Phân tích chinh phụ ngâm lớp 10

Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Trích Chinh phụ ngâm khúc – bản dịch Đoàn Thị Điểm

Giữa cuối thế kỷ XVI khi mà đất nước chúng ta liên tục xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến. Sống trong cảnh loạn ly, khói lửa đã dấy lên trong lòng nhân dân nỗi bi thương, oán hận thấu trời xanh. Cảnh tình ấy tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của lớp nho sĩ tiến bộ, vì thế mà khi Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời đã được sự hưởng ứng, yêu mến của nhiều người. Không ít các tác giả dịch nguyên tác chữ Hán của Chinh phụ ngâm ra chữ Nôm trong đó bản dịch Chinh phụ ngâm khúc được cho là của Đoàn Thị Điểm là tác phẩm thơ thành công nhất. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trích từ câu 193 đến câu 216 đã diễn tả nội tâm của người chinh phụ trong ngày tháng cô đơn nơi khuê phòng. Với nhiều cung bậc cảm xúc chán nản, nhớ thương, khao khát..đan cài vào nhau tạo thành một thanh âm da diết, sầu bi.

          Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, ra đời khoảng thời gian 1740 – 1742. Khúc ngâm này thuộc thể Trường đoản cú bao gồm 476 câu thơ dài ngắn đan xen nhau. Chinh phụ ngâm đặt theo lối Nhạc phủ gồm những câu thơ tự do theo lối cổ thể, không chịu gò bó về số câu, số chữ, cách gieo vần kết hợp với nhiều điển cố, điển tích. Về bản dịch thơ Nôm, có một số tư liệu cho rằng tác giả là Phan Huy Ích, tuy nhiên dư luận truyền thống dựa trên hoàn cảnh cuộc đời, số phận và tài năng của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mà vẫn giữ quan điểm Hồng Hà nữ sĩ chính là chủ nhân của bản dịch hiện hành.

          Từ một tác phẩm chữ Hán, Đoàn Thị Điểm đã chuyển cảm xúc thành khúc ca theo thể Song thất lục bát. Đây là thể thơ dân tộc chịu nhiều ảnh hưởng của văn học dân gian. Với đặc trưng của một thể thơ phóng khoáng, khả năng mở rộng câu chữ thích hợp cho những tác phẩm dài hơi, lại thêm nhạc tính dồi dào, nhịp điệu ổn định tạo cảm giác lặp lại rất thích hợp để diễn tả cảm xúc cuộn trào không thể dùng vài lời mà nói hết được. Đấy là cảm xúc, là tâm trạng khôn nguôi thổn thức của người phụ nữ phải ôm xót xa tiễn chồng ra trận trong nỗi tuyệt vọng “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Đấy cũng là tâm trạng chung của những con người sống trong đau thương khi chứng kiến cảnh nồi da xáo thịt.

                   Ở bốn khổ đầu tiên của đoạn trích (16 câu thơ đầu), tác giả đã diễn tả được tình cảnh cô đơn, lẻ loi và nỗi buồn tủi của người chinh phụ. Sau khi tiễn đưa chồng ra trận, người chinh phụ lặng lẽ sống những ngày dài triền miên, nàng tìm mọi cách để cố vượt qua sự vô vị nhưng càng trốn chạy càng không thể ra ngoài hiện thực.

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Một bức tranh đời sống thường ngày với những cử chỉ, thói quen, hành động diễn ra theo một thứ tự dường như đã định sẵn từ lâu. Mọi thứ cứ lặp lại, cứ tiếp nối, không thay đổi dần trở thành hoạt động máy móc, tẻ nhạt. Người chinh phụ đi “dạo hiên vắng” cũng là để tìm chút không gian tự do bên ngoài. Dù đã cố tình “gieo từng bước” đi một cách chậm rãi như để giết thời gian thế mà thời gian như ngừng trôi, không gian thì vắng lặng đến ngưng đọng. Bên ngoài hiên nhà có khác gì khuê phòng lạnh lẽo. Từng bước chân của nàng cứ như bước về phía vô tận chẳng biết điều gì chờ đợi mình phía trước. Hết dạo hiên vắng, người chinh phụ về lại phòng, ngồi cạnh cửa sổ để bàn tay trôi theo những hoạt động vốn đã quen “rủ thác đòi phen”. Cứ kéo rèm lên rồi hạ xuống, cố tìm một chút mới lạ bên ngoài nhưng xem ra khung cảnh vẫn không gì thay đổi.

          Phép đối trong cặp song thất tạo nên tính tương phản giữa không gian bên ngoài và bên trong lại vừa tạo nên tính tương đồng giữa hai nơi ngoài hiên và trong cửa sổ đều giống nhau ở sự trống trải, vắng vẻ. Phép đối này đã gây ấn tượng về cảm giác nhàm chán, vô vị khi một người phụ nữ phải đối diện với ngày tháng mỏi mòn. Ở cặp lục bát tiếp theo, vẫn là một phép đối “ngoài rèm”, “trong rèm”để một lần nữa khắc hoạ mối tượng đồng của không gian. Bên ngoài rèm, người chinh phụ chờ đợi một tiếng chim hỉ thước để báo hiệu tin vui, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ, một tia hy vọng  cũng không tồn tại. Không gian trong rèm lại càng quạnh quẽ. Một ngọn đèn con trơ trọi không thể bừng sáng, không thể xua tan sự âm u vây kín “trong rèm dường đã có đèn biết chăng?” Phép điệp từ “rèm” kết hợp với câu hỏi tu từ đã phần nào nói hộ tâm trạng của người chinh phụ. Nỗi khát khao được giãi bày, được chia sẻ cũng không dễ dàng gì. Tâm sự này ai thấu, nỗi lòng này ai hay, vì thế mà người cô đơn chỉ biết thở dài ngán ngẩm rồi soi lòng vào ánh đèn hiu hắt.

Từ một không gian rộng hơn “hiên vắng” thu hẹp lại trong sự chật chội của căn phòng. Ở đây, cuộc đối thoại thực chất là độc thoại nội tâm của chinh phụ diễn ra.

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

Với sự xuất hiện nhiều lần của “đèn” và nghệ thuật vắt dòng từ câu bát sang câu thất “dường đã có đèn biết chăng? – đèn có biết dường bằng chẳng biết” đã khiến cho lời thơ càng não nùng, da diết. Nghe như tiếng than oán triền miên. Ngọn đèn kia cũng là vật vô tri có trả lời được đâu mà hỏi. Hỏi đèn cũng là tự hỏi mình, tự thở than, tự thán cho số phận má hồng “bi thiết”. Đọc câu thơ, tâm trạng ta như lạc vào một miền hoài cổ xa xưa khi đối diện cùng nỗi cô đơn của các bậc tiền nhân thao thức đêm trường mà chôn nỗi u ẩn riêng mình. Rồi chợt nghĩ đến người con gái ôm nỗi tương tư mà hỏi ngọn đèn, hỏi đôi mắt không thể ngủ.

“Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai mắt ngủ không yên”

 (Ca dao)

Cái hay của hình ảnh ngọn đèn trong khổ thơ là đèn đâu chỉ riêng đèn mà nó gắn với bóng người “hoa đèn kia với bóng người khá thương”. Chinh phụ thương cho cái bóng của chính mình đang in trên vách. Vùng sáng mờ ảo của đèn chỉ làm bóng kia thêm cô lẻ. Trong nỗi ai oán tột cùng, nàng tự tách mình ra thành bản thân và chiếc bóng để mong tìm được mối đồng cảm, sự sẻ chia khi mà nỗi lòng như lá sầu đông càng lắc càng đầy.

Không dừng lại ở đó, cuộc sống lạnh lẽo đáng thương của chinh phụ được tiếp nối trong khổ thứ ba khi mà nỗi sầu muộn đã lấp đầy không gian, choáng ngợp thời gian.

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Điều đáng lưu ý của khổ thơ này là cặp đối xứng “gà eo óc –  hoè phất phơ”, “gáy sương – rũ bóng”, “năm trống – bốn bên” đã tạo mối gắn kết vừa chỉ cái cụ thể vừa có sức khái quát quãng thời gian sống cô đơn, trơi trọ của chinh phụ. Thanh âm quen thuộc của tiếng gà gáy sương và tiếng trống canh trường có thể hiểu là bước đi của thời gian khi mà một đêm nữa lại trôi qua. Bóng hoè thì chuyển dần từ tây sang đông theo hướng đi của mặt trời chính là bước chuyển mình của ban ngày. Vậy có thể thấy hai cặp câu thơ đã lần lượt diễn tả sự luân phiên thời gian từ đêm sang ngày nhưng tạo cho chúng ta cảm giác vòng thời gian ấy sẽ cứ thế tiếp tục tuần hoàn từ ngày lại sang đêm. Hết ngày này qua ngày khác, trôi mãi, mỗi khắc, mỗi giờ là một nỗi u hoài không dứt. Từ láy “eo óc”, “phất phơ”, “đằng đẵng”, “dằng dặc” đã diễn tả được dư âm, dư ba của cảm giác trống trải kéo dài vừa tạo tính nhạc cho câu thơ. Biện pháp so sánh “khắc giờ đằng đẵng như niên/ mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa” đã tạo nên một chiều dài vô tận của thời gian và chiều rộng mênh mông của không gian. Thời gian ấy là thời gian tâm tưởng, không gian kia cũng là đáy lòng vô tận.

          Từng khổ thơ hiện ra là từng góc khuất tâm hồn chinh phụ hé mở. Đâu chỉ là sầu muộn, buồn chán, nghĩ về cảnh người ra đi không biết bao giờ trở lại nàng mơ hồ sợ nỗi sợ chia lìa khi hạnh phúc lứa đôi mỏng manh, ngắn ngủi.

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”

Biết là thế nên chinh phụ tìm đến công việc có tính chất tiêu khiển để nàng có thể may ra tìm được chút vui, chút an ủi trong thế giới ngập đầy u ám. Điệp từ “gượng” vừa diễn tả được hành động của chinh đang cố vượt qua nỗi tẻ nhạt đời thường mà đốt hương, soi gương, gảy đàn cũng vừa nói lên được thái độ miễn cưỡng, bắt bản thân phải làm để cố quên thời khắc vô vọng này. Mọi việc chinh phụ làm một cách gượng gạo, trong cử chỉ uể oải, máy móc. Tay vẫn chạm vào dây đàn, vẫn đốt hương trầm, vẫn chải tóc nhưng dường như tâm trạng không hề đặt vào nơi ấy. Bởi thế mà dù liệt kê hàng loạt những việc làm của chinh phụ chúng ta vẫn thấy sự chậm chạp, lơ đễnh, không chú ý và không chút gì hứng thú. Hương đã đốt lên mong tìm chút ấm áp và khiến cho tâm hồn sảng khoái thì hoá ra hồn lại chìm trong u hoài “hồn đà mê mải”. Chinh phụ muốn nhờ son phấn để tìm lại chút ánh sáng trên gương mặt hoa đã rũ nhưng rốt cục thì chỉ nhìn thấy lệ chứa chan. Nàng muốn gảy lên khúc nhạc vui tươi để tâm trạng thoát khỏi u uất nhưng bàn tay còn chùng chình e sợ. Nhạc để cho ai vui, đàn vì ai mà dạo khúc? Người quân tử đã không còn nữa, nhạc chỉ làm bóng hồng thêm cô lẻ. Tác giả đã khéo léo khi dùng phép tiểu đối trong câu cuối khổ “dây uyên kinh đứt/ phím loan ngại chùng”. Từ xưa dây đàn, cung đàn đã tượng trưng cho duyên tình đôi lứa, khúc nhạc uyên ương lỡ như đứt đoạn thì chẳng phải lòng người nghe càng hoang mang khi dự cảm sự chia lìa sắp sửa. Chinh phụ vì mối lo ấy mà không dạo đàn cũng đủ thấy niềm khao khát mãnh liệt hạnh phúc lứa đôi.

          16 câu thơ đầu được tổ chức khá chặt chẽ, dựa trên dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình mà từng hình ảnh thơ hiện ra với nhiều cung bậc ý nghĩa. Trong đó bốn câu thơ đầu với hình ảnh ngọn đèn làm nền cho xuất hiện xuyên suốt ở bốn câu thơ tiếp theo. Từ đấy bốn câu thơ còn lại trong khổ đặc tả tâm trạng sầu muộn day dứt và nỗi chán chường khi gượng làm những việc vô nghĩa. Tâm trạng này được đặt trong không gian cô lẽ, thời gian chậm chạp để từ đây chinh phụ hướng lòng mình đến nơi có người ra trận ở 8 câu thơ tiếp theo.

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non yên

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Cảnh buồn người thiết tha lòng

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”

Ở khổ thơ này, nỗi nhớ mong da diết và thương sầu dai dẳng về người chồng được diễn tả hai không gian: ở khuê phòng ngột ngạt và ngoài biên ải xa xôi. Hình ảnh “non Yên” chỉ ngọn núi xa xăm ở phía Bắc là nơi chiến địa diễn ra và hình ảnh “gió đông” ngọn gió trong lành của mùa xuân. Hai hình ảnh này rất quen thuộc trong thơ trung đại để diễn tả niềm khao khát được gửi chút bình yên của người quê nhà đến nơi biên thuỳ an ủi lòng người xa xứ. Ngọn gió đông kia là tấm lòng mong mỏi hạnh phúc, khát vọng yêu đương của người phụ nữ trẻ chờ chồng, trong khi non Yên lại là nơi lạnh giá, chết chóc có tuyết rơi, có mùa đông hô khéo và có cả nỗi biệt ly không hẹn ngày tái ngộ. Hình ảnh ấy kết hợp với điệp từ “gửi” như khắc sâu nỗi ám ảnh day dứt và ước mơ cháy bỏng muốn đem tấc lòng gửi người xa xứ. Thương mình rồi thương cho người nơi xa ấy, lòng người vợ thổn thức muốn nhờ ngọn gió đông trải tâm tình đến phu quân dù cho vượt qua ngàn hiểm nguy, dẫu mất nghìn vàng cũng sẵn lòng “Nghìn vàng xin gửi đến non Yên”.

          Mong mỏi là thế mà có được gì đâu, nàng biết rằng hy vọng cũng là ảo tưởng. Đường đến đấy thăm thẳm xa vời như đường lên đến tận trời cao. Vì thế mà câu thơ như nuốt đắng vào lòng khi bản thân hiểu ra điều ấy là không thể “nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”. Một từ “dù” thốt lên tô đậm khát khao được xóa đi ranh giới địa lý, lấp đầy khoảng trống nhớ mong. Có thể gió đông chẳng vượt qua nỗi ngàn dặm giang sơn mà đến nơi chàng thì nỗi nhớ trong lòng chinh phụ vẫn đủ sức về đến biên cương.

          Phép liên kết vắt vòng bằng từ “trời” và từ láy “thăm thẳm” đã mở ra khổ thơ tiếp theo một cách tự nhiên. Cảm xúc cũng tiếp nối triền miên. Đi kèm với sự “thăm thẳm” là nỗi lòng “đau đáu”. Không còn gì phù hợp hơn cái cao xa, rộng lớn vô tận của “thăm thẳm” gắn với tiếng kêu thương dai dẳng, khắc khoải, giọng điệu hờn trách của “đau đáu”. Nỗi nhớ không biết gửi vào đâu, không thể biết khi nào là bắt đầu bao giờ là kết thúc thì chỉ có từ “đau đáu” mới diễn tả được tình cảm chơi vơi, không điểm tựa ấy.

          Từ không gian rộng lớn mà mơ hồ của non Yên, chinh phụ quay về với không gian hẹp đượm nỗi buồn cô liêu cùng với cành cây sương đượm và tiếng nỉ non của côn trùng. Cảnh vật nhìn ở góc nhìn của tâm trạng nên cũng không thể mang màu sắc khác ngoài ảm đạm, thê lương.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ..”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tâm trạng của chinh phụ cũng thế “cảnh buồn người thiết tha lòng”. Từ láy “thiết tha” trong câu thơ không chỉ mức độ của nỗi buồn mà tập trung việc diễn tả tâm trạng chủ thể trữ tình như ai giày vò, cắt xé.  Cuộc hành trình của cảm xúc bắt đầu từ khuê phòng vượt qua muôn dặm trường đình đến non Yên, rồi từ đây lại quay về chốn cũ. Một vòng đi vô vọng chỉ khiến tâm hồn rã rời, ngao ngán.

          Sự thành công của đoạn trích phải kể đến giá trị mà thể thơ song thất lục bát mang lại. Trong tình cảnh lẻ loi, cô đơn và kéo dài không hồi kết của chinh phụ chỉ có thể dùng khúc hát dai dẳng giàu cảm xúc này để diễn đạt. Hơn thế nữa, vốn ngôn ngữ Nôm phong phú và khả năng sử dụng các phép đối linh hoạt đã tạo vẻ đẹp cân xứng vừa chuẩn mực vừa mới lạ cho đoạn trích. Chinh phụ ngâm khúc nói chung và đoạn thơ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ truyền tải tinh thần của nguyên tác mà còn tạo cho mình dấu ấn đặc biệt để từ đấy là nhận ra sự tài hoa, tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng yêu thương, thấu hiểu của nhà thơ trước tình cảnh sầu khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

          Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ vượt ra ngoài bản dịch Nôm mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho dòng văn học chữ Nôm

 Thế kỷ XVII – XVIII.  Chinh phụ ngâm khúc đã nói lên niềm khao khát được sống hạnh phúc, sống trong hoà bình, được hưởng quyền lợi chính đáng làm người, đặc biệt là người phụ nữ. Hiểu thêm về hoàn cảnh bi thương của con người sống trong thời chiến loạn để càng trân trọng hơn niềm vui khi được sum vầy. Tiếng nói nhân văn ấy sẽ là tiếng thơ nỉ non không dứt vọng từ ngàn xưa đến đời nay.