So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

Việt Nam - Nhật Bản luôn trân trọng quá khứ lịch sử giữa hai nước để rút ra các bài học thiết thực, coi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững ngày nay. Nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người.…một câu chuyện tình yêu 400 năm về trước giữa thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản và công chúa Ngọc Hoa của triều Nguyễn trở thành huyền thoại hình thành lên vở opera "Công nữ Anio" được công diễn vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản sẽ là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình Nhật Bản đã tổ chức các phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Chính từ sự đồng điệu và cộng hưởng lịch sử, kinh tế, văn hóa và con người, sự tin cậy chính trị lẫn nhau, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng khăng khít và phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều dư địa thúc đẩy mối quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới. Quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân là tiềm năng, nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy lẫn nhau.

So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

Hình 1: Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ hết sức dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng”.

Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, hợp tác phát triển công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước phát triển đáng kể trong suốt 50 năm qua. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược và liên tục tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

1. Tăng cường đầu tư

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như ô tô, điện tử, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ. Các dự án lớn như Nhà máy ô tô Toyota, Nhà máy điện tử Canon và Nhà máy điện tử Panasonic đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân Việt Nam và đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, hai bên đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,…

Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 4.978 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 69 tỷ USD tính đến tháng 12/2022, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.

So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

Hình 2: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với ngài Koichi Haguida, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản

Năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo…đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam. Năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với cả nước năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay….

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Liên hợp quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Theo dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đạt 6,2%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%.

Đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Thời gian tới, hai nước Việt Nam - Nhật Bản cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn; mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, trong đó trọng tâm là khai thác các tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các thỏa thuận Hiệp định đã ký kết song phương và đa phương. Đây sẽ là động lực quan trọng để hai quốc gia sớm đạt mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.

2. Chuyển giao công nghệ

Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tập trung nhiều trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và đóng góp ngày càng quan trọng vào xuất khẩu. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy tỷ trọng của khu vực sản xuất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không tăng trưởng đáng kể; giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề này, trong số những biện pháp cần có là nỗ lực hơn để thúc đẩy môi trường cho chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Nhật Bản là đối tác quan trọng trong quá trình Việt Nam phát triển ngành công nghiệp. Nhiều dấu ấn rõ nét của Nhật Bản đó là mô hình 5S, 3S… Tuy nhiên, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chậm cải thiện.

Nhiều năm qua, Nhật Bản đã chia sẻ công nghệ và kỹ thuật tiên tiến với Việt Nam. Việc này đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử và điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể.

Hợp tác với Nhật Bản luôn được Việt Nam chú trọng nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mặt khác, các nhà đầu tư của Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam và các ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam. Do đó, xây dựng kế hoạch hành động chung của Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm chung trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ là một nội dung quan trọng trong hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, được thể hiện thông qua phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác công nghiệp cũng được thúc đẩy nhờ chuyển giao kiến thức (và các tài sản vô hình khác) thông qua ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.

Đặc biệt, một số công nghệ được chuyển giao là công nghệ tiên tiến và rất phù hợp với nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, có thể kể đến như công nghệ CAS, vắc-xin, hệ thống vi cơ điện tử…

Riêng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu đặt hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhưng hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển; đầu tư trang thiết bị hiện đại, gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm.

Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, tiến tới trở thành đối tác liên doanh, liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.

3. Thúc đẩy xuất nhập khẩu

Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Hai nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và thỏa thuận hợp tác kinh tế, giúp tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng như điện tử, gỗ, nông sản và dược phẩm sang Nhật Bản.

Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản; sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Tổng cục Hải quan

Hình 3: Tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Nhật Bản năm 2022

Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại…

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da…

So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

So sánh thị trường việt nam với nhật trong cpppt năm 2024

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Tổng cục Hải quan

Hình 4: Tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Nhật Bản năm 2022

Đáng lưu ý, trong nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ổn định, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định đặt nhà máy hoặc mở rộng nhà máy hiện có tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tích cực xúc tiến thiết lập kinh doanh ở Việt Nam.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Nhật Bản tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước.

Tại các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư đã được tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn bày tỏ sự quan tâm với thị trường Việt Nam và mong muốn được đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thị trường, tiềm năng sản xuất các sản phẩm như giày, kim loại…

4. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nhân lực

Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nhân lực. Chương trình đào tạo kỹ sư và công nhân chất lượng cao của Nhật Bản đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Các dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho Việt Nam. Kéo theo hoạt động đầu tư là nhu cầu về nhân sự chất lượng cao tăng mạnh.

Có thể đánh giá Nhật Bản là quốc gia có công nghệ kỹ thuật hạ tầng hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay và những công nghệ hiện đại đó đã và đang được triển khai một cách hiệu quả tại Việt Nam.

Chương trình hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ và nhân dân hai nước. Các nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn và chủ lực của Việt Nam. Nhiều người lựa chọn sang Nhật làm việc là bởi mức thu nhập cao, môi trường sống văn minh, hiện đại. Đồng thời cũng là cơ hội tốt để cải thiện kinh tế và phát triển bản thân.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức bắt đầu từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Kết quả hợp tác về lao động ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp của cả hai nước. Thống kê mới nhất của cục quản lý lao động ngoài nước thì năm 2022 có hơn 127.000 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, cao gấp 6 lần năm 2021. Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khan hiếm nguồn nhân lực, cần nhiều lao động nước ngoài, nhất là lao động Việt Nam. Vì thế quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực này còn phát triển hơn nữa. Hai bên cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, giáo dục…

Hiện nay, người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản khoảng 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản (sau Trung Quốc). Nhiều hội đoàn của người Việt đã được thành lập, như Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA), Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Thể thao Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA)…, cùng với 21 hội, đoàn của người Việt ở các địa phương; hơn 70 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các hội hữu nghị truyền thống; giao lưu văn hóa, kết nghĩa, đối ngoại Nhân dân với các địa phương Nhật Bản; tăng cường hợp tác, giao lưu về kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản không ngừng phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

5. Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển

Các công ty và tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác trong nhiều dự án nghiên cứu và phát triển mới. Việc này đã đóng góp vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu và sáng tạo của Việt Nam trong các ngành công nghiệp tiên tiến.

Thông qua Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam -Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngành được ưu tiên đã có đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp và kinh tế đất nước.

Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, Chiến lược được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp (DN) và các nhà khoa học.

Thời gian qua, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng, hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động phát triển 6 ngành công nghiệp, bao gồm: Chế biến nông, thủy sản; điện tử; ôtô và phụ tùng ôtô; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu; máy nông nghiệp, để tập trung ưu tiên phát triển trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam.

Chiến lược đã đạt được một số kết quả tích cực, như thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của 6 ngành ưu tiên.

Các ngành được ưu tiên có đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp và kinh tế của đất nước. Ngoại trừ ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn, các ngành còn lại, đặc biệt ngành điện tử đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu.

Sự phát triển của các ngành trong chiến lược đã thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như ngành điện tử, sản xuất ôtô… sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS) đã được ký ngày 01/6/2012 làm cơ sở thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Điển hình là hợp tác giữa Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và Viện nghiên cứu Hóa - Lý trong lĩnh vực công nghệ sinh học Nhật Bản; Hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam với cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và nhiều dự án hợp tác trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu chung được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngoài ra, các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như các nhà khoa học của hai nước đã chủ động liên kết trao đổi thông tin, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề về lý luận và thực tiễn hai bên quan tâm.

Đặt nền móng cho những bước tiến lớn trong tương lai

Hợp tác phát triển công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên sau 50 năm. Hai nước đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các công ty và tổ chức của cả hai bên có thể hợp tác và phát triển.

Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Để góp phần phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng, cần tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, đặt nền móng cho những bước tiến lớn trong mối quan hệ hai nước trong tương lai với thế giới./.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://nfsc.gov.vn/vi/hop-tac-quoc-te/dau-an-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-nhat-ban/ https://vneconomy.vn/moi-quan-he-than-thiet-viet-nam-nhat-ban-khien-doanh-nghiep-nhat-ban-rat-yen-tam.htm