Những lưu ý khi chuyển thể tác phẩm văn học

Việc chuyển thể những tác phẩm văn học, nghệ thuật thành tác phẩm điện ảnh, sân khấu đang ngày càng phổ biển trên thế giới và cả Việt Nam. Từ những câu chuyện cổ tích, tiểu thuyết kinh điển hay những truyện ngắn đầy tính nhân văn đang được các nhà nghệ thuật chuyển thể thành những bộ phim, sân khấu giúp cho tác phẩm đến gần hơn với công chúng và được nhiều người đón nhận. Vậy chuyển thể là gì, tác phẩm chuyển thể khác gì so với cải biên? Chúng tôi sẽ làm rõ những vấn đề này qua bài viết sau đây:

Những lưu ý khi chuyển thể tác phẩm văn học
Chuyển thể và quy định pháp luật về chuyển thể

Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch… hoặc cũng có thể là tác phẩm kịch (sân khấu) được chuyển thành kịch bản điện ảnh, nhạc kịch…

Tác phẩm chuyển thể được hiểu là tác phẩm mới được sáng tạo ra dựa trên nội dung của tác phẩm gốc nhưng phải không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Khác với tác phẩm chuyển thể, tác phẩm cải biên là tác phẩm dựa trên nội dung của tác phẩm gốc để thành một tác phẩm mới và người sáng tạo ra tác phẩm cải biên có thể tạo ra một tác phẩm  khác với nội dung của tác phẩm gốc. Tác phẩm chuyển thể là một trong các đối tượng được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Ví dụ: Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Kính vạn hoa”… được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tuy nhiên, việc chuyển thể tác phẩm phải được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đồng ý và khi thực hiện chuyển thể phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Đồng thời, ở tác phẩm chuyển thể phải ghi tên tác phẩm và tác giả của tác phẩm gốc đó. Nếu việc chuyển thể mà có sự thay đổi về nội dung của tác phẩm gốc thì phải được tác giả của tác phẩm gốc cho phép.

– Tác phẩm chuyển thể được hình thành dựa trên một hoặc nhiều tác phẩm gốc đã tồn tại và trong tác phẩm chuyển thể phải còn dấu ấn của tác phẩm gốc. Khi tiếp xúc với tác phẩm chuyển thể, công chúng phải vẫn có thể liên tưởng được đến tác phẩm gốc. Sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc. Đồng thời, người sáng tạo tác phẩm chuyển thể phải tôn trọng quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả tác phẩm gốc.

– Tác phẩm chuyển thể phải mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo ra tác phẩm chuyển thể. Dấu ấn cá nhân có thể hiểu là sáng tạo về nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm

– Quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng, nội dung mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng, nội dung đó. Vì vậy tác phẩm chuyển thể không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Hình thức thể hiện của tác phẩm chuyển thể phải khác biệt từng phần hoặc khác biệt hoàn toàn với hình thức đã được thể hiện ở tác phẩm gốc.

  1. Phân biệt cải biên và chuyển thể

Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm sang loại hình nghệ thuật khác dựa trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc. Ví dụ: bộ phim “Đồi gió hú” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Anh Emily Bronte; Series phim Harry Potter chuyển thể từ bộ tiểu thuyết của nhà văn J.K.Rowling; Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Tường được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng Đất và người;…

Cải biên là việc sửa đổi hoặc biên soạn lại nội dung, thay đổi hình thức thể hiện, chuyển thể loại dựa trên một phần hoặc toàn bộ của tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới.

Ví dụ: Vở chèo “Súy Vân” của tác giả Trần Bảng được cải biên lại từ vở chèo “Kim Nham”, mà ở đó Súy Vân từ một “nghịch nữ” trong vở chèo cổ trở thành người phụ nữ tiến bộ và nạn nhân của chế độ phong kiến trong vở chèo cải biên.

Từ đó có thể thấy, tuy cùng làm thay đổi hình thức diễn đạt của tác phẩm gốc nhưng chuyển thể và cải biên có sự tác động đến nội dung tác phẩm gốc khác nhau. Trong khi chuyển thể chỉ dựa trên tác phẩm gốc mà không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc thì cải biên dựa trên nội dung tác phẩm gốc và có thể sáng tạo để thành một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với nội dung của tác phẩm gốc.trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt và có thể không giống nội dung của tác phẩm gốc.

  1. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được tạo ra. Giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là quyền tự động, phát sinh ngay khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký.

Tác phẩm chuyển thể là hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh và vẫn được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Lưu ý:

Tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác, kể cả tác phẩm của chính tác giả đó. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả và đồng thời không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng.

Điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây có bước chuyển mình khá rõ, phim ra rạp không chỉ đơn thuần nặng về giải trí gây cười, cốt truyện hời hợt, nhiều tác phẩm văn học đã ăn sâu định vị, nằm lòng trong độc giả được chuyển thể đưa lên phim. Và khi loại phim này từ những ngày đầu được khởi chiếu trên hệ thống rạp toàn quốc ngay lập tức trở thành đề tài tranh cãi rôm rả trong cộng đồng mạng xã hội.

Kẻ ném đá, người vỗ tay. Người say điện ảnh, kẻ ơ hờ, một mực trung thành với tác phẩm văn học. Thực hư câu chuyện này ra sao? Liệu các nhà sản xuất có chấp nhận mạo hiểm bỏ vốn đầu tư cho một bộ phim mang yếu tố nghệ thuật để cái họ thu về là gì?

Những ngày cuối tháng 6 cùng với phim "Quyên" do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ  từng một thời làm chao đảo độc giả yêu truyện ngắn và tiểu thuyết của ông lên phim do Công ty BHD sản xuất, tiếp theo là trailer bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" dựa theo truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victo Vũ, do nhà nước đặt hàng đã khiến cho khán giả một phen tớn tác. Khi "Quyên" ra mắt tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc và được đón chào tại Đức thì "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ được giới thiệu ở LHP Cannes năm nay trước khi trình chiếu trong nước, dự kiến vào tháng 8 tại hệ thống rạp trong nước.

Những lưu ý khi chuyển thể tác phẩm văn học

Cảnh trong phim “Quyên” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Chuyển thể từ tác phẩm văn học được yêu thích thành phim không phải là điều gì quá mới lạ bởi vì từ nhiều năm trước đây có không ít phim điện ảnh và truyền hình được làm theo cách này. Phim "Chuyện của Pao" đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể từ "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thúy, hay "Cánh đồng bất tận" đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Cách đây không lâu, phim "Hương Ga" của đạo diễn Cường Ngô cũng từng làm mưa làm gió tạo nên cơn sốt phim tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước khi chuyển thể từ tiểu thuyết "Phiên bản" của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Có không ít những tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học sang điện ảnh thành công như: “Mê Thảo - Thời vang bóng” (từ tác phẩm “Chùa đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân), “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Trăng nơi đáy giếng” của nhà văn Trần Thùy Mai, “Mùa len trâu” (chuyển từ “Hương rừng Cà Mau” và “Mùa len trâu” của cố nhà văn Sơn Nam).

Không chỉ tác phẩm điện ảnh mà ngay cả phim truyền hình, không ít những bộ phim dài tập chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả và được chào đón nồng nhiệt. Bộ phim truyền hình Việt Nam "Đất phương Nam" chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim truyền hình TP HCM sản xuất từ năm 1997. Kể từ đó đến nay sau gần 20 năm bộ phim vẫn được chiếu trên các kênh truyền hình toàn quốc và vẫn được nhiều thế hệ khán giả cả nước yêu thích.

Bộ phim truyền hình "Đất và người" dựa theo tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi lên sóng truyền hình từ năm 2002 đã tạo hiệu ứng tốt và cho đến nay đã qua đi một thời gian khá xa người ta vẫn nhớ đến đây một bộ phim hấp dẫn, ấn tượng không lẫn lộn trong hàng trăm phim truyền hình đang hiện hữu, ngổn ngang...

Cởi bỏ lớp áo văn học của những rung cảm cao độ được chuyển thành câu chữ, ngôn từ của tác giả cha sinh, mẹ đẻ là nhà văn, phim điện ảnh và truyền hình là một môn nghệ thuật tổng hợp đánh thẳng vào khán giả bằng đơn vị đo lường là thị giác, thính giác. Khuôn hình đang hiển hiện trước mắt với những âm thanh, tiếng động phụ trợ cho môn nghệ thuật thứ bảy.

Vậy nhưng, với nhiều khán giả, họ không thoát khỏi cái bóng của cuốn tiểu thuyết, hay truyện ngắn. Họ đến rạp, hay ngồi trước màn hình tivi như những "quan tòa" hạch sách hay như những "đao phủ" sẵn sàng mổ xẻ. Câu hỏi được đặt ra với những người này là: "Tại sao phim lại không giống như tiểu thuyết (hay truyện ngắn) họ đã được đọc. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết có số phận thế này sao lên phim lại thành thế kia?. Rồi cuối cùng một số người sau khi xem phim về và kết luận là: Thật thất vọng…?!

Những lưu ý khi chuyển thể tác phẩm văn học
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ngay sau khi “Quyên” được công chiếu, tại rạp CGV đã có cuộc khẩu chiến ngay trong khán giả đi xem. Một khán giả tỏ vẻ không hài lòng vì chị này đã đọc “Quyên” - tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Văn Thọ và thấy Quyên trên phim khác với Quyên trong truyện quá xa. Một khán giả khác, nhà báo Ngô Hương Sen có ý kiến rằng: "Quyên không phải là phim thị trường nhưng vẫn có thể bảo đảm được doanh thu phòng vé. Phim là phim, văn học là văn học, điện ảnh là điện ảnh. Làm ơn mọi người khi xem phim quên tác phẩm văn học bản gốc của nó đi vì đấy cũng là lời của nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói đi nói lại”.

Đại diện Công ty BHD, đơn vị sản xuất ra những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học “Cánh đồng bất tận” hay “Quyên”, nhà văn Ngô Thảo lên tiếng: "Chúng tôi làm phim luôn cố gắng làm ở mức nghiêm túc, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình sau tác phẩm điện ảnh “Vũ khúc con cò”, “Cánh đồng bất tận” và bây giờ là “Quyên” thì cũng cố gắng dựa vào nền của một tác phẩm văn học, nhưng từ tác phẩm văn học đến phim là một khoảng cách rất xa. Văn học rất khác, được kể bằng câu, bằng chữ, lời, còn nghệ thuật điện ảnh thì được kể bằng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, màu sắc. Câu chuyện trên văn học được kể bằng tiểu thuyết dài trên 500 trang, còn đây là một bộ phim với thời lượng quay hơn 3 tiếng rưỡi nhưng thời gian còn lại chỉ cho phép khi chiếu 1 tiếng rưỡi, nên phải cắt hết, không tránh khỏi câu chuyện sẽ bị thay đổi. Nhưng thật ra “Quyên” điện ảnh không phải là chuyển thể mà chỉ là phóng tác từ tiểu thuyết “Quyên”, Nguyễn Phan Quang Bình quyết chỉ làm một bộ phim, một tác phẩm điện ảnh thực thụ để tái hiện phần nào cuộc mưu sinh cực kỳ khốn khó của đồng bào mình ở Đông Âu trong những năm thế giới đầy biến động…".

So sánh nặng nhẹ hai bên, tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, điều này đã làm điên đầu không chỉ nhà sản xuất, đạo diễn "tự ái" mà ngay cả nhà văn tác giả của truyện ngắn, tiểu thuyết được chuyển thể cũng bực dọc lên tiếng phân trần.

Ngay khi phim “Quyên” được công chiếu, lường trước được hậu quả, nhà văn Nguyễn Văn Thọ (tác giả tác phẩm văn học từ tiểu thuyết “Quyên”) đã nói: "Phim “Quyên” ra mắt khán giả toàn quốc, chúng ta lại cùng nhau chứng kiến một sự kiện nữa của sự kết duyên giữa văn học và điện ảnh. Đạo diễn đã làm một bộ phim để làm rõ trực tiếp và sinh động hơn, vẻ đẹp tròn vẹn, trong trắng, tinh khôi từ trong ra ngoài của người đàn bà Việt. Và, để nàng Quyên của tôi cùng các mối tình của cô được sống thêm cuộc đời mới và khác, với đôi hài và xiêm y có cánh của nghệ thuật thứ bảy”. Mặc kệ nhà văn Nguyễn Văn Thọ có "bênh vực" cho “Quyên”  thì hiện tượng Quyên điện ảnh và Quyên trong tác phẩm văn học vẫn bị mang ra mổ xẻ tơi tả.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đã khẳng định nhiều lần khi ông không chỉ nói trên diễn đàn mà phải viết trên các comment khi nhiều khán giả cứ khăng khăng rằng Quyên trên phim khác với Quyên trong truyện: "Nếu ai đã đọc tiểu thuyết “Quyên”, xin đừng so sánh giữa hai ngôn ngữ khác nhau vì mọi thông điệp hay cái thông điệp cốt tử trong Quyên mà tôi và đạo diễn Quang Bình đã cùng thống nhất với nhau. Phim “Quyên” là một giá trị khác biệt! Tôi hy vọng nó sẽ được nhìn trong một ánh sáng khác, khi ta nhìn cảm xúc khác của một nghệ sĩ khác không phải là tôi, để cũng là tôn vinh nền điện ảnh đang phát triển của Việt Nam".

Khi được hỏi ông nghĩ sao về sự khác biệt giữa điện ảnh và văn học, nhà văn rưng rưng cho biết: "Từ văn học tới điện ảnh, qua 6 năm dài, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và tôi đã cùng làm việc vì khoảnh khắc cho hoa nở này, như con người ta cần biết chờ đợi để có một tình yêu đích thực. Tiểu thuyết “Quyên” cuối cùng là tình yêu con người, và bộ phim cũng vậy, cùng tình yêu nghệ thuật thứ bảy. Hy vọng là ngày mai thôi, sẽ có thêm nhiều người, thậm chí là nhiều triệu người biết tên nàng Quyên".

Đồng quan điểm với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Đỗ Bích Thủy tác giả "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" được chuyển thành phim "Chuyện của Pao" cũng cho biết: "Tôi luôn trân trọng các tác phẩm ra đời sau tác phẩm văn học của mình, dù là sân khấu hay điện ảnh. Được nhìn thấy nhân vật của mình hiển hiện bằng xương bằng thịt, còn sáng tạo nào bằng. Tôi không nghĩ là may mắn khi “Chuyện của Pao” ra đời nhờ vào “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”. Chị cũng khẳng định: "Tác phẩm điện ảnh đó là một sự gặp gỡ, đồng cảm và say mê giữa những người làm nghệ thuật. Nói một cách "khoa học" nếu không có “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” thì không thể có cô Pao, và ngược lại nếu không có cô Pao thì cũng không nhiều người biết đến “Tiếng đàn môi”… đến thế".

Nhà văn Nguyễn Đình Tú tác giả cuốn tiểu thuyết mang tên "Phiên bản" chuyển sang điện ảnh với tên "Hương Ga" do Cường Ngô đạo diễn đã thổ lộ tâm tình: "Cảm giác của tôi đầu tiên trước khi xem, tôi rất lo cho những người làm phim khi họ phải dựa theo một cuốn tiểu thuyết. Câu chuyện tiểu thuyết kể bằng ngôn ngữ, còn phim được kể bằng hình ảnh, hai điều đó một trên giấy, một trên màn ảnh là một sự khác biệt rất lớn…".

Câu chuyện từ trang giấy lên điện ảnh đương nhiên sẽ là một sự khác biệt khá lớn và không phải tác giả nào cũng dễ dàng ngay lập tức chấp nhận điều đó và nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng phải thốt lên: "Khi xem phim có nhiều chỗ rất khác với tiểu thuyết, khác với tác phẩm văn học. Lúc đầu tôi có cảm giác hụt hẫng nhưng khi xem xong tôi mới  thấy nhà làm phim có lý và quan trọng nhất là vẫn giữ được tinh thần tiểu thuyết dù không giữ được toàn bộ nội dung của tiểu thuyết”. Chia sẻ công việc với đạo diễn Cường Ngô, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói: "Dù sao bộ phim cũng rất đáng được ghi nhận  và bộ phim này hẳn sẽ chạm đến trái tim của nhiều người khác".

Hỏi các nhà văn như Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú cảm xúc ra sao sau khi xem tác phẩm văn học của mình chuyển thể lên phim, đều nhận được câu trả lời của các nhà văn có quan điểm giống nhau. Các nhà văn luôn coi điện ảnh là một tác phẩm độc lập, điện ảnh là một giá trị khác biệt. Và các nhà văn cũng hy vọng tác phẩm sẽ được nhìn bằng thứ ánh sáng khác, vì vậy sự tranh cãi có sự khác biệt lớn giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh là điều hoàn toàn không cần thiết. Khán giả hãy hòa mình vào phim bằng hình ảnh và âm thanh, màu sắc đang hiện hữu chứ không phải xem phim với tâm thế mang không gian tưởng tượng nằm trên trang giấy ra so sánh.

Mỹ Trân