Những mâu thuẫn nào tồn tại trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề cơ bản, trọng yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là sự khẳng định quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn mà còn là lập trường nguyên tắc bảo đảm sự nghiệp đổi mới thành công vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những mâu thuẫn nào tồn tại trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là sự khẳng định quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn mà còn là lập trường nguyên tắc bảo đảm sự nghiệp đổi mới thành công - Ảnh: vov.vn

Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”(1) đã khẳng định trên thực tế định hướng XHCN ở Việt Nam là hoàn toàn “phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(2). Đó là lựa chọn duy nhất đúng, có cơ sở khoa học, bảo đảm cho Việt Nam vững bước đi lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng: “Định hướng xã hội chủ nghĩa là giáo điều, sách vở, xuất phát từ định đề giai cấp, chứ không phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam; rằng Đảng ta đưa ra định hướng xã hội chủ nghĩa là thừa, là vô nghĩa, chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ, cần gì định hướng xã hội chủ nghĩa” v.v..

Vì vậy, việc đi sâu làm rõ những vấn đề lý luận về định hướng CNXH không chỉ có ý nghĩa khẳng định mục tiêu, con đường tiến lên XHCN ở nước ta mà còn đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái, thù địch.

Một là, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam là tất yếu khách quan

Ở Việt Nam, từ khi chưa có Đảng, rất nhiều người yêu nước, thương nòi, đầy tâm huyết và thực sự phấn đấu cho đất nước được độc lập, tự do, giàu mạnh, quyết tìm đường cứu dân, cứu nước nhưng đều phải chịu thất bại trước sự đàn áp dã man, tàn bạo của kẻ thù, đất nước vẫn trong vòng nô lệ, dân tộc vẫn không có độc lập, nhân dân vẫn không có tự do do chưa tìm được con đường và phương pháp cách mạng đúng đắn.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng đắn để thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là con đường đưa dân tộc ta, nhân dân ta, đất nước ta đến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Con đường XHCN được lựa chọn từ đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười, hòa nhập với trào lưu chung của nhân loại quá độ từ CNTB lên CNXH. Cụ thể, ở thời điểm lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3).

Muốn dân giàu, nước mạnh hiểu theo nghĩa đầy đủ, trọn vẹn của cụm từ này, không có con đường nào khác là phải kiên trì xây dựng CNXH, kiên trì định hướng XHCN, mặc dù đây là: “Công việc… rất to lớn, nặng nề, và phức tạp... là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, và là sự nghiệp lâu dài, khó khăn, gian khổ và không thể tránh khỏi những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm.  

Đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4); theo đó, sau khi giành độc lập dân tộc thì phải đưa đất nước đi lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của dân tộc ta, nhân dân ta, xuất phát từ chính thực tiễn lịch sử Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào làm 

rõ thực tiễn, chỉ ra mâu thuẫn và con đường, cách thức giải quyết và xác định mục tiêu hướng tới, hoàn toàn không phải là “giáo điều, sách vở” như có ai đó xuyên tạc.Đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4); theo đó, sau khi giành độc lập dân tộc thì phải đưa đất nước đi lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của dân tộc ta, nhân dân ta, xuất phát từ chính thực tiễn lịch sử Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào làm rõ thực tiễn, chỉ ra mâu thuẫn và con đường, cách thức giải quyết và xác định mục tiêu hướng tới, hoàn toàn không phải là “giáo điều, sách vở” như có ai đó xuyên tạc.

Những người phê phán đường lối cách mạng Việt Nam là “giáo điều, sách vở”, dù vô tình hay cố ý, dù được biện hộ bằng những lý lẽ gì, thì họ vẫn cố tình bỏ qua thực tiễn lịch sử Việt Nam. Lựa chọn con đường phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, định hướng XHCN cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn, khoa học, cách mạng, được thực tiễn minh chứng bằng những thành tựu đã đạt được, không thể phủ nhận.

Hai là, CNTB không phải là cái đích cuối cùng của lịch sử, không phải là con đường mà Việt Nam lựa chọn

Lợi dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, CNTB luôn tìm cách để “thích nghi và phát triển”. Sự “thích nghi và phát triển” của CNTB là một thực tế. Cũng từ đó xuất hiện quan điểm cho rằng, CNTB đã thay đổi bản chất!; rằng CNTB có thể là một xã hội mà chúng ta cần phải hướng đến!

Có một thực tế là, những lý lẽ ra sức biện hộ cho CNTB đang mất dần chỗ đứng trước một hiện thực đầy mâu thuẫn của thế giới tư bản: sản xuất càng phát triển, xã hội hóa lao động ngày càng cao, của cải ngày càng nhiều thì sự bất công xã hội, sự phân cực giàu nghèo, sự bất bình đẳng xã hội, sự tha hóa con người và những vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường sinh thái… ngày càng gia tăng chưa tìm được lời giải.

Điều đó cũng khẳng định những dự đoán thiên tài của C.Mác, những mâu thuẫn của CNTB mà C.Mác phát hiện vẫn đang tồn tại: “Những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng cạn kiệt đến cho con người”(5).

Trong tác phẩm Phản phát triển - cái giá của chủ nghĩa tự do, Richard Bergeron (1995) viết: Tất cả các xã hội của thế giới thứ ba cũng như tất cả các xã hội của thế giới phương Tây hiện đại “hiện đang phải đối phó với với điều lừa phỉnh lớn nhất trong những năm cuối thế kỷ này, đó là sự khẳng định lại một cách đắc thắng của chủ nghĩa tự do. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem xã hội ở nước mình trước đây là gì, sau này có thể trở thành cái gì, và có lẽ mỗi người theo cách của mình, chúng ta có thể làm xẹp được cái bong bóng rỗng này đi”(6).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(7), mà biểu hiện rõ ràng nhất hiện nay đó chính là khủng hoảng, suy thoái kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhiều mặt (về y tế, xã hội, chính trị, kinh tế) vẫn đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Sự bất lực của CNTB trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang làm gia tăng bất công xã hội, giảm sút nghiêm trọng đời sống nhân dân, gia tăng thất nghiệp, khoảng cách giàu - nghèo, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống “phát triển xấu”, “những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội, và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế”(8). 

Những mâu thuẫn, mặt trái đó xuất phát từ bản chất không thay đổi của CNTB,trước hết về phương diện kinh tế với tư cách là sự chi phối quyết định của quy luật giá trị thặng dư dưới hình thái lợi nhuận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”(9). Trong cuốn “Tư bản thế kỷ XXI”, Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp nhận định: “Chủ nghĩa tư bản tự động tạo ra tình trạng bất bình đẳng tùy tiện và không bền vững, làm xói mòn những giá trị trọng dụng nhân tài, vốn là nền tảng của các xã hội dân chủ”(10).

Do đó, CNTB dứt khoát không phải là con đường mà Việt Nam lựa chọn, không phải là cái đích cuối cùng của lịch sử, CNTB là cái chúng ta phải vượt qua để đi tới CNXH, chủ nghĩa cộng sản.

Ba là, đi lên chủ nghĩa cộng sản phải trải qua thời kỳ quá độ

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định, có một thời kỳ quá độ từ CNTB lên chủ nghĩa cộng sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh rằng, CNTB phải nhường bước cho chủ nghĩa cộng sản như là “một quá trình lịch sử - tự nhiên”. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, hai ông đã nhấn mạnh tính khách quan của sự vận động lịch sử lên chủ nghĩa cộng sản là: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa Cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay”(11). Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta, C.Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với mỗi thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(12).

C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã nêu lên ý tưởng về hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản, giai đoạn thấp và giai đoạn cao. Trong giai đoạn thấp, chủ nghĩa cộng sản mới thoát thai từ xã hội tư bản nên không thể không còn đầy rẫy những tàn dư của xã hội cũ. V.I.Lênin đã nêu lên ý niệm về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, tức là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản. Trong thời kỳ đó vẫn tồn tại những kết cấu kinh tế và giai cấp phản ánh những đặc trưng của thời kỳ quá độ. Đó là thời kỳ vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới với những nội dung, hình thức mới nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa CNXH và CNTB.

Trong thời kỳ quá độ vẫn diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng phát triển, hoặc là tự giác đi lên CNXH, hoặc là tự phát đi lên CNTB. Quá trình phát triển của xã hội Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung của nhân loại. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có một định hướng cho quá trình phát triển đó. Rõ ràng, CNTB không thể là một xã hội mà chúng ta hướng tới. Chúng ta phải định hướng đi lên CNXH. Điều này hoàn toàn đúng với lý luận Mác - Lênin và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, chứ không phải là “giáo điều, sách vở” như đã có ai đó lên tiếng chỉ trích. Họ phê phán chúng ta là “giáo điều, sách vở”, là không xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, chính là họ đã cố tình phủ nhận, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, nhất là lý luận Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH và thực tiễn Việt Nam.

Bốn là, định hướng XHCN là bảo đảm đi đến đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định rằng, muốn dân giàu, nước mạnh một cách bền vững thì không thể đi theo con đường TBCN, con đường đầy máu và nước mắt với việc duy trì áp bức, bóc lột và bất công vốn là bản chất của CNTB, mặc dù nó đã có điều chỉnh, thích nghi để phát triển. Muốn dân giàu, nước mạnh hiểu theo nghĩa đầy đủ, trọn vẹn của cụm từ này, không có con đường nào khác là phải kiên trì xây dựng CNXH, kiên trì định hướng XHCN, mặc dù đây là: “Công việc… rất to lớn, nặng nề, và phức tạp ... là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(13), và là sự nghiệp lâu dài, khó khăn, gian khổ và không thể tránh khỏi những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm.

Hiện nay, cần tập trung làm thật tốt để đạt được 5 mục tiêu cụ thể: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và cũng là đích đến của xã hội Việt Nam. Khi đạt được 5 mục tiêu và đích đến đó, CNXH không còn xa vời và trừu tượng. Để đạt được những mục tiêu trên cần đột phá mạnh mẽ tư duy về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Chúng ta cần có thái độ cầu thị, lắng nghe với phương châm: học mọi cái khôn, cái tốt của nhân loại để dựng xây đất nước; sử dụng mọi sức mạnh của nhân loại để bảo vệ đất nước; huy động mọi nguồn lực của nhân loại để làm giàu đất nước.

Cần xây dựng một thể chế mà ở đó khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển được thấm sâu, được hun đúc trong tâm thức của mọi con người Việt Nam, văn hóa làm giàu trở thành văn hóa sống của con người Việt Nam, mọi nguồn lực cho phát triển được huy động, mọi sức sáng tạo cho phát triển được khơi dậy và từ đó tạo nên động lực, sức mạnh vươn lên trong con người Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc trong thực tế.

Năm là, định hướng XHCN là một quá trình vận động, phát triển, là sự kết hợp giữa nhân tố khách quan và chủ quan để đi tới mục tiêu đã lựa chọn

Định hướng XHCN là một quá trình vận động, phát triển biện chứng, vừa thể hiện quá trình cách mạng nước ta, từ điểm xuất phát, quá trình vận động, phát triển cho đến mục tiêu cuối cùng là xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng và hướng tới như tám đặc trưng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua.

Định hướng XHCN còn được thể hiện ở nhận thức và những hoạt động thực tiễn của các nhân tố chủ quan, trước hết và chủ yếu là Đảng và Nhà nước trong việc xác định đường lối, bổ sung, phát triển trong quá trình lãnh đạo, tổ chức, quản lý xã hội, bảo đảm cho đất nước vận động, phát triển theo đúng con đường đã chọn - độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Định hướng XHCN được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Đó là cuộc đấu tranh để giữ vững định hướng XHCN trong sự vận động, phát triển của cuộc cách mạng XHCN ở Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng ngừa mọi biểu hiện chệch hướng trên tất cả các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Cuộc đấu tranh để đi đến thắng lợi của định hướng XHCN ở nước ta đòi hỏi chúng ta không phải chỉ nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về nội dung định hướng XHCN ở Việt Nam một cách khoa học, có cơ sở lý luận và thực tiễn, mà còn là một quá trình đấu tranh phê phán, vạch trần những quan điểm sai trái, thù địch, cố tình phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, của nội dung định hướng XHCN ở nước ta; góp phần vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

_________________

Ngày nhận bài: 15-6-2022; Ngày bình duyệt: 24-6-2022; Ngày duyệt đăng: 29-8-2022.

(1), (2), ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104, 104

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.30.

(4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.10.

(6) Richard Bergeron: Phản phát triển - cái giá của chủ nghĩa tự do, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 6.

(7), (8), (9) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.19, 19-20, 20.

(10) Thomas Piketty: Tư bản thế kỷ XXI, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh, 2021, tr.10-11.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51.

(12) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.47.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.617.

ThS ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng