Tại sao đất thủ thiêm lại đắt

Tăng gấp đôi

Phiên đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) với mức cao nhất lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2 ngay lập tức đã kéo theo “cò’’ đất, “sóng giá đất” nổi lên. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá căn hộ ở Khu đô thị Thủ Thiêm xung quanh khu vực 4 lô đất vừa được đấu giá đều thuộc dạng siêu sang thì nay tiếp tục tăng lên mức giá đắt đỏ. Cụ thể, một dự án có khoảng 1.100 căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì sáng 20/12 ghi nhận giao dịch ở mức 140-150 triệu đồng/m2, cao hơn 20-30 triệu đồng so với tháng trước.

Một dự án căn hộ hạng sang khác nằm trên đường Lương Định Của có giá giao dịch từ 150 đến 220 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm dù chưa bàn giao. Với những dự án sắp mở bán, nhiều chủ đầu tư ngưng kế hoạch ra hàng dịp cuối năm, dù chủ đầu tư đã ký hợp đồng môi giới với sàn F1, trả lại tiền cọc cho khách hàng. Dự kiến, giá bán mới tăng 1-1,5 tỷ đồng/căn hộ.

Việc doanh nghiệp đấu giá thành công 4 lô đất ở Thủ Thiêm khiến thị trường bất động sản tăng giá mạnh

Thế nhưng, đất nền mới là phân khúc tăng giá mạnh nhất sau khi phiên đấu giá thành công. Từng có 15 năm làm môi giới nhà đất ở khu Đông, chị Lê Thị Bảo chưa bao giờ thấy giá đất tăng mạnh như 1 tuần qua. Chẳng hạn, trước phiên đấu giá, một căn biệt thự rộng 500m2 trong Khu đô thị Sala có giá bán 150 tỷ đồng thì nay đã được đẩy lên gần 250 tỷ đồng.

Tương tự, một căn nhà phố trên đường Nguyễn Cơ Thạch trước đây được bán với giá 35 tỷ đồng thì nay đang giao dịch với mức 45-47 tỷ đồng/căn. Chị Bảo cho biết thêm, trước kia mỗi lần bất động sản tăng giá, mọi người lại đổ cho môi giới thế nhưng lần này giá tăng chỉ xuất phát từ người bán. Họ thấy giá đấu giá cao quá nên đẩy lên thôi.

“Giá này là giao dịch thật, không phải đầu cơ hay môi giới mua để lướt sóng ăn chênh lệch. Giá tăng cao khiến môi giới cũng lao đao vì rất khó ra hàng. Hơn nữa, cả khách mua lẫn chủ đất đều lần lữa nghe ngóng nên chưa ai chịu chốt. Có hợp đồng đã đi được 95% cũng bị hủy vì chủ đòi tăng giá”, chị Bảo nói.

Không chỉ khu vực Thủ Thiêm mà cả TP Thủ Đức, giá đất cũng tăng theo vụ đấu giá. Cụ thể, giá đất tại khu Đông Thủ Thiêm, khu Nam Rạch Chiếc, khu Cát Lái, khu Đảo Kim Cương… trước kia được giao dịch 160-164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200-250 triệu đồng/m2. Tại quận 9 cũ (cách Thủ Thiêm 20km) các nền đất 100m2 cũng đã tăng 1-2 tỷ đồng/nền. Các lô đất lớn từ 300m2 trở lên tăng thêm 8-10 triệu đồng/m2. Cá biệt, mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp đã được rao bán 200 triệu đồng/m2.

Tác động tiêu cực

Sau phiên đấu giá, hệ quả dễ thấy nhất là đất nền tiếp tục tăng, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đầu tư quanh khu vực Thủ Thiêm cũng chịu ảnh hưởng. Giá đất tăng lên, thuế sẽ tăng, tiền sử dụng đất theo khung mới áp dụng theo giá thị trường cũng tăng. Doanh nghiệp sẽ chịu thuế cao hơn và xa hơn nữa giá thành căn hộ cũng theo đó tăng, việc sở hữu nhà càng xa tầm tay với người thu nhập thấp.

Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land tỏ ra bàng hoàng với mức giá đất tăng sau 4 phiên đấu giá đất Thủ Thiêm. Bà Hương cho biết, bà không hiểu vì sao các nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá không tưởng như vậy để có được các lô đất này. Từ kết quả đó, bà Hương lo ngại giá đất ở Thủ Thiêm và các khu vực lân cận tiếp tục leo thang. Những lô đất sắp đấu giá trong năm 2022 cũng gây áp lực lớn cho các nhà đầu tư khi bỏ giá. Bởi lẽ, khi giá khởi điểm quá cao, các doanh nghiệp sẽ rất e dè.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, mức giá quá cao từ các lô đất được bán thành công sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực, cũng như kéo mặt bằng giá bất động sản ở các khu xung quanh lên một mức cao mới. Một trong những tác động của việc giá đất tăng cao là các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TPHCM đứng trước thách thức, khó thành hiện thực. Các nhà phát triển bất động sản khó tìm được quỹ đất giá phù hợp để phát triển nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân TPHCM.

“Trước mắt, các khu vực xung quanh Thủ Thiêm, bất động sản hàng hiệu, hạng sang sẽ tiếp tục leo thang. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá thấp như hiện tại thì trong thời gian tới, nhà giá thấp lại càng biến mất, sẽ bất lợi cho việc ổn định cung cầu, an sinh xã hội... Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ triệt tiêu phân khúc nhà giá thấp để chuyển sang các loại nhà giá cao, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của mình”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, việc trúng giá cao thể hiện việc kỳ vọng vào tương lai Thủ Thiêm của nhà đầu tư, chắc hẳn họ đã có kế hoạch của mình. Tuy nhiên, khi mức giá quá cao phần nào đó tác động xấu đến việc thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm trong tương lai, bởi đây là khu vực được TPHCM định hướng trở thành trung tâm tài chính của cả nước. Vì vậy, đây là câu chuyện hiệu quả thực tế của tiến trình thực hiện nghĩa vụ sau khi đấu giá, từ việc đóng tiền lẫn triển khai dự án. Quá trình này hoàn tất đúng kế hoạch thì mới khẳng định được việc đấu giá thành công.

Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Ngô Viết nói rằng, giá trị địa ốc không bao giờ tăng cao đột biến nếu thiếu những động lực cần thiết, như quy hoạch tốt, hạ tầng tốt, chính sách đặc thù tốt... Ông Sơn đánh giá, đấu giá đất của một dự án tại Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay như vậy là quá cao, không phải đáng mừng mà đáng lo và cần có kế hoạch ứng phó. Một nhà đầu tư không thể duy ý chí, tác động làm cho giá đất khu vực xung quanh tăng cao bất thường giống như vậy được, vì xây xong nhà bán sẽ không có ai mua.

Tại sao đất thủ thiêm lại đắt

Đất ở Thủ Thiêm lại nóng lên sau cuộc đấu giá "khủng" ngày 10/12... - Ảnh: Cafef

Cụ thể, với lô đất có diện tích lớn nhất 10.059,7m2 (ký hiệu 3-12), với view hồ trung tâm, thuộc Khu chức năng số 3, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá.

Mức giá trúng đấu giá lô đất này là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (2.942,2 tỷ đồng). Như vậy, Ngôi Sao Việt phải chi đến 2,4 tỷ đồng để mua một m2 đất tại đây.

Theo phê duyệt quy hoạch của TP.HCM, khu đất mang số hiệu 3-12 mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại - dịch vụ, được xây dựng cao 4 - 25 tầng nổi và 2 tầng hầm. Mật độ xây dựng tối đa khối đế là gần 70% và khối tháp gần 45% diện tích đất. Dân số tối đa cho khu đất này là 3.420 người, với 570 căn hộ và 5% diện tích sàn dành cho thương mại.

Với tổng số 570 căn hộ được phê duyệt, nếu chia đều thì bình quân mỗi căn hộ phải gánh tiền đất là 42,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, với lô đất 3-8 rộng hơn 8.500m2, có giá khởi điểm là 1.018,594 tỷ đồng mà Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá với 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm.

Khu này theo quy hoạch xây dựng chỉ được xây 4-10 tầng nổi và 1 tầng hầm. Mật độ xây dựng tối đa khối đế hơn 72%, khối tháp hơn 54% diện tích đất, và không có chức năng thương mại dịch vụ. Dân số tối đa cho khu đất này là 1.067 người, với 113 căn hộ. Như vậy, chỉ tính riêng tiền đất cho 113 căn hộ, thì bình quân mỗi căn hộ gánh 35 tỷ đồng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), để có lời thì nhà đầu tư phải bán căn hộ với giá từ 1 tỷ đồng/m2, tức ít nhất 50 tỷ đồng/căn.

Tại sao đất thủ thiêm lại đắt

Đất Thủ Thiêm lập kỷ lục “đắt nhất thế giới” với 2,4 tỷ/m2... - Ảnh: Vietnambiz

Tương tự, tại lô đất ký hiệu 3-9 có diện tích hơn 5.000 m2, mà Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá với giá 5.026 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Tính bình quân mỗi m2 đất, doanh nghiệp này đã chi 1 tỷ đồng.

Theo phê duyệt quy hoạch, khu đất này có hệ số sử dụng đất là 3,99 chỉ được xây dựng cao 4 - 10 tầng nổi và 1 tầng hầm. Mật độ xây dựng tối đa trên 70% diện tích đất, với 101 căn hộ và 5% diện tích sàn dành cho thương mại. Dân số tối đa là 811 người. Nếu chia đều thì chỉ riêng tiền đất, mỗi căn hộ gánh đến 49,7 tỷ đồng.

Còn tại khu đất rộng 6.446 m2 có ký hiệu 3-5 mà Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá, với giá trị 3.820 tỷ đồng, tính trung bình mỗi m2 đất có giá khoảng 600 triệu đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm.

Lô này TP duyệt quy hoạch xây dựng 4 - 6 tầng nổi, 1 tầng hầm. Mật độ xây dựng khối đế 75%, khối tháp 69% với 76 căn hộ, dân số 608 người. Với số lượng căn hộ này, chỉ riêng tiền đất thì mỗi căn hộ đã gánh khoảng 50 tỷ đồng.

Chuyên gia nghi ngờ 

Câu chuyện đất ở Thủ Thiêm được đẩy lên mức giá "khủng" khiến không ít chuyên gia tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp BĐS khác tỏ ra nghi ngờ.

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, các nhà đầu tư lớn đang nhận định thị trường BĐS đang tốt, hấp dẫn và người ta chấp nhận mức giá cao đó. Thành ra thị trường BĐS đang "nhấp nha nhấp nhổm" thời gian vừa qua, các doanh nghiệp dựa vào việc này để đẩy ra mặt bằng bằng giá mới. Tóm lại, thị trường BĐS chính thức bước vào cơn sốt mới, vì giá cao đã được xác lập công khai.

"Đấu giá này là đấu giá những vị trí tốt của Thủ Thiêm nên cũng không ảnh hưởng lắm đến mặt bằng giá ở các khu khác. Quan trọng là Nhà nước sớm tung nguồn cầu dự án cho nhu cầu ở thực thì sẽ không ảnh hưởng, trừ khi tiếp tục siết nguồn cung thì thị trường sẽ bắt đầu tăng tiếp", ông Quang nói.

Liệu có "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá đợt này? Trả lời vấn đề này, ông Quang cho rằng, không có cơ sở để đánh giá việc này, nhưng vấn đề là việc đấu giá này được công khai, các  doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng lớn. Mặc dù có thể nguồn vốn được thể hiện trên giấy phép còn ít, nhưng các doanh nghiệp này cũng có uy tín trên thị trường, nên việc đấu giá này cũng có thể là thật chứ không phải đấu giá chơi.

"Thứ nhất, có thể nhà đầu tư thấy thị trường đang tốt và ký hợp đồng chấp nhận chuyện giá cao. Thứ hai, cũng có yếu tố là người ta đang giữ thị trường.  Họ cũng có những BĐS giá cao, vì vậy muốn neo giá, muốn tạo ra một mặt bằng giá mới", ông Quang nhận định.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp BĐS lớn tại TP.HCM (xin giấu tên) cho hay, trước hết phải khẳng định việc tổ chức đấu giá mang lại nguồn lực rất lớn cho TP. Tuy nhiên, khi trả giá cao như thế, việc triển khai được dự án hay không vẫn là một điều khiến ông băn khoăn.

Tất nhiên, khi nhà đầu tư dám trả mức giá đó thì họ phải rất là tự tin rồi, nhưng tự tin rồi có thực hiện được hay không là chuyện khác. 

Thực tế theo quan điểm của một số chủ đầu tư như cá nhân ông, rõ ràng mức giá này là rất cao. Đặc biệt, có một chi tiết cần chú ý, đó là tham gia đấu giá có những đơn vị nước ngoài, như CapitaLand chẳng hạn. Đã là đơn vị nước ngoài thì họ chắc chắn có nhu cầu thật, làm thật chứ không phải tham gia đấu giá chơi, mua rồi bán lại.

"Họ đã trả lô đất lớn nhất (1ha) 8.800 tỷ và sau đó không theo nữa. Có nghĩa giá đó gần như được xem là giá trị thực. Đây cũng là mức giá hợp lý nhất mà họ có thể kinh doanh được. Nhưng Ngôi Sao Việt lại trả tăng gấp 3 lần nữa, khoảng 1 tỷ USD cho lô đất này. Liệu mức giá 1 tỷ USD này có hợp lý không?", ông này nói.

Thực sự, các chủ đầu tư khác cũng đang tò mò về việc họ làm gì mà sẵn sàng trả mức giá 1 tỷ USD cho miếng đất này. Nếu họ làm được thì thực sự là vấn đề sốc với thị trường. Còn không làm được thì cũng chẳng ngạc nhiên, vì  đề của doanh nghiệp là làm gì trên đất này để tạo ra sản phẩm và bán có lợi nhuận.

"Giá đất bao nhiêu là phù hợp? Cứ nhìn đơn vị nước ngoài, họ không mua được, thậm chí không dám trả giá cao hơn để mua vì họ cũng không biết sẽ làm gì để tạo ra lợi nhuận với mức trả giá cao như thế", vị này nói thêm.