Phân tích bài thơ cảnh ngày hè ngữ văn 10 năm 2024

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dành những lời trân trọng nhất “Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi như một bài ca yêu nước và tự hào của dân tộc”. Điều đó là chẳng hề nói quá với những đóng góp quan trọng của bậc đại tài Nguyễn Trãi đối với dân tộc ta. Bên cạnh những cống hiến về mặt chính trị khi còn là một vị đại thần, Nguyễn Trãi còn để lại một kho tàng văn chương vô cùng đặc sắc cho dân tộc. Trong những năm tháng lui về ở ẩn, ông đã cho ra đời bài thơ “Cảnh ngày hè”. Bằng con mắt tinh tế, nhạy cảm của một con người yêu thiên nhiên, đất trời. Nguyễn Trãi đã vẽ một bức tranh thật đẹp nơi nơi thôn dã song ngầm ẩn trong đó là tâm trạng, là tấm lòng của một người:

Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu

Hậu thiên hạ chi lạc ưu lạc”

(Lo trước cái lo của thiên hạ,

Vui sau cái vui của thiên hạ).

Nguyễn Trãi được biết đến là một chiến sĩ nhưng cũng là một thi sĩ, tâm hồn người chiến sĩ hòa quyện trong tâm hồn người thi sĩ nên tình yêu thiên nhiên cũng hòa với tình yêu đất nước. Thế nên “túi thơ” của người như chứa cả “giang sơn”. Bài thơ “Cảnh ngày hè” là bài thơ số 43 trong chùm thơ “Bảo kính cảnh giới” và là bài thơ số 170 trong tập thơ “Quốc âm thi tập” sáng tác theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Tác phẩm đã cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và hơn hết là tấm lòng cho nhân dân, cho nước ngay cả những lúc cháy bỏng cũng không thôi rảnh rỗi.

Mở đầu bài thơ “Cảnh ngày hè” cho ta thấy sự giao cảm của thiên nhiên tạo vật với hồn thơ Nguyễn Trãi. Ông đến với thiên nhiên trong nhiên trong mọi hoàn cảnh: thời chiến, thời bình, lúc buồn, lúc vui, … Nhưng cũng thật hiếm hoi và có phần đặc biệt khi ta gặp trong thơ Ức Trai một hoàn cảnh:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Nguyễn Trãi hiện lên trong tâm thế thảnh thơi, thư thái trước thiên nhiên. Đây là một trong những ngày nhàn rỗi hiếm hoi trong suốt cuộc đời bộn bề công việc của ông. Ông sinh ra vốn trời đã định là người “thân” không nhàn mà “tâm” cũng không nhàn. “Một phút thanh trong thuở ấy” với Ức Trai đáng quý biết bao. Quả hiếm hoi mới có một hoàn cảnh lí tưởng đến thế! Xưa kia thi nhân đến với thiên nhiên bằng bút pháp vịnh, ở đây Nguyễn Trãi lại thiên về tả khiến cho bức tranh ngày hè hiện lên trước mắt người đọc vô cùng sinh động và tràn đầy sức sống. Sự sinh động của bức tranh ngày hè được tạo nên bởi sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật: màu lục của lá hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời buổi chiều như dát vàng lên những tán hòe xanh. Rồi cả tiếng ve inh ỏi - âm điệu của mùa hè, hòa cùng tiếng “lao xao chợ cá” - âm điệu của làng chài.

Không chỉ vậy tình yêu thiên nhiên còn được thể hiện ở cách cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống hết sức tinh tế, hình ảnh thiên như như chìm đắm trong thời khắc cuối ngày “lầu tịch dương” - mặt trời sắp lặn. Dẫu vậy, sự sống của vạn vật thì không ngừng dừng lại. Nguyễn Trãi thật khéo léo khi lựa chọn các động từ mạnh như: “đùn đùn”, “trương”, “phun”, tựa như có cái gì đó đang thôi thúc từ bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được nên mới phải “trương” lên, “phun” ra hết lớp này đến lớp khác.

“Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”

Cũng đặc tả về mùa hè, Nguyễn Du đã từng viết trong thi phẩm của mình:

“Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Phân tích chi tiết bài thơ "Tỏ lòng" (Phạm Ngũ Lão)

Dường như cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều mang trong mình hết sức tinh tế khi đi phác họa lên những cảnh vật ấy. Khi sử dụng “lập lòe” Nguyễn Du thiên tạo về sắc còn khi sử dụng động từ “phun” thì Nguyễn Trãi lại nghiêng về miêu tả sức sống nội tại. Bức tranh mùa hè trong thơ Nguyễn Trãi cũng được miêu tả bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc mà ta thường bắt gặp ở những vùng quê trên đất nước Việt Nam đó là những ao sen, đầm sen. Thêm vào đó là cách ngắt nhịp 3/4 bất tuân quy tắc trong thơ Đường luật đã làm nổi bật lên những nét đặc trưng của khung cảnh mùa hè.

“Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Phải chăng tác giả của chúng ta phải là một người rất yêu quê hương, yêu thiên nhiên quê hương mình mới có thể cảm nhận được sức sống căng tràn mà thiên nhiên mang đến như vậy! Thi nhân của chúng ta đã đón nhận cảnh vật từ nhiều giác quan: thị giác, khứu giác, thính giác và cả sự liên tưởng mang đậm chất thơ.

Cũng viết về cảnh mùa hè, cũng với sự giao cảm mạnh mẽ nhưng các tác giả thời Hồng Đức lại đem đến cho người đọc một bức tranh với vẻ đẹp mộc mạc pha chút thô tháp:

“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi

Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè”

(Lại vịnh nắng mùa hè)

Thiên nhiên qua cảm xúc của thi sĩ ngày càng trở nên sinh động, căng tràn sức sống mà cội nguồn của sự căng tràn ấy, mơn mởn ấy lại xuất phát từ chính lòng thiết tha yêu đời, vô tư hồn nhiên. Cảnh vật và con người chốn quê thanh bình ấy cũng đã góp phần tô nền một gam màu tươi mát cho bức tranh ngày hè oi ả mà người nghệ sĩ ở đây đã phác họa lên:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”

Từ tượng thanh “lao xao” được đặt trước khung chợ cá để làm nổi bật không khí nhộn nhịp của làng ngư phủ và cho thấy sự đông đúc tấp nập. Lao xao được hiểu là tiếng trò chuyện trao đổi, ồn ã tiếng nói tiếng cười của bà con nơi đây. Qua đó gợi lên cuộc sống lao động của những người dẫn trốn chài lưới, những âm thanh “lao xao" của trốn chợ cá hòa chung với nhưng âm thanh “dắng dỏi” của tiếng ve nổi lên trong một buổi chiều tà, một bản nhạc báo hiệu một khung cảnh ngày hè thật rộn rã. Nguyễn Khuyến cũng đã có những nét phác họa lên trang thơ của mình:

“Tháng tư đầu mùa hạ

Tiết trời thực oi ả

Tiếng dế kêu thiết tha

Đàn muỗi bay tơi tả”.

ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Cảm nhận chi tiết bài thơ "Nhàn" (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Bằng những cảm nhận hết sức tinh tế, tác giả đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt. Nếu không có tình yêu thiên nhiên, có lẽ ông đã không cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên sâu sắc đến vậy, không thể lắng nghe đồng điệu với niềm vui cuộc sống ấm no, yên bình của những người dân quê.

Trong giây phút đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp cuộc sống thanh bình, ấm no, nhân cách của một con người hết lòng vì nước lại một lần nữa được thể hiện qua hai câu thơ kết bài:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ, khắp đòi phương”

Tình yêu thiên nhiên, yêu đời của ông luôn gắn bó mật thiết với lòng yêu nước, thiết tha với nhân dân. Đọc thơ Nguyễn Trãi cũng như trong chính cuộc sống, cuộc đời ông, ta hiếm khi thấy ông có được giây phút nhàn nhã, thanh thản. Đúng như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Ở đây, Ức trai tự dành cho mình quyền rồi hóng mát thuở ngày thường bởi niềm mơ ước, mục đích lớn nhất của đời ông đã thực hiện: dân ấm no, hạnh phúc.”

Câu lục ngôn kết lại bài thơ tuy ngắn gọn nhưng giàu hàm súc, giàu ý nghĩa. Mong ước của Nguyễn Trãi thật giản dị mà vô cùng ý nghĩa. Tác giả mong muốn có được cây đàn của vua Ngu Thuấn để gảy khúc Nam Phong ca ngợi cuộc sống thái bình. Đồng thời ông cũng muốn thời đại của chúng ta giống thời đại của vua Ngu Thuấn thái bình, người dân có được cuộc sống ấm no hạnh phúc đủ đầy. Niềm vui của Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ thuộc trường hợp thứ hai, với Nguyễn Trãi vui hay buồn, lo âu hay thanh thản, tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Dù ở cung bậc và sắc thái tình cảm nào thì tấm lòng nặng muối ưu tiên với nước, với dân chỉ là một:

“Sách một hai phiên làm bầu bạn,

Rượu năm ba chén đổi công danh.

Ngoài những phận ấy cần đâu nữa?

Cần một: ngồi coi đời thái bình”.

(Tự thán - bài 10)

“Cảnh ngày hè” là một trong những bài thơ đã chớm thoát ra khỏi tính quy phạm, khuôn thước của văn học trung đại bằng việc sử dụng nhiều hình ảnh sinh động kết hợp với các động từ mạnh, các từ tượng thanh được sử dụng liên tiếp. Tất cả làm cho bức tranh mùa hè không phải là hình ảnh tĩnh trên trang giấy mà căng tràn nhựa sống. Nhưng đọc bài thơ, ta không chỉ đơn thuần thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên mùa hè rực rỡ mà qua đó ta còn cảm nhận được tâm trạng của nhà thơ. Một hồn thơ đã bắt rễ sâu vào đời sống thiên nhiên, một cảm xúc thơ đã hòa nhịp với mạch sống nhân dân, dân tộc.

Raxun Gamzatốp đã từng viết: “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”. Đúng vậy nếu không có lòng tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống thì Nguyễn Trãi lại chẳng có “Cảnh ngày hè”. “Cảnh ngày hè” chính là kết tinh của một hồn thơ tràn đầy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tấm lòng tha thiết với con người, với dân, với nước. Tác giả đã đem “Cảnh ngày hè” đến cho chúng ta, để rồi đúng dưới cái lạnh mùa đông cũng có thể cảm nhận được tiếng ve râm ran như gọi mùa hè.

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!