Phần mềm trong máy tính là gì

Trong thời đại công nghệ số phát triển toàn cầu, phần mềm máy tính luôn đóng một vai trò to lớn đối với hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Xuất phát từ đặc tính của phần mềm máy tính là dễ sao chép và sử dụng, do đó, yêu cầu đặt ra việc bảo hộ đối với đối tượng này là hết sức cần thiết. Cùng tìm hiểu rõ hơn cơ chế bảo hộ đối với phần mềm máy tính theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành nhé.

1. Định nghĩa phần mềm máy tính

Phần mềm máy tính có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ nhà ở đến nơi làm việc, từ việc phục vụ cho nhu cầu giải trí đến việc xử lý những công việc đòi hỏi độ chính xác cao... Vậy phần mềm máy tính là gì mà có sức ảnh hưởng to lớn và rộng khắp đến vậy, và có được sự bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ không?

Phần mềm máy tính (chương trình máy tính) được định nghĩa là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Phần mềm trong máy tính là gì

Phần mềm máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh...

Theo đó, phần mềm máy tính được hiểu là một hoặc một nhóm chương trình được biểu hiện dưới dạng các chuỗi lệnh viết theo ngôn ngữ lập trình nhất định và các tệp dữ liệu có liên quan chỉ dẫn cho máy tính biết phải làm gì để thực hiện một nhiệm vụ đề ra. Phần mềm máy tính có thể được sắp xếp dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ phần mềm văn phòng Microsoft Office, phần mềm kế toán Misa, phần mềm diệt virus Bkav...

Khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Phần mềm máy tính (chương trình máy tính) được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”. Như vậy, phần mềm máy tính cũng là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện nay.

2. Tại sao pháp luật bảo hộ phần mềm máy tính như một tác phẩm văn học

Có thể nói, phần mềm máy tính không mang những đặc tính thẩm mỹ hay nghệ thuật như các loại hình tác phẩm khác được bảo hộ quyền tác giả. Vậy tại sao đối tượng này vẫn được pháp luật bảo hộ như tác phẩm văn học?

Phần mềm trong máy tính là gì

Phần mềm máy tính được bảo hộ quyền tác giả như tác phẩm văn học

Sở dĩ phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy bởi những lý do sau:

- Xét theo góc độ tiếp cận pháp luật thế giới:

Theo Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS, chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm ngôn ngữ theo định nghĩa của Công ước Berne. Tiếp thu và ghi nhận sự phát triển của các nền pháp luật trên thế giới. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ghi nhận việc bảo hộ phần mềm máy tính (chương trình máy tính) như một tác phẩm văn học.

Theo đó, các quốc gia thành viên Công ước Berne đều phải tôn trọng quyền tác giả đối với phần mềm máy tính kể từ thời điểm nó được công bố tại một quốc gia thành viên. Do đó, việc công nhận bảo hộ phần mềm máy tính như một tác phẩm văn học có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Xét theo góc độ sắp xếp cơ chế bảo hộ của các đối tượng:

Phần mềm máy tính có vai trò chỉ dẫn cho máy tính biết phải làm gì để thực hiện một nhiệm vụ đề ra, tuy nhiên nhiệm vụ này khó có thể tạo ra một “sản phẩm” cụ thể. Do đó, không giống như các đối tượng sở hữu công nghiệp, giá trị của phần mềm máy tính không nằm ở chỗ áp dụng vào công nghiệp để sản xuất ra sản phẩm.

Chính vì vậy, phần mềm máy tính bị loại trừ khỏi phạm vi cấp bằng bảo hộ theo dạng đối tượng sở hữu công nghiệp và được bảo hộ theo cơ chế bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm văn học. Hơn nữa, dưới góc độ bản chất thì phần mềm máy tính cũng được tạo ra theo “ngôn ngữ lập trình”, do đó, bảo hộ phần mềm máy tính như tác phẩm văn học được tạo ra bởi ngôn ngữ đặc biệt là phù hợp nhất.

Phần mềm trong máy tính là gì

Nên đăng ký quyền tác giả cho phần mềm máy tính ngay sau khi sáng tạo ra nó

3. Lợi ích khi đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính

Do được bảo hộ như tác phẩm văn học nên tác giả phần mềm máy tính cũng có các quyền nhân thân: quyền đặt tên cho phần mềm máy tính, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên phần mềm máy tính, quyền công bố hoặc cho phép công bố phần mềm máy tính, và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phần mềm máy tính. Không những thế, phần mềm máy tính còn có giá trị kinh tế to lớn trong thời đại hiện nay.

Tuy nhiên, so với các loại hình tác phẩm khác, phần mềm máy tính nếu được công bố ra sẽ dễ dàng bị sao chép hoặc sử dụng trái phép. Mặc dù theo cơ chế bảo hộ quyền tác giả thì phần mềm máy tính được bảo hộ ngay khi hoàn thành dưới một hình thức nhất định nhưng thực hiện đăng ký quyền tác giả cho phần mềm máy tính đồng nghĩa với tác giả tự thiết lập hàng rào bảo vệ cho mình.

Vì vậy, việc đăng ký quyền tác giả cho phần mềm máy tính là điều quan trọng, nhằm bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm phần mềm mà mình tạo ra hoặc sở hữu. Tác giả/chủ sở hữu nên cân nhắc đến vấn đề này khi đã dày công nghiên cứu, sáng tạo nên một tác phẩm phần mềm máy tính hữu ích cho đời sống công nghệ số!