rọ và trong rọ đã có 04 con chó) thì bị người dân phát hiện và truy đuổi. Thấy mọi người truy đuổi thì C đã có hành vi dùng cui đánh trả (làm cho một người dân bị thương nhẹ, tổn hại sức khỏe 3%), đồng thời vứt rọ nhốt chó lại để tẩu thoát nhưng vẫn bị mọi người bắt giữ. Trường hợp này thì C sẽ bị xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là hành hung để tẩu thoát.

Trường hợp thứ hai: Cũng ví dụ nêu trên, C có hành vi dùng cui chống trả gây thương tích cho một người dân mà tỷ lệ là 13%, đồng thời cũng vứt rọ nhốt chó lại để tẩu thoát nhưng vẫn bị mọi người bắt giữ. Trường hợp này thì C ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 104 BLHS.

Trường hợp thứ ba: Cũng với ví dụ nêu trên thì sau khi bị truy đuổi C đã dùng dao đâm một người dân một nhát vào tay và cố giữ bằng được rọ nhốt chó đã trộm được để bỏ chạy. Đây là trường hợp người phạm tội hành hung nhưng không nhằm mục đích tẩu thoát (tự giải thoát cho mình mà không cần tài sản nữa như trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai) mà nhằm giữ bằng được tài sản. Nếu người phạm tội sau khi đã trộm được tài sản, bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nhưng cố tình giữ tài sản bằng cách hành hung người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Trường hợp này, khoa học luật hình sự gọi là chuyển hoá từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản (đầu trộm đuôi cướp). Như vậy, trường hợp trên của C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS (vì C đã có hành vi dùng vũ lực nhằm giữa bằng được số chó đã trộm được) chứ không phải là tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS. Theo như hiểu biết của bản thân thì trên thực tế những trường hợp như thế này rất nhiều, các đối tượng bắt trộm chó rất liều lĩnh và manh động, sẵn sàn chống trả, dùng vũ lực với những người truy đuổi nhằm giữ bằng được những chú chó mà họ bắt trộm được. Tuy nhiên chưa thấy đối tượng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản mà các cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, thậm chí là đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính.

Loại tội phạm này đã và đang diễn ra hết sức phức tạp gây phẫn uất trong quần chúng nhân dân. Nó không chỉ là hành vi chiếm đoạt tài sản mà rất nhiều trường hợp còn gây thương tích và có cả trường hợp đánh chết chủ sở hữu tài sản. Những hành vi đó là rất nguy hiểm và có tính chất nghiêm trọng, gây mất trật tự trị, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân nên cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét kỹ lưỡng về hành vi của các đối tượng để xử lý đúng với từng trường hợp cụ thể, có trường hợp thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS nhưng cũng có trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 BLHS mới có tính răn đe, trừng trị, phòng ngừa đối với loại tội phạm này để bảo vệ cho tài sản của công dân và trả lại sự bình yên cho làng quê, khối phố.