Ngôn cảnh là gì

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT – Nắm được khái niệm ngữ cánh trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cùng với những nhân tố của nó. – Biết nói và viết phù hợp với ngữ cảnh, có năng lực nhận thức và lĩnh hội được lời nói trong mối quan hệ với ngữ cảnh.

I. KHÁI NIỆM

1. Nếu đột nhiên nghe được câu “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?”, ta sẽ hiểu như thế nào về những nội dung sau đây trong câu đó: – Câu nói trên là của ai nói với ai? Đó là những người như thế nào và có quan hệ với nhau ra sao? – Câu đó được nói ở đâu, lúc nào? – Họ trong câu nói chỉ ai? – Chưa ra là hoạt động như thế nào? Theo hướng từ đâu đến đâu? – Giờ muộn thế này là nói đến khoảng thời gian nào? v.v... Có thể khẳng định: Nếu đột nhiên nghe được câu nói này, không biết bối cảnh sử dụng nó thì không một ai có thể trả lời được những câu hỏi trên. 2. Đặt câu nói trên vào bối cảnh phát sinh ra nó mà người đọc biết qua lời kể của tác giả truyện ngắn Hai đứa trẻ:
Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa. Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cái bếp lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa. Tất cả phố xá trong huyện bây giờ đều thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí. Thêm được một gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe. Chị Tí phe phẩy cành chuối khô đuổi ruồi bò trên mấy thức hàng, chậm rãi nói: – Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?

(Thạch Lam, Hai đứa trẻ)

Qua đoạn trích, ta biết một số thông tin về bối cảnh của câu nói trên: – Câu nói đó là của chị Tí – người bán hàng nước. Chị Tí nói câu đó với những người bạn nghèo của chị cũng làm nghề kiếm ăn nhỏ: chị em Liên bán hàng xén, bác Siêu bán phở, gia đình bác xẩm,... – Chị Tí nói câu đó ở phố huyện nhỏ, vào một buổi tối, trong lúc mọi người đều chờ khách hàng. – Chị Tí nói đến “họ”, tức: mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm, cao hứng vào hàng chị uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào. “. Điều này ở đoạn trước và sau câu nói đó của chị Tí, tác giả đã cho biết. – Rộng hơn nữa, câu nói trên diễn ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhờ bối cảnh trên, ta cũng mới hiểu rõ vì sao vừa chập tối (chị em Liên mới thu hàng, chị Tí mới bày hàng, bác Siêu mới gánh phở đến, gia đình bác xẩm còn chưa hát,...) mà chị Tí đã cho là “muộn thế này”, và hoạt động của những người được nói đến (họ) lại được chị Tí biểu hiện bằng từ “ra” (họ đi từ trong huyện ra phố), và ta mới cảm được cả sự khát khao chờ đợi của chị đối với “họ” – những khách hàng – thượng đế? Đồng thời ta cũng mới hiểu rằng: Chị Tí nói với những người cùng cảnh ngộ, gần gũi nên lời của chị có thể trống không, không cần những từ ngữ xưng hô, và tuy dưới hình thức câu hỏi nhưng lại để bộc lộ một sự khát khao, mong đợi. Có thể nói rằng mỗi câu đều được sản sinh ra trong một bối cảnh nhất định và chỉ được lĩnh hội đầy đủ, chính xác trong bối cảnh của nó. Bối cảnh đó được gọi là ngữ cảnh:Vậy ngữ cảnh chính là bối cảnh ngôn ngữ, ở đó người nói (người viết) sản sinh ra lời nói thích ứng, còn người nghe (người đọc) căn cứ vào đó để lĩnh hội được đúng lời nói.

II. CÁC NHÂN TỐ CỦA NGỮ CẢNH

1. Nhân vật giao tiếp – Cùng với người nói (người viết) có thể có một hoặc nhiều người khác tham gia hoạt động giao tiếp (gọi chung là các nhân vật giao tiếp). Các nhân vật giao tiếp có quan hệ tương tác, đóng vai người nói (người viết), vai người nghe (người đọc). Quan hệ của các nhân vật giao tiếp, vị thế của họ so với nhau luôn luôn chi phối nội dung và hình thức của lời nói, câu văn. – Chẳng hạn, trong ví dụ vừa dẫn trên đây, chị Tí nói với những người quen biết, cùng bán hàng quán nhỏ nơi phố huyện. Cho nên câu nói mang sắc thái thân mật, gần gũi (cách nói trống không, việc dùng từ tình thái nhỉ,...), nội dung nói về một chuyện hằng ngày trong cuộc sống. 2. Bối cảnh ngoài ngôn ngữ – Bối cảnh giao tiếp rộng: Đó là toàn bộ những nhân tố xã hội, địa lí, chính trị, kinh tế, và hoá, phong tục, tập quán,... của cộng đồng ngôn ngữ. Nó tạo nên bối cảnh văn hoá của một đơn vị ngôn ngữ, một sản phẩm ngôn ngữ. Trong ví dụ dẫn trên, bối cảnh văn hoá của câu nói của chị Tí là xã hội Việt Nam vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Lúc đó, đời sống của người dân, nhất là những người bán hàng nhỏ nơi phố huyện rất lam lũ, nghèo khổ. Họ luôn luôn mong đợi, ao ước một cuộc sống tươi sáng hơn. Đối với văn bản văn học, bối cảnh văn hoá cũng chính là hoàn cảnh sáng tác (ra đời) của cả tác phẩm. Nó chi phối cả nội dung và hình thức ngôn ngữ (trong đó có từ, ngữ, câu, đoạn,...) của tác phẩm. – Bối cảnh giao tiếp hẹp: Đó là nơi chốn, thời gian phát sinh câu nói cùng với những sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh. Trong ví dụ trên, câu nói có bối cảnh hẹp là trên đường phố huyện, nơi bán hàng nhỏ, vào lúc trời tối, mọi người đang chờ đợi khách hàng. Bối cảnh giao tiếp hẹp tạo nên những tình huống của từng câu nói.

Đối với giao tiếp ngôn ngữ, tình huống luôn thay đổi. Từ đó quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp, vị thế giao tiếp, tình cảm, cảm xúc của mỗi người cũng tuỳ tình huống mà thay đổi. Tất cả sự thay đổi ở tình huống đều chi phối nội dung và hình thức của các câu nói.

– Hiện thực được nói tới: Đó có thể là hiện thực bên ngoài các nhân vật giao tiếp có thể là hiện thực tâm trạng của con người. Hiện thực được nói tới tạo nên phần nghĩa sự việc của câu. Câu nói của chị Tí trên đây đề cập đến hiện tượng những chú lính lệ trong huyện, những người nhà thầy thừa chưa ra phố và đến hàng của chị uống nước, hút thuốc như mọi tối khác. 3. Văn cảnh – Ở hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, ngữ cảnh của một đơn vị ngôn ngữ còn là văn cảnh xuất hiện của nó. Văn cảnh có thể là lời đối thoại hoặc đơn thoại, có thể ở dạng nói hoặc dạng viết. Trong mọi trường hợp, các đơn vị ngôn ngữ (âm, tiếng, từ, ngữ, câu, đoạn,...) đi trước và đi sau một đơn vị ngôn ngữ nào đó tạo nên văn cảnh của nó. Cũng như bối cảnh nói chung, văn cảnh vừa là cơ sở cho việc sử dụng, vừa là cơ sở cho việc lĩnh hội đơn vị ngôn ngữ.

– Ví dụ, trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, sở dĩ tác giả có thể dùng từ cần (trong câu “Tựa gối buông cần lâu chẳng được”) mà không cần viết đầy đủ là cần câu, người đọc vẫn có thể hiểu rõ ràng ý nghĩa của nó là nhờ trong bài thơ, trước từ cần đã có các từ ngữ ao thu, nước, thuyền câu, sóng và sau đó có các từ ngữ cá, đớp động, chân bèo,... Các từ ngữ này và nói chung tất cả các từ ngữ, câu thơ trong bài tạo nên ngữ cảnh cho từ cần; ngữ cảnh đó làm cơ sở cho người viết dùng từ cần, và người đọc hiểu được nó.

III. VAI TRÒ CỦA NGỮ CẢNH

1. Đối với người nói (người viết) và quá trình sản sinh lời nói, câu văn – Ngữ cảnh chính là môi trường sản sinh ra lời nói, câu văn. Do đó ngữ cảnh luôn luôn ảnh hưởng và chi phối nội dung và hình thức của câu. Câu nói cần được sản sinh ra sao cho thích hợp với ngữ cảnh (với các nhân vật giao tiếp, với bối cảnh rộng và hẹp, với hiện thực được đề cập đến, với văn cảnh,...). Hơn nữa, chính ngữ cảnh để lại dấu ấn trong câu. Đây chính là mối quan hệ giữa môi trường và sản phẩm tạo ra trong môi trường ấy. 2. Đối với người nghe (người đọc) và quá trình lĩnh hội lời nói, câu văn – Muốn lĩnh hội chính xác, có hiệu quả lời nói, câu văn, người nghe (người đọc) cần căn cứ vào ngữ cảnh rộng và hẹp. Phải gắn từ ngữ, câu với ngữ cảnh sử dụng của nó, với từng tình huống và diễn biến cụ thể để có thể phân tích, tìm hiểu và lí giải thấu đáo hiểu được cặn kẽ từng chi tiết về nội dung và hình thức.

GHI NHỚ

– Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói.

– Ngữ cảnh bao gồm: nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp hiện thực được đề cập đến, văn cảnh.

– Ngữ cảnh có vai trò quan trọng cả với quá trình tạo lập và quá trình lĩnh hội lời nói.

LUYỆN TẬP

1. Căn cứ vào ngữ cảnh (hoàn cảnh sáng tác), hãy phân tích những chi tiết được miêu tả trong hai câu sau:
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiến vây vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ. Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

2. Xác định hiện thực được nói tới trong hai câu thơ:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non.

(Hồ Xuân Hương, Tự tình – bài II)

3. Vận dụng hiểu biết về ngữ cảnh để lí giải những chi tiết về hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

4. Đọc những câu thơ sau trong bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Tú Xương và cho biết những yếu tố nào trong ngữ cảnh đã chi phối nội dung của những câu đó.


Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lộng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
5. Trên đường đi, hai người không quen biết gặp nhau, một người hỏi: “Thưa bác, bác có đồng hồ không ạ?'. Trong ngữ cảnh đó, câu hỏi cần được hiểu như thế nào? Nó nhằm mục đích gì?

• Dẫn nhập
• Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?

Trước khi có thể bàn một cách hợp lí về mối liên hệ giữa ngôn bản và ngữ cảnh, ta phải nhìn lại cái vị thế của câu.

Chương trước đã chỉ ra rằng có nhiều phát ngôn thường ngày của chúng ta là không đầy đủ về mặt ngữ pháp, hoặc bị tỉnh lược. Một số là lời nói ở dạng có sẵn của những dạng thức cố định: Good heavens!, Least said, soonest mended, v.v. Tôi không có gì nói thêm về loại này. Tôi đề cập đến chúng chỉ để thấy rằng, trong tất cả các ngôn ngữ đều có những biểu thức như vậy (hữu hạn về mặt số lượng và trong một số trường hợp thì thuộc vào loại cấu trúc ít nhiều được xác định về ngữ pháp) những biểu thức mà dạng thức và nghĩa đều không thể được giải thích về mặt đồng đại như là việc phát ngôn ra câu. Tất nhiên, chúng phải được giải thích khi miêu tả cấu trúc ngữ pháp và cấu trúc ngữ nghĩa của những ngôn ngữ cụ thể. Song chúng không gây ra vấn đề, khác với những vấn đề nảy sinh tương tự khi phân tích cái tập hợp vô hạn những phát-ngôn-thành-phẩm tiềm năng, mà bất kì thành viên nào trong số này về nguyên tắc cũng là kết quả của việc phát ngôn câu nói. Chỉ có một tập hợp con hữu hạn, tương đối nhỏ, của cái tập hợp vô hạn các phát ngôn tiềm năng mới được thực tại hoá trong việc sử dụng ngôn ngữ ngày này qua ngày khác. Song, như các nhà ngữ pháp tạo sinh đã nhấn mạnh đúng đắn trong những năm gần đây, rằng lí thuyết ngôn ngữ học không thể bó hẹp trong việc phân tích một tập hợp hữu hạn các phát-ngôn-thành-phẩm mang tính hiện thực, song được chọn lựa và chỉ là đại diện (là kết quả của việc sử dụng) cho một ngôn ngữ có thể ứng với tập hợp đó. Khi nhấn mạnh vào luận điểm này (vốn được các nhà nghĩa học hình thức chấp nhận rộng rãi, bất luận là họ có theo những nguyên tắc của ngữ pháp tạo sinh như hiện nay đang được lập thức trong ngôn ngữ học hay không), ngữ pháp tạo sinh chỉ tái xác nhận một điều đã được các nhà lí thuyết và thực hành của ngữ pháp truyền thống mặc định qua hàng thế kỉ. Cái mới và hấp dẫn trong ngữ pháp tạo sinh (cũng như trong nghĩa học hình thức) là cố gắng áp dụng với hiệu quả tối đa nguyên tắc hợp tố trong việc giải thích cấu trúc ngữ pháp (và nghĩa) của các câu trong ngôn ngữ tự nhiên. Mặc dù vậy, đã có rất nhiều nhầm lẫn, cả trong ngữ pháp tạo sinh lẫn trong ngữ pháp truyền thống về mối quan hệ giữa câu và phát ngôn. Nhiệm vụ đầu tiên của ta trong mục này là làm sáng tỏ những nhầm lẫn này. Chính tập hợp vô hạn các phát-ngôn-thành-phẩm tiềm năng là đối tượng quan tâm chủ yếu của ta ở đây.

Dẫu có thể là ngược đời, song cái sản phẩm của việc phát ngôn ra câu lại không tất yếu là câu. Cái nghịch lí rành rành này lập tức biến mất nếu ta nêu ra sự phân biệt giữa cái nghĩa trừu tượng hơn với cái nghĩa cụ thể hơn của thuật ngữ ‘câu’. Trong cái nghĩa trừu tượng hơn, câu là những kiến trúc lí thuyết, được nhà ngôn ngữ định ra làm tiên đề nhằm giải thích tính đúng ngữ pháp được thừa nhận của những phát ngôn tiềm năng nào đó và tính sai ngữ pháp của những phát ngôn khác. Chúng có thể có hoặc không có một loại hiệu lực tâm lí nào đó trong việc sản sinh và thuyết giải phát ngôn (tức phát-ngôn-thành-phẩm), song chúng chắc chắn không xuất hiện với tư cách là các sản phẩm của phát ngôn được ghi lại, và có khả năng sao chép. Tôi sẽ gọi câu theo cái nghĩa trừu tượng hơn của thuật ngữ này là câu–hệ thống (system–sentences); chúng là cái được tạo ra bởi các quy tắc ngữ pháp trong mô hình ngữ pháp cải biến của một ngôn ngữ–hệ thống (language–system) nào đó (vận hành trên một vốn từ, hay bộ từ vị, vốn là một bộ phận của cùng cái ngôn ngữ–hệ thống đó). Song thuật ngữ ‘câu’ cũng được cả ngôn ngữ học truyền thống lẫn hiện đại (cũng như trong diễn ngôn phi chuyên môn thường này) dùng với cái nghĩa cụ thể hơn.

Vậy, bây giờ cho phép tôi giới thiệu thuật ngữ câu–ngôn bản (text–sentence) theo cái nghĩa cụ thể hơn của thuật ngữ ‘câu’ – cái nghĩa theo đó câu là một tiểu lớp của những phát-ngôn-thành-phẩm và, theo đúng nghĩa của từ, có thể xuất hiện (ít nhất là trong một số ngôn ngữ) như là toàn bộ ngôn bản hoặc như là những phân đoạn của ngôn bản. Điều này cho phép ta nói rằng việc nói ra một câu–hệ thống cụ thể, chẳng hạn như:

(1)‘I have not seen Mary’

(Tôi không thấy Mary)

trong một số ngữ cảnh, sẽ có kết quả là tạo ra một câu–ngôn bản, như:

(2) I have not seen Mary

(có hoặc không có sự tương phản giữa have not với haven’t, và với một cấu trúc ngôn điệu thích hợp với ngữ cảnh nào đó). Điều này có thể trông như là sự nhân rộng các thực thể lí thuyết một cách không cần thiết. Song có một sự thưởng công rất đáng kể.

Tôi vừa nói rằng việc phát ngôn ra một câu không tất yếu đem lại sản phẩm là một câu. Dễ dàng minh hoạ điều này bằng cách dẫn ra phát ngôn của câu ‘I have not seen Mary’. Giả sử ta đang quan sát ngôn bản sau đây, ở dạng viết hoặc dạng nói:

(3) Have you seen Mary? I haven’t. Peter hasn’t either. She is never here when she should be.

Ngôn bản này gồm bốn phân đoạn, hoặc đơn vị ngôn bản (text-units), chỉ có phân đoạn thứ nhất và (có thể) thứ tư trong số này mới thường được miêu tả như là câu trọn vẹn. Phân đoạn thứ hai và thứ ba được truyền thống xem là những đoạn câu (sentence-fragments) tỉnh lược. Thế nhưng trong ngữ cảnh này, phân đoạn I haven’t cũng là sản phẩm của việc phát ngôn cái câu–hệ thống (1), hệt như cái câu–ngôn bản (2) trong những ngữ cảnh khác. (Điều này về mặt kinh nghiệm là có thể chứng minh được, bằng cách đề nghị tư liệu viên, như giáo viên dạy ngữ pháp truyền thống trong nhà trường đề nghị học sinh của họ, khôi phục I haven’t thành một câu đầy đủ.). Và nội dung mệnh đề của nó thì không thể xác định được, chừng nào ta chưa có khả năng xác định cái câu được nói ra khi thực hiện cái hành động tạo lời, mà trong ngữ cảnh này, dẫn đến cái sản phẩm là I haven’t. Tất nhiên, tình hình là tương tự với Peter hasn’t either xét trong quan hệ với câu ‘Peter has not seen Mary’ (và cũng có thể với She is never here when she should be xét trong quan hệ với câu ‘She is never here when she should be’).

Điều quan trọng là nhận thấy rằng, mặc dù tôi vừa giới thiệu một số thuật ngữ chuyên môn để xử lí những phân biệt lí thuyết cần thiết, bản thân những phân biệt này đều được chúng ta cảm nhận là có thực trong kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ thường ngày. Ta không khó khăn gì để xác định rằng I haven’t có nội dung mệnh đề của ‘I have not seen Mary’ trong ngữ cảnh này, của ‘I have not been to Switzerland’ trong ngữ cảnh khác, và của ‘I have not got any money’ trong ngữ cảnh thứ ba, v.v. Trong ngữ cảnh, I haven’t mất tính mơ hồ chỉ trong chừng mực ta nói được rằng câu nào trong số rất nhiều câu tiếng Anh (với cấu trúc ngữ pháp thích hợp) đã được nói ra.

Tôi sẽ tiếp tục dùng thuật ngữ ‘câu’ theo cả hai nghĩa, dựa trên sự phân biệt về trình bày giữa dấu trích đơn và chữ in nghiêng để làm rõ là tôi đang nói đến loại đơn vị nào. Hầu hết các nhà ngôn ngữ, như tôi đã nói, không nêu ra sự phân biệt rõ ràng về khái niệm giữa câu–hệ thống và câu–ngôn bản; việc này dẫn đến nhiều nhầm lẫn khi thảo luận mối quan hệ giữa ngữ pháp tạo câu và cái sản phẩm (và sự thuyết giải) của ngôn bản. Người ta ngờ rằng nó cũng làm giảm giá trị nhiều công trình về ngôn ngữ học văn bản theo quan điểm của ngữ pháp tạo sinh. Điều này là hiển nhiên bởi lí do sau: Cái nghĩa theo đó ngôn bản được sản sinh (tức được tạo ra) trong những tình huống cụ thể thì khác với cái nghĩa theo đó câu (tức câu–hệ thống) được tạo ra, với tư cách là những đối tượng toán học trừu tượng, nhờ vào các quy tắc của ngữ pháp tạo sinh.

Đọc tiếp: 9.2. Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản?