Lẵng quả thông review

  • Category: Bài viết
  • Print

           1. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Konstantin Georgiyevich Paustovsky (1892-1968) là một trong những nhà văn Nga xuất sắc của thế kỉ XX. Bằng giọng văn độc đáo thấm đẫm chất thơ, ông đã làm bao trái tim độc giả xao xuyến trước vẻ đẹp hồn hậu mà tinh tế của tình người và thiên nhiên nước Nga. Tác phẩm của Paustovsky đưa bạn đọc đến với những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà ẩn chứa nhiều ý nghĩa lớn lao về con người, về cuộc đời. Một trong những sáng tác được yêu thích của nhà văn là truyện ngắn Lẵng quả thông. Tác phẩm này được đưa vào sách Ngữ văn 6 tập 2, bộ Chân trời sáng tạo bởi lẽ, đây là áng văn có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn người đọc, đặc biệt là với độc giả tuổi hoa niên.

           2. NỘI DUNG

           2.1. Giới thiệu tác giả Paustovsky

         Paustovsky sinh năm 1892 tại thành phố Moskva của Nga. Cha ông là nhân viên đường sắt gốc Cossack Zaporizhia, còn mẹ ông xuất thân từ một gia đình trí thức người Ba Lan. Paustovsky lớn lên và học trung học tại Ukraina. Ông từng theo học Khoa Lịch sử tự nhiên Đại học Kiev (1912), sau chuyển sang Khoa Luật Đại học Moskva (1914). Khi Thế chiến lần thứ nhất nổ ra, ông phải bỏ dở việc học, tham gia chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân, rồi làm công nhân trong nhà máy. Từ năm 1932, ông làm biên tập viên cho Hãng thông tấn Nga, sau đó trở thành phóng viên của tờ Prada (Sự thật). Từ năm 1948 đến năm 1955, ông là giảng viên Trường viết văn Maxim Gorky. Những năm cuối đời, ông sống ở vùng Taruxa - miền Trung Nga.

         Paustovsky bắt đầu tập sáng tác khi còn là học sinh trung học. Khởi đầu với việc làm thơ nhưng cuối cùng, nhà văn chỉ tập trung vào lĩnh vực văn xuôi. Hai truyện ngắn đầu tay của Paustovsky là Trên mặt nước và Bộ tứ viết năm 1911 và 1912. Tuy nhiên, phải đến năm 1925, ông mới có tác phẩm đầu tiên được xuất bản nhưng cuốn sách không gây tiếng vang. Trong sự nghiệp văn học của Paustovsky, tác phẩm thành công nhất là tập truyện Bông hồng vàng (1955) tôn vinh bản chất tốt đẹp của lao động nhà văn. Trong giai đoạn từ 1945 đến 1963, Paustovsky viết bộ tự truyện Chuyện kể về cuộc đời. Ngoài ra, nhà văn còn sáng tác một số vở kịch và truyện cổ tích.

        Nhiều tác phẩm của Paustovsky được dịch ra tiếng Việt, như: Chiếc nhẫn bằng thép (NXB Kim Đồng, 1973), Vịnh mõm đen (NXB Thanh Niên, 1978), Một mình với mùa thu (NXB Tác phẩm Mới, 1984), Câu chuyện phương Bắc (NXB Hà Nội, 1987), Bông hồng vàng & Bình minh mưa (NXB Văn học, 1999) ... Bằng lối viết nhẹ nhàng, giản dị mà thi vị, thấm thía, nhà văn đã “đánh thức trong chúng ta những rung động tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và tâm hồn nhân hậu của con người Nga” [3, tr.65]. Vì những cống hiến cho nền văn học Xô viết, ông được Nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin. Ông còn được đề cử Giải Nobel Văn học năm 1965. Paustovsky mất ngày 14 tháng 7 năm 1968 tại Moskva.

         2.2. Vẻ đẹp của truyện ngắn Lẵng quả thông

       Lẵng quả thông kể một câu chuyện cảm động về nhạc sĩ người Na Uy - Eđua Grigơ (1843-1907) và cô bé Đanhi Pêđecxen, con gái người gác rừng ở gần Becghen - thành phố cảng của Na Uy. Mùa thu, trong khu rừng tuyệt đẹp, nhà soạn nhạc tình cờ gặp bé gái Đanhi đang nhặt quả thông bỏ trong lẵng. Grigơ hứa sẽ tặng cô bé một món quà thú vị nhưng phải độ mười năm nữa. Nhạc sĩ đã mang giúp Đanhi lẵng quả thông về nhà. Sau đó, Grigơ quyết định sáng tác một bản nhạc ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống, của hạnh phúc tặng Đanhi. Mười năm sau, một sự tình cờ đã giúp cô gái mười tám tuổi Đanhi Pêđécxen được nghe bản nhạc dành tặng riêng mình.

Lẵng quả thông - Nguồn internet

        2.2.1. Vẻ đẹp của thiên nhiên

        Vẻ đẹp của truyện ngắn Lẵng quả thông thể hiện trước hết ở bức tranh thiên nhiên bình dị mà vô cùng tráng lệ. Mùa thu, cánh rừng ở Becghen đẹp vô ngần với bầu không khí phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào. Rừng thu khoác bộ áo vàng lộng lẫy như được “chế tác tinh xảo” bằng tất cả đồng và vàng trên trái đất. Những chiếc lá mỏng manh đến độ “chỉ cần một tiếng chim hót thôi cũng đủ làm chúng run rẩy” [1, tr.478]. Mùa đông, sương mù bao phủ thành phố. “Những bông tuyết bay chênh chếch, cố bám lấy ngọn cây”, một bông tuyết rơi “ngập ngừng, lơ lửng giữa từng không” [1, tr.483]. Tiếng nước nhỏ giọt. Những con sơn tước trên cành huyên thuyên bối rối. Chú dế mèn nhìn Grigơ qua khe hở của chiếc lò sưởi… Paustovsky đã huy động sự tương giao của mọi giác quan để cảm nhận tinh tế mọi hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị của tự nhiên. Ông đã cảm nhận thiên nhiên bằng trái tim nhạy cảm của một thi nhân, bằng cái nhìn mĩ cảm của một họa sĩ và nhạc cảm của một nhạc sĩ để nhận ra trạng thái run rẩy của những chiếc lá thu, dáng vẻ “ngập ngừng” của bông tuyết đang rơi, thấy tiếng vọng của rừng giống như một con khướu tinh nghịch chuyên “rình mò để chộp lấy” những tiếng động “rồi liệng lại qua những vách đá”; nỗi bối rối của con sơn tước, sự tò mò của chú dế mèn khi nghe tiếng đàn kì diệu,… Qua ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên trong Lẵng quả thông có sự sống và linh hồn riêng. Cảnh rừng Na Uy trong truyện ngắn gợi nhớ đến vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên nước Nga như trong các tuyệt tác Mùa thu vàng, Cái yên tĩnh vĩnh hằng, Rừng bạch dương… của danh họa Levitan bởi nhà văn đã phổ vào đó linh hồn của thiên nhiên Nga yêu dấu. Vẻ đẹp đa dạng, sống động của bức tranh phong cảnh khiến người đọc rung động sâu sắc, giúp họ thoát khỏi những ưu tư phiền muộn thường ngày và tìm thấy sự cân bằng, thư thái nội tâm.

           2.2.2. Vẻ đẹp của tình người

         Không gian rừng thu tuyệt đẹp là cái nền để Paustovsky kể một câu chuyện xúc động về tình người. Một lần đi dạo trong rừng, nhạc sĩ Eđua Grigơ tình cờ gặp cô bé Đanhi với đôi bím tóc nhỏ xíu đang xách lẵng đi nhặt quả thông. Trò chuyện với người lạ, Đanhi thể hiện vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên rất đỗi trẻ thơ. Khi Grigơ tiếc nuối vì không có quà để cho cô bé thì Đanhi vội khoe: “Cháu có con búp bê cũ của mẹ” như một sự an ủi chân thành. Rất ngây thơ, tự nhiên, cô bé kể: “Trước kia nó cũng biết nhắm mắt cơ bác ạ…” Đanhi còn đáng yêu ở cả nỗi buồn trong trẻo: “Nhưng bây giờ thì nó ngủ mở mắt”, cả sự liên tưởng ngộ nghĩnh: “người già hay khó ngủ. Ông cháu cũng vậy…” Sự cởi mở dễ thương của cô bé làm Grigơ thích thú. Ông hứa sẽ tặng em một món quà, nhưng phải độ mười năm nữa.

          Mười năm sau, Đanhi đã thành một thiếu nữ tóc vàng xinh đẹp, đa cảm đa sầu. Cô gái được cha cho về Krixtania chơi ít lâu với cô Magơđa. Ở đây, Đanhi thích đi xem hát, nhưng sau đó, cô “thường thao thức mãi” và đôi khi lại khóc [1, tr. 485]. Và điều kì diệu đã đến với Đanhi vào một đêm trắng tháng sáu, trong lần cô nghe hòa nhạc tại công viên thành phố. Đanhi sững sờ khi người dẫn chương trình mời thính giả nghe bản nhạc nổi tiếng của Eđua Grigơ viết tặng cô Đanhi Pêđecxen, con gái ông gác rừng Hagrup Pêđecxen, nhân dịp cô tròn mười tám tuổi. Đanhi cố ngăn những giọt nước mắt. Cô đắm mình trong giai điệu lúc du dương, trầm bổng, lúc lại cao vút, mãnh liệt như gió cuốn. Trong tiếng nhạc, cô lặng người nhận ra những ngọn núi và âm thanh thân thuộc của quê hương (tiếng tù và mục đồng, tiếng biển động, “tiếng những quả chuông nhỏ trong rừng đổ hồi, tiếng đàn chim nhào lộn trên không huýt gió, tiếng trẻ con hú gọi nhau…); và nhất là “bài hát về người con gái, lúc bình minh người yêu của nàng đã ném một vốc cát vào cửa sổ phòng nàng” [1, tr.489]. Đanhi thổn thức nhận ra tác giả bản nhạc là “bác ấy”, người đã xách giúp cô chiếc lẵng đầy quả thông về tận nhà. Đanhi khóc trong niềm hạnh phúc và không giấu giếm những giọt lệ biết ơn người nhạc sĩ đã giúp cô nhận ra cái tuyệt mĩ của cuộc đời và niềm vui được sống.

          Bản nhạc mà Eđua Grigơ tặng Đanhi Pêđecxen là biểu hiện tuyệt đẹp của tình người nồng hậu. Tình cờ gặp cô bé Đanhi, chỉ sau vài phút trò chuyện, Grigơ đã hứa tặng em một món quà sau mười năm nữa. Có lẽ, niềm cảm mến cô bé ngây thơ trong sáng và tình thương dành cho bé gái chỉ làm bạn với một con búp bê cũ đã khiến ông đưa ra quyết định ấy. Đó không phải là lời hứa bột phát nhất thời. Trong hơn một tháng mùa đông, nhạc sĩ đã khổ công sáng tác bản nhạc làm quà tặng cho Đanhi. Thính giả của ông là những con sơn tước trên cành, tay thủy thủ, chị thợ giặt, cô bé Lọ Lem, chú dế mèn… Nhạc sĩ gửi vào tiếng đàn những lời yêu thương: “Cháu như mặt trời. Cháu như làn sóng êm dịu, như buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong tim cháu và làm tràn ngập tâm hồn cháu hương ngát mùa xuân” … “Cháu là đêm trắng với ánh sáng huyền ảo ... Cháu là hạnh phúc. Cháu là ánh lấp lánh của bình minh” [1, tr.482]. Ông nhắn nhủ Đanhi “hãy cứ tin rằng cuộc đời thật là kì diệu và tuyệt đẹp” [1, tr.482]. Bản nhạc tuyệt diệu của Grigơ đã kết tinh tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân hậu của người nghệ sĩ.

           2.2.3. Vẻ đẹp của nghệ thuật kể chuyện

         Truyện ngắn Lẵng quả thông còn cuốn hút độc giả bởi nghệ thuật kể chuyện đặc sắc. Như phần lớn truyện ngắn của Paustovsky, Lẵng quả thông là truyện ngắn trữ tình, truyện không có cốt truyện. Tác phẩm không có biến cố hoặc các tình tiết giàu kịch tính. Sự kiện cũng rất giản đơn, xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhạc sĩ danh tiếng với một cô bé trong cảnh rừng thu; lời hứa về món quà sau mười năm; quà tặng âm nhạc vào một đêm tháng sáu khi cô bé ngày xưa đã trở thành thiếu nữ…

         Sức hấp dẫn của thiên truyện còn đến từ tình huống bất ngờ nhiệm màu như cổ tích, từ giọng điệu trần thuật biến đổi linh hoạt, khi thì nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, khi thì điềm tĩnh, sâu lắng, lúc lại bung xõa không kìm nén. Nhân vật trong truyện được xây dựng chủ yếu qua những diễn biến nội tâm của nhạc sĩ khi trò chuyện với Đanhi, lúc sáng tạo bản nhạc; của Đanhi khi đón nhận bản nhạc và cảm nhận vẻ đẹp của cuộc đời.

         Câu chuyện Lẵng quả thông tựa như một áng thơ văn xuôi trong trẻo đằm thắm với lời kể êm nhẹ, giàu âm hưởng và nhịp điệu, chứa chan cảm xúc: cảm xúc trước thiên nhiên, cảm xúc về con người và đời sống, cảm xúc về khả năng kì diệu của âm nhạc… Tất cả được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ giàu chất họa, chất nhạc và thấm đẫm chất thơ. Dịch giả Kim Ân đã cố gắng chuyển ngữ nhằm biểu đạt được thần thái văn phong, ngôn từ tinh lọc giàu sức gợi tả và biểu cảm của nhà văn Paustovsky.

          2.3. Sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn

         Nói đến tâm hồn là nói đến khía cạnh tinh thần của con người. Theo cách hiểu chung nhất, tâm hồn là “ý nghĩ và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người” [4, tr.865]. Tâm hồn có vai trò quyết định tới thái độ, hành vi của con người trong cuộc sống. Một tâm hồn đẹp thì thái độ, hành vi cũng đẹp, đem lại những năng lượng tích cực cho cuộc đời.

         Sách Ngữ văn 6, tập 2, Bộ Chân trời sáng tạo đã đưa phần cuối truyện Lẵng quả thông làm văn bản đọc cho chủ đề Nuôi dưỡng tâm hồn. Sở dĩ các nhà biên soạn sách giáo khoa có sự lựa chọn như vậy vì, truyện ngắn Lẵng quả thông của Paustovsky đã mang lại nguồn suối mát lành cho tâm hồn bao thế hệ độc giả.

         Tình yêu thiên nhiên là “hạt giống” đầu tiên mà Lẵng quả thông gieo vào tâm hồn bạn đọc. Paustovsky đã quan sát tỉ mỉ và miêu tả thiên nhiên bằng tất cả tình yêu say đắm. Những ai đã đọc Lẵng quả thông mà chẳng một lần từng mơ ước được đặt chân đến nước Nga để được dạo chơi trong rừng, hái nấm, hái quả thông, ngắm sắc thu vàng rực rỡ và hít thở “Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm. Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa” (Bằng Việt, Nghĩ lại về Paustovsky)… Truyện ngắn đã đánh thức những rung cảm nơi người đọc, giúp họ nhận ra vẻ đẹp bình dị mà phong phú của tạo vật, thêm yêu quý và gắn bó với thiên nhiên.

         Câu chuyện về món quà âm nhạc Eđua Grigơ tặng cô bé Đanhi còn mang đến những xúc cảm thẩm mĩ cao đẹp về tình người. Việc một nhạc sĩ nổi tiếng dành thời gian và tâm huyết để sáng tác bản giao hưởng tặng cô bé tình cờ gặp gỡ đã cho thấy sự hào hiệp, vô tư trong sáng tạo nghệ thuật. Grigơ hứa tặng Đanhi một món quà khi em mười tám tuổi, bởi ông biết, lúc đó Đanhi mới đủ trưởng thành để thẩm thấu vẻ đẹp của nhạc phẩm: tuổi thơ hồn nhiên, vẻ đẹp nơi miền quê và cuộc sống, những khát khao về tình yêu và hạnh phúc tuổi trẻ... Bản nhạc - món quà cho tương lai - còn là thông điệp về niềm tin yêu con người, yêu tin cuộc đời, về một thái độ sống đẹp. Với nhân vật người nhạc sĩ già, nhà văn Paustovsky đã giúp độc giả hiểu được ý nghĩa cao quý của việc cho đi mà không đòi trả lại, biết sống không vô ích.

         Bản nhạc dành cho Đanhi đã thắp lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống trong trái tim mỗi người. Khi sáng tác, Grigơ tưởng tượng ra hình ảnh cô gái mắt xanh chạy đến, nghẹn ngào thầm thì cảm ơn ông, nhưng có lẽ, ông không ngờ nhạc phẩm của mình có thể thay đổi tâm hồn Đanhi. Trước khi nghe bản nhạc, Đanhi là cô gái đa sầu đa cảm, tin những gì trên sân khấu là sự thật ở đời và nghĩ đến một tương lai tẻ nhạt: một người chồng chân thật nhưng đáng ngán, keo kiệt; một chân bán hàng tạp hóa trong làng; một việc làm ở hãng tàu biển… Bản giao hưởng của Grigơ đã đổi thay tất cả: trái tim Đanhi bừng sáng, cô nhận ra giá trị của bản thân (là mặt trời, là ánh lấp lánh của bình minh, là đêm trắng huyền ảo, tâm hồn hương ngát mùa xuân…), nhận ra niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi trẻ và tin tưởng cuộc đời thật là kì diệu và tuyệt đẹp. Trước biển, Đanhi đã thốt lên: “Đời ơi…! Ta yêu Người” [1, tr.491] và cười, tiếng cười hạnh phúc. Khi cảm nhận được giá trị của bản thân và cái đẹp của cuộc sống, cuộc đời của Đanhi “sẽ không đi qua vô ích”.

          3. KẾT LUẬN

        Lẵng quả thông là một câu chuyện hấp dẫn, có khả năng làm giàu có tâm hồn độc giả. Truyện ngắn giúp ta biết cách cảm nhận và rung động trước vẻ đẹp tuyệt diệu của tự nhiên, từ chiếc lá mong manh, ngọn gió rì rào, đến tiếng vang vui tính của rừng và tiếng chim bối rối. Từ đó, biết yêu thương và trân trọng những tặng vật của Mẹ thiên nhiên. Chẳng những thế, tác phẩm còn truyền đến mỗi người tình yêu con người, yêu cuộc đời, biết trao gửi và dâng tặng yêu thương như nhạc sĩ Grigơ dồn hết tâm huyết vào bản nhạc tặng cô bé Đanhi với bao niềm tin yêu và hi vọng về tương lai.

        Truyện ngắn còn là một thông điệp về sức mạnh kì diệu của âm nhạc. Đây cũng là một chủ đề xuyên suốt thế giới nghệ thuật của K. Paustovsky qua các tác phẩm: Âm nhạc Vecdi, Người đầu bếp già và Lẵng quả thông. Với ông, nghệ thuật chân chính có chức năng sinh thành và tái tạo, nó thức dậy niềm tin vào cuộc sống, mở đường cho khát vọng, chắp cánh cho ước mơ. Nhà văn từng cho rằng: sáng tác văn học là “để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng rực rỡ như mặt trời không bao giờ tắt” [1, tr.23].

       Qua lời kể nhỏ nhẹ thi vị, truyện Lẵng quả thông đã chạm đến trái tim người đọc bởi giá trị nhân văn cao đẹp. Với câu chuyện về món quà âm nhạc đặc biệt, tác giả muốn gửi thông điệp về sức mạnh của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung. Truyện ngắn Lẵng quả thông của Paustovsky thực sự là một áng văn nuôi dưỡng tâm hồn con người trong hành trình hướng đến tương lai, hướng đến xứ sở của cái đẹp.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Xuân

                                                Trường TH, THCS & THPT Quách Đình Bảo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] K. Paustovsky (1999), Bông hồng vàng & Bình minh mưa, Nhà xuất bản Văn học.

[2] K. Paustovsky (1984), Một mình với mùa thu, Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

[3] Nguyễn Thị Hồng Nam (2021), Ngữ văn 6, tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

[4] Hoàng Phê (Chủ biên), (1997), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[5] Wikipedia tiếng Việt.