Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI   Giấy phép số 02/GPTTĐT-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp ngày 12/05/2014   Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Công Hùng – Phó Viện trưởng - Trưởng Ban biên tập   Địa chỉ: 03 Lý Thái Tổ - TP. Pleiku - Tỉnh Gia Lai  -  Điện thoại: 02693.824 426 - Fax: 02693.823 873

   E-mail:

04(65)/2011

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

Mục lục

  • 1.Khái quát về tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước
  • 2.Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946
  • 3.Tài liệu tham khảo

Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

NGUYỄN MẠNH HÙNG

04(65)/2011 - 2011, Trang 09-14

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

no


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

NGUYỄN MẠNH HÙNG, Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 04(65)/2011, Trang 09-14

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=264aaed2-2117-4a77-8e7b-f19dd295b4bb

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Khái quát về tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước

Cội nguồn của tư tưởng phân quyền đã có từ thời cổ đại ở phương tây. Tư tưởng phân quyền trong xã hội Hy Lạp cổ đại đã có mầm mống từ Aristotle. Ông quan niệm rằng trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc: cơ quan làm ra luật có trách nhiệm trông coi việc nước, các cơ quan thực thi pháp luật và các tòa án[1]. Tuy nhiên, tư tưởng của Aristotle mới chỉ dừng lại ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước.

John Locke (1632 - 1704), nhà triết học Anh, là người đã khởi thảo học thuyết phân quyền. Ông cho rằng sự phân biệt các quyền là điều kiện tiên quyết và quan trọng để đảm bảo tự do. Trong tác phẩm Hai chuyên luận về chính phủ, ông phân chia quyền lực nhà nước thành ba quyền: lập pháp, hành pháp và liên hợp. Để thực thi ba quyền này, nhà nước cần phải tổ chức thành ba cành quyền lực khác nhau. Quyền lập pháp do Quốc hội đảm nhiệm. Quyền hành pháp thuộc về nhà vua (nhà vua lãnh đạo việc thực thi pháp luật, bổ nhiệm các Bộ trưởng và các quan chức khác). Quyền liên hợp là quyền để xử sự với các nước khác như tuyên bố chiến tranh,thực hiện hòa bình[2].

Quan điểm trên của John Locke được nhà khai sáng vĩ đại người Pháp Montesquieu phát triển. Trước thực tế lịch sử là nỗi thống khổ của nhân dân bị đọa đày trong chế độ phong kiến chỉ có cai trị độc đoán chứ không có “hương sắc” của tự do, Montesquieu đã cảm nhận được “sứ mạng ẩn tàng” mà lịch sử trao cho. Tác phẩm của ông thể hiện tinh thần chống thế quyền bạo ngược và thần quyền giáo điều, chống lại sự u tối nhận thức và bất khoan dung về chính trị. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, Montesquieu cho rằng: “khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện nguyên lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không còn gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp”[3]. Trên cơ sở đó, ông đã phân chia quyền lực nhà nước thành ba quyền. Đó là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lập pháp là quyền làm luật, sửa đổi, hủy bỏ và giám sát thi hành luật. Quyền hành pháp là quyền thực thi các văn bản pháp luật, quyền khai chiến, quyền nghị hòa, phái hoặc tiếp các sứ thần, thiết lập sự an ninh và đề phòng sự xâm lược. Quyền tư pháp là quyền trừng trị các tội phạm hay phân xử các vụ tranh chấp quyền lợi giữa các tư nhân[4]. Như vậy, sự phân chia của ông đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Quyền hành pháp bao hàm cả hai lĩnh vực: thực thi pháp luật và bang giao quốc tế của John Locke. Sự bổ sung thêm quyền tư pháp chính là điểm mới của Montesquieu làm cho học thuyết phân quyền của ông hoàn hảo hơn. Nội dung liên hệ trong nguyên tắc phân quyền biểu hiện ở sự phối hợp, sự đan xen và sự chế ước trong hoạt động và trong quyền lực giữa ba quyền.

- Bản thân sự phân định quyền lực đã là sự phân định trong phối hợp. Thực tế không có bất kỳ một hệ thống quyền lực nhà nước nào khi phân định xong thì mỗi bộ phận quyền lực lại hoàn toàn tự hoạt động riêng biệt, như kiểu một bộ máy mà các bánh xe răng cưa rời rạc nhau, tự quay lấy một mình, mà trái lại chúng phải khớp với nhau. Các loại cơ quan không thể tự hoạt động riêng rẽ nhau mà có sự đan xen, kiềm chế lẫn nhau, buộc phải dựa vào nhau (hành pháp cần có luật, ngân sách, quy định thuế từ lập pháp; những gì lập pháp ban hành cần được thực hiện thông qua hành pháp và tư pháp; trường hợp cơ quan tư pháp cũng tương tự như vậy).

- Sự phối hợp còn được thực hiện bằng quan hệ đan xen quyền lực: hành pháp được quyền phủ quyết các dự án luật đã được Quốc hội thông qua, lập pháp được quyền phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm của Tổng thống và phê chuẩn các hiệp định đã được Tổng thống hoặc Bộ trưởng ký kết; tư pháp được quyền xét xử các hành vi của hành pháp, hành pháp được quyền bổ nhiệm các Thẩm phán của Tòa án tối cao; lập pháp được quyền quyết định ngân sách hoạt động của hành pháp và tư pháp, tư pháp được quyền xét xử các đạo luật vi hiến của lập pháp[5].

- Quan hệ đan xen như vậy, tiến tới một bước chính là sự kiểm soát và kiềm chế giữa các loại cơ quan. Không có bất kỳ một loại cơ quan nào có được quyền hạn tuyệt đối cuối cùng, là điểm hội tụ quyền lực tuyệt đối cuối cùng. Sự kiềm chế và đối trọng như vậy không phải là làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả, mà trước hết là không để bất kỳ một loại cơ quan nào có thể tự mình thâu tóm mọi quyền hành hay đi đến chỗ lạm quyền trong khi thực hiện quyền lực nhà nước; là không đưa nhà nước, cơ quan nhà nước, con người trong bộ máy nhà nước đi đến chỗ lạm quyền, độc tài, chuyên chế; và đồng thời như một hệ quả, chính là làm tăng hiệu năng cho bộ máy nhà nước.

Sự phân chia quyền lực để tiến tới kiểm soát quyền lực thể hiện tầm vóc lớn lao có ý nghĩa thời đại trong học thuyết phân chia quyền lực của Montesquieu. Bởi vì tất cả những tư tưởng triết học chính trị trước Montesquieu và cả Rousseau sau này, cơ bản đều đặt vấn đề ở việc thực hiện quyền lực nhà nước như thế nào mà không hề nêu vấn đề kiểm soát quyền lực đó ra sao[6]. Từ sự phân tích trên, có thể kết luận rằng bản chất của phân quyền không có gì khác hơn chính là sự phân công, phối hợp để tiến tới sự kiểm soát; dùng quyền lực để giới hạn quyền lực; nhằm mục đích không để quyền lực đi đến chỗ lạm quyền. Đằng sau lý thuyết ấy chính là triết lý về bản chất cũng như mối quan hệ giữa con người - quyền lực - chính quyền. Sự ra đời của học thuyết phân quyền “đã đánh dấu sự chuyển biến từ việc sử dụng quyền lực dã man trong các xã hội chuyên chế sang thực thi quyền lực văn minh trong xã hội dân chủ” [7].



[1] William Ellis (transleted), The Politics of Aritotle or a Treaties on Government, London. I.M, tr. 132.

[2] Lê Tuấn Huy - Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam - Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 74.

[3] Montesquieu, The Spirit of the Laws, Transleted by Thomas Nugent, New York Hafner Publishing Company 1949, tr. 151.

[4] Montesquieu, The Spirit of the Laws, Transleted by Thomas Nugent, New York Hafner Publishing Company 1949, tr. 151.

[5] Nguyễn Đăng Dung, Tính nhân bản của Hiến pháp và bản tính của các cơ quan nhà nước, Nxb Tư pháp, 2004, tr. 51.

[6] Lê Tuấn Huy, Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 138.

[7]Phạm Thế Lực, Ý nghĩa của lý thuyết phân quyền trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 127/2008.

2. Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

Hiến pháp 1946 thể hiện tư tưởng phân quyền tương đối rõ thông qua việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn và có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước.

2.1 Vấn đề phân công quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 1946

Theo Hiến pháp này, các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp do ba cơ quan là Nghị viện nhân dân, Chính phủ và Tòa án thực hiện.

- Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc; đặt ra các pháp luật; biểu quyết ngân sách; chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều 23 Hiến pháp năm 1946); bầu Chủ tịch nước (Điều 45 Hiến pháp năm 1946); quyết định vấn đề tuyên chiến (Điều 29 Hiến pháp năm 1946) và có thể tuyên bố tự giải tán (Điều 33 Hiến pháp năm 1946); xem xét việc bãi miễn của một nghị viên (Điều 41 Hiến pháp năm 1946); phê chuẩn việc lựa chọn Thủ tướng của Chủ tịch nước, việc lựa chọn các Bộ trưởng của Thủ tướng (Điều 47 Hiến pháp năm 1946); Nghị viện có quyền tín nhiệm Chính phủ (Điều 54 Hiến pháp năm 1946); có quyền yêu cầu sửa đổi Hiến pháp (Điều 70 Hiến pháp năm 1946).

- Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc; thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện; đề nghị những dự luật ra trước Nghị viện và những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt; có quyền bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần; bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn; thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước; lập dự án ngân sách hàng năm (Điều 52 Hiến pháp năm 1946).

- Quyền tư pháp thuộc về hệ thống Tòa án bao gồm: Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa án đệ nhị cấp và các Tòa án sơ cấp có chức năng xét xử (Điều 63 Hiến pháp năm 1946).

Từ những quy định trên, có thể nhận thấy 2 vấn đề cốt lõi: một là, Hiến pháp bảo đảm tính độc lập của quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hai là, khẳng định có tính nguyên tắc là: Nghị viện, Chính phủ và Tòa án đều là những cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, mỗi cơ quan nhà nước nắm một bộ phận quyền lực nhà nước. Chính những quy định này đã thể hiện sự phân công lao động quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước khá rạch ròi[8].

2.2 Vấn đề phối hợp quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 1946

Về sự phối hợp trong lĩnh vực làm luật: theo Hiến pháp năm 1946, để Nghị viện nhân dân “đặt ra các pháp luật” (Điều 23) và Ban thường vụ “biểu quyết những dự án sắc luật khi Nghị viện không họp” (Điều 36), Điều 52 Hiến pháp trao cho Chính phủ quyền “đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện và những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp”; để Nghị viện nhân dân “biểu quyết ngân sách”, Điều 52 Hiến pháp trao cho Chính phủ quyền “lập dự án ngân sách hàng năm”; và Điều 49 Hiến pháp trao cho Chủ tịch nước quyền “ký hiệp ước với các nước” thì Nghị viện nhân dân chính là cơ quan “chuẩn y các hiệp ước” đó v.v.

Sự phối hợp trong lĩnh vực thi hành luật: để Chính phủ “thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện”, Hiến pháp năm 1946 quy định Nghị viện nhân dân phải “đặt ra các pháp luật” và “trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 69)…

Sự phối hợp trong lĩnh vực xét xử: Chính phủ có quyền bổ nhiệm các viên Thẩm phán, xử các việc hình sự có phụ thẩm nhân dân tham gia, bị cáo có quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư,…

2.3 Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 1946

Kiểm soát và đối trọng giữa lập pháp với hành pháp: khi quy định thẩm quyền cụ thể của các cơ quan cao nhất trong bộ máy nhà nước, Hiến pháp 1946 đã tạo nên cơ chế “cân bằng quyền lực” hay cơ chế “kiềm chế quyền lực” giữa các nhánh quyền lực nhà nước, đặc biệt là giữa lập pháp và hành pháp [9]. Lập pháp tham gia kiểm soát hành pháp thể hiện ở chỗ: tham gia thành lập cơ quan hành pháp qua việc bầu Chủ tịch nước (Điều 45 Hiến pháp năm 1946); phê chuẩn sự lựa chọn Thủ tướng của Chủ tịch nước và sự lựa chọn các Bộ trưởng của Thủ tướng (Điều 47 Hiến pháp năm 1946); biểu quyết các dự luật, sắc luật và ngân sách do Chính phủ đệ trình; chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều 23 Hiến pháp năm 1946); chất vấn các thành viên của Chính phủ (Điều 55 Hiến pháp năm 1946); quyết định thành lập một Tòa án đặc biệt để truy tố và xét xử Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước hay một nhân viên Nội các khi họ phạm tội phản quốc (Điều 51 Hiến pháp năm 1946); thay thế Nội các qua việc biểu quyết vấn đề tín nhiệm Thủ tướng và các Bộ trưởng (Điều 54 Hiến pháp năm 1946). Hành pháp đối trọng lại so với lập pháp thể hiện ở chỗ: Chủ tịch nước có quyền ban hành những sắc lệnh có giá trị gần như luật; Chủ tịch nước có thể yêu cầu Nghị viện thảo luận lại dự luật mà Nghị viện đã thông qua (Điều 31 Hiến pháp năm 1946); Chủ tịch nước có quyền đưa vấn đề tín nhiệm Nội các ra Nghị viện thảo luận lại trong thời hạn 24 giờ (Điều 54 Hiến pháp năm 1946); Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào trước Nghị viện trừ tội phản quốc (Điều 50 Hiến pháp năm 1946); Chính phủ có quyền bắt giam các Nghị viên khi họ phạm tội quả tang nhưng Chính phủ phải thông báo cho Ban thường vụ chậm nhất là sau 24 giờ (Điều 40 Hiến pháp năm 1946).

Kiểm soát và đối trọng giữa tư pháp với lập pháp: tư pháp tham gia kiểm soát lập pháp thể hiện ở chỗ: Tòa án có quyền xét xử Nghị viên (Điều 40 Hiến pháp năm 1946). Lập pháp đối trọng lại so với tư pháp thể hiện ở chỗ: việc xét xử Nghị viên phải được sự đồng ý của Nghị viện hoặc Ban thường vụ khi Nghị viện không họp (Điều 40 Hiến pháp năm 1946); Tòa án phải xét xử theo các luật do Nghị viện ban hành (Điều 69 Hiến pháp năm 1946).

Kiểm soát và đối trọng giữa tư pháp với hành pháp: tư pháp tham gia kiểm soát hành pháp thể hiện ở chỗ: có quyền xét xử nhân viên Nội các về thường tội (Điều 51 Hiến pháp năm 1946). Hành pháp đối trọng lại so với tư pháp thể hiện ở chỗ: việc bắt bớ và truy tố trước Tòa án một nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ (Điều 51 Hiến pháp năm 1946); Chính phủ có quyền bổ nhiệm Thẩm phán (Điều 64 Hiến pháp năm 1946).

2.4 Thông qua cơ chế phân quyền, Hiến pháp 1946 đã lột tả được bản tính cần phải có của các cơ quan nhà nước

- Nghị viện theo Hiến pháp 1946 là một Nghị viện đoàn kết, dân chủ và thận trọng. Chế định Nghị viện nhân dân được quy định trong Hiến pháp 1946 thể hiện một hình thức dân chủ mới của chính thể cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập ở một đất nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Bản chất, tổ chức và phương thức hoạt động của Nghị viện nhân dân là phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam sau Tổng tuyển cử 1946, với sự tham gia của nhiều lực lượng chính trị trong một cơ chế dân chủ nhân dân. Việc bổ sung 70 ghế Đại biểu Quốc hội cho Việt Nam Quốc dân đảng (Đảng Việt quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Đảng Việt cách) nhằm tập hợp các lực lượng chống đối, lôi cuốn họ tham gia xây dựng đất nước; thực sự là sáng kiến vĩ đại về một nhà nước của dân tộc Việt Nam[10]. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là Điều 30 Hiến pháp 1946 xác định hình thức hoạt động rất dân chủ của Nghị viện nhân dân: “Nghị viện họp công khai, công chúng được nghe”. Quy định này đã thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước Việt Nam với tính cách là nhà nước dân chủ nhân dân. Tính dân chủ của Nghị viện trong Hiến pháp 1946 còn được thể hiện ở quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tổng số nghị viên đồng ý” (Điều 32). Để giữ cho quyết định lập pháp của Nghị viện được cẩn trọng hơn, Điều 31 Hiến pháp 1946 quy định: Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Nghị viện xem xét lại các dự thảo luật đã được thông qua; hoặc Điều 54 Hiến pháp 1946 quy định: Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại việc bất tín nhiệm Nội các cũng là nhằm mục đích đảm bảo cho quyết định bất tín nhiệm Nội các của Nghị viện được thận trọng hơn. - Chính phủ theo Hiến pháp 1946 là một Chính phủ mạnh và dám chịu trách nhiệm. Thông qua việc nghiên cứu nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước và Chính phủ theo Hiến pháp 1946, có thể nhận thấy rằng, Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Chính phủ. Chức năng nguyên thủ quốc gia nhập lại với chức năng hành pháp và Chủ tịch nước thực sự nắm quyền hành pháp. Chính phủ thực sự “là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc”. Theo nhà nghiên cứu Việt Phương, “Trong sự phân quyền ấy, mối quan tâm suốt đời của Hồ Chí Minh, theo tôi hiểu, là xây dựng một nền hành pháp rất mạnh, rất, rất mạnh, và điều này là một kinh nghiệm lớn của loài người. Hồ Chí Minh đã nhận rõ kinh nghiệm ấy”[11]. Giống với một số nước khác, trong mỗi sắc lệnh của Chính phủ bên cạnh chữ ký của Chủ tịch nước phải có chữ ký “phó thự” của một Bộ trưởng và chính người trực tiếp ký ấy mới phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện về hậu quả pháp lý của văn bản đó[12]. Bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm cá nhân mà không phải chịu trách nhiệm liên đới trước Nghị viện nên chỉ Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì mới phải từ chức và Nội các không phải từ chức tập thể trong trường hợp Bộ trưởng bị mất tín nhiệm. Thủ tướng là người đứng đầu, điều hành Nội các và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Nội các trước Nghị viện: “Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các”. Thủ tướng và Nội các có thể bị đặt vấn đề tín nhiệm trước Nghị viện khi Ban thường vụ hoặc ¼ tổng số Nghị viên đặt vấn đề ấy. Trong vòng 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước có quyền đưa vấn đề đó ra thảo luận lại. Sau cuộc biểu quyết lần hai mà vẫn bị mất tín nhiệm thì Nội các phải từ chức. Các Bộ trưởng phải trả lời chất vấn của Nghị viện hoặc Ban thường vụ.

- Tòa án theo Hiến pháp 1946 là một Tòa án độc lập. Tòa án được xem “là một cơ quan trọng yếu của chính quyền”, có vị trí độc lập trong tổ chức bộ máy nhà nước. Tòa án độc lập đối với hành chính, chỉ có Tòa án mới có chức năng xét xử; các viên Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm nhưng trong khi xét xử, các Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được phép can thiệp.

Kết luận: Phân quyền là cơ chế ngăn ngừa sự độc đoán, chuyên quyền bằng một cơ chế được quy định công khai trong Hiến pháp chứ không “ngấm ngầm” tự nguyện bởi đạo đức, trong một xã hội pháp quyền chứ không phải xã hội của đức quyền, giáo quyền, cực quyền. Phân quyền đem lại sự phân công cụ thể phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mỗi nhánh quyền lực trong tổng thể quyền lực nhà nước và chịu sự kiểm soát thường trực của những định chế quyền lực cùng cấp khác. Do đó, mỗi nhánh quyền lực phải tự thân nâng cao năng lực và trách nhiệm chính trị trong hành động. Điều này sẽ nâng cao và khẳng định tính chuyên nghiệp của các nhánh quyền lực trên nền tảng Hiến pháp và pháp luật; không trông chờ, dựa dẫm vào một nhánh quyền lực khác có tính tối cao để được ban phát, cho phép, hướng dẫn. Thay vào đó, từ sự chuyên nghiệp trong phân quyền, các nhánh quyền lực sẽ năng động, luôn tự hoàn thiện để tương xứng với vị trí, chức năng của mình. Sự chủ động đó đóng vai trò như một xung lực thúc đẩy các nhánh quyền lực thăng tiến, qua đó thúc đẩy sự thăng tiến của cả hệ thống. Từ đó, mỗi nhánh quyền lực sẽ chủ động trong sự thăng tiến xã hội công dân, dân chủ và pháp quyền, tránh tình trạng thụ động hay bảo thủ của cả hệ thống. Tất cả sẽ tạo nên sự năng động cần thiết trong bối cảnh kinh tế ngày càng tăng tốc, xã hội công dân không ngừng tiến những bước mới, dân chủ tiếp tục được khai triển sâu rộng… Kết quả chung sẽ là sự hình thành và thăng tiến của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Không hẳn là nhân tố duy nhất, nhưng phân quyền là nhân tố cần có trước nhất và nền tảng nhất về mặt pháp lý nhằm bảo đảm cho sự phi chuyên chế chính trị, bảo đảm cho dân chủ và xã hội công dân. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của nhà nghiên cứu Việt Phương rằng: “Hồ Chí Minh chấp nhận sự phân quyền ấy. Gọi sự phân quyền ấy là phân công cũng được thôi, nhưng theo tôi, Hồ Chí Minh đã chấp nhận sự phân quyền và đã khéo kết hợp hài hòa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Cách tổ chức nhà nước sinh thời Hồ Chí Minh qua Hiến pháp 1946 là rất Việt Nam, mang đậm dấu ấn dân tộc và sắc thái phương Đông, đồng thời có vận dụng nhiều kinh nghiệm của Pháp, có một phần của Mỹ về tổ chức nhà nước và các mối quan hệ quyền hạn giữa các bộ phận chính quyền với nhau, đằng sau đó là kinh nghiệm của Anh, vì Anh đã một thời làm mẫu cho các nền dân chủ phương tây”[13].

Ở nước ta hiện nay, vấn đề kiểm soát quyền lực vì hướng đến mục tiêu thống nhất quyền lực nên chỉ được thiết kế theo chiều dọc từ trên xuống, không có chiều ngang. Ngành lập pháp có quyền kiểm soát quyền lực của ngành hành pháp và tư pháp. Nhưng hai ngành này không được kiểm soát quyền lực của nhau và càng không thể kiểm soát quyền lực của lập pháp: Tòa án không được quyền kiểm soát văn bản không hợp hiến, không hợp pháp của Chính phủ và càng không thể xét xử các luật vi hiến của Quốc hội; Chính phủ không được quyền phủ quyết luật, không được đề nghị giải tán Quốc hội, không được đặt vấn đề bất tín nhiệm trước Quốc hội, … Do đó, việc nghiên cứu cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp 1946 có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chính thức khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ có “sự phân công, phối hợp” mà còn có sự “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.



[8] Trần Ngọc Đường, Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 264.

[9] Trần Ngọc Đường, Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 264.

[10] Nguyễn Văn Thảo, Xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nxb Tư pháp, tr. 35.

[11] Việt Phương, Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước , Viện nghiên cứu Khoa học Pháp lý của Bộ Tư pháp, Hà Nội, 1993, tr. 68.

[12] Việt Phương, Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, Viện nghiên cứu Khoa học Pháp lý Hà Nội, 1993 tr. 68-69.

[13] Trần Ngọc Đường, Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 440.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref