Hướng dẫn cách nuôi dê

Dê là loài vật nuôi mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Nghề chăn nuôi dê cũng có từ lâu đời đặc biệt là ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung của nước ta. Khi nuôi dê chúng ta có thể khai thác được nhiều sản phẩm từ thịt, sữa, da, lông, sừng và phân dê.

Chi phí ban đầu để nuôi dê theo kiểu nông hộ không quá cao như các loại gia súc như trâu bò, đầu ra cũng dễ dàng do người Việt chuộng và đánh giá cao độ ngon của thịt dê. Bà con có thể tận dụng những ưu điểm về thức ăn, diện tích ở địa phương nên chăn nuôi dê được xem là một hướng đi phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên nói đến ưu điểm chúng ta cũng có nhược điểm như dê chăm khá lâu, năng suất không bằng các loài vật nuôi công nghiệp khác như heo, gà, bò. Để hiểu hơn về mô hình chăn nuôi này, Thiên Quân mời bà con cùng tìm hiểu thông qua bài viết bên dưới.

1. Xây dựng chuồng trại:

Hiện nay có 3 phương thức nuôi dê chính:

Nuôi thâm canh là nuôi dê hoàn toàn trong chuồng trại. Ở phương thức chăn nuôi này bà con dễ quản lý, đàn dê ít bị bệnh tật phù hợp v ới những nơi không có nhiều diện tích. Nhược điểm là xây dựng chuồng trại theo mô hình này chi phí cao, tốn nhiều công chăm sóc.

Nuôi quảng canh là phương thức nuôi chăn thả trên những cánh đồng, đồi, rừng cây rộng lớn. Phương thức chăn nuôi này phổ biến ở những nơi có bãi chăn thả rộng lớn như trung du và miền núi. Ưu điểm là không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn tự nhiên do dê tự ăn đa dạng và phong phú, ít bệnh và do gần như giữ gìn các tập tính của tự nhiên nên giá thịt dê nuôi chăn thả cao hơn các phương pháp nuôi nhốt. Nhược điểm là thời gian nuôi dài hơn nên năng suất chưa cao.

Hướng dẫn cách nuôi dê
Dê được nuôi theo cách quảng canh tại Ninh Thuận – VNA/VNS Photo Nguyễn Thành

Nuôi bán thâm canh phổ biến hơn hai phương thức đã nêu và phù hợp với đa số các địa phương. Nuôi bán thâm canh là mô hình nuôi dê vừa nuôi nhốt vừa chăn thả. Ban ngày dê được thả đi ăn hay chơi quanh vườn, ban đêm thì về chuồng. Ưu điểm của phương thức này là năng suất cao, ít bệnh, có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có, thu được phân dê.

Vậy nếu bà con lựa chọn nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh cần chuẩn bị xây dựng chuồng trại cho dê.

Tại sao nên xây chuồng cho dê?

Chuồng dê là nơi che mưa nắng, là nơi ngủ an toàn cho dê khỏi những bất lợi bên ngoài.

Việc xây chuồng ở trên cao giúp dê có môi trường ở khô thoáng, mát mẻ hơn thì các vi sinh vật cũng khó có cơ hội phát triển hơn so với xây chuồng dưới mặt đất. Giữ gìn nơi ở sạch sẽ cũng là một tập tính của loài dê, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đặc biệt có thể xử lý mùi từ phân, nước tiểu dễ hơn giảm ảnh đến hàng xóm xung quanh.

Thu được phân dê hiệu quả, đơn giản. Phân dê hình viên rất dễ thu khi phân rớt xuống nền sàn, bà con có thể dùng phân dê để bán hay để bón rau rất tốt.

Xây dựng chuồng trại giúp bà con dễ quản lý đàn dê về số lượng, tình trạng sức khoẻ, phân chia theo lứa tuổi.

Xây dựng chuồng trại:

Hướng dẫn cách nuôi dê
Ảnh: Trúc Phương.(2021).Thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Vị trí:

Chuồng dê nên xây dựng nơi xa dân cư, xa trục đường chính. Bà con hãy tìm nơi yên tĩnh, cao ráo và thoáng mát để tiến hành xây chuồng cho dê vì bản tính khá hiếu động và hay phá phách nên cần xây dựng xa khu vực có nhà ở, đặc là không để ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.

Hướng xây nên chọn mặt trước chuồng quay về hướng Nam, Đông Nam để nhận được ánh sáng sớm và tránh được nắng gắt của buổi trưa. Vào mùa hè xây dựng theo hướng này nhiệt độ trong chuồng được mát mẻ còn mùa đông thì sẽ ấm áp vì tránh được luồng gió lạnh.

Quy cách xây dựng chuồng:

Nền tráng xi măng có độ nghiêng khoảng 3 – 4 °để dễ thoát nước.

Sàn: cao 0,4 – 0,8 m vật liệu nên dùng tre, gỗ. Sàn được lắp đều, nhẵn có khe để phân có thể rơi xuống nền. Mỗi khe rộng khoảng 1,5 – 2 cm để phân dễ rơi và không quá to để dê khó đi lại. Tuy làm bằng gỗ, tre nhưng cũng cần chắc chắn để chịu sức nặng của đàn dê và xây cầu thang cho dê và cho người riêng để dê lên xuống cũng như để bà con lên thăm nom, chăm sóc.

Thành chuồng xây cao hơn sàn khoảng 1 m tuỳ vào điều kiện có thể xây bằng gỗ, tre.

Mái chuồng lợp bằng ngói, lá dừa, lá cọ tuỳ vào điều kiện của chủ nuôi để chuồng có độ mát trong những ngày nóng. Mái che được mưa, gió lùa, không bị hắt mưa.

Cửa chuồng: lựa chọn vật liệu tốt dễ đóng mở, đặt trước cầu thang lên xuống.

Máng ăn: chia ra thành 2 máng thức ăn tinh và thức ăn thô. Máng thức ăn tinh: cao 20 cm, rộng 30 cm chiều dài theo chiều dài của chuồng, cách sàn 60 cm hoặc có thể điều chỉnh sao cho phù hợp để dê dễ lấy thức ăn. Máng chứa thức ăn thô: cao 20 – 30 cm, rộng 25 – 35 cm, cách sàn từ 20 – 50 cm đặt ở phía ngoài chuồng.

Máng uống: dùng các xô, chậu nhựa buộc chắc vào thành chuồng.

Cũi nuôi dê con: để bảo vệ dê con tăng tỷ lệ nuôi sống. Dành cho dê non từ 7 – 21 ngày tuổi với kích thước cao 0,8, dài 1,5m, rộng 1,2 m có thể nuôi nhốt từ 2 – 3 con/ cũi.

Diện tích các ô chuồng tuỳ thuộc vào lứa, kiểu nuôi:

Dê con dưới 6 tháng Dê con thịt từ 7 – 12 tháng Dê cái nuôi sinh sản Dê đực lấy giống Nuôi riêng 0,3 – 0,5 m2 0,6 – 0,8 m2 0,8 – 1 m2 1 – 1,2 m2 Nuôi chung 0,4 – 0,6 m2 0,8 – 1 m2 1 – 1,2 m2 1,2 – 1,4 m2

Theo Hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê của TS. Phùng Quốc Quảng.

2. Giống dê:

Các giống dê được nuôi phổ biến:

Dê Cỏ:

Màu lông đen, xám, vàng, nâu loang trắng có sức chống chịu tốt, thích nghi tốt, ăn được các loại thức ăn nghèo dinh dưỡng thường được nuôi để lấy thịt. Khi trưởng thành dê đực đạt 40 – 50 kg, dê cái đạt khoảng 30 kg. Năng suất sữa từ 250 – 370 g/ ngày, thời gian cho sữa 90 – 105 ngày.

Dê Bách Thảo:

Có màu đen, loang các đường sọc trắng, tai to và cụp xuống. Là dê hướng kiêm dụng vừa lấy thịt vừa lấy sữa. Khi trưởng thành dê đực đạt khoảng 50 kg, dê cái đạt khoảng 40 kg. Dê cái mỗi ngày cho từ 1 – 1,2 kg sữa, thời gian cho sữa từ 148 – 150 ngày.

Dê Jamnapari của Ấn Độ:

Màu lông trắng, nâu sáng với nhiều mảng đen với tầm vóc to lớn có khả năng chịu nhiệt thường được nuôi lấy sữa. Với trọng lượng con đực trưởng thành từ 70 – 80 kg, con cái trưởng thành 40 – 50 kg. Mỗi ngày dê cho 1,3 – 2,5 kg sữa, thời gian cho sữa khoảng 180 ngày.

Dê Beetal:

Có màu lông đen, có con loang trắng và cũng đến từ Ấn Độ. Ưu điểm của loài dê này là tầm vóc lớn, hiền lành, dễ nuôi dưỡng chăm sóc. Dê beetal dùng để nuôi theo hướng kiêm dụng, con đực từ 75 – 80 kg khi trưởng thành, con cái từ 40 – 45 kg. Mỗi ngày loài dê này cho khoảng 1,7 kg sữa với thời gian cho sữa dài từ 190 – 200 ngày.

3. Dinh dưỡng:

Hướng dẫn cách nuôi dê
ABC Gold Coast: Steve Keen

Thức ăn:

Để dê sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh bà con nên bổ sung 3 nhóm dinh dưỡng chính: thức ăn tinh, thức ăn thô và thức ăn bổ sung.

Thức ăn tinh:

Cung cấp năng lượng và đạm. Các loại thức ăn cung năng lượng với thành phần chứa nhiều tinh bột: các loại hạt ngũ cốc, cám, gạo, bắp, các loại khoai,… Các loại thức ăn chứa nhiều đạm: các loại đậu, bột cá, bột thịt, khô dầu đậu nành,…

Thức ăn thô:

Các loại cỏ, lá cây, rơm rạ, củ quả. Để có nguồn thức ăn thô ổn định bà con nên dành một mảnh đất nhỏ trồng các loại cây như cỏ voi, cỏ Ghine, cỏ ruzi, cây keo đậu, cây chè khổng lồ. Các giống cây này có thể dùng dạng tươi và bảo quản bằng cách phơi khô, ủ chua khi khan hiếm thức ăn.

Thức ăn bổ sung:

Là các thức ăn bổ sung thêm khoáng, đạm hay các vitamin cần thiết.

Xem thêm các sản phẩm bổ sung vitamin trộn thức ăn: VITAMIN PREMIX, ADE BC COMPLEX C, VITA THQ, TORA THQ, PREMIX – SUPER FACT, …

Dinh dưỡng cho các loại dê:

Giai đoạn từ sơ sinh đến lúc 7 ngày tuổi:

Sau khi dê con được sinh ra khoảng 20 – 30 phút cần phải cho bú sữa đầu. Nếu có lý do gì khiến dê không bú được thì vắt sữa ra bình do dê bú. Cho dê con bú đều 2 bên bầu vú để tránh viêm vú dê mẹ.

Giai đoạn từ bú sữa thường từ ngày thứ 7 đến khi dê được 3 tháng tuổi:

Dê con có thể bú trực tiếp từ mẹ, từ tuần thứ 3 bắt đầu tập ăn cho dê bằng thức ăn tinh và tiếp tục bú. Những con dê còi cọc nên bổ sung thêm vitamin.

Dê cái mang thai:

Dê mang thai khoảng 150 ngày: trong 3 tháng đầu cho ăn theo tỷ lệ 3 – 5 kg thức ăn thô và 0,3 – 0,5 thức ăn tinh; trong 2 tháng sau 4 – 6 kg thức ăn thô và 0,4 – 0,6 kg thức ăn tinh.

Dê đực giống:

Khẩu phần cho dê có khối lượng 50 kg: 4 kg cỏ + 1,5 kg lá cây giàu đạm + 0,4 kg thức ăn tinh.

Dê cái lấy sữa:

Khẩu phần cho dê từ 30 – 40 kg: 3 – 3,5 kg cỏ + 1 – 1,5 kg lá mít/ keo đậu + 0,3 – 0,6 kg thức ăn tinh.

Dê nuôi lấy thịt:

Thức ăn thô: 4 – 5 kg.

Thức ăn tinh: 0,4 – 0,6 kg.

Nước uống:

Dùng nguồn nước sạch luôn để sẵn trong máng uống, vệ sinh máng và thay nước mỗi ngày. Dê uống vào ban ngày nhiều hơn ban đêm.

4. Phòng bệnh:

Phòng bệnh bằng cách vệ sinh:

Vệ sinh chuồng trại hằng ngày và định kỳ giúp tiệu diệt các loài vi sinh vật gây bệnh.

Phòng bệnh bằng sự khoẻ mạnh và hệ miễn dịch của dê:

Chọn dê giống rõ nguồn gốc và khoẻ mạnh. Có một cơ thể khoẻ mạnh là một hàng rào khá vững chắc để phòng chống lại nhiều mầm bệnh. Để có một đàn dê khoẻ mạnh, bà con cần cho đàn dê ăn uống đầy đủ các chất, bổ sung các vitamin – khoáng cần thiết.

Phòng bệnh bằng vaccine, thuốc:

Phòng bệnh đậu, bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng bằng các vaccine và tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử bằng thuốc giải nội độc tố, phòng ngừa ve rận, kí sinh trùng đường máu, giun sán.

Xem thêm các sản phẩm tẩy giun sán: ALBENDAZOLE, IVERMECTIN, LEVA 100, DOMEX.

5. Vệ sinh:

Dê là một loài ưa sạch sẽ, nên bà con cần thực hiện công tác vệ sinh thường xuyên để đàn dê được khoẻ mạnh.

Vệ sinh hằng ngày:

Hằng ngày khi dê được thả đi chơi, đi kiếm ăn thì bà con vệ sinh chuồng trại. Vệ sinh các khu vực:

Sàn: quét, thu gom phân và rác.

Nền: gom phân, xịt rửa sạch sẽ.

Máng ăn, máng uống: xịt rửa, thay nước.

Các khu vực khác kiểm tra thường xuyên có hỏng hóc thì cần sửa chữa, đừng quên kiểm tra các kẹt hóc hay những nơi tù đọng nước.

Vệ sinh định kỳ:

Tiêu độc sát trùng bằng các chất sát trùng mỗi tháng 1 lần, trước khi nuôi, sau khi xuất bán và trước khi tái đàn.

Thiên Quân xin chân thành cảm ơn bà con đã dành thời gian quý báu để đọc bài viết về mô hình chăn nuôi dê nông hộ của chúng tôi. Sự quan tâm và sự ủng hộ của bạn là nguồn động viên quý báu, giúp chúng tôi tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chăn nuôi dê hiệu quả.

Mọi thông tin thắc mắc hoặc mua hàng xin liên hệ hotline: 0886 04 05 06 hoặc fanpage THIÊN QUÂN VIỆT NAM.