Hội nghị Trung ương 21 khoá iii 07 1973 xác định con đường cách mạng của nhân dân miền Nam là gì

11/28/2018 6:56:43 AM

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng giai đoạn, Đảng ta có nhiều chủ trương, phương pháp đấu tranh đúng đắn, sáng tạo, mở ra cục diện mới cho cuộc chiến tranh. Trong đó, tiếp tục con đường bạo lực cách mạng sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 là nét độc đáo, sáng tạo, cả về chủ trương và hiện thực cách mạng.

Theo Hiệp định Pa-ri (năm 1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, phía Mỹ buộc phải rút toàn bộ quân đội, cam kết không dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, với bản chất phản động, hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, tiếp tay cho ngụy quyền Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm bình định, lấn chiếm vùng giải phóng, giành đất, giành dân và xóa thế “da báo”. Chỉ tính riêng năm 1973, chính quyền Sài Gòn đã có 301.097 hành động vi phạm Hiệp định, trong đó có 34.266 cuộc hành quân lấn chiếm, 216.550 cuộc hành quân bình định. Không những thế, đế quốc Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng không quân và hải quân ở các vùng phụ cận Việt Nam để “ngăn đe”, kết hợp tăng cường các hoạt động ngoại giao xảo quyệt, nhằm kiềm chế sự phát triển của cách mạng nước ta. Trước tình hình đó và trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng thực tiễn, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III - năm 1973) tiếp tục khẳng định “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Thực hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn đó, bằng sự nỗ lực của cả nước kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta liên tục tiến công địch và giành được thắng lợi lớn trên cả mặt trận quân sự và chính trị, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, chủ trương tiếp tục con đường cách mạng bạo lực sau Hiệp định Pa-ri để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là yêu cầu khách quan, vấn đề có tính quy luật, mà còn thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược cùng sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận về bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, cả từ chủ trương đến hiện thực, với nhiều nét nghệ thuật độc đáo và được thể hiện rõ ở một số nội dung sau:

Về chủ trương, đó là việc xác định phương pháp đấu tranh cách mạng phù hợp, tạo bước ngoặt, giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Bởi, trên thực tế, đường lối, mục tiêu của cách mạng dù đúng đắn đến đâu, nhưng nếu không có phương pháp cách mạng phù hợp cũng khó có thể trở thành hiện thực.

Với cách mạng miền Nam, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, mặc dù mục tiêu chiến lược của cách mạng là đúng đắn, song thời gian đầu, do ta chưa đánh giá hết tình hình, nhất là sự nham hiểm của địch, nên chưa có phương pháp đấu tranh phù hợp. Trên nhiều địa bàn, một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta có tư tưởng dừng lại, trông chờ hòa bình,… dẫn đến phong trào cách mạng miền Nam không những dẫm chân tại chỗ, mà ở một số nơi còn rơi vào thế bị động, thậm chí mất dân, thu hẹp địa bàn. Trong khi đó, trên hầu khắp các chiến trường, được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ráo riết sử dụng hành động quân sự, vi phạm Hiệp định một cách có hệ thống, hòng thực hiện mưu đồ lấn chiếm lãnh thổ, chiếm đất, giành dân, v.v. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho cách mạng miền Nam ngày càng chịu thêm nhiều tổn thất.

Trong bối cảnh đó, nếu chủ động phản công, tiến công địch, không có nghĩa là ta vi phạm Hiệp định, mà là biện pháp cần thiết để buộc địch phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định đã được ký kết. Bằng việc nhận định, đánh giá đúng đắn đó, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 5-1973), tiếp đến Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kịp thời đề ra phương pháp cách mạng trong giai đoạn mới. Theo đó, “Trong khi địch dùng hành động quân sự đánh ta, ta vẫn cần phải chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và pháp lý,… tiến công quân sự bằng phản công của ta là chủ động, chỉ có qua đó mà từng bước đánh bại hành động vi phạm của địch”. Đây là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, vừa quán triệt, thực hiện nghiêm túc tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công của Đảng, vừa chuyển hướng kịp thời về phương pháp đấu tranh, khi tình thế cách mạng đã có sự biến chuyển mau lẹ, nhằm đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Phương pháp đấu tranh đó “như một luồng gió mới” đến với các chiến trường, khắc phục triệt để tư tưởng hữu khuynh, được đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là quân và dân miền Nam sôi nổi hưởng ứng, tạo động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn trên hầu khắp các chiến trường.

Để chủ trương trên trở thành hiện thực, cùng với triển khai các mặt công tác, Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, các chiến trường, nhất là đối với cơ quan chiến lược của Bộ, khẩn trương tổ chức thực hiện hàng loạt vấn đề quan trọng, cấp bách. Trước mắt là nhanh chóng tổ chức, xây dựng mới và huấn luyện các binh đoàn chủ lực, các binh chủng kỹ thuật chiến đấu; ra sức xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch hậu cần, kỹ thuật và các mặt bảo đảm cho tác chiến quy mô lớn, nhằm tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ mới, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Về xây dựng lực lượng, ta khẩn trương bổ sung quân số với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ cùng các đơn vị bộ binh, binh chủng kỹ thuật tăng cường cho tiền tuyến. Ở hậu phương lớn miền Bắc, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng được thành lập, mở đầu quá trình tổ chức các binh đoàn cơ động chiến lược của Quân đội. Trên chiến trường miền Nam, sau khi thấu triệt chủ trương về tiếp tục con đường bạo lực cách mạng, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh các quân khu, chiến trường đã kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đồng bộ, chỉ đạo củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân trên toàn miền Nam. Các đơn vị bộ đội chủ lực Miền và các quân khu được kiện toàn tổ chức biên chế và tập trung huấn luyện để trở thành lực lượng cơ động mạnh, đủ sức thực hiện các trận phản công, tiến công, bẻ gãy và đập tan các cuộc hành quân gom dân, lấn đất của địch. Bộ đội địa phương được xây dựng thành những đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn, trang bị tương đối hiện đại, có khả năng đánh tiêu diệt một số chốt, điểm, tạo thế cho phong trào đấu tranh của nhân dân chống địch kìm kẹp. Lực lượng dân quân du kích phát triển rộng khắp, thực sự trở thành nòng cốt cùng với quần chúng đấu tranh chính trị, địch vận trên khắp các địa bàn. Hệ thống cơ sở cách mạng của ta trong vùng địch kiểm soát được củng cố và xây dựng thêm nhiều cơ sở mới với các loại hình hoạt động đa dạng, như: cơ sở nội tuyến, cơ sở thuộc các đoàn thể quần chúng, du kích mật, cán bộ phong trào, v.v. Nhờ vậy, những khu trước đó có nhiều khó khăn, lúc này đã vươn lên giành thắng lợi bước đầu; những khu đã đứng vững thì phát triển càng mạnh. Trên toàn chiến trường, ta liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm, chủ động tiến công xóa bỏ nhiều đồn bốt, giải phóng hàng trăm ấp với hàng chục vạn dân khỏi sự kìm kẹp của địch. Đặc biệt, các binh đoàn chủ lực chiến lược lần lượt được thành lập ngay tại chiến trường miền Nam, từng bước chuyển hóa thế so sánh lực lượng có lợi cho ta, nhất là trên các hướng chiến lược quan trọng của chiến trường miền Nam.

Đi liền với công tác xây dựng lực lượng, việc chuẩn bị chiến trường cũng được gấp rút thực hiện. Theo đó, ta đã tập trung điều chỉnh thế bố trí lực lượng chiến dịch, chiến lược; đẩy nhanh nhịp độ xây dựng và củng cố hậu phương chiến lược, phát triển hàng vạn ki-lô-mét đường. Đặc biệt, sau khi Chiến dịch Bù Bông - Kiến Đức (tháng 11-1973) giành thắng lợi, tuyến đường Hồ Chí Minh được khai thông từ miền Bắc qua Khu 5, Tây Nguyên,… và tỏa xuống các địa phương, củng cố vững chắc hành lang từ Sở Chỉ huy Miền xuống các quân khu và giữa các quân khu với nhau. Hệ thống đường dẫn dầu được củng cố và phát triển lên đến hàng nghìn ki-lô-mét, vươn tới cả miền Đông Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu nhiên liệu để sẵn sàng thực hiện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn trên các chiến trường.

Cùng với đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược trên từng hướng, địa bàn trọng điểm, trong đó có Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, tích cực nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật tác chiến quy mô lớn hiệp đồng quân, binh chủng; nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực; giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhân dân trên từng địa bàn, chiến trường trọng điểm, v.v. Trên cơ sở đó, Đảng đã kịp thời đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam bằng những đòn tiến công tổng hợp. Đây là quyết tâm đúng đắn, cách mạng và khoa học, dựa trên nền tảng lực lượng vũ trang nhân dân nhanh chóng được phát triển vững mạnh về mọi mặt, có ưu thế vượt trội đối phương; đồng thời, ta cũng tạo ra thế vững trên khắp chiến trường. Đó cũng là điều kiện, thời cơ thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi quyết định. Thực tiễn diễn biến cách mạng miền Nam sau Hiệp định Pa-ri cho thấy, thực hiện phương thức đấu tranh kết hợp giữa bạo lực vũ trang với nổi dậy của quần chúng, ta đã đẩy mạnh thế tiến công, đánh địch rộng khắp và tổ chức các chiến dịch tiến công ở tất cả các quy mô trên toàn chiến trường, tiêu diệt lớn địch, phá vỡ từng mảng trong thế trận phòng thủ chiến lược của chúng, giải phóng các địa bàn trọng yếu, tiến tới tổng tiến công đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, lựa chọn con đường cách mạng miền Nam phải tiếp tục bằng bạo lực cách mạng để “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đường lối đó cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo trong tình hình mới, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, đối tượng, đối tác đan xen để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trung tá, ThS.VŨ BÌNH TUYỂN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam