Khủng hoảng nhà đất Mỹ 2008

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là sự kiện kinh tế lớn nhất trên thế giới sau Đại suy thoái những năm 1930. Chúng ta cùng đi tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính qua bài viết sau.

Danh mục bài viết

  • Khủng hoảng tài chính là gì?
  • Bong bóng bất động sản là gì?
  • Bong bóng bất động sản tại Mỹ vào năm 2007
  • Từ bong bóng bất động sản lan sang thị trường tài chính
    • Sự sẵn có của các công cụ tài chính phức tạp
      • Chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (Mortgage-backed Securities – MBS)
      • Nghĩa vụ nợ được thế chấp (Collateral Debt Obligations – CDO)
      • Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS)
    • Hệ thống quản lý rủi ro trong tài chính kém
    • Sử dụng thương phiếu (Commercial Papers – CP)
    • Thiếu các quy định đầy đủ

Khủng hoảng tài chính là gì?

Khủng hoảng tài chính là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hệ thống tài chính. Hệ thống tài chính bao gồm ngân hàng, các quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, … Có thể nói trong cuộc khủng hoảng tài chính, các tài sản tài chính (ví dụ như cổ phiếu) sẽ mất một phần giá trị.

Năm 2008, thế giới đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính rất lớn, nguyên nhân cơ bản là do bong bóng bất động sản tại Hoa Kỳ đã xảy ra.

Bong bóng bất động sản là gì?

Về mặt kinh tế, bong bóng là khi giá của một loại tài sản nào đó tăng lên vượt qua cả giá trị cơ bản thật sự của nó. Từ những năm 1990 cho đến năm 2007, giá bất động sản tại Mỹ đã tăng rất mạnh, trên 130%, tuy vậy sau đó bong bóng bất động sản này cuối cùng đã nổ. Nhưng tại sao giá nhà đất ở Mỹ lại tăng mạnh mẽ như vậy, theo một số chuyên gia, có 4 lý do khiến cho bong bóng xảy ra:

  • Lãi suất thấp: Từ năm 2000 đến năm 2003, lãi suất ở Mỹ đã giảm khá mạnh từ 6.5% xuống chỉ còn 1%. Nguyên nhân do nền kinh tế Mỹ phải đối phó với vụ nổ bong bóng Dot-com vào những năm 2000 và cuộc khủng bố ngày 11/9 năm 2001. Lãi suất thấp khiến cho người dân có thể dễ dàng vay tiền mua nhà nhiều hơn, chính từ đây nhu cầu về nhà ở tăng lên và đẩy giá của bất động sản tại Mỹ bắt đầu tăng lên.
  • Dư thừa tiết kiệm toàn cầu: Tiền tiết kiệm từ các nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, các nước Trung Đông (xuất khẩu dầu), … chảy vào nền kinh tế Mỹ, thời gian này Hoa Kỳ được xem là quốc gia có nền kinh tế an toàn bậc nhất. Chính sự gia tăng nguồn cung tiền mặt tiết kiệm này dẫn đến sụt giảm lãi suất. Tương tự như lý do trên, người dân càng vay nhiều hơn để mua bất động sản và khiến cho giá cả tăng.
  • Các chính sách của chính phủ khuyến khích vay mua nhà: Chính phủ Mỹ đã đề ra các chính sách khác nhau, như khấu trừ thuế thu nhập đối với lãi suất trả cho các khoản thế chấp nhà, điều này cũng làm tăng nhu cầu về bất động sản.
  • Thời kỳ đại ổn định (The Great Moderation) từ những năm 1980 đến năm 2007: Giai đoạn 1980-2007 tại Mỹ là giai đoạn lạm phát thấp, lãi suất thấp, tăng trưởng ở mức ổn định. Do những yếu tố ổn định trong thời kỳ này, người dân trở nên tự mãn, chủ quan và sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn bao giờ hết. Vì vậy ngày càng xuất hiện nhiều công ty tài chính cho vay, cũng như nhu cầu vay của người dân luôn ở mức cao.

Như vậy có thể nói, những lý do trên đã manh nha cho bong bóng bất động sản xảy ra, nhưng tại sao bong bóng lại có thể ảnh hưởng, thậm chí được xem là thảm hoạ cho nền kinh tế?

  • Bong bóng bất động sản dẫn đến các tiêu chuẩn thế chấp bị giảm xuống: Trong nền kinh tế ổn định, lãi suất thấp, các tổ chức tài chính bắt đầu cho những người dưới chuẩn vay tiền (lúc này rủi ro vẫn không cao). Những người vay dưới chuẩn là những người có mức độ tín nhiệm thấp, được đánh giá là khó hoặc không thể trả được các khoản nợ vay. Như vậy việc cho những người không đủ tiêu chuẩn vay là một sự liều lĩnh, có thể gây ra rủi ro hình thành nợ xấu. Càng nhiều người dưới tiêu chuẩn được vay tiền thì nợ xấu, tức rủi ro tài chính càng tăng cao.
  • 4 lý do khiến cho bong bóng xảy ra như ở trên đã nói, đặc biệt là trong thời kỳ đại ổn định, khiến cho người dân có suy nghĩ giả định rằng, giá cả bất động sản sẽ luôn tăng, đồng thời đây là tài sản an toàn nhất. Nếu những người không đủ tiêu chuẩn vay để mua bất động sản, nếu họ không thể trả nợ, ngân hàng đơn giản là chỉ cần bán bất động sản đó đi và thu hồi lại khoản vay.
  • Với việc cho vay liều lĩnh của các tổ chức tài chính, khiến cho nhiều người có thể có được bất động sản một cách dễ dàng.
  • Giá nhà vẫn tăng, người dân ở Mỹ sử dụng đòn bảy tài chính, vay tiền để mua nhà. Đến một giai đoạn, giá nhà tăng cao khiến cho những người này phải vay nhiều hơn, thậm chí nhiều hơn so với khả năng chi trả của họ, dẫn đến sẽ có nhiều người không đủ tiêu chuẩn để vay.

Bong bóng bất động sản tại Mỹ vào năm 2007

Đến tháng 9 năm 2007, giá bất động sản bắt đầu lao dốc, ban đầu giá giảm đến 25%. Lúc này thị trường bất động sản đã dần trở nên bão hoà, mọi người đều đã có thể sở hữu riêng cho mình một ngôi nhà, vì vậy nhu cầu mua nhà đã giảm xuống mạnh. Cộng thêm việc tăng lãi suất của Fed (từ 06/2004 đến 06/2006), các khoản vay mua nhà này dẫn trở nên đắt đỏ, người dân phải trả khoản vay cao hơn so với trước đó.

Khi giá nhà giảm xuống, mọi người bắt đầu vỡ nợ do không đủ khả năng chi trả lãi suất ngân hàng. Có thể nói trong thời gian này, giá nhà đã giảm sâu, người dân không còn động lực để trả các khoản vay trước đó, dẫn đến họ bị vỡ nợ, các tổ chức tài chính bắt đầu tịch thu lại nhà cửa. Các tổ chức tài chính này phải bán bớt những bất động sản trên để có thể thu hồi lại các khoản cho vay.

Tuy nhiên, chính các tổ chức tài chính này cũng phải chịu ảnh hưởng do giá nhà bị giảm xuống, họ phải chịu những khoản lỗ do không thể thu hồi lại đủ giá trị mà họ đã cho vay. Các tổ chức tài chính đồng loạt bán ra, dẫn đến nguồn cung bất động sản trên thị trường ngày càng dồi dào, khiến cho bất động sản càng bị giảm giá hơn nữa.

Từ bong bóng bất động sản lan sang thị trường tài chính

Khi bong bóng bất động sản hình thành, thị trường tài chính cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng qua lại, cụ thể hơn có một số lý do như sau:

  • Sự sẵn có của các công cụ tài chính phức tạp
  • Hệ thống quản lý rủi ro trong tài chính kém
  • Sử dụng thương phiếu
  • Thiếu các quy định đầy đủ
Sự sẵn có của các công cụ tài chính phức tạp

Với sự gia tăng, phát triển trong thị trường tài chính, chính các công cụ này cũng đã góp phần tạo ra sự khủng hoảng và chịu sự tác động của nó. Có 3 công cụ tài chính điển hình trong thời gian này:

Chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (Mortgage-backed Securities – MBS)

Như phần trên chúng ta đã hiểu, khi vay mua bất động sản, người vay sẽ phải đi vay vốn từ các tổ chức tài chính (cụ thể hơn là ngân hàng). Ngân hàng sẽ được trả lãi thường xuyên và gốc khi khoản vay đáo hạn. Vào thời điểm này, các ngân hàng có thể bán các tài sản vay này cho các tổ chức tài chính khác, nghĩa là họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về các khoản vay này nữa, ngược lại người mua sẽ nhận được lãi và gốc.

Để làm được như vậy, ngân hàng cần phải tổng hợp các khoản vay khác nhau thành từng nhóm đồng nhất, việc này nhằm giảm thiểu và đa dạng hoá rủi ro. Sau đó, ngân hàng phát hành chứng khoán được đảm bảo bởi các tài sản vay này, những chứng khoán này có thể được giao dịch như cổ phiếu thông thường. Từ đây chúng ta có được khái niệm chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (Mortgage-backed Securities – MBS).

Nhà đầu tư trên khắp thế giới đều có thể mua được MBS, tất nhiên khi họ mua, họ sẽ được người vay trả phần tiền lãi và gốc (thay vì trả cho ngân hàng, phần nợ này đã chuyển đổi cho người khác sở hữu). Những người đi đầu trong quá trình này là các tập đoàn tư nhân do chính phủ thành lập:

  • Hiệp hội Thế chấp Quốc gia Liên Bang (Fannie Mae)
  • Công ty thế chấp nhà Liên bang (Freddie Mac)

Đây là những doanh nghiệp do chính phủ tài trợ. Những doanh nghiệp này có trách nhiệm tổng hợp các khoản vay, đóng gói và phân loại chúng. Như vậy đây là những doanh nghiệp đóng vai trò trung gian giữa các ngân hàng (người bán các khoản nợ) và người nắm giữ khoản nợ cuối cùng (nhà đầu tư, những người mua lại các khoản nợ để sở hữu, nhằm mong muốn nhận được phần lãi và gốc từ người đi vay).

Có thể nói khi MBS hình thành, rất nhiều nhà đầu tư khác nhau đầu tư vào đây, bao gồm quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, các ngân hàng ở nước ngoài, thậm chí là nhà đầu tư cá nhân. Thời gian này MBS đã trở thành lựa chọn đầu tư phổ biến do lãi suất tại Mỹ rất thấp

Nghĩa vụ nợ được thế chấp (Collateral Debt Obligations – CDO)

Đối với bất động sản, khi người mua vay để mua nhà ở, họ sẽ thế chấp chính căn nhà của mình. Tuy vậy đối với các loại hình tài sản khác, để được vay mua, người vay cần phải thế chấp một tài sản cơ sở khác, khi đó những tài sản cơ sở này sẽ trở thành tài sản thế chấp khi người đi vay không thể thanh toán được khoản nợ. Loại hình cho vay này được gọi là nghĩa vụ nợ được thế chấp (Collateral Debt Obligations – CDO).

Ví dụ: Vay mua ô tô, nợ thẻ tín dụng, vay nhằm chi tiêu cho giáo dục, …

Các khoản vay CDO này sẽ được tổng hợp lại và phát hành ra chứng khoán, tương tự như chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (MBS) đã nói ở trên.

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS)

Hợp đồng này thực chất là một công cụ bảo hiểm. Một nhà đầu tư khi mua 2 loại hình chứng khoán nêu trên (MBS và CDO) có thể mua kèm thêm CDS, nhằm đảm bảo rằng, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) này có thể chống lại những tổn thất, rủi ro khi đầu tư.

Vào thời gian này, công ty bảo hiểm lớn nhất của Hoa Kỳ có tên là AIG đã phát hành hợp đồng CDS cho các nhà đầu tư mua chứng khoán MBS để thu về một khoản phí bảo hiểm. Tất nhiên sau này AIG đã phải chịu rất nhiều áp lực khi bong bóng bất động sản xảy ra vì không thể thu hồi lại khoản lỗ mà những người đầu tư chứng khoán MBS phải gánh chịu.

Hệ thống quản lý rủi ro trong tài chính kém

Do tính chất phức tạp của các công cụ tài chính, rủi ro, tổn thất từ thị trường bất động sản đã lan ra đến thị trường tài chính. Có thể thấy các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư không lường trước, không có sự chắc chắn về những rủi ro đối với các loại tài sản chứng khoán thế chấp. Kết quả, mọi nhà đầu tư đều ào ạt rút vốn ra khỏi các công ty mà họ cho là dễ thua lỗ, rủi ro cao. Nhà đầu tư đã hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống tài chính.

Sử dụng thương phiếu (Commercial Papers – CP)

Thương phiếu về cơ bản là một loại chứng khoán được phát hành bởi các công ty, đây là những giấy nợ nhằm vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính (Thương phiếu có thời gian đáo hạn dưới 3 tháng). Thương phiếu là một công cụ ngắn hạn, vì vậy tính chất rủi ro cũng sẽ khá cao, và nhà đầu tư có thể dễ dàng rút vốn nếu thấy có dấu hiệu bất ổn.

Trong những năm 2007 – 2008, Lehman Brothers là công ty lớn, đã bị sập đổ do sử dụng quá nhiều thương phiếu để huy động vốn. Sau khi thương phiếu hết hạn 3 tháng, Lehman Brothers không thể nào đảo nợ (tiếp tục gia hạn, hoặc vay nợ mới) do các nhà đầu tư cảm thấy bất ổn và mất lòng tin vào thị trường tài chính.

Các vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra, dẫn đến sự thất bại của quỹ thị trường tiền tệ (Money Market Fund – MMF) lâu đời nhất tài Hoa Kỳ. Sau đó Mỹ đã phải bơm thêm tiền vào MMF để khôi phục lại niềm tin nhà đầu tư, cụ thể vào ngày 15/09/2008, Fed đã phải can thiệp vào 2 quỹ MMF.

Thiếu các quy định đầy đủ

Sự ra đời và trỗi dậy của hệ thống ngân hàng bóng tối (Shadow Banking System), ví dụ như ngân hàng Lehman Brothers, Bear Sterns, quỹ Hedge, … Những tổ chức ngân hàng này không có nhiều yêu cầu pháp lý giống như các ngân hàng thương mại khác. Hệ thống ngân hàng bóng tối vẫn có thể cho người dân vay vốn, tuy vậy họ không có đủ sức mạnh tài chính phòng ngừa cần thiết để có thể chịu áp lực từ những khoản lỗ. Như vậy, các ngân hàng này vay tiền ngắn hạn (Thương phiếu – CP) và đầu tư vào những tài sản dài hạn khác nhau. Khi nhà đầu tư bắt đầu rút tiền khỏi thị trường tài chính, các ngân hàng bóng tối này bắt đầu sập đổ, phá sản.

Không chỉ như vậy, các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm cũng hoạt động không thật sự hiệu quả. Cụ thể, đối với loại hình chứng khoán MBS và CDO, các tổ chức xếp hạng đã đánh giá AAA (đây là xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong hệ thống đánh giá).

Các cơ quan quản lý chưa có sự quan tâm đúng mức đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính. Mặc dù có các cơ quan quản lý riêng lẻ cho từng bộ phận, nhưng không có cơ quan nào xem xét tổng thể, toàn bộ hệ thống tài chính.

Kết quả như chúng ta đã thấy, nhà đầu tư đã mất toàn bộ niềm tin vào hệ thống tài chính, không ai sẵn sàng cho vay, các ngân hàng mất niềm tin vào nhau. Nặng nề hơn nữa, các công ty tài chính chủ chốt lúc bấy giờ như Bear Sterns, Fannie & Freddie Mac, Lehman Brothers, Merill Lynch, AIG gánh chịu những áp lực lỗ, điều này đã đe doạ sự sập đổ của toàn bộ tổ chức tài chính.

Chính phủ Mỹ cũng đã có những động thái để kiềm chế cuộc khủng hoảng này bằng cách kích thích tài khoá và mở rộng chính sách tiền tệ của họ:

  • Nhiều tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống (Systematically important financial institutions – SIFI) đã được cứu
  • Nới lỏng định lượng

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng tài chính này đã dẫn đến một cuộc suy thoái trên toàn thế giới với tỷ lệ thất nghiệp lớn và giá trị tài chính đồng loạt sụt giảm. Cuộc khủng hoảng này cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.