Tại sao phát triển kinh tế biển

Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Bình 

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam và đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4921/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh.  Đã chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng và tính khả thi của các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương gắn với thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển, ven biển và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đặc biệt là việc tích hợp nội dung phát triển kinh tế biển vào Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Dịch vụ và du lịch biển có chiều hướng phát triển tốt: Lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng nhanh và mạnh trong giai đoạn 2011-2020, số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tăng bình quân 26,8%/năm (từ 0,86 triệu lượt khách năm 2010 lên 5 triệu lượt khách năm 2019); công tác xúc tiến, quảng bá được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú chuyên biệt hóa theo từng phân khúc thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của Quảng Bình cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách du lịch, phù hợp với chuỗi sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đến nay có 465 cơ sở lưu trú, 6000 buồng, 12.000 giường, 24 đơn vị lữ hành, 28 khu, điểm tham quan. Các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình; Dự án Trung tâm thương mại Vincom; Sân golf  Bảo Ninh - Hải Ninh,...ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, góp phần tăng thu nhập cho tỉnh, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Công nghiệp, khu kinh tế ven biển: Khu kinh tế Hòn La, với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đến nay đã tổ chức lập, phê duyệt chi tiết các khu chức năng và đã đầu tư hạ tầng với các hạng mục chủ yếu như: đường giao thông nội vùng, đê biển, kè, công trình thoát nước,...xây dựng hệ thống giao thông và đã đưa vào sử dụng một số trục chính trong khu kinh tế, cảng Hòn La, Nhà máy xử lý nước thải, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cảng biển Hòn La, đường nối khu kinh tế Hòn La với khu công nghiệp xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hóa,...bước đầu hình thành mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại Khu kinh tế Hòn La, tạo điều kiện để đầu tư, xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế biển Hòn La làm động lực phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Đã lập quy hoạch, tiến hành đầu tư và kêu gọi đầu tư, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển mới như: KCN Tây Bắc Quán Hàu, Cam Liên, Khu đô thị sinh thái Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh… theo hướng tiếp cận mô hình khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nuôi trồng và khai thác hải sản: Toàn tỉnh có trên 1000 tàu khai thác hải sản xa bờ, vùng biển xa, giảm khai thác ven bờ; chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được quan tâm đầu tư, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển được quan tâm khuyến khích phát triển, đến nay đã có 02 hợp tác xã, 86 tổ đoàn kết/485 tàu và 113 tổ hợp tác/925 tàu; việc thanh tra, kiểm tra kiểm soát hoạt động khai thác để ngăn chặn hành vi vi phạm về khai thác thủy sản, vi phạm khai thác IUU đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và gỡ cảnh cáo thẻ vàng của EC; hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi tập trung tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp; hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ cung ứng phục vụ khai thác được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu ngư dân.

Kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới: Tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển, các cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ. Trong những năm qua, các chỉ tiêu về cảng biển đều tăng trưởng mạnh, số lượng hàng hóa và lượt tàu qua cảng đều tăng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt trung bình 3,5 triệu tấn/năm (từ năm 2020 đến tháng 8 năm 2021, số lượng tàu thuyền và hàng hóa thông qua cảng biển là 2.066 lượt tàu, gần 5,5 triệu tấn hàng hóa). Ngoài các bến cảng đang khai thác, hiện nay có 05 dự án Cảng biển, được kêu gọi, xúc tiến nhà đầu tư; ưu tiên xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông cảng biển Hòn La với đường 12, nối Lào và Đông Bắc Thái Lan, Myanma và các nước trong khu vực...

Khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo: Công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển bước đầu được đẩy mạnh và đã đề xuất nhiệm vụ vào Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển Quốc gia. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển, vùng ven biển gắn với chế biến sâu trong đó có titan và cát trắng thạch anh…; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch, Cụm trang trại điện gió 252MW của Công ty Cổ phần Điện gió B&T theo kế hoạch. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang khảo sát đầu tư điện tái tạo tại khu vực ven biển và vùng biển xa của tỉnh

Về xã hội: Thời gian qua, nhìn chung đời sống, chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục, cấp điện, thông tin liên lạc, nước ngọt, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển được quan tâm: thực hiện tốt Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục cho giai đoạn đến năm 2030 trong đó đã đầu tư trang thiết bị cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố ven biển để đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng về sức khỏe cho Nhân dân, lực lượng lao động vùng biển; Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển tại các Trường Đại học, cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập.

Phát triển khoa học công nghệ, tăng cường điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai:  Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; xây dựng và triển khai Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Bình; tổ chức triển khai thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh, “mô hình thu gom rác thải trên tàu cá”. Hoàn thành “Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển và hải đảo tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020”; Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm, phân vùng xả nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Bình để có cơ sở định hướng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch và giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường vùng bờ của tỉnh; đồng thời, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, cảnh quan di tích ven biển, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sinh kế cộng đồng ven biển, đáp ứng phát triển bền vững vùng ven biển, đảo của tỉnh.

Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu, đã triển khai 03 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho các sở, ngành và địa phương ven biển tham khảo trong việc định hướng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế do đó đang trình Trung ương quan tâm hỗ trợ.

Tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển của tỉnh, đến nay, Chương trình đã hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp 21,764  km đê, kè; tổng kinh phí đã đầu tư là 467,7452 tỷ đồng. Đã hoàn thành, trong đó trồng mới và chăm sóc 3.769,2 ha rừng phòng hộ ven biển và đang triển khai dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển trên địa bàn tỉnh. Hàng năm triển khai các dự án nạo vét các cửa sông ven biển của tỉnh, luồng hàng hải vùng các cửa sông…, triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Đường ven biển tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài 86km, với tổng kinh phí 2.197 tỷ đồng.

Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển: Khả năng phòng thủ và tuyến phòng thủ ven biển của tỉnh được tăng cường; Lực lượng quân sự, công an, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thẩm định hồ sơ, kết hợp với kiểm tra tại thực địa các dự án nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ quân sự, an ninh, quốc phòng đảm bảo vững chắc khu vực phòng thủ tuyến biên giới biển, đảo gần bờ; việc thẩm định các công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển được triển khai tích cực; việc tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, triển khai, quản lý chặt chẽ biên giới biển, phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển được tăng cường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình biển Đông nói chung và trên vùng biển của tỉnh nói riêng liên tục có những diễn biến phức tạp do những hoạt động trên biển của phía nước ngoài; mặt khác Quảng Bình là tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tương tự như các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tỉnh Quảng Bình là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp của các loại hình thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bão, lũ lụt. Bên cạnh đó, sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung và dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh.

Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ven biển còn thiếu và định hướng chưa đồng bộ cho phát triển các ngành; vấn đề ô nhiễm môi trường vùng ven biển, cửa sông, rác thải tại các khu dân cư ven biển, đặc biệt là rác thải nhựa đang là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh; ý thức về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn thấp; không gian vùng bờ được khai thác, sử dụng đồng thời cho các ngành kinh tế cũng như nhu cầu bảo vệ các giá trị văn hóa tự nhiên đã dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích.

Với mục tiêu đến năm 2030, đưa kinh tế biển tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đống góp khoảng 15-20% GRDP và kinh tế của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85-90% GRDP của tỉnh; phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong toàn hệ thống chính trị, trong Nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết.

Thứ hai là chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng phát triển bền vững, liên kết vùng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đặc biệt là Khu kinh tế Hòn La, xây dựng đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3 nhằm phát triển hạ tầng kết nối nội vùng và liên tỉnh đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Tăng cường liên kết nội vùng, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong việc phát triển các ngành kinh tế biển mà các địa phương có cùng điều kiện, lợi thế tương đồng nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Thứ ba là tập trung nghiên cứu, huy động nguồn lực, tăng cường liên kết, ứng dụng các thành tựu và công nghệ mới, tiên tiến trong giám sát, điều tra tài nguyên, môi trường biển, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như: cảng biển, du lịch biển, điện gió, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, dịch vụ biển. Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái có tính liên vùng đối với ngành kinh tế biển mới như: năng lượng tái tạo, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm… Hoàn thành thiết lập và quản lý tốt hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo nhất là rác thải nhựa; thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển các ngành kinh tế biển.

Thứ tư là đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Có cơ chế hỗ trợ, tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học có thế mạnh về đào tạo các ngành kinh tế biển trong khu vực, trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực biển của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực, lao động cho các ngành kinh tế biển của tỉnh; hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập.

Thứ năm là tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển, tiếp tục hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh. Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại khu vực biên giới biển.

Thứ sáu là huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển: Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các xã vùng ven biển; xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ.

Phan Đình Hùng

Phòng Biển, Đảo và Tài nguyên nước