Nữ hoàng elizabeth bao nhiêu tuổi

(PLO)- Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 để lại cho người dân nước Anh và những người mến mộ bà trên khắp thế giới sự tiếc thương vô hạn.

Điện Buckingham ngày 8-9 thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vị quân chủ trị vì lâu nhất lịch sử nước Anh, đã qua đời yên bình tại lâu đài Balmoral ở Scotland ở tuổi 96.

Theo hãng tin Reuters, trong suốt 70 năm trị vì và 96 năm cuộc đời, thành tựu to lớn mà Nữ hoàng để lại là củng cố vị thế của nền quân chủ Anh trong nhiều thập niên đầy biến động chính trị, xã hội và văn hóa.

Nữ hoàng elizabeth bao nhiêu tuổi
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Victoria Jones/REUTERS

Là một nhân vật uy nghiêm, đáng tin cậy, người trị vì lâu hơn bất kỳ vị quân vương nước Anh nào khác, Nữ hoàng Elizabeth II đã chèo lái thể chế quân chủ vào thời kỳ hiện đại thông qua việc làm cho thể chế này cởi mở hơn và dễ tiếp cận hơn.

Trong khi nước Anh mà bà trị vì đôi lúc phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong trật tự thế giới mới và Hoàng gia Anh đôi khi không đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng thì bản thân Nữ hoàng vẫn luôn là một biểu tượng của sự ổn định.

Đối với thế giới, Nữ hoàng là hiện thân của nước Anh nhưng bà vẫn là một nhân vật khá kín tiếng, không bao giờ trả lời phỏng vấn và hiếm khi bày tỏ cảm xúc hay đưa ra quan điểm cá nhân trước công chúng.

"Tôi nghĩ bà ấy mang lại sức sống, năng lượng và niềm đam mê đối với công việc [quân vương], bà đã lãnh đạo để hiện đại hóa và phát triển chế độ quân chủ không giống nơi nào khác” - Hoàng tử William chia sẻ trong một bộ phim tài liệu vào năm 2012.

Nữ vương với những thăng trầm

Nữ hoàng elizabeth bao nhiêu tuổi

Nữ hoàng Elizabeth II lúc trẻ. Ảnh: AP

Nữ hoàng Elizabeth II sinh vào ngày 21-4-1926 tại số 17 phố Bruton (London), tên thật là Elizabeth Alexandra Mary. Cô công chúa nhỏ tuổi Elizabeth chưa bao giờ nghĩ có lúc sẽ lên ngai vàng trị vì nước Anh cho tới khi người bác là Vua Edward VIII thoái vị và cha của bà lên ngôi Vua George VI vào năm 1936.

Sự kiện trên đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Nữ hoàng khi bà trở thành người thừa kế ngai vàng ở tuổi thứ 10.

Ở tuổi thứ 25, trong lúc bà cùng với chồng là Hoàng tử Philip có chuyến công tác tại Kenya thì nhận được tin dữ là cha bà, Vua George VI, đã băng hà vào ngày 6-2-1952. Công chúa Elizabeth ngay lập tức được phong làm Nữ hoàng mới của nước Anh, điều này có nghĩa bà là vị quân chủ đầu tiên trong hơn 200 năm lên kế vị ngai vàng khi ở nước ngoài.

Ông Winston Churchill là thủ tướng đầu tiên trong số 15 thủ tướng phục vụ dưới thời trị vì của bà.

Trong một bộ phim tài liệu năm 1992, Nữ hoàng nói rằng vì cha bà, Vua George VI, qua đời quá trẻ và vì vậy mọi chuyện diễn ra rất đột ngột khiến bà không có cơ hội học hỏi từ người cha.

"Đó là câu hỏi về sự trưởng thành rằng bạn phải quen với và chấp nhận sự thật đây là nơi của bạn và là số phận của bạn. Đó là công việc trọn đời” - Nữ hoàng chia sẻ.

Vào tháng 9-2015, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, vượt qua người bà là Nữ hoàng Victoria (trị vì 63 năm), một cột mốc mà Nữ hoàng nói rằng bà chưa từng nghĩ tới. Trong thời gian ở ngai vàng, bà có các chuyến công du nhiều hơn bất kỳ quốc vương nào trước đây, thực hiện hơn 250 chuyến thăm đến hơn 100 quốc gia.

“Bà ấy thông minh, giàu lòng trắc ẩn, có cái nhìn sâu sắc cũng như có những đức tính điển hình và truyền thống” - cựu Thủ tướng Anh John Major ca ngợi Nữ hoàng trong đại lễ thượng thọ 90 tuổi của bà.

Cuộc hôn nhân bền chặt kéo dài 73 năm giữa bà và Hoàng thân Philip cho tới khi Hoàng thân qua đời yên bình ở tuổi 99 tại Lâu đài Windsor. Cuộc hôn nhân của bà được ca ngợi là một trong những cuộc hôn nhân bền chặt nhất và là câu chuyện tình yêu lãng mạn trong Hoàng gia Anh. Cả hai có với nhau bốn người con: Thái tử Charles (sinh năm 1948), Công chúa Anne (sinh năm 1950), Andrew ( sinh năm 1960) và Hoàng tử Edward (sinh năm 1964).

Nữ hoàng elizabeth bao nhiêu tuổi
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Ảnh: Alastair Grant/AP

Dù vậy, thời gian ngồi trên ngai vàng của Nữ hoàng thường không thuận buồm xuôi gió.

Phần lớn giai đoạn cầm quyền, Nữ hoàng đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể các lãnh thổ trong Khối Thịnh vượng chung từ Kenya đến Hong Kong và gần đây là Barbados - một quốc đảo ở tây Đại Tây Dương, đã trở thành nước cộng hòa. Điều này đồng nghĩa hiện nay Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia của chỉ 15 nước thuộc Khối Thịnh vượng chung.

Trong khi đó, Hoàng gia Anh cũng đón nhận nhiều sự kiện không mấy hạnh phúc, đặc biệt là vào năm 1992 mà chính Nữ hoàng gọi đó là "một năm kinh hoàng” với những vụ việc ly hôn hoặc chia tay từ các người con của bà hay vụ cháy lâu đài Windsor.

Vài tháng trước Đại lễ Vàng kỷ niệm 50 năm Nữ hoàng trị vì bà đã trải qua sự mất mát lớn lao khi em gái duy nhất của bà, Công chúa Margaret, qua đời ở tuổi 71 vào ngày 9-2. Sau đó, Vương mẫu hậu Elizabeth, mẹ của Nữ hoàng, cũng qua đời 30-3, thọ 101 tuổi.

Cái chết của Công nương Diana, người vợ đầu tiên của con trai đầu Nữ hoàng - Thái tử Charles và giờ là Vua Charles III - hay những thông tin gây tranh cãi liên quan đến Hoàng tử Andrew cũng đã làm tổn hại tới uy tín của Hoàng gia Anh.

Chứng kiến một nước Anh thay đổi

Trong suốt 70 năm trên ngai vàng của bà, nước Anh đã trải qua một sự thay đổi đáng kể.

Những năm hậu chiến tranh thế giới thứ hai nhường chỗ cho những năm 1960 đầy biến động, sự lãnh đạo gây chia rẽ của Thủ tướng Margaret Thatcher trong những năm 80 cũng như kỷ nguyên lãnh đạo của Công đảng Anh, tiếp đến là sự trở lại của kinh tế thắt lưng buộc bụng và sau cùng là đại dịch COVID-19. Các chính phủ Công đảng và đảng Bảo thủ đến rồi đi, trong khi nước Anh dần trở thành một xã hội đa sắc tộc, mang tính quốc tế hơn nhiều.

Nước Anh phát triển thành một xã hội bình đẳng hơn, nơi mà giai cấp thống trị phải nhường chỗ cho một tầng lớp trung lưu đang phát triển, nơi các quý tộc không còn thống trị các trường đại học hàng đầu và chế độ cha truyền con nối cũng dần bị xoá bỏ trong Viện Quý tộc Anh.

Thời gian trị vì của Nữ hoàng trải qua 15 đời Thủ tướng Anh và 14 đời Tổng thống Mỹ - từ Tổng thống Harry S Truman đến đương kim Tổng thống Joe Biden.

Tương lai nền quân chủ Anh hậu kỷ nguyên Elizabeth II?

Theo Reuters, sự thành công trong tương lai của chế độ quân chủ có thể phụ thuộc vào mức độ ngưỡng mộ của người Anh đối với người kế vị.

Trong một bài phát biểu tại Quốc hội Anh năm 2012, Thủ tướng khi đó là ông David Cameron đã nói: “Người ta đã nói rằng nghệ thuật của sự tiến bộ là giữ gìn trật tự trong bối cảnh đầy biến động và sự thay đổi trật tự. [Nữ hoàng] chưa bao giờ đóng cửa tương lai, thay vào đó, bà ấy đã dẫn đường cho nó”.

Các dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth II

Ngày 21-4-1926: Nữ hoàng Elizabeth II ra đời vào lúc 2 giờ 40 phút sáng tại số 17 phố Bruton, London.

Ngày 11-12-1936: Cô công chúa nhỏ bé Elizabeth trở thành người thừa kế ngai vàng ở tuổi thứ 10.

Ngày 20-11-1947: Bà kết hôn với trung úy hải quân Philip Mountbatten - Hoàng tử Hy Lạp, tại Tu viện Westminster ở London.

Ngày 6-2-1952: Công chúa Elizabeth, khi đó chỉ mới 25 tuổi, được phong làm Nữ hoàng mới của nước Anh.

Ngày 2-6-1953: Lễ đăng quang của bà được tổ chức tại Tu viện Westminster.

Ngày 24-11-1953: Nữ hoàng Elizabeth II thực hiện chuyến công du đầu tiên với quãng đường dài hơn 70.000km.

Năm 1977: Nữ hoàng tổ chức Đại lễ Bạc đánh dấu 25 năm trị vì.

2002: Vương quốc Anh tổ chức Đại lễ Vàng đánh dấu 50 năm trị vì của Nữ hoàng

2012: Đại lễ Kim cương đánh dấu năm thứ 60 của Nữ hoàng trên ngai vàng.

9-9-2015: Nữ hoàng Elizabeth II trở thành quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, vượt qua người bà là Nữ hoàng Victoria (trị vì 63 năm).

Ngày 21-4-2016: Nữ hoàng tổ chức đại lễ thượng thọ 90 tuổi. Bà là vị quân chủ đầu tiên của Anh đạt được cột mốc quan trọng này.

Ngày 9-4-2021: Hoàng thân Philip, người chồng 73 năm của Nữ hoàng, qua đời yên bình ở tuổi 99 tại Lâu đài Windsor.

Ngày 6-2-2022: Anh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng hay còn gọi là Đại lễ Kim cương.

Ngày 8-9-2022: Nữ hoàng Anh băng hà, thọ 96 tuổi.

Nữ hoàng elizabeth bao nhiêu tuổi

Thái tử Charles trở thành Vua nước Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời

(PLO)- Thái tử Charles đã chính thức trở thành Nhà Vua của Vương quốc Anh vào ngày buồn nhất trong cuộc đời ông, khi mẹ ông là Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96.