Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet

     Giờ là tháng mười một, thoang thoáng cái chớm lạnh buổi đầu đông. Dường như thu vẫn còn lưu luyến, còn dùng dằng, bâng khuâng giữa khoảng trời trầm tư, giăng mắc nỗi nhớ thương trên vài chiếc là khô vẫn bám trụ trên cành. Tháng mười một về mang theo những niềm vui mới mẻ, gợi cả những giọt buồn không tên.

     Đã mười một giờ khuya, tôi vẫn còn lách cách gõ phím soạn giáo án, vài ngọn gió lẻ lạc cơn hoảng loạn xông vào cửa sổ, rít một cơn dài ngoằng, yếu ớt nhưng cũng đủ làm tôi thấy lạnh. Kéo vội chiếc áo, thấy như để bảo vệ mình khỏi ngọn gió, lại như thấy ủ ấm sợi gió lạc bầy.

     Ngày hôm qua, cũng giờ này, con gái tôi vẫn còn chưa ngủ. Đứa con gái lớp sáu đã khóc ngay trước mặt tôi, rồi ôm tôi mà khóc nức, khóc ròng. Bài tập về nhà môn Ngữ Văn là “hãy kể kỉ niệm em nhớ nhất với ngôi trường thân yêu”. Đề bài không khó đến nỗi làm con rối, tôi biết. Vậy thì có chuyện gì? Gặng hỏi, con mới lí nhí đáp từng từ ngắt quãng “con nhớ trường quá, Mẹ ơi!”

      Đếm sơ, tôi cũng đã đi được một phần ba của cuộc đời người, đã nếm trải những khổ ải, những đua tranh được mất, những thương, những mộng. Ngỡ thân mình đã sắt thép trước biến thiên cuộc đời, ấy vậy mà lại yếu mềm trước những giọt nước mắt, trước một thứ cảm xúc được gọi tên là “NHỚ”.

Nhắc đến trường, tôi có vẻ khác biệt hơn với một số người khác. Trường học không chỉ gắn bó với quãng đời học sinh của tôi, thanh xuân của tôi, mà đó còn chính là con đường sự nghiệp. Tôi chọn nghề bám đầy bụi phấn giữa các nghề thanh cao với tất cả đam mê và nhiệt huyết của mình, để sống và để yêu. Chặng đường cũng đã gần 20 năm rồi đâu có lẻ. 20 năm đủ để cho con người ta lớn lên và trưởng thành, đủ cho mái tóc ngả màu và nếp nhăn hằn rõ. 20 năm, mình được gì? Chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng, nhưng là đôi tay biết yếm âu con trẻ, biết vỗ về trước những tổn thương, biết chắt chiu ngọt bùi để sống, và hơn tất cả, biết viết ra và thực hiện những điều giúp ích cho học sinh. 20 năm, tôi có cho mình đôi bàn tay trắng với kinh nghiệm không nhỏ và trái tim nhiệt thành. Trường học, đối với tôi, là nhà, là gia đình, là dòng máu nóng chảy trong huyết quản, là lẽ sống của cuộc đời.

     Trường học dạy tôi nhiều thứ và gắn với nhiều kỉ niệm. Dạy học nhiều năm, thuyên chuyển nhiều lần không tránh khỏi những tiếc nuối, nhung nhớ trong tôi. Đó là câu chuyện của 8 năm năm về trước. Hồi đó, kinh tế các hộ gia đình chưa khá giả như bây giờ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, học sinh đi học có nhiều em không có đồ ăn sáng, mặt mày xám ngoét vì thiếu chất. Nghiệt ngã thay, mùa bão lũ kéo tới. Trận lũ lịch sử kéo dài gần cả tháng. Thiên nhiên như trút hết tất cả sự cuồng nộ vào Hương Khê nhỏ bé. Bên trái là nước, bên phải là nước, phía sau là bao la những nước, phía trước là trời nước mịt mùng. Xung quanh là nước những nước. Thứ nước đục ngầu, mấy hồi sục lên như giận dữ. Nước làm gãy đổ cây vườn, ngập nhà sập cửa, cản trở đi lại. Nước ngốn hết tất cả số tài sản ít ỏi nơi đây. Người dân bị cô lập trong biển nước. Mọi người đều phải tất tả tìm chốn cao để trú thân bởi những chỗ thấp trũng đã bị nước nuốt chửng. Thấu rõ điều đó, thầy hiệu trưởng đã cho mở cửa trường để người dân vào trú bởi trường có lầu hai, cao hơn so với mặt bằng chung của các ngôi nhà trong xóm, tạm có thể gọi là an toàn. Người ta, kẻ xách, kẻ mang, người dắt díu cùng nhau vào trường trú lại. Trong đó có không ít giáo viên như tôi. Phải vào lúc hoạn nạn, ta mới thấy được tình người nồng hậu tới đâu.

       Đó là những con người chưa quen chưa biết, vẻ âu lo hiện rõ trên khuôn mặt xạm nắng của họ. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, cùng tề tụ tại đây lánh nạn, cùng một niềm ước chung: mong lũ qua mau để ổn định cuộc sống. Những ngày ở đây, tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động. Này là cô cháu gái nhỏ, đêm tối không dám trở mình vì sợ ngoại thức giấc; này là chị phụ huynh sẵn sàng nhường gói mì tôm cho cô giáo. Ở đây, tôi có cơ hội chuyện trò tâm sự với mọi người, biết được những trăn trở âu lo, những muộn phiền trong lòng họ về cuộc sống, về con cái. Đặc biệt, tôi nhớ nhất hình ảnh cậu bé Tâm, 10 tuổi, cứ mỗi lần mưa lớn lại ôm khư lấy mẹ không rời. Nó khóc bằng một thứ giọng hoảng loạn, rối bời mà hoang hoải. Nó sợ, sợ rằng khi mưa lớn đổ xuống, mẹ cũng nỡ bỏ nó mà đi như bố của cơn mưa năm 2007… Ra đi mà không một lời từ biệt, không một câu hứa hẹn, không luôn cả cái nhìn nhau lần cuối. Một cái đi mà biết sẽ chẳng thể nào quay trở về. Giờ thì tôi đã hiểu, bài viết văn tả bố của em, dù rất hay nhưng mãi mãi không có đoạn kết, mãi mãi còn dang dở. Em vẫn còn đang mong ngóng điều gì sao em?

     Những ngày ở đây, tôi cảm nhận được rằng, trường học không chỉ là nơi học hành cho con trẻ, mà còn là nơi chỉ ra những bài học cho người lớn. Trường học không đơn thuần chỉ là trường học, mà còn là nhà, là một khoảng kí ức đẹp đẽ trong trái tim mỗi người. Nhiều khi đẹp đấy, đẹp lắm, nhưng buồn. Một người làm công tác giáo dục như tôi cũng đã học được rất nhiều thứ, về tình cảm giữa con người với con người, hoạn nạn càng làm cho mối quan hệ thêm gắn kết. Đó là bài học về sự bao dung, lòng vị tha của trẻ con đối với người lớn, về thế giới tình cảm  hồn nhiên mà sâu sắc của con trẻ. Tôi biết cách để giải một bài toán nhanh nhất, biết cách viết một bài văn không tệ, nhưng tôi còn quá trẻ dại trong việc thấu hiểu một đứa trẻ con, một việc mà người giáo viên nhất định không được phạm sai lầm. Ngay tại trường, lúc này, và cả mãi về sau, tôi sẽ luôn ghi nhớ và nỗ lực, chắn chắn.

      Kể từ đó tới giờ cũng đã gần 10 năm, có rất nhiều chuyện đã xảy ra. Tôi được chuyển đến công tác tại một người trường mới, rộng rãi và khang trang hơn rất nhiều. Tôi cũng nhận được thông tin rằng, ngôi trường cũ đã được xây lại sau ba năm xảy ra trận lũ. Trong tôi có nhiều cảm xúc lạ. Vui mừng vì thế hệ học trò được học ở một môi trường tốt hơn, nhưng điều đó chẳng khác nào dỡ bỏ nơi lưu giấu kỉ niệm đẹp. Trong tôi vẫn luôn hiện hữu những câu hỏi: góc hành lang năm đó giờ về đâu? Những con người nơi đó giờ ở đâu? Cậu bé Tâm, giờ đã lớn, có còn ôm lấy mẹ mỗi lần mưa lớn? Đến khi nào thì em mới chịu viết đoạn kết cho bài văn tả bố của mình?

      Đêm qua, con gái tôi đã khóc vì nhớ trường. Đêm nay, chính tôi cũng khóc vì một nỗi nhớ thương. Ngày mai, nhất định là ngày mai, tôi sẽ đưa nó trở về thăm lại trường cũ, để những kí ức trong con sẽ vẫn luôn vẹn nguyên, sẽ vẫn luôn tròn đầy, không vụn vỡ, rạn nứt. Tôi sẽ nói với con rằng, kỉ niệm là những kí ức khó phai màu. Lưu giữ kỉ niệm không phải người mãi đắm chìm trong quá khứ, mà là trân trọng quá khứ và cố gắng cho những ngày tiếp theo. Những người nhiều kỉ niệm là những người có đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Và kỉ niệm về trường lớp, về tuổi học sinh tươi đẹp lại càng khó xoá mờ biết bấy nhiêu. Những nỗi nhớ, kỉ niệm sẽ giúp con trưởng thành.

      Giờ là hơn mười một giờ khuya, và tôi đang tưởng tượng tới cảnh ngày mai, khi tôi dắt tay con gái đứng trước ngôi trường cũ…

  • Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet
  • Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet
  • Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet
  • Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet
  • Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu violet

Bài dự thi cuộc thi viết “những kỉ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” năm 2018

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2077/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

PHẦN I: THÔNG TIN CÁ NHÂN
1. Thông tin về tác giả Họ và tên: Lê Kim Liên Ngày tháng năm sinh: 19/07/1979 Quê quán: Xã  Hòa An – Thành phố Cao Lãnh - Tỉnh Đồng Tháp Địa chỉ công tác: Giáo viên Trường Tiểu học Bãi Cháy - Số 52 - Tổ 2 - Khu 7 - Phường Bãi Cháy - Thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh Địa chỉ liên lạc: Tổ 1 khu 6 phường Bãi Cháy - Thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh Điện thoại, Email (nếu có): 0915049547

2. Thông tin về thầy/cô giáo hoặc cơ sở giáo dục được viết đến trong tác phẩm dự thi:


a. Thầy/cô giáo Họ và tên: Hoàng Thị Hồng. Ngày tháng năm sinh:  26/05/1946. Đã mất.

b. Cơ sở giáo dục

- Tên cơ sở giáo dục: Trường Tiểu học Cao Xanh - Địa chỉ và các thông tin liên lạc: Tổ 31 - Khu 3 - Phường Cao Xanh - Thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh - Điện thoại: 02033 827359

 PHẦN II: TÁC PHẨM DỰ THI


 

  Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta, đưa ta đến với cuộc đời này thì thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai đã dạy cho ta kiến thức, truyền đạt cho ta biết bao điều hay lẽ phải về kĩ năng sống, giúp ta nên người. Quả đúng như lời thơ, có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải trải qua những ngày tháng học sinh, ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Thầy cô - những người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với mỗi lứa học sinh của mình. Làm sao có thể lớn lên, có thể trưởng thành mà không có thầy cô ở bên dạy dỗ, dẫn đưa. Thầy cô giống như những cây chỉ nam, những ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm thấy hướng khi đi lầm đường, lạc lối. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng ta trước những vấp ngã của cuộc đời. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có ấn tượng với một thầy cô giáo nào đó. Những người để lại cho ta kinh nghiệm suốt đời hay vực ta đứng dậy từ những nơi tối tăm, hay đơn giản là cách giảng bài sâu sắc mà không sao quên được. Tôi cũng vậy, suốt thời gian ngồi học ở ghế nhà trường cô Hồng dạy tôi năm lớp Một là cô giáo mà tôi nhớ nhất.  Ngày đầu tiên cắp sách tới trường ai cũng hồi hộp và lo lắng vì lần đầu tiên làm quen với môi trường mới thầy cô mới bạn bè mới cái gì cũng mới lạ. Mẹ dắt tay tôi trao cho cô giáo. Lần đầu tiên cầm vào tay cô, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp trong bàn tay đó. Tôi đã không lầm khi tin vào linh cảm của mình về cô. Những ngày học sau đó tôi mới có thời gian để ngắm nhìn cô. Cô có mái tóc đen dài bóng mượt, cặp gọn gàng bằng một chiếc kẹp giản dị, dáng người cô dong dỏng cao. Thứ hai đầu tuần cô thường mặc áo dài màu trắng tinh khôi dáng đi thướt tha nhẹ nhàng. Cô thường xách chiếc cặp màu đen đi dạy học. Bài học đầu tiên cô viết lên bảng tôi nhìn thì dễ nhưng khi viết sao mà khó đến thế. Những con chữ nó không theo ý tôi làm cho tôi viết mãi không được. Vừa sợ vừa tức vừa xấu hổ tôi bật khóc. Tôi nghĩ chắc lúc ấy mình sẽ bị đuổi ra ngoài, nhưng kì lạ thay cô không làm thế mà cô đến bên tôi dỗ dành cho tôi nín rồi cầm tay tôi hướng dẫn tôi từng nét chữ. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của cô dành cho tôi ấm áp như người mẹ hiền. Từ đó tôi không còn sợ những con chữ nữa mà chăm chỉ học hơn. Khi tôi viết tiến bộ cô còn khen tôi trước lớp làm cho tôi tự tin hơn và không còn mặc cảm nữa. Tôi thích được đi học, để còn được gặp cô mỗi ngày. Trong lời giảng của cô chứa đựng bao điều mới lạ mà tôi chưa biết. Cô không những truyền đạt tri thức mà còn cả những kĩ năng trong cuộc sống. Cô nhẹ nhàng ân cần giảng giải cho chúng tôi biết cái sai để sửa chữa. Chúng tôi ai cũng quý mến và tin tưởng cô. Những lúc ra chơi rảnh rỗi chúng tôi thường tâm sự với cô những điều thầm kín trong lòng để nghe những lời khuyên bổ ích từ cô. Cô cũng hay kể chuyện cho chúng tôi nghe những câu chuyện  để rút ra những bài học. Cô có giọng kể hóm hỉnh gây hứng thú cho người nghe. Cô cũng rất vui tính và hài ước. Chúng tôi như lũ chim non háo hức nghe mẹ kể.  Những câu chuyện và tình cảm của cô đã  nhen nhóm trong lòng tôi ước mơ được trở thành cô giáo giống như cô. Tôi sẽ cố gắng học giỏi, tích lũy kinh nghiệm để phấn đấu thi vào sư phạm để được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ thế hệ sau nên người. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Bây giờ tôi đã là cô giáo, là đồng nghiệp của cô. Tôi cũng cố gắng làm những điều giống như cô đã từng làm đối với chúng tôi. Ngày nay lứa tuổi học sinh không còn như xưa nữa. Các em hiếu động và nghịch ngợm hơn thế hệ ngày xưa nhưng tôi cũng sẽ cố gắng noi gương cô nhắc nhở các em nhẹ nhàng, khuyên bảo từ từ để các em hiểu ra. Gần gũi với các em hơn để các em tin tưởng mình. Mặc dù bây giờ cô không còn nữa nhưng những lời dạy của cô vẫn còn in đậm trong trái tim tôi. Cô là người thầy, là người mẹ hiền thứ hai của tôi. Ở nơi xa xôi đó tôi  tin rằng cô vẫn dõi theo  từng thế hệ học trò của mình trong đó có tôi - cô học trò bé nhỏ, nhút nhát ngày nào nay đã trưởng thành. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì được làm học sinh của cô trong  năm đầu cấp một. Có lẽ cô là báu vật vô giá mà đám học sinh lớp tôi được nhận. Tôi luôn nhớ, luôn trân trọng từng khoảnh khắc đẹp đẽ được bên cô. Không chỉ cô Hồng, mà tất cả thầy cô, họ đều là những người ươm mầm xanh tương lai cho đất nước.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

             

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TP HẠ LONG
Trường Tiểu học Bãi Cháy
Địa chỉ: Số 54, Tổ 2, Khu 7 Phường Bãi Cháy - TP Hạ LongĐiện thoại: (0203)3.648.368 Email:  website: tieuhocbaichay.edu.vn

 Thiết kế bởi: XuanThinhMedia