Tấm gương chiến đấu tiểu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là ai

Tấm gương chiến đấu tiểu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là ai

Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người cho các chiến sĩ lập công xuất sắc sau Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tin liên quan
Tấm gương chiến đấu tiểu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là ai

1. Phan Đình Giót: Sinh năm 1922 tại xã Tam Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; xung phong đi bộ đội năm 1950, được biên chế vào Đại đoàn 312, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là Tiểu đội phó thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, tham gia trận mở màn vào cứ điểm Him Lam. Khi đơn vị xung phong băng qua cửa mở đánh vào trung tâm bị địch trong lô cốt bắn trả dữ dội. Mặc dù bị thương nặng khi đánh bộc phá hàng rào cuối cùng, Phan Đình Giót vẫn cố trườn lên dùng lựu đạn và tiểu liên tiêu diệt hỏa điểm địch. Hết đạn, anh đã lao cả thân mình bịt lỗ châu mai cho đồng đội xông lên giành chiến thắng…

2. Tô Vĩnh Diện: Sinh năm 1924 tại xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, xung phong đi bộ đội năm 1949, vào Đại đội 827 thuộc Trung đoàn phòng không 367. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tô Vĩnh Diện là Khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Khi đơn vị kéo pháo ra để thay đổi cách đánh mới, Tô Vĩnh Diện cùng một đồng chí nữa đi trước cầm càng pháo. Đến đoạn xuống dốc, dây tời bị đứt, anh vẫn ghì chặt càng pháo điều khiển hướng lao của pháo vào vách núi. Trong khoảnh khắc, Tô Vĩnh Diện bị bánh xe đè lên người nhưng pháo thì dừng lại được. Khi được đồng đội ứng cứu, anh chỉ kịp hỏi: “Pháo có việc gì không?” rồi kiệt sức, hy sinh…

3. Trần Can: Sinh năm 1931 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1951 tại Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong trận Him Lam mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can chỉ huy tiểu đội đánh chiếm hầm chỉ huy, là người đầu tiên trong chiến dịch cắm cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy địch. Tiếp đó, trong trận đánh ở điểm cao 507, anh đã chỉ huy tiểu đội đánh chiếm cột cờ, giành giật từng tấc đất. Khi cả Ban chỉ huy Đại đội hy sinh, mặc dù bị thương, Trần Can vẫn chỉ huy đại đội tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi. Trần Can hy sinh trong trận đánh cuối cùng của chiến dịch, sáng 7-5-1954.

4. Đinh Văn Mẫu: Sinh năm 1924 ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; vào chủ lực năm 1947 và làm nhiệm vụ nuôi quân hơn 7 năm ở Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của anh đảm nhiệm hướng chủ yếu, việc tiếp tế cơm nước vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đinh Văn Mẫu vẫn bảo đảm cơm nước cho các tuyến phòng ngự và còn giúp thêm đơn vị bạn. Nhiều sáng kiến mang cơm nước phục vụ bộ đội qua các trận địa giao tranh, qua các khe suối hung dữ… của Đinh Văn Mẫu không chỉ giúp bộ đội có cơm ăn, nước uống đầy đủ mà còn có tác dụng động viên anh em chiến đấu…

5. Đặng Đức Song: Sinh năm 1934 ở xã Cộng Hòa, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ năm 1952. Trong trận mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đặng Đức Song là Tổ trưởng súng máy ở Đại đội 51, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, chiến đấu chốt giữ khu vực Đồi Xanh án ngữ giữa Mường Thanh và Tà Lèng. Tổ súng máy của anh chiến đấu anh dũng, thắng lợi giòn giã, nhưng anh bị thương phải về tuyến sau. Ra viện, Đặng Đức Song được điều về một tổ mũi nhọn đánh đồi Mâm Xôi. Có đợt, Song phải ngâm mình dưới giao thông hào ngập nước liên tục 3 ngày để làm nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cánh vu hồi chiến đấu làm chủ đồi C2…

6. Bùi Đình Cư: Sinh năm 1927 ở xã Việt Tiến, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; nhập ngũ năm 1949 ở Binh chủng Pháo binh, từng tham gia và lập công xuất sắc trong 9 chiến dịch lớn ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đội phó Bùi Đình Cư đã có nhiều hành động nổi bật, như: Một mình vác nòng súng cối nặng hơn 100kg chạy hơn 3km để nêu gương động viên anh em; bắn chậm rãi từng quả đạn sát hàng rào để bộ binh lợi dụng hố đạn tiến vào mở cửa; bắn lựu pháo “tranh thủ” vào cứ điểm Độc Lập để phá hoại một phần công sự và uy hiếp quân địch; tháo 3 khẩu cối 120mm chiến lợi phẩm mang về đơn vị an toàn…

7. Phùng Văn Khầu: Sinh năm 1930 ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ năm 1949 vào Đại đội 755 thuộc Đại đoàn Pháo binh 351, từng tham gia 7 chiến dịch lớn và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phùng Văn Khầu chỉ huy khẩu đội pháo 75 khống chế khu trung tâm Mường Thanh, chi viện cho bộ binh tiêu diệt các điểm cao xung quanh. 36 ngày đêm chiến đấu liên tục dưới bom đạn ác liệt, nhiều lần anh bị ngất nhưng lại vùng dậy chiến đấu, góp phần đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

8. Chu Văn Mùi: Sinh năm 1929 tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc; nhập ngũ năm 1949 tại Trung đoàn 102, Đại đoàn 308; từng tham gia 7 chiến dịch lớn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các cương vị: Chiến sĩ xung kích, pháo thủ, Tiểu đội trưởng súng cối, Tiểu đội trưởng thông tin…Trong cuộc chiến đấu trên đồi A1 ở Điện Biên Phủ, có thời điểm Chu Văn Mùi cùng một đồng đội nằm suốt hai ngày đêm trong hầm giữa vòng vây của địch, vừa chiến đấu chặn địch, vừa liên lạc với cấp trên, vừa gọi pháo chi viện cho bộ binh tràn lên cứ điểm…

9. Lộc Văn Trọng: Sinh năm 1905 ở xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng; bị địch bắt đi lính và đưa sang Pháp học lái xe, nhưng phản đối việc vận chuyển vũ khí cho quân đội Pháp xâm lược Việt Nam nên bị đày đi Bắc Phi, năm 1946 được hồi hương theo yêu cầu của Chính phủ ta, năm 1948 tham gia du kích địa phương đánh Pháp, năm 1950 xin vào bộ đội làm lái xe phục vụ Chiến dịch Biên Giới mặc dù đã 45 tuổi… Từ đó, Lộc Văn Trọng là tấm gương tiêu biểu, lập nhiều thành tích xuất sắc trong vận tải phục vụ chiến đấu; đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

10. Nguyễn Văn Ty: Sinh năm 1931 tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nhập ngũ năm 1951 vào Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, từng tham gia 7 chiến dịch lớn, lập nhiều thành tích xuất sắc và nhiều lần bị thương… Trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm Độc Lập của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Ty là Tiểu đội trưởng bộc phá chỉ huy tiểu đội lao lên mở cửa. Bộc phá bị rơi ngòi nổ, anh mạo hiểm dùng lựu đạn buộc vào thay thế… Hết lựu đạn và bộc phá, anh xung phong băng qua lửa đạn chạy về tiểu đoàn lấy thêm bộc phá, rồi chỉ huy tiểu đội đánh đến quả bộc phá cuối cùng, mở cửa cho đơn vị xông lên.

11. Trần Đình Hùng: Sinh năm 1931 tại xã Đại Đồng (hiện nay là xã Cảnh Thụy), huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; nhập ngũ năm 1930 tại Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Đại đoàn và lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của Trần Đình Hùng có nhiệm vụ xây dựng các trận địa phía tây Mường Thanh. Riêng Khẩu đội DKZ của anh đã chiến đấu quyết liệt tại các điểm hỏa lực đồi 106, đồi 311, điểm 206… Có trận, các anh chỉ có 1 khẩu DKZ và 5 tay súng trường, nhưng đánh bật cả tiểu đoàn địch; bắn cháy xe tăng địch bằng cách ngắm thẳng qua nòng súng khi hỏng kính ngắm…

12. Phan Tư: Sinh năm 1931 ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nhập ngũ năm 1951 vào Tiểu đoàn 555 thuộc Cục Công binh; liên tục tham gia các chiến dịch lớn ở Bắc Bộ và lập nhiều chiến công xuất sắc. Chuẩn bị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của Phan Tư có nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na để mở thêm đường tiếp tế mới từ Biên giới Việt-Trung về. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, vô cùng khó khăn, lại thực hiện trong điều kiện thời tiết rét buốt… Nhưng Phan Tư đã gương mẫu đi đầu trong mọi hoàn cảnh, có nhiều sáng kiến tăng năng suất, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

13. Đặng Đình Hồ: Sinh năm 1925 ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; nhập ngũ năm 1950 tại Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, từng lập công xuất sắc trong các trận: Đồi Mồi (Chiến dịch Hòa Bình), Lạc Quần (Chiến dịch Hà Nam Ninh), Tuy Lộc Thượng (Ninh Bình)… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đội phó Đặng Đình Hồ chỉ huy đơn vị đánh chiếm khu C ở phía đông Hồng Cúm, dưới làn đạn của địch từ các khu A và B bắn xối xả sang, cùng pháo địch từ Mường Thanh bắn xuống. Khi áp sát địch, hai bên đánh giáp lá cà, Đặng Đình Hồ bị thương vào mắt và tay, nhưng vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu thắng lợi.

14. Nguyễn Văn Thuần: Sinh năm 1916 tại xã Quỳnh Lưu, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh; năm 1944 từng bị địch bắt đi lính, sau đó trốn về tham gia Việt Minh, nhập ngũ năm 1946 ở Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, lập công trong nhiều trận đánh nổi tiếng, như: Phủ Thông, Phố Ràng, Ba Huyện… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Thuần đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn hiệu quả, như: Dùng choòng, đục, xẻng, cuốc… thay thế máy ủi và thuốc nổ để làm đường kéo pháo và làm hầm cho pháo; đào hào ngầm rồi đánh sập để lộ thiên cho bộ đội cơ động vây lấn.

15. Dương Quảng Châu: Sinh năm 1929 tại xã Quảng Châu, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên; nhập ngũ năm 1948 vào Đại đội quân báo thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308; từng nhiều lần mưu trí tiếp cận mục tiêu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trinh sát nội-ngoại tuyến phục vụ chiến đấu thắng lợi; nhiều lần phải chiến đấu thoát vòng vây, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch; có lần anh một mình mưu trí bắt sống 33 tên địch… Trong trận đánh chiếm cứ điểm 206 ở đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Dương Quảng Châu chỉ huy tiểu đội quân báo trực tiếp chiến đấu giành giật từng mét hào, giữ vững trận địa mặc dù đã bị thương nặng.

16. Lưu Viết Thoảng: Sinh năm 1926 tại xã Đại Đồng (hiện nay là xã Cảnh Thụy), huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; nhập ngũ tháng 11-1944; là một chiến sĩ công binh dũng cảm, có nhiều sáng tạo trong phá bom, mở đường… phục vụ nhiều chiến dịch lớn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Lưu Viết Thoảng đã tự nghiên cứu cách tháo bom nổ chậm giải phóng mặt đường và lấy thuốc nổ cho công binh mở đường; đặc biệt là thành tích chỉ huy đào đường hầm đưa khối thuốc nổ ngàn cân vào lòng đồi A1, phá sập hầm chỉ huy kiên cố của địch, góp phần cùng các đơn vị làm chủ hoàn toàn cứ điểm trọng yếu này.

17. Hoàng Văn Nô: Sinh năm 1932 ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nhập ngũ năm 1952 ở Đại đội 925, Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Tháng 12-1953, Hoàng Văn Nô cùng đại đội chặn đánh tiêu diệt 2 đại đội địch từ Lai Châu về Điện Biên; sau đó chặn đánh một tiểu đoàn lính dù Pháp ở khu vực đồi Xanh. Trong trận chiến đấu này, Hoàng Văn Nô đã xông xáo tung hoành đánh giáp lá cà với địch, dùng lưỡi lê tiêu diệt 5 tên lính Pháp hung hãn và đã anh dũng hy sinh, góp phần giữ vững đồi Xanh cho đến ngày quân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

18. Hà Văn Nọa: Sinh năm 1928 tại xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang-Hải Dương; nhập ngũ năm 1947, chiến đấu tại địa phương và bị thương năm 1948, sau đó được bổ sung vào Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312; tham gia các chiến dịch: Biên Giới, Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc và lập nhiều chiến công xuất sắc trên các cương vị chỉ huy tiểu đội, trung đội… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội chủ công do Hà Văn Nọa chỉ huy đã vượt qua nhiều tình huống hiểm nguy, chiến đấu kiên cường… góp phần vào chiến thắng mở màn, làm chủ căn cứ Him Lam. Tiếp đó, anh chỉ huy Đại đội tiến công đồi E, giáp lá cà với một tiểu đoàn Âu-Phi, diệt nhiều tên địch và anh dũng hy sinh.

19. Tạ Quốc Luật: Sinh năm 1925 tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; tham gia phong trào thanh niên phản đế tại địa phương từ trước Cách mạng tháng 8-1945 và gia nhập Cứu quốc quân từ khi cách mạng thành công; Làm cán bộ Trung đội, rồi Đại đội trưởng ở Đại đoàn 312; trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng trong các chiến dịch lớn, như: Kim Sơn, Quảng Nạp, Chợ Đồn, Chợ Chu, Đại Từ, Phủ Thông, Phố Giàng… Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạ Quốc Luật đã chỉ huy đại đội lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có chiến công bắt sống Tướng Đờ Cát cùng bộ sậu chỉ huy của địch chiều 7-5-1954.

Theo QĐND