Thực trạng phong cách giáo viên hiện nay

Thực trạng phong cách giáo viên hiện nay
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/6, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và học sinh tại TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước. Các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nêu thực trạng, quan điểm từ các khía cạnh khác nhau nhằm tìm biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo.

Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào việc khẳng định lại vị trí của nhà giáo trong xã hội, những yêu cầu về phẩm chất đạo đức nhà giáo, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào xây dựng, nâng cao đạo đức nhà giáo trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó là vai trò của các cấp quản lý giáo dục, các bên liên quan trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo. Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp, cần thiết phải phân tích các nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Theo TS Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM, phẩm chất đạo đức của nhà giáo không chỉ góp phần quyết định chất lượng, kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, mà còn tác động lâu dài đến giáo dục toàn diện của các thế hệ học sinh. Các quy định về đạo đức nhà giáo đã được quy định một cách chặt chẽ và đầy đủ, nếu thực hiện tốt có thể hạn chế, kiểm soát được các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành giáo dục liên tục xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, gây hoang mang và bất bình trong xã hội, khiến một bộ phận xã hội mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, TS Vũ Đình Bảy tâm tư.

Xem xét thực trạng từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều đại biểu cho rằng đại bộ phận nhà giáo nước ta hiện nay có phẩm chất đạo đức tốt, song vẫn còn bộ phận giáo viên thiếu gương mẫu, không đấu tranh với những gian dối trong giáo dục, thậm chí còn bị lôi cuốn vào những việc làm tiêu cực, làm tổn hại đến uy tín đội ngũ người thầy. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như tư duy giáo dục chậm đổi mới, mặt trái của nền kinh tế thị trường; công tác quản lý đội ngũ giáo viên còn hạn chế; việc thanh kiểm tra chưa kịp thời và không nghiêm minh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho nhà giáo còn bị coi nhẹ,

PGS.TS Trần Thị Mai Phương, Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay không chỉ là những phẩm chất, năng lực cá nhân mà đã trở thành chuẩn mực pháp luật. Trong đó, vấn đề đạo đức được hiểu là sự tổng hòa giữa 3 yếu tố gồm lý tưởng nghề, đạo đức nghề và kỹ thuật làm nghề. Trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, giáo viên phải đầu tư nhiều hơn vào phương pháp, kỹ năng và thủ thuật dạy học.

Thực trạng phong cách giáo viên hiện nay
Nhiều học sinh bày tỏ mong muốn đối với thầy cô

Ngoài ra, theo nhà giáo Võ Diệu Thanh, Trường Tiểu học B Chợ Vàm, Phú Tân (tỉnh An Giang), bối cảnh xã hội hiện nay khiến ở hầu hết gia đình, phụ huynh căng thẳng kiếm tiền, áp lực công việc, thường có tâm lý phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên lại căng thẳng với áp lực thi cử, nhồi nhét kiến thức, chăm chăm dạy học sinh sao cho đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng mà bỏ qua yếu tố tâm lý. Từ thực tế đó, nhà giáo Võ Diệu Thanh cho rằng, đạo đức nhà giáo cần được xây dựng từ chính ý thức nghề nghiệp của giáo viên. Người thầy ngoài việc nâng cao kỹ năng, kiến thức còn cần bồi dưỡng tình yêu thương, sẵn sàng tiếp nhận học sinh cá biệt.

Nói về mong đợi của học sinh hiện nay, em Lương Hoàng Gia Phương, học sinh lớp 10A15, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TPHCM bày tỏ Chúng em mong muốn được các thầy cô giáo dục mỹ cảm, biết đấu tranh vì lẽ phải, biết cách vượt qua những trạng thái tâm lý của từng độ tuổi.

PGS.TS Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, từ các ý kiến của đại biểu, ban tổ chức sẽ tổng hợp gửi Bộ GD-ĐT để có cái nhìn toàn diện hơn, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường, nâng cao đạo đức đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.

Anh Huy