Nộp bảo hiểm bao lâu thì được hưởng thai sản

Em đang làm việc cho 1 công ty điện máy, em muốn hỏi về điều kiện và thời hạn nộp hồ sơ để hưởng thai sản. Em sinh con thì phải đóng bảo hiểm bao lâu mới được hưởng chế độ thế ạ? Em không có giấy đăng ký kết hôn thì có được hưởng chế độ không ạ? Nếu có thì em được hưởng những quyền lợi gì và thời hạn nộp hồ sơ em phải nộp cho công ty khi nào thế ạ? Em cám ơn nhiều!

Căn cứ điểm b Khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

Như vậy, với trường hợp của bạn về điều kiện được hưởng chế độ thai sản, bạn cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mình sẽ hưởng chế độ. 

Thứ hai, về vấn đề nộp hồ sơ thai sản khi không có giấy đăng ký kết hôn

Căn cứ Điều 4 Quyết định số 166/QĐ-BHXH quy định như sau:

“Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả

2.2.2. Lao động nữ sinh con:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.”

Như vậy, giấy đăng ký kết hôn không nằm trong hồ sơ để giải quyết hưởng chế độ thai sản nên trường hợp của bạn không có giấy đăng ký kết hôn nhưng vẫn được hưởng chế độ thai sản. Bạn chỉ cần chuẩn bị bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con để được hưởng chế độ thai sản.

Nộp bảo hiểm bao lâu thì được hưởng thai sản

Thứ ba, về quyền lợi khi được hưởng chế độ thai sản

Căn cứ Điều 34; Điều 38 và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“Điều 34: Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”

“Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.”

“Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn sẽ được hưởng những quyền lợi sau:

  • Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
  • Mức hưởng trợ cấp thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
  • Hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 lần mức lương cơ sở/con tại tháng mà bạn sinh con. 

Thứ tư, về thời hạn nộp hồ sơ để được hưởng chế độ thai sản

Căn cứ Khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, bạn cần nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để được hưởng chế độ thai sản. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Công văn 361/LĐTBXH-BHXH thì bạn còn có thể nộp hồ ngay sau sinh để được giải quyết chế độ sớm hơn.

Nộp bảo hiểm bao lâu thì được hưởng thai sản
Lao động nữ đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản

Bà Chi mang thai khi hết hợp đồng, doanh nghiệp có quyền không ký hợp đồng lại với bà không?

Về vấn đề này, BHXH TP. Đà Nẵng trả lời như sau:

Tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo nội dung trình bày, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con vào tháng 3/2020, bà đóng BHXH được 8 tháng nên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 155 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Như vậy, người sử dụng lao động sẽ không được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do đang mang thai.

Tuy nhiên, Điều 36 Bộ luật Lao động cũng quy định: Hết hạn hợp đồng lao động là một căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động. Khi hết hạn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận về việc ký tiếp hợp đồng lao động hoặc không ký tiếp hợp đồng lao động. Nếu hai bên không thỏa thuận được việc ký tiếp hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động cũ sẽ đương nhiên chấm dứt.

Chinhphu.vn


Nộp bảo hiểm bao lâu thì được hưởng thai sản
Thời hạn giải quyết chế độ thai sản quy định tại Điều 102 Luật BHXH, Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH

Bà Lường Thị Ngân (Hoà Bình) là công chức cấp xã. Ngày 1/7/2020, bà nghỉ chế độ thai sản. Bà Ngân hỏi, ngoài lương cơ sở chuyển sang bảo hiểm thì các loại trợ cấp khu vực, thâm niên, công vụ... bà có còn được hưởng không? Sinh con bao lâu thì người lao động được nhận chế độ thai sản?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Tại Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH không bao gồm phụ cấp khu vực.

Về mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con, bà được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc và trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng bà sinh con.

Về thời hạn giải quyết, tại Điều 102 Luật BHXH, Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về thời hạn giải quyết chế độ ốm đau, thai sản như sau:

- Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan BHXH;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Do bà không nêu cụ thể thời gian bà tham gia BHXH cho đến thời điểm bà sinh con, nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể đối với bà.

Trường hợp bà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định nêu trên và đã nộp hồ sơ cho đơn vị nhưng chưa được nhận tiền trợ cấp thai sản, bà đối chiếu với quy định nêu trên để liên hệ với đơn vị để được biết tình trạng giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với bà.

Chinhphu.vn