Nhà nghiên cứu nào góp phần vào sự phát triển của khu vực học tại đức thời kỳ đầu?

Khu vực học (Area Studies) ra đời và phát triển ở Mỹ và nhiều nước khác từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Từ đó cho đến nay, trên thế giới, Khu vực học đã trải qua nhiều bước thăng trầm: từ “Khu vực học cổ điển”, nó đã tự lột xác để trở thành “Khu vực học hiện đại” vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20. Nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian toàn thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, và Nghiên cứu toàn cầu (Global Studies) đã ra đời và ngày càng trở thành một trường phái thịnh hành của Khu vực học hiện đại. Toàn cầu hóa địa phương (Glocalization) đã và đang trở thành triết lý, thành nguyên tắc cho cách tiếp cận của trường phái này, với phương châm “think globally, act locally” (tư duy toàn cầu, hành động địa phương).

Trong quá trình diễn ra những bước chuyển mình đó của Khu vực học, trong giới học thuật thế giới đã và đang diễn ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về lý thuyết, phương pháp và định hướng phát triển. Theo quan sát của tôi, các cuộc thảo luận không chỉ giới hạn trong những hệ vấn đề thuần túy học thuật, mà còn đề cập đến cả chính sách của các nước, các tổ chức quốc tế, các quỹ tài trợ đối với ngành khoa học này.

Ở Việt Nam, Khu vực học được truyền bá và tiếp nhận từ khoảng đầu thập kỷ thứ 9 của thế kỷ trước. Việc vận dụng hệ thống phương pháp và cách tiếp cận liên ngành của Khu vực học đã mang lại nhiều thành tựu của giới khoa học Việt Nam, trong đó có sự ra đời và phát triển của Việt Nam học ở Việt Nam.

Trong khoảng 30 năm qua, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số công trình khoa học trao đổi về Khu vực học. Tuy nhiên, hệ vấn đề được quan tâm chủ yếu dừng lại ở cách định nghĩa về “khu vực” và “khu vực học”, ở việc xác định và vận dụng phương pháp và cách tiếp cận liên ngành, về mối liên hệ giữa nghiên cứu Việt Nam theo hướng liên ngành và theo hướng chuyên ngành hoặc về việc vận dụng một hoặc một số cách tiếp cận hay kỹ thuật nghiên cứu, khảo sát cụ thể nào đó. Thực tế là các nhà khoa học Việt Nam rất hiếm khi tham gia vào các cuộc thảo luận của đồng nghiệp nước ngoài, nhất là về các vấn đề lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận hay kỹ thuật nghiên cứu.

Ngay cả những bước thăng trầm, khủng hoảng và phát triển của Khu vực học trên thế giới cũng hiếm khi được giới thiệu và trao đổi ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, với bài viết này, trước hết chúng tôi mong muốn tái hiện và phân tích những bước phát triển chính của Khu vực học trên thế giới trong hơn sáu thập kỷ qua. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tóm lược những đặc điểm và định hướng chính của môn khoa học này, nhất là của một số trường phái thịnh hành nhất.  

  1. Sự ra đời và phát triển của Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Khu vực học (Area studies) ra đời từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II ở Mỹ và một số nước phương Tây, trước hết với tính chất là một phương thức tổ chức nghiên cứu đa ngành (multi-disciplinary studies), sau đó đã phát triển thành một khoa học cơ bản liên ngành (inter-disciplinary studies).

Có nhiều nguyên nhân đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của Khu vực học trong thời gian từ sau Chiến tranh thế giới II đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến sự ra đời của Khu vực học ở Mỹ lại nằm ngoài các vấn đề học thuật.

Cuộc Chiến tranh thế giới II lần đầu tiên nước Mỹ phải đưa quân đội đi tham chiến ở ngoài nước Mỹ với quy mô to lớn chưa từng có, ở cả các chiến trường châu Âu châu Á – Thái Bình Dương vv… Tức là lần đầu tiên chính giới và quân đội Mỹ phải đối phó và tác chiến với nhiều loại kẻ thù khác nhau, trong những không gian, môi trường địa lý, văn hóa, sắc tộc, chính trị vv… rất khác nhau. Đây là nguyên nhân chính khiến cho quân đội, tình báo Mỹ buộc phải tổ chức ra những đội khảo sát – trinh thám đa ngành và liên ngành đầu tiên, trực tiếp phục vụ cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ trong Thế chiến II. Có thể coi đây là những mầm mống đầu tiên của Khu vực học.

Dường như ngay lập tức, cuộc Chiến tranh thế giới II được kế tiếp bởi Chiến tranh Lạnh, và chính những vấn đề của cuộc Chiến tranh Lạnh đã khai sinh ra Khu vực học ở Mỹ và trên thế giới.

Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu toàn diện, gay gắt giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Để phục vụ cho cuộc đối đầu này, cả hai phe đều phải ra sức lôi kéo “thế giới thứ ba”,[1] bao gồm phần lớn là các nước trước kia từng là thuộc địa của các nước đế quốc, giờ đây trở thành những quốc gia – dân tộc độc lập, đang vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng đang băn khoăn, chao đảo giữa các con đường phát triển trong giai đoạn “hậu thuộc địa” (post-colonial time).

Tuy nhiên, cho tới lúc đó, hiểu biết của Mỹ và nhiều cường quốc khác về các nước “thế giới thứ ba” thực sự rất mỏng manh. Ngay cả những nước vốn là cường quốc thực dân, như Anh, Pháp, Hà Lan vv… thì ngoài những hiểu biết về các khu vực thuộc địa của nước họ, họ hầu như cũng không quan tâm gì đến các khu vực khác.[2]

Cho nên ở Mỹ và nhiều nước phương Tây đã xuất hiện yêu cầu cấp bách của việc nghiên cứu về các nước, các khu vực có tầm quan trọng địa – chiến lược, đặc biệt là các nước và các khu vực thuộc “thế giới thứ ba” – là các địa bàn đang diễn ra phong trào dân tộc mạnh mẽ và cũng là các trọng điểm đối đầu (focal points) giữa phe TBCN và phe XHCN. Đây cũng là yêu cầu được đặt ra, ngày càng cấp bách, ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước XHCN trước kia.

 Mỹ là nước tiên phong và quyết liệt, hiệu quả nhất trong việc tổ chức, đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của Khu vực học theo định hướng liên ngành nhằm trực tiếp phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho môn khoa học này phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu nhất ở các trường đại học và viện nghiên cứu của Mỹ.

Sau khoảng hơn một nửa thập kỷ phát triển, từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước đã xuất hiện những chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học về Khu vực học tại một số trường đại học ở Mỹ, trong đó có những đại học nổi tiếng nhất, như Cornell University, Yale University và University of Columbia vv... Để thúc đẩy và tạo điều kiện cho Khu vực học phát triển lên một tầm cao mới, ngày 2 tháng 9 năm 1958, Tổng thống Mỹ Dwight David Einsenhower đã ký Đạo luật Giáo dục quốc phòng quốc gia (National Defense Education Act), trong đó có những điều khoản riêng (Điều 3 và Điều 6), quy định cơ chế và chế độ ưu tiên đầu tư để phát triển Khu vực học ở Mỹ.  

Nhờ sự ủng hộ to lớn của Chính phủ Mỹ, trong các thập kỷ tiếp theo, Khu vực học phát triển rất nhanh chóng cả trong nghiên cứu và đào tạo tại Mỹ và ở nhiều nước Tây Âu Nhật Bản. Đến năm 1965, riêng ở nước Mỹ đã có 125 trường đại học có tổ chức đào tạo và nghiên cứu Khu vực học.

Các tổ chức quỹ nghiên cứu, nhất là các quỹ và các hiệp hội nghiên cứu được tài trợ từ nguồn ngân sách công của Chính phủ Mỹ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Khu vực học ở Mỹ, trong đó quan trọng nhất là The Ford Foundation, The Rockefeller Foundation, và The Carnegie Corporation of New York. Các quỹ này huy động được những nguồn tài chính lớn lao từ Chính phủ Mỹ và nhiều tập đoàn, công ty lớn, thông qua đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, lâu dài về các khu vực có liên quan mật thiết đến lợi ích, an ninh và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hằng năm, hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức. Học bổng và tài trợ nghiên cứu được các quỹ này phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và nhất là hai cơ quan là The Social Science Research Council và The American Council of Learned Societies xét duyệt và cung cấp cho các nhóm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Nhờ đó mà nhiều thế hệ chuyên gia Khu vực học đã được đào tạo ở Mỹ. Hàng nghìn nghiên cứu có giá trị học thuật cao đã được triển khai để cung cấp luận cứ cho chính sách, chiến lược toàn cầu của Mỹ, được vận dụng cụ thể trong từng không gian địa - chiến lược trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1945-1991). Chỉ riêng quỹ Ford trong thời gian từ 1953 đến 1966 đã đầu tư tới 270 triệu USD cho 34 trường đại học ở Mỹ để tổ chức đào tạo và nghiên cứu Khu vực học.[3]

Tiếp nối Mỹ, Khu vực học cũng phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản và nhiều nước phương Tây khác. Ở Nhật Bản, Khu vực học được phát triển triển mạnh nhất tại Trường Đại học Tổng hợp Tokyo, sau đó được triển khai tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác, trở thành một trường phái Khu vực học Nhật Bản dựa trên cách tiếp cận không gian lịch sử - văn hóa.[4]

 Ở Tây Âu, Trường Đại học Tổng hợp London (University of London) trở thành một cơ sở phát triển Khu vực học nổi tiếng với School of Oriental and African Studies (SOAS). Tiếp theo đó là các trường University of Oxford, St Antony's College vv... Ở Đức, các Khu vực học đã trở thành nền tảng cho các ngành nghiên cứu châu Á, Đông Nam Á học, Á-Phi học và Nghiên cứu kinh tế - văn hóa quốc tế từ thập kỷ thứ bảy của thế kỷ 20 với các cơ sở nổi tiếng ở Trường ĐHTH Passau, Trường ĐHTH Hamburg, Trường ĐHTH Humboldt ở Berlin, Trường ĐHTH Bochum, Trường ĐHTH Bayreuth vv... Ở Hà Lan, Pháp và một số nước Tây Âu khác, Khu vực học cũng từng bước phát triển và trở thành nền tảng cho các ngành Đông Nam Á học, Nghiên cứu châu Á vv...[5]

Cũng trong thời gian này, ở Liên Xô và một số nước XHCN cũng tổ chức nghiên cứu và đào tạo theo định hướng học thuật tập trung vào một số khu vực, nhất là các khu vực đang diễn ra các phong trào cách mạng, là nơi đối đầu với chủ nghĩa đế quốc và CNTB, như châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Trong nhiều thập kỷ, Liên Xô và một số nước XHCN đã dành những nguồn tài chính to lớn để đào tạo hàng nghìn nhà khoa học đến từ các khu vực nói trên, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học xã hội Việt Nam. Đây chính là một trong những nguồn vốn quý cho sự phát triển của Việt Nam học ở Việt Nam sau này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đối đầu về ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh, giới khoa học xã hội ở Liên Xô và các nước XHCN khác dường như không xem trọng và rất ít tham khảo các thành tựu nghiên cứu Khu vực học ở phương Tây. Điều tương tự cũng xảy ra ở Mỹ và các nước phương Tây: giới học giả ở đó hầu như rất ít khie tiếp cận và tham khảo các kết quả nghiên cứu được công bố ở Liên Xô và các nước XHCN.

Có thể thấy cho đến trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Khu vực học đã ra đời và phát triển mạnh ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, trở thành nền tảng lý luận và phương pháp tổ chức nghiên cứu nước ngoài chủ yếu của các nước này. Liên ngành là tính chất và nguyên tắc học thuật nền tảng của Khu vực học, trong đó chủ yếu là sự kết hợp chủ yếu giữa các ngành sử học, địa lý nhân văn, ngôn ngữ, văn hóa, khoa học chính trị và kinh tế học. Qua đó, có thể thấy khái niệm "khu vực" ở đây trên căn bản được định nghĩa là những không gian lịch sử - văn hóa xác định với phạm vi rộng - hẹp khác nhau.

Điều đáng chú ý là: tuy Mỹ và phương Tây là những cái nôi ra đời của Khu vực học, nhưng, do được định hướng phục vụ chiến lược toàn cầu của Mỹ (và vì thế mới được nhận tài trợ từ các quỹ nghiên cứu của Chính phủ Mỹ), Khu vực học chủ yếu chỉ được áp dụng trong nghiên cứu về các khu vực ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, đặc biệt là Đông Nam Á, châu Phi, Đông Á và một số nơi khác. Trong khi đó, dường như Khu vực học không được giới nghiên cứu ở Mỹ và các nước Tây Âu áp dụng trong các nghiên cứu về nước Mỹ và các nước phương Tây khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình phát triển của nó, Khu vực học đã bị phê phán bởi một số nhà khoa học khá nổi tiếng. Họ cho rằng Khu vực học ra đời chủ yếu nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho chiến lược toàn cầu của Mỹ và chính sách đối đầu của các nước phương Tây khác trong cuộc đấu tranh giữa phe "thế giới tự do" do Mỹ cầm đầu với "phe XHCN".[6]

Mặc dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ của Khu vực học ở Mỹ và phương Tây đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó quan trọng nhất là:

Thứ nhất, với sự ra đời và phát triển Khu vực vực học, một mô hình tổ chức nghiên cứu liên ngành và đa ngành mới đã được xây dựng và phát triển.Tuy về sau đã xuất hiện những trường phái Khu vực học khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu là đưa lại nhận thức tổng hợp về những khu vực - các không gian lịch sử - văn hóa, không gian địa - chiến lược nhất định. Và để đáp ứng yêu cầu nhận thức này, sự phối hợp và kết hợp về lý thuyết, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và công cụ phân tích của nhiều ngành khoa học là yêu cầu tất yếu, có tính nguyên tắc. Có thể nói Khu vực học chính là ngành khoa học đi tiên phong theo xu hướng nghiên cứu liên ngành, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Khu vực học trên thế giới đã xây dựng và phát triển được những hệ thống lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận phong phú, đáng tin cậy. Tương tự như bất kỳ lĩnh vực khoa học mới nào, trong quá trình xây dựng và phát triển Khu vực học đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận.Điều cần nhấn mạnh ở đây là các cuộc tranh luận diễn ra trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 đều xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra ở các khu vực khác nhau các nhà khoa học đã nêu ra những vấn đề mới và đề xuất lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới. Trải qua quá trình thảo luận, đã xuất hiện các xu hướng và các trường phái Khu vực học khác nhau. Một số lý thuyết và cách tiếp cận đã trở nên nổi tiếng và được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận, cho dù khi xuất hiện chúng vốn chỉ gắn với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong phạm vi một khu vực cụ thể. Chẳng hạn như lý thuyết về "các nhà nước thủy tính" (hydronic states) của Karl August Wittfogel,[7] lý thuyết về biến đổi cấu trúc trong tiến trình lịch sử (historical structural changes) của Harry Benda,[8] lý thuyết về "nền kinh tế đạo đức" của James C. Scott,[9] lý thuyết về "cộng đồng tưởng tượng" của Benedict Anderson,[10] lý thuyết Mandala của Wolter,[11] hay lý thuyết về "nền dân chủ châu Á" của Clark Naher và lý thuyết về "quyền lực châu Á" của Lucien Pyke vv... Những lý thuyết và cách tiếp cận này chính là một trong những nền tảng quan trọng của nhiều định hướng nghiên cứu liên ngành trong suốt hơn 7 thập kỷ qua.[12]

Thứ ba, sự phát triển của Khu vực học ở Mỹ, Nhật Bản và phương Tây đã sản sinh nhiều trung tâm đào tạo và nghiên cứu danh tiếng, nơi nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu nổi tiếng được đào tạo và trưởng thành, trong đó có nhiều nhà Việt Nam học danh tiếng, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, như Paul Mus, Philippe Devilliers, George Coedes, George Condominas, Joseph Buttinger, James C. Scott, Alexander B. Woodside, David G. Marr, Keith W. Taylor,  Benedict T.J Kervliet, Yamamoto Tatsuro, Sakurai Yumio, Furuta Motoo, Shiraishi Masaya, Ralph Smith vv. Đây chính là thế hệ các nhà Việt Nam học sẽ tiếp tục đào tạo nên các thế hệ chuyên gia nghiên cứu Việt Nam mới sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thứ tư, một trong những thành tựu nổi bật của Khu vực học thế giới có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam học chính là sự ra đời và phát triển của Đông Nam Á học từ ngay sau Chiến tranh thế giới II kết thúc. Thực ra, từ trước Chiến tranh thế giới II đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề hoặc các khu vực cụ thể ở Đông Nam Á, nhưng nhìn nhận và nghiên cứu về Đông Nam Á như một chỉnh thể thì chỉ đến sau Thế chiến II, dựa trên lý thuyết và cách tiếp cận Khu vực học, mới thực sự trở thành nguyên tắc nền tảng của Đông Nam Á học. Để đạt tới nhận thức chung này, những cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong hơn một thập kỷ nhằm làm rõ phạm vi, những đặc trưng cơ bản, cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á (Southeast Asian cultural infrastructure), những tương đồng và dị biệt (similarities and diversities) trên các phương diện của các cộng đồng dân cư trong khu vực, tính liên tục và đứt đoạn trong quá trình phát triển của nền văn minh khu vực, vai trò của các yếu tố, như kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, thương mại biển, quá trình Ấn hóa, quá trình Hồi giáo hóa và ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc ở Đông Nam Á vv... Cùng với sự ra đời và phát triển của Đông Nam Á học, nghiên cứu về từng nước, từng dân tộc hay từng tiểu vùng cũng ra đời và phát triển. Thái học (Thai Studies) và Việt Nam học (Vietnamese Studies) cũng ra đời và phát triển trong khuôn khổ Đông Nam Á học với tính cách là những môn nghiên cứu liên ngành. Nhờ có việc được đặt trong khuôn khổ của Đông Nam Á học, Việt Nam học thực sự đã vươn tới tầm cao mới. Hàng loạt vấn đề mà trước đây, do chưa có cái nhìn đối sánh và chưa được đặt trong bối cảnh khu vực để xem xét, nên các nhận thức của giới nghiên cứu Việt Nam còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, như vấn đề thương mại biển và sự hình thành và phát triển của các cảng thị ở Việt Nam (Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà vv...), vấn đề quá trình dân tộc và sự tích hội của các cộng đồng dân cư khác nhau thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam trước khi Pháp xâm lược; vấn đề tương tác văn hóa giữ các luồng Ấn hóa và Hoa hóa; Vấn đề mô hình tổ chức nhà nước, cấu trúc và các kiểu loại phân hóa giai cấp thiếu triệt để ở phần lớn các nước và khu vực ở Đông Nam Á; vấn đề tương tác văn hóa vùng và liên vùng vv...

  1. Bước chuyển mình của Khu vực học sau Chiến tranh Lạnh

Mặc dù phát triển khá nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước Khu vực học nói chung và Việt Nam học nói riêng đã trải qua một thời gian rất khó khăn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong vòng một thập kỷ, Khu vực học trên toàn thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Một số khu vực vốn là địa bàn nghiên cứu “truyền thống” của Khu vực học như Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ - Latinh đột nhiên không còn là những nơi tập trung các xung đột trên toàn cầu. Các nguồn tài trợ cho nghiên cứu về các khu vực này bị cắt giảm khiến cho nhiều cơ sở nghiên cứu bị đóng cửa. Hàng trăm tiến sĩ, hàng nghìn thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp bị rơi vào thất nghiệp.[13]

Như đã chỉ ra ở bên trên, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhờ gắn chặt với các chiến lược toàn cầu của Mỹ và phe TBCN mà Khu vực học đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu nhất đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng, thậm chí “chết lâm sàng” của Khu vực học ở phương Tây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Liên bang Nga và các nước Đông Âu sau khi chế độ XHCN sụp đổ. Các cơ sở nghiên cứu Á-Phi và Mỹ Latin suy yếu nghiêm trọng, có nhiều cơ sở bị đóng cửa hoàn toàn. Nhiều chuyên gia về các khu vực này phải chuyển sang làm việc khác.

Tuy nhiên, từ những năm đầu thế kỷ 21, Khu vực học lại hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Một số khu vực, như Đông Nam Á và Đông Âu đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành những địa bàn phát triển năng động nhất. Nghiên cứu về các khu vực này trở nên nhu cầu bức thiết không chỉ của các nước phương Tây mà trước hết là của chính các nước trong khu vực.Trong trường hợp của Đông Nam Á học, chuyển biến quan trọng nhất là sự hình thành các trung tâm và mạng lưới Đông Nam học của chính các nước trong khu vực. Trong khi đó, xung đột lại bùng phát ở Trung Đông và Bắc Phi với sự phát triển đáng lo ngại của chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa cực đoan mang màu sắc Hồi giáo và nạn khủng bố quốc tế đe dọa nghiêm trọng an ninh toàn cầu. Cùng với đó là các cuộc “cách mạng màu sắc”, làn sóng “mùa xuân Ả rập” làm rung chuyển cục diện địa – chiến lược toàn thế giới. Đây chính là những đòi hỏi khách quan của thực tiễn đối với sự phát triển của Khu vực học ở tầm cao mới.[14]

Trước đòi hỏi đó, nhiều tổ chức nghiên cứu dựa trên nền tảng Khu vực học đã được thành lập ở một loạt các nước phương Tây, Nga và Đông Âu, các nước Đông Nam Á và Đông Á. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ đã có hàng trăm tổ chức (trung tâm, viện) nghiên cứu Khu vực học và hàng chục chương trình đào tạo Khu vực học ra đời ở các trường đại học, kể cả nhiều đại học danh tiếng như Harvard University, Yale University, Oxford University, Frei Universität Berlin, Michigan State University, Kyoto University vv... Ngay cả những nước vốn từ trước vẫn hoàn toàn xa lạ với ngành này cũng đã xuất hiện các trung tâm Khu vực học, như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel vv... Thậm chí, có cả những nơi đã tổ chức đào tạo Khu vực học ở bậc tiến sĩ, như Middle East Technical University (Thổ Nhĩ Kỳ).[15] Điều cần nhấn mạnh ở đây là: Không chỉ các trường phái Khu vực học cổ điển được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ mà trên thực tế đã hình thành và phát triển Khu vực học hiện đại, trong đó mục tiêu và lý thuyết cũng như về phương pháp đã có những chuyển biến rất căn bản dựa trên định hướng phục vụ phát triển bền vững và toàn cầu hóa.

Về phương diện học thuật, Khu vực học đã và đang bộc lộ một số khuynh hướng và trường phái khác nhau. Từ định hướng mục tiêu chung của một khoa học liên ngành nhằm đưa lại những nhận thức tổng quát về một khu vực /một không gian lịch sử - văn hóa xác định, Khu vực học đã phát triển thành những trường phái khác nhau.

Có thể nêu ra đây một số trường phái lớn như sau:

- Khu vực học gắn với đất nước học: Đây thực chất là một bước phát triển mới của môn đất nước học nhằm đưa lại nhận thức tổng quát về một quốc gia - dân tộc cụ thể. Hướng phát triển này khá thịnh hành bởi nó trực tiếp phục vụ cho mục đích quảng bá hình ảnh của các quốc gia; là cách tổ chức nghiên cứu tổng hợp về nước ngoài của một số nước; cao hơn cả là tạo nền tảng để hình thành môn quốc học tại một số nước. Các trụ cột của môn đất nước học là lịch sử, địa lý nhân văn, ngôn ngữ, văn hóa và du lịch học. Các ngành khoa học gắn với định hướng này đã và đang phát triển khá bền vững, như Trung Quốc học (Sinology), Ấn Độ học (Indian Studies), Nhật Bản học (ở ngoài Nhật Bản – Janology), Hàn Quốc học (Korean Studies) vv...

- Khu vực học dựa trên lý thuyết địa - chính trị: Trường phái này chủ yếu phát triển ở Tây Âu và một số cơ sở ở Bắc Mỹ. Theo đó, thế giới được chia thành những khu vực địa - chính trị rộng lớn, như Tây Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á, Nam Á, Bắc Phi vv... Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các tiếp cận địa lý, văn hóa chính trị, ngôn, ngữ, văn hóa và lịch sử, địa – chiến lược, nghiên cứu so sánh vv...  nhằm chỉ ra những nét tương đồng hay dị biệt trong văn hóa, dân cư và nhất là định hướng phát triển. Và đích đến cuối cùng của trường phái này là định vị địa – chiến lược của từng nước, từng khu vực trong thế giới toàn cầu hóa. Trường phái này, ở những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 phát triển thành hai xu hướng khá thịnh hành: chính trị học quốc tế dựa trên nghiên cứu so sánh (comparative studies) và toàn cầu học (global studies).

- Trường phái không gian lịch sử - văn hóa: Trên cơ sở cho rằng một khu vực (area) không thể bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia hay ranh giới hành chính hiện đại, và do đó không thể có một "quy mô" xác định nào đó. Trái lại, "khu vực" chính là những không gian văn hóa - lịch sử có chủ thể xác định là những cộng đồng người cụ thể, với những đặc trưng (characteristics) và một bản thể/bản sắc (identity) văn hóa nào đó, vì vậy, mục tiêu của Khu vực học là thông qua các nghiên cứu liên ngành, có tính thực chứng cao, làm sáng tỏ những đặc trưng văn hóa - lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng của không gian nghiên cứu. Trường phái này sớm hình thành ở Mỹ và phát triển rất mạnh ở Nhật Bản, trở thành một mô hình nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận liên ngành, với sự hỗ trợ của nhiều kỹ thuật nghiên cứu / phân tích hiện đại. Trường phái này có ưu điểm nổi bật là đưa lại nhận thức vừa tổng quát, vừa cụ thể, thực chứng về những vùng, tiểu vùng và không gian phát triển cụ thể. Kết quả nghiên cứu, vì vậy, có tính thuyết phục và có tính ứng dụng cao hơn, không chỉ đối với quá trình chính sách vĩ mô, mà thậm chí cả với những chiến lược kinh doanh cụ thể của ngành sản xuất hoặc doanh nghiệp.

Như vậy là đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Khu vực học đã phát triển lên một tầm cao mới, chuyển từ Khu vực học cổ điển sang Khu vực học hiện đại. Bước chuyển này trước hết xuất phát từ mục tiêu của Khu vực học. Nếu như trước đây, Khu vực học đặt mục tiêu là đưa lại nhận thức tổng quát về một không gian lịch sử - văn hóa nào đó thì Khu vực học hiện đại hướng tới mục tiêu hàng đầu là ứng dụng những nhận thức tổng quát đó vào việc giải quyết hàng loạt các vấn đề có độ phức hợp cao đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của các khu vực. Khu vực giờ đây không còn chỉ là một không gian lịch sử - văn hóa mà còn là, và trước hết là một không gian phát triển.Vì vậy, Khu vực học phải hướng tới đích cuối cùng là đánh giá các nguồn lực, tiềm năng, cơ hội phát triển của không gian xác định nào đó. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu phải có giá trị tư vấn, phản biện chính sách, và cuối cùng là trực tiếp có những đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của khu vực, tức là cung cấp đầu vào (input) cho quá trình chính sách. Đòi hỏi này vừa là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội mới đối với Khu vực học, bởi nó mở đường cho Khu vực học trở thành một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng. Không chỉ có các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mà cả những nhà nghiên cứu kinh tế, môi trường, công nghệ môi trường hay công nghệ truyền thông vv... cũng có thể và cần được tham gia vào các nhóm nghiên cứu liên ngành về Khu vực học. Nhiều lý thuyết, khung phân tích và kỹ thuật nghiên cứu đã và đang được vận dụng phục vụ cho việc nâng cao tính thực chứng của khu vực học, nhất là các lý thuyết xã hội học - chính trị, khung sinh kế bền vững, hệ phân tích SWOT, … v.v.

Một trong những đặc trưng cơ bản của Khu vực học, nhất là Khu vực học hiện đại, là: trong khi tập trung nghiên cứu nhằm làm rõ bản sắc, đặc trưng nhằm mang lại nhận thức tổng hợp, liên ngành của các không gian lịch sử - văn hóa và không gian phát triển, trên cơ sở đó đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển của các không gian đó, thì việc đặt các không gian đó trong mối tương tác vùng (regional interactions) và tương tác liên vùng (inter-regional interactions) là vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang tác động ngày càng mạnh mẽ và toàn diện tới tất cả các dân tộc, các cộng đồng ở tất cả các không gian phát triển khác nhau.

4. Nhìn lại và hướng tới trong thời kỳ toàn cầu hóa

Trải qua nhiều thập kỷ phát triển với những bước thăng trầm, nhưng dường như Khu vực học vẫn còn đang loay hoay với nhiều thế lưỡng nan (dilemma).

Thứ nhất là vấn đề định nghĩa, tức là trả lời cho câu hỏi “Khu vực học là gì?”

Cho đến nay đã có nhiều cách trả lời khác nhau, do đó cách hiểu về Khu vực học cũng khác nhau. Trong khi nhiều người hiểu Khu vực học là “một khoa học liên ngành” thì nhiều người khác lại hiểu đó là “interdisciplinary fields of research” (những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành) và chỉ ra rằng “Khu vực học không phải là một lĩnh vực nghiên cứu thống nhất”.[16] Hiện nay, nhiều chuyên gia Khu vực học ở phương Tây đang tỏ ra đồng thuận khá cao với quan điểm của David L. Szanton, rằng “Khu vực học tốt nhất nên được hiểu là một khái niệm bao quát dùng để chỉ một tổ hợp các lĩnh vực học thuật (a family of academic fields) và các hoạt động phối hợp dựa trên những cam kết chung sau đây: 1) nghiên cứu sâu về ngôn ngữ; 2) khảo sát sâu sắc thực tế bằng ngôn ngữ địa phương; 3) đặc biệt chú trọng lịch sử địa phương, những quan điểm, tư liệu và cách phân tích; 4) kiểm chứng, tìm hiểu kĩ càng, phê phán và phát triển những lý thuyết phản đối sự quan sát cụ thể; tiến hành những trao đổi, đối thoại đa ngành vượt qua những giới hạn vốn có của các khoa học xã hội và nhân văn.”[17]

Những điều khái lược của Szanton ở trên là xác đáng, phản ánh rõ thực tế tồn tại và phát triển của những xu hướng phổ quát của Khu vực học trong thời gian Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cách khái lược này khiến cho việc xây dựng một định nghĩa chung cho Khu vực học càng trở nên khó khăn, rắc rối hơn. Có lẽ, người ta đã quá quen với cách định nghĩa trước đây đối với các khoa học chuyên ngành, rằng một ngành khoa học thì nhất thiết phải có đối tượng riêng, hệ thống phương pháp nghiên cứu và hệ thống lý thuyết riêng. Với cách tiếp cận như vậy, người ta sẽ không bao giờ định nghĩa được Khu vực học và nhiều khoa học liên ngành khác, bởi lẽ phần lớn các khoa học liên ngành là các định hướng học thuật mở, linh hoạt và liên tục phát triển.

Nhìn lại lịch sử của Khu vực học trên thế giới trong hơn 7 thập kỷ qua, có thể thấy một số điểm chung, cốt yếu sau đây:

Khu vực học trước sau đều là các phương thức tổ chức nghiên cứu khoa học liên ngành. Dù phát triển trong thời gian nào, theo trường phái nào thì tính chất “liên ngành” (interdisciplinary) vẫn lôn luôn là một thuộc tính cố hữu, một nguyên tắc.

“Liên ngành” hiểu theo nghĩa là “sự kết hợp nhuần nhuyễn về phương pháp và cách tiếp cận” của nhiều khoa học chuyên ngành[18] cũng là một vấn đề được bàn luận nhiều. Kết hợp (combine) như thế nào? Theo nguyên tắc bình đẳng giữa các hướng tiếp cận hay trên cơ bản của một cách tiếp cận nào đó, rồi mở rộng, “lấn sân” sang các cách tiếp cận chuyên ngành khác, tùy theo yêu cầu của mục đích nghiên cứu. Trên thực tế, không có một nguyên tắc hay một công thức cố định hay tối ưu nào đó được đưa ra để chế định tính “liên ngành” trong nghiên cứu.

Trong khi tính chất “liên ngành” giành được sự đồng thuận rất cao trong giới Khu vực học toàn cầu thì đối tượng nghiên cứu của Khu vực học lại không nhận được sự đồng thuận cao. Đơn giản nhất và căn bản nhất là cách phát biểu: đối tượng nghiên cứu của Khu vực học chính là các “khu vực”. Nhưng khu vực cần được xác định như thế nào?

Khu vực trước hết và bao giờ cũng là một phạm vi – một không gian địa lý.

Nhưng không phải bất kỳ không gian địa lý nào cũng có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của Khu vực học. Không gian địa lý đó phải luôn đặt trong mối liên hệ với chủ thể - những cộng đồng người nào đó sinh sống tương đối ổn định trong không gian đó. Tức là, nó phải là một không gian địa lý nhân văn.

Không gian địa lý nhân văn đó phải là một chỉnh thể (entity), tức là phải có một bản thể riêng của nó (identity), để phân biệt hay khu biệt nó với các không gian địa lý nhân văn khác. Chẳng hạn Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Nghệ, Châu thổ sông Hồng, Châu thổ sông Cửu Long  vv… là những không gian địa lý nhân văn xác định và khu biệt tương đối với các không gian kề cận.

Vậy, những gì làm nên cái “bản thể” (identity) dường như khá “ổn định” của các không gian đó? Đó không thể là gì khác mà chính là các yếu tố, các chiều cạnh lịch sử và văn hóa. Chính vì vậy, đối tượng nghiên cứu của Khu vực học trong suốt nhiều thập kỷ, cho đến trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính là các không gian lịch sử - văn hóa. Và, như đã chỉ ra ở trên, sự phát triển của Khu vực học trong thời gian đó luôn gắn chặt với chiến lược toàn cầu và chiến lược chín trị của Mỹ và một số quốc gia khác. Vì thế, không phải tất cả các không gian lịch sử - văn hóa đều được quan tâm nghiên cứu, mà chủ yếu là những không gian lịch sử - văn hóa có tầm quan trọng địa – chính trị và địa - chiến lược thì mới được ưu tiên lựa chọn để nghiên cứu.

Vì vậy, có thể nêu định nghĩa, rằng Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là khoa học liên ngành nghiên cứu về các không gian lịch sử - văn hóa – xã hội trên thế giới, trong những địa bàn địa – chính trị xác định, nhằm đưa lại những hiểu biết tổng hợp và những đặc trưng của không gian đó với tính chất là một chỉnh thể.

 Ngay trong giai đoạn phát triển này, theo nhận định của hai tổ chức khoa học hàng đầu ở Mỹ - những cơ quan cung cấp nguồn đầu tư tài chính, tiếp nhận kết quả nghiên cứu và do đó thúc đẩy và chi phối sự phát triển của Khu vực học ở Mỹ và phương Tây trong suốt nhiều thập kỷ, thì có hai khuynh hướng Khu vực học chủ yếu.

Một là khuynh hướng “Khu vực học truyền thống” hay “Khu vực học cổ điển”, mà ở đó các nhà nghiên cứu “coi khu vực như một tổng thể (totality) và là đối tượng nghiên cứu căn bản của họ.” Và họ “tìm mọi cách để biết được tất cả những gì cần biết về một khu vực của thế giới – các ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, chính trị và các tôn giáo.”[19]

Hai là xu hướng cũng khởi đầu bằng việc tìm hiểu về một khu vực, nhưng sau đó sử dụng tri thức về khu vực đó để phán đoán, phân tích về những hiện tượng và xu hướng đang xuất hiện ở các khu vực khác.[20] Đây là xu hướng mới hơn của Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bước đầu mở rộng định hướng liên ngành, tiếp nhận mô hình nghiên cứu so sánh, nghiên cứu trường hợp (case studies) của khoa học chính trị và xã hội học, nhân học hiện đại.

Nan đề thứ hai của Khu vực học chính là việc xác lập một hệ thống lý thuyết và phương pháp, cách tiếp cận riêng, mang đặc trưng của Khu vực học.

Đối với các khoa học chuyên ngành “truyền thống” thì đây là yêu cầu bắt buộc, sống còn, bởi nếu thiếu nền tảng lý thuyết và phương pháp đặc thù thì có thể coi như ngành khoa học đó không tồn tại. Nhưng đối với các khoa học liên ngành, trong đó có Khu vực học, thì vấn đề này dường như không mấy quan trọng hay bất khả thỉ?

Nhìn lại quá trình phát triển của Khu vực học trên thế giới trong thời gian 7 thập kỷ qua, có thể thấy rất nhiều lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận đã được vận dụng thành công, hiệu quả, đồng thời, nhiều lý thuyết, phương pháp và các tiếp cận mới cũng được sáng tạo ra và được cộng đồng khoa học tiếp nhận. Tuy nhiên, không ai có thể trả lời câu hỏi: lý thuyết nào, hệ phương pháp nào, những cách tiếp cận nào là phù hợp nhất hay của riêng Khu vực học!

Với tính cách một khoa học liên ngành, mở, linh hoạt và rất giàu tính thực tiễn, Khu vực học có thể và luôn cần phải phối hợp vận dụng nhiều lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận và cả kỹ thuật nghiên cứu của nhiều môn khoa học chuyên ngành. Trên cơ sở đó, trong thực tiễn, những sáng tạo riêng của giới khu vực học cũng mang tính thực tiễn cao, chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ nghiên cứu. Vì vậy, có thể chúng phù hợp với nhiệm vụ này, đối tượng nghiên cứu này, nhưng lại không hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu khác.

Dẫu sao, một số đặc tính phổ quát của Khu vực học về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu đều được ghi nhận, có tính nguyên tắc là:

  1. Nguyên tắc tiếp cận liên ngành – Interdisciplinary Approach.
  2. Nguyên tắc coi trọng khảo sát thực tế liên ngành – Based on interdisciplinary survey
  3. Nhìn nhận và phân tích đa chiều – Multiperspective and Multidimensional Analysis.

Nan đề thứ ba của Khu vực học toàn thế giới từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là: định hướng nào, tương lai nào cho Khu vực học?

Sau cuộc khủng hoảng trầm trọng hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có dấu hiệu Khu vực học đã hồi sinh và bước đầu phát triển khá mạnh mẽ. Sự xuất hiện của Khu vực học hiện đại với ba khuynh hướng chính như đã trình bày ở trên có thể xem như một “kiếp lai sinh” (reincarnation) của môn khoa học liên ngành này. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học thế giới vẫn tiếp tục thảo luận sôi nổi về tương lai của khu vực học. Một số định hướng chung dường như đã nhận được sự đồng thuận cao là:

  1. Sứ mệnh của Khu vực học là phải góp phần cung cấp đầu vào (input) cho quá trình chính sách cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sở dĩ Khu vực học phát triển được là nhờ nó cung cấp đầu vào cho quá trình chính sách của Mỹ và các nước khác. Đây chính là cách thức để Khu vực học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tham gia giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ngày nay, yêu cầu của thực tiễn phát triển bền vững ở các khu vực, các quốc gia và trên toàn cầu đang đặt ra những hệ vấn đề hoàn toàn mới. Với lợi thế của mình, nếu Khu vực học không tự thay đổi, không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề đó, thì không những nó không khẳng định được mình mà còn tự loại bỏ mình trong đời sống nhân loại. Vì vậy, Khu vực học phải trở thành một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng.
  2.   Đối tượng của Khu vực học hiện đại chính là các không gian phát triển bền vững và những vấn đề được quan tâm hàng đầu phải là các vấn đề đương đại. Theo đó, không gian phát triển bền vững và các vấn đề đương đại có thể và cần thiết phải được tiếp cận từ nhiều chiều cạnh, nhiều phương diện, trong đó các chiều cạnh “truyền thống” như lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ vv... vẫn tiếp tục được coi trọng. Quan trọng hơn là các chiều cạnh giàu tính thực tiễn hơn, cấp bách hơn, như địa-chiến lược, chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh (truyền thống và phi truyền thống).
  3. Với tính cách là khoa học liên ngành, Khu vực học có thể và cần thiết phải đảm bảo nguyên tắc “mở” để tiếp nhận và vận dụng nhiều lý thuyết, hệ thống phương pháp và cách tiếp cận cũng như kỹ thuật nghiên cứu mới. Đây chính là một trong những bí quyết đã dẫn đến thành công của Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, thế giới chứng kiến nhiều chuyển biến rất to lớn và mau lẹ do tác động của quá trình toàn cầu hóa, của sự bùng nổ cách mạng công nghệ cao, của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những cuộc chiến tranh thảm khốc ở nhiều khu vực, nạn khủng bố quốc tế vv... Tất cả những chuyển biến đó đều có tác động đến tất cả các khu vực, các cộng đồng dân cư trên thế giới theo những phương thức và với những mức độ khác nhau, nhưng chắc chắn không có ai đứng ngoài những chuyển biến và những vấn đề có bản chất và tính chất toàn cầu đó.

Trong tình hình đó, trong số các khuynh hướng Khu vực học hiện đại đã xuất hiện Nghiên cứu toàn cầu (Global Studies) với Glocalization được coi như triết lý nền tảng. Bên cạnh đó, việc tích hợp Khu vực học với Nghiên cứu so sánh (Comparative Studies) cũng đang trở nên một khuynh hướng có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là nghiên cứu về các đối thoại liên văn hóa toàn cầu (Global Intercultural Dialogues).[21]

Trên đây là những phác họa hai chặng đường phát triển chính của Khu vực học trên thế giới từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, trong đó tôi đã cố gắng chỉ ra những vấn đề quan trọng nhất, và đặc biệt là những nan đề mà Khu vực học đã và đang phải đối mặt. Với tính cách là nền tảng học thuật của Việt Nam học theo định hướng liên ngành ở Việt Nam, việc nắm bắt thông tin và tham gia vào cuộc trao đổi của giới Khu vực học thế giới về những vấn đề nói trên rất cần thiết và có ý nghĩa trên nhiều phương diện./.  

 GS.TS. Phạm Hồng Tung

 

[1] Xin lưu ý: đã từng có một số quan niệm khác nhau về “thế giới thứ ba”. Ở đây chúng tôi vận dụng quan niệm phổ quát, chia thế giới thành phe TBCN và phe XHCN. Các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin mới giành được độc lập trong thời gian từ 1945 đến khoảng 1968 là các nước thuộc “thế giới thứ ba”, khác với học thuyết “ba thế giới” của Mao Trạch Đông.

[2] Xem: Szanton, David L. "The Origin, Nature and Challenges of Area Studies in the United States," in The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, ed. David L. Szanton (University of California Press, 2004), p. 5-7.

[3] Szanton, David L. "The Origin, Nature and Challenges of Area Studies in the United States," in The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, ed. David L. Szanton (University of California Press, 2004), pp. 10–11.

[4] Về sự phát triển của Khu vực học và Việt Nam học ở Nhật Bản, xem: Sakurai, Yumio, “Việt Nam học như là Khu vực học được triển khai trên dự án Bách Cốc”, trong: Việt Nam học. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ ba Việt Nam: hội nhập và phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 62-71.

[5] Xem: Dahm, Bernhard, Die Südostasienwissenschaft in den USA, in Westeuropa und in der Bundesrepublik Deutschland.Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1975.

[7] Xem: Wittfogel, Karl August, Oriental Despotism: A Comparative Studies of Total Power, Yale University Press, New Haven, 1957.

[8] Xem: Benda, Harry, "The Structure of Southeast Asian History: Some Preliminary Observations", in: Journal of Southeast Asian Studies, Vol. III, No.6, 1962, tr. 106-139.

[9] Xem: Scott, James C., The Moral Economy of the Peasant. Rebellion and Subsistence in South East Asia, Yale University Press, New Haven, 1976.

[10] Xem: Anderson, Benedict, Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism, rev.ed., Verso, London (1983), 1991.

[11] Xem: Wolters, O.W. History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Institute of Southeast Asian Studies, Revised Edition, 1999.

[12] Xem: Phạm Hồng Tung, Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, (2008), 2009.

[13] Xem: Pekinsky, Thomas B (2015), “How to make Area Studies Relevant again?”, https://www.chronicle.com/blogs/conversation/2015/02/12/how-to-make-area-studies-relevant-again/. Xem thêm: Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, In: Zeitschrift fur Vergleichende Politikwissenschaft, March, 2007, pp 105-124.

[14] Xem: Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, In: Zeitschrift fur Vergleichende Politikwissenschaft, March, 2007, pp 106 – 109.

[15] Xem: http://ars.metu.edu.tr.

[16] Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, tlđd, tr. 109.

[17] Szanton, David L, "The Origin, Nature and Challenges of Area Studies in the United States,", Tlđ d, tr. 15; Xem: Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, tlđd, tr. 109.

[18]  Nissani, M. (1995). "Fruits, Salads, and Smoothies: A Working definition of Interdisciplinarity". The Journal of Educational Thought (JET)/Revue de la Pensée Éducative. 29 (2, p. 122.

[19] Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, tlđd, tr. 109; Prewitt, Kenneth, “Area Studies Responding to Globalization: Redefining International Scholarship”, in: Berliner Osteuropa info, No.18, 2003, p. 8.

[20] Basedau, Mathias – Patrick Kollner, “Area Studies, Comparative Studies, and the Study of Politics: Context, Substance, and Methodological Challenges”, tlđd, tr. 109.