Nguyên nhân của chiến tranh trong phật pháp là gì năm 2024

“Phật giáo với việc ngăn ngừa chiến tranh và xây dựng thế giới hòa bình an lạc” là một trong các chủ đề hội thảo tại diễn đàn Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2008 tổ chức ở Hà Nội - Việt Nam

Đây là đề tài hấp dẫn. Chỉ tiếc rằng, khi tìm hiểu và lý giải mới thấy rằng, tri thức về Phật học của mình cũng như kiến thức liên quan tới chủ đề được đặt ra còn kém quá. Trong lúc đang gặp khó khăn khi tự vận dụng kiến thức nông cạn của mình về Phật giáo để cắt nghĩa, lý giải cho vấn đề trên thì thật may được gặp và trao đổi cùng nhà sư từ xa về chiêm bái thắng tích Phật giáo ở Yên Tử (Quảng Ninh).

Nghe điều tôi thưa, sư cười và nói đây là vấn đề rất hay. Để hiểu rõ, cắt nghĩa và thực hành được điều đó, đòi hỏi phải thấu hiểu triết lý Phật giáo, vì đó là một trong những vấn đề côt lõi mà Đức Phật đã đặt ra từ hơn 2.500 năm trước. Sư nói:

“Hiểu nôm na, chiến tranh là kẻ mạnh xâm lược kẻ yếu, là đánh nhau, là bạo động giữa lực lượng này với lực lượng khác; còn giáo lý Phật giáo dạy con người nuôi tâm từ bi, thực hành hạnh thương yêu con người cùng chúng sinh và thực hiện cuộc sống bất bạo động như vậy rõ ràng tư tưởng đạo Phật không ủng hộ hành động bạo động, không chấp nhận chiến tranh”.

Với kẻ xâm lược, mục đích gây chiến tranh thì rất nhiều nhưng tựu trung cũng là mong muốn quyền lực, danh lợi của một số ít người trong xã hội, nhưng số ít ấy lợi dụng vị thế, quyền lực, tiền tài… để lôi kéo, kích động đưa nhiều người vô tội vào các cuộc chiến tranh. Để đạt tới mục đích, tư tưởng quyền lực, danh, lợi của các thế lực gây chiến tranh trái hẳn với tư tưởng triết lý Phật giáo là vô ngã. Vô ngã là không cần quyền lực mà kẻ mạnh đạt được trên sự cai trị kẻ yếu bằng chiến tranh, bằng thủ đoạn; không cần danh lợi có được từ sự tước đoạt và gây đau khổ cho đồng loại. Cái có được khi đạt tới tâm vô ngã mới thực sự là có tất cả: Bình an, hạnh phúc, ung dung, tự tại… Triêt lý Phật giáo không hướng con người đến những sự giàu sang, quyền lực, danh vọng được đánh đổi bằng chiến tranh và cướp đoạt. Chiến tranh, cướp đoạt khởi nguyên từ tâm bất an của kẻ gây chiến, đồng thời nó sẽ tạo sự bât an cho người bị xâm lược, bị cướp đoạt. Đạo Phật đã chỉ “Tâm an thế giới an”.

Khi đã xảy ra chiến tranh, nguyên nhân của nó được tìm thấy rất nhiều, song có thể quy lại do ganh ghét, đố kỵ, vì sự bất hòa vốn có hoặc do bị kích động, xúi giục dẫn đến hiểu sai sự thật. Nhưng nguyên nhân gì đi nữa thì với kẻ gây chiến đều ẩn chứa sự vô minh bởi xã hội đã đúc kết: “Hại nhân, nhân hại”. Kẻ gây chiến tranh do vô minh không hiểu luật nhân quả mà đạo Phật đã chỉ rõ “nhân nào quả nấy” nên mới gây hại cho người, trước sau gì kẻ gây tội ác, tạo chiến tranh sẽ gặp quả báo, đó là sự trừng phạt bởi sự vùng lên của những con người yêu hòa bình, yêu độc lập tự do. Kẻ gây ác sẽ gặp đúng với luật “ác giả ác báo”. Để giải quyết tận gốc nguyên nhân ấy, Phật giáo dạy con người xóa bỏ vô minh bằng việc nỗ lực tu học để nâng cao nhận thức và thực hành tâm từ bi để nhận ra mình trong xã hội, điều chỉnh mình trong cuộc sống vì xã hội, để con người với con người sống trong thiện chí với nhau, đúng như phương châm đạo Phật đã nêu “Tâm bình thế giới bình”.

Đối với chiến tranh, kẻ khởi lòng tham gây chiến sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để tranh đoạt, để mưu lợi, từ chiến tranh bằng súng đạn, chiến tranh tâm lý, chiến tranh văn hóa, cho tới chiến tranh kinh tế…, và những thủ đoạn ấy hoàn toàn trái với giáo lý Đức Phật. Phật giáo không chỉ lên án chiến tranh và bạo động mà còn giáo hóa con người tu học, thực hành theo Bát chánh đạo: Nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng… vì cuộc sống an lạc, vì lợi ích của con người và của chúng sinh, trong đó có lợi ích của mình.

Phât giáo với tư tưởng bất bạo động, với phương châm hòa bình, an lạc là yếu tố cơ bản nhất để không gây chiến tranh. Trong giáo lý, kinh điển của đạo Phật luôn nhắc nhở luật nhân quả và hiểu rõ giá trị của cuộc sống trong hoa bình, hữu nghị, an lạc. Người hiểu về Phật giáo luôn có tâm lành xem hạnh phúc của người như hạnh phúc của mình, không bao giờ chỉ vì lợi ích của mình mà tranh đoạt hay làm hại đến người khác. Triết lý đạo Phật đã chỉ “Tâm bình thế giới bình”.

Chiến tranh để lại hậu quả không thể nói hết: Chết chóc, thương tật, chia ly, khổ đau, di chứng, thù hận… Phật giáo với tâm từ bi, vị tha, tư tưởng lục hòa luôn là yếu tố tích cực, góp phần hóa giải, gắn kết những con người, nạn nhân của cả hai phía lại với nhau, giúp họ hóa giải hận thù cùng nhau xây dựng cuộc sống trong tình thương yêu của đồng loại. Hơn rất nhiều lĩnh vực khác chỉ chữa lành vết thương cơ thể mà bất lưc với vết thương tâm hồn, Phật giáo với tâm từ bi, với lòng khoan dung hỷ xả, đã trở thành liệu pháp hữu hiệu trong việc chữa lành vết thương tâm hồn do xung đột của cuộc sống mang lại.

Chính vì để thăng hoa các giá trị hạnh phúc nhân sinh mà Phật giáo luôn hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc. Thế giới Phật giáo hướng tới là thế giới của sự đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa con người với con người, là thế giới của tình yêu thương trân trọng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, cùng hướng tới hạnh phúc.

Với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, Đức Phật dạy con người muốn làm nên sự nghiệp phải có trí tuệ, có giác ngộ. Phật giáo cho rằng chỉ có những gì do trí tuệ và từ lao động chân chính làm ra mới đáng trân quý, những gì do thủ đoạn tranh đoạt để có được sớm muộn cũng tiêu tan. Vì lẽ ấy, Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình phát triển với nỗ lực lao động của mỗi con người trong sự tự giác và khả năng của họ để góp phần xây dựng, phát triển xã hội vì sự an lạc của mọi người trong đó có hạnh phúc của mỗi người. Với triết lý sâu sắc, xã hội mà Phật giáo đã và đang góp phân xây dựng, phù hợp với mục tiêu xây dựng một thế giới mới, tiến bộ mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới. Có phải thế mà LHQ đã công nhận Lễ Tam hợp của Phật giáo là ngày hội văn hóa tôn giáo của thế giới. Công nhận ây là sự khẳng định, vinh danh Đức Phật, vinh danh tư tưởng giáo lý của Ngài, là sự khẳng định tư tưởng giáo lý của Đức Phật phù hợp với đường lối của LHQ, phù hợp xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ, đó là cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình hữu nghị cùng phát triển.

Giờ đây, nhân loại khi đã trải qua quá nhiều những cuộc chiến tranh, những trải nghiệm khổ đau không ít, song lòng tham và sự ham muốn của một bộ phận người sân hân vẫn đang là nguyên nhân của nhiều cuộc tranh giành đẫm máu, để rồi mãi gieo rắc hậu quả tang thương khôn lường cho người vô tội. Trước bối cảnh ấy, thế giới có nhiều cách tác động để ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chiên tranh. Một trong những giải pháp về tư tưởng giáo dục là đề cao tư tưởng hòa bình, hữu nghị của đạo Phật, giáo dục và hướng con người tới việc hành động vì sự bình yên, hạnh phúc của mỗi con người, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu chung cho xã hội văn minh.

Để tư tưởng triết lý Đức Phật thành hiện thực, để thế giới không còn chiến tranh và mọi người được sống trong hòa bình an lạc. Trước hết, những người con Phật phải đoàn kết để tỏ rõ sưc mạnh của sự nhận thức và hành động trong xây dựng cuộc sống tương thân, tương ái và an lạc. Phải chứng minh cho thế giới thấy rằng, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc có được cuộc sống trong hòa bình an lạc, không co trí tuệ nào vượt qua trí tuệ phục vụ mục tiêu cao cả vì hạnh phúc của con người và chúng sinh. Chỉ có xây dựng thế giới hòa bình an lạc mới mong con người hết sân hận, tham lam. Và như vậy, cái cội nguồn của chiến tranh cũng không còn để mà phát tác.

Phải chăng vì thế mà Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008. Nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản, trước hết là ủng hộ chủ trương của LHQ, nhằm hướng tới việc xây dựng thế giới hòa bình, an lạc, sau đó là sự khẳng định với các nước bè bạn rằng, Việt Nam cam kết với các nước, sẽ cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác, tôn trọng nhau vì một nền hòa bình, bền vững của mỗi nước…