Phần tích 5 lý do cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học

Hiện có khoảng 10 tới 15 triệu loài sinh vật sinh sống trên hành tinh của chúng ta. Tất cả các cá thể sống đều là một phần của mạng lưới phức tạp, cân bằng một cách tinh vi gọi là sinh quyển.

Phần tích 5 lý do cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học

Từ khi sự sống bắt đầu hình thành trên Trái đất, rất nhiều loài sinh vật đã xuất hiện và biến mất do những thay đổi về các điều kiện vật lý cũng như sinh học của tự nhiên. Nhiều người cho rằng việc các loài biến mất là một phần tất yếu của quy luật tự nhiên. Thế nhưng nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng tốc độ tuyệt chủng của các loài trong thời gian gần đây nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước kia.

Hiện tại, có khoảng 1.556 loài được xác định là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Các khu rừng nhiệt đới – nơi trú ẩn của một nửa số sinh vật hiện tồn tại trên trái đất cũng đang bị thu hẹp hàng trăm nghìn ha mỗi năm. Vô số loài đã biến mất khi môi trường sống của chúng bị phá hủy. Nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay không hoàn toàn là do tự nhiên nữa. Việc bảo tồn sự đa dạng của các loài động thực vật trong tự nhiên đang là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.

Hãy cũng nhìn lại những lợi ích tự nhiên mang lại cho con người 

Đa dạng sinh học 

Hiện có khoảng 10 tới 15 triệu loài sinh vật sinh sống trên hành tinh của chúng ta. Tất cả các cá thể sống đều là một phần của mạng lưới phức tạp, cân bằng một cách tinh vi gọi là sinh quyển. Ngược lại, sinh quyển của trái đất của tạo nên bởi vô số các hệ sinh thái – bao gồm các loài động thực vật và môi trường sống tự nhiên của chúng. Không ai có thể biết một cách đầy đủ các loài có tác động như thế nào tới nhau trong cùng một hệ sinh thái nhưng sự biến mất của một loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Đặc biệt đối với các loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thì sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu họa khó lường.

Đóng góp về y học 

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn không có hồi kết với những loài sinh vật khác, nhiều loài động vật hoang dã đã tự tìm ra vô vàn cách để kháng vi khuẩn và các tế bào gây ung thư. Chúng có thể tạo ra các phân tử mới lạ mà các nhà hóa học chưa từng biết tới. Việc tìm hiểu và nghiên cứu về đặc tính này của các loài có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả cho những căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa.

Thêm nữa, trong cơ thể của nhiều loài động thực vật còn chứa các chất hóa học hữu ích, phục vụ cho việc sản xuất dược phẩm. Nhiều loại thuốc kháng sinh, chất chống ung thư, thuốc giảm đau và thuốc chữa bệnh máu khó đông hiện nay có nguồn nguyên liệu là từ động vật hoang dã. Trên thực tế, hơn 1/4 số đơn thuốc được kê ở Mỹ hàng năm có chứa các chất tìm thấy trong các loài động thực vật. Do đó, nếu những loài này bị làm tổn hại trước khi lợi ích y học của chúng được biết đến thì những bí mật này cũng sẽ biến mất theo.

Lợi ích nông nghiệp 

Nhiều loài sinh vật tưởng chừng như vô dụng cũng đang bắt đầu cho thấy những lợi ích quan trọng  trong ngành nông nghiệp. Những người nông dân đang sử dụng côn trùng và các loài động vật ăn sâu bọ để tiêu diệt sâu bọ gây hại cho mùa màng cũng như sử dụng các giống cây trồng chứa các độc tố tự nhiên đẩy lùi các loài côn trùng gây hại. Chúng được gọi là thiên địch và trong nhiều trường hợp, đây là biện pháp thay thế không những an toàn, hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường và ít tốn kém hơn các loại thuốc hóa học tổng hợp.

Nguồn cung thực phẩm

Theo ước tính có khoảng 80.000 loài thực vật có thể ăn được, trong số đó khoảng dưới 20 loài đang cung cấp 90% lương thực cho toàn thế giới. Nếu những loài chưa được tận dụng còn lại được dự trữ hay bảo tồn thì con người sẽ có đủ thức ăn cho số dân đang không ngừng tăng lên.

 Điều tiết môi trường 

Nhiều sinh vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá chất lượng môi trường. Ví dụ như sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng đại bàng đầu bạc và chim ưng vào giữa thế kỷ 20 là lời cảnh báo mạnh mẽ về mức độ nguy hiểm của DDT – một loại thuốc trừ sâu mạnh từng được sử dụng rộng rãi nay tích tụ lại trong mô của cơ thể động vật (làm suy yếu khả năng sinh sản và cản trở quá trình ấp trứng thành công của các loài động vật này). Những loài sinh vật có khả năng chỉ thị môi trường sẽ cảnh báo con người về tác động của biến đổi khí hậu và các chất gây ô nhiễm tới môi trường.

Giá trị kinh tế

Một số lợi ích từ các loài động thực vật là có thể đong đếm được bằng giá trị kinh tế. Theo Ban quản lý vườn quốc gia và động vật hoang dã bang Tesax, Hoa Kỳ,  xem chim là hoạt động giải trí ngoài trời phát triển nhanh nhất, ước tính mỗi năm đóng góp khoảng 400 triệu đô la vào ngân sách của bang. Nghiên cứu của Cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Thủy sản Hoa Kỳ cũng cho biết hoạt động quan sát môi trường tự nhiên – không chỉ tính riêng hoạt động ngắm chim – đã thu về 85 tỉ đô la cho Hoa Kỳ trong năm 2001.

Những giá trị vô hình

Bên cạnh những giá trị về mặt y tế, kinh tế và khoa học kỹ thuật, rất nhiều loài động vật hoang dã còn mang lại niềm cảm hứng cho vô vàn tác giả, nghệ sĩ và tất cả những ai quan tâm tới sự đa dạng của thế giới tự nhiên.

Biện pháp nào giúp các loài thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng

199 nước trên thế giới đã ký Công ước Đa dạng sinh học để bảo vệ các loài có nguy cấp và đe dọa tuyệt chủng.

Một ý tưởng thú vị khác nhằm giảm bớt những khó khăn của bài toán biến mất của các loài và chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng cho tương lai là thành lập “các ngân hàng gen”, lưu giữ mẫu gen của tất cả các loài động thực vật trong tự nhiên. Mặc dù không thể tìm kiếm, tích lũy được mẫu gen của tất cả các loài sinh vật trên trái đất nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng có thể thu thập, bảo quản mẫu gen của một số loài quý hiếm qua phương pháp bảo quản lạnh.

Frozenark của Anh là một ngân hàng gen tiêu biểu, có mục tiêu thu thập được khoảng 16.000 mẫu gen của các loài có nguy cơ tuyệt chủng và lưu giữ nguồn gen này khỏe mạnh nhất có thể trong vòng 50 năm tới. Những công trình như Frozenark sẽ đem lại cái nhìn toàn diện hơn về đời sống sinh vật học của nhiều loài động thực vật khác nhau.  Một khi những công trình này thành công, nỗi lo tuyệt chủng của các loài sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức và hiểu biết của con người về môi trường tự nhiên cũng là việc làm hết sức thiết thực. Các khóa học đạo đức cho học sinh, các chương trình đào tạo về sinh thái học và quản lý đa dạng sinh học sẽ khiến xã hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức trong cuộc sống, nghiên cứu và quản lý.

Mỗi loài đều có những giá trị ẩn sâu bên trong. Việc làm biến mất hẳn một loài sinh vật được ví như việc xé những trang giấy ra khỏi cuốn vở  nhưng chưa kịp đọc. Có vẻ như chúng ta đã quá quen với việc môi trường tự nhiên vô cùng đa dạng mà quên mất rằng các loài động vật hoang dã cũng cần được bảo vệ. Vì vậy, chúng ta hãy hành động trước khi quá muộn!

Theo THIENNHIEN.NET

Tags: Đa dạng sinh học, Con người và thiên nhiên

Từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), có năm nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người gây ra, đó là: thay đổi nhu cầu sử dụng đất; khai thác quá mức động, thực vật hoang dã; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại. Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa đang làm gia tăng sự dịch chuyển các loài vượt ra ngoài phạm vi tự nhiên vốn có thông qua các hoạt động du lịch, thương mại... phá vỡ hệ sinh thái bản địa và môi trườn

Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gien quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...

Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân được xác định do áp lực của gia tăng dân số đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên; quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp đã gây ra mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) có chủ đề “Hành động vì thiên nhiên” và “Tháng hành động vì môi trường” năm 2020 là dịp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước tại nơi mình sinh sống. Các địa phương tiếp tục đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gien; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Ðồng thời tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc như: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên... Phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương... Ðây là những giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học bảo vệ thiên nhiên hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước và thế giới.

TRUNG TUYẾN