Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay

Mặc dù không quá dài nhưng để có thể đọc thành thạo được những tin nhắn hay trạng thái sử dụng ngôn ngữ “teencode” của các bạn trẻ hiện nay thì không ít người sẽ phải tốn khá nhiều thời gian. Vậy teencode là gì mà làm khó được nhiều người đến vậy? Cùng tìm hiểu về ngôn ngữ mới lạ này trong bài viết của chúng tôi nhé!

Teencode là gì?

Teencode còn được gọi là ngôn ngữ xì tin hay ngôn ngữ trẻ trâu. Đây là loại ngôn ngữ tuổi teen dành riêng cho giới trẻ. Điểm khác biệt của ngôn ngữ này với dạng ngôn ngữ bình thường là chúng chủ yếu sử dụng những từ viết tắt hoặc các chữ cái có thể thay thế (như h-k, o-0, i-j, a-4, e-3, ph-f,…).

Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay
Teencode là gì?

Ngôn ngữ này chỉ được giới trẻ sử dụng nhiều trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc trong những tin nhắn qua lại với nhau trong cuộc trò chuyện giữa bạn bè với nhau. Những người không biết hoặc ít thấy loại ngôn ngữ này chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đọc và hiểu được.

Hot trend teencode có nguồn gốc ra sao?

Chắc hẳn sẽ có nhiều người bất ngờ khi teencode đã có tuổi đời rất lâu rồi. Teencode được sử dụng rất phổ biến và dần trở thành trào lưu mà bạn trẻ nào thời đó cũng không phải biết, phong trào này nở rộ vào những năm 2000 cho đến 2005. Đây cũng là thời kỳ mà Internet ở nước ta bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn trước.

Cụm từ này được ra đời bắt đầu từ việc “mã hóa” từ các chữ cái bình thường thành những con số hay những dãy số đặc biệt với những quy luật riêng mà chỉ có giới trẻ mới có thể hiểu và “giải mã” chính xác được ý nghĩa thật sự của nó.

Teencode đầu tiên được lấy cảm hứng từ bí danh của nhân vật siêu trộm KID trong bộ truyện tranh đình đám của Nhật Bản “Thám tử lừng danh Conan”. Cụ thể KID đã lấy bí danh là 1412 (K=14 còn ID=12).

Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay
Teencode có nguồn gốc từ nhân vật KID trong Conan

Những nguyên tắc biến thể trong ngôn ngữ teencode

  • Biến hoá một số chữ cái thành một chữ cái khác nhưng vẫn đảm bảo cách phát âm tương tự: ph thành f, ng thành g hoặc q, gi thành gj, d thành z, c thành k, qu thành w, r thành z, h thành k,…
  • Các từ ngữ được biến hoá thành từ viết tắt ngắn hơn: không thành ko, k hoặc hok, được thành dk, đc, gì thành j, yêu thành iu, em thành iem,…
  • Biến thể các chữ cái thành con số: o thành 0, e thành 3, i thành 1, a thành 4,…
  • Sử dụng kí tự đặc biệt trên bàn phím để tạo thành dấu câu như: dấu sắc thành ’, dấu huyền  thành ` hoặc \, dấu nặng thành ., dấu hỏi thành ?, dấu ngã thành ~.
  • Dũng những kí tự đặc biệt để tạo thành chữ cái: đ  thành +), d  thành |),…
  • Ví dụ cụ thể: Co^ a’y v4 tuj đa~ h0^k c0\n y3u nh4u nua~ ru\j. Xjn m0j ngu0j d4ng h0?j t0^j nu~a. T0^j ko^ bjt j h3t.
  • Dịch nghĩa: Tôi không muốn nói chuyện với cô ấy nữa, bởi tôi đã hết tình cảm với cô ấy từ lâu rồi
Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay
Đoạn teencode thách thức khả năng đọc hiểu của nhiều người

Giới trẻ sử dụng teencode với mục đích gì?

  • Để đề phòng người khác biết được nội dung tin nhắn, đặc biệt là người lớn như cha mẹ, giáo viên, họ hàng,…
  • Viết tắt bằng teencode sẽ giúp cho thao tác nhắn tin trở nên nhanh hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho chính mình.
  • Thể hiện mình hiểu biết, có khả năng cập nhật xu hướng nhanh.

Chia sẻ của các bạn trẻ về việc sử dụng teencode

Nhiều bạn trẻ cũng đưa ra những quan điểm khác nhau về cách viết chữ của giới trẻ bây giờ:

  • Theo bạn Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là sinh viên của trường ĐH Xây dựng cho biết. Mười năm trước anh chàng cũng sử dụng “teencode” như một trào lưu nhưng so với teencode bây giờ thì không đến mức “quá lố” như hiện nay. Tuấn cho rằng, teencode thời này còn “kinh dị” hơn trước nhiều, không đơn giản là kiểu viết tắt chữ nữa mà còn có thêm số thay cho chữ khiến người đọc hoang mang.
  • Teencode đã xuất được hiện hơn chục năm nay và lúc nào trào lưu này cũng thu hút giới trẻ. Nickname Thuận Nguyễn chia sẻ quan điểm: “Nhìn vào ngôn ngữ nhắn tin của giới trẻ hiện nay là kí ức ngày xưa lại ùa về, thời mà chúng em còn đang học cấp 2, cấp 3 gửi tin nhắn cho nhau, viết blog”. Thuận Nguyễn cũng cho rằng, teencode sẽ không bao giờ mất đi mà nó chỉ chuyển sang thế hệ khác mà thôi. Bởi vì cứ đến độ tuổi teen, giới trẻ sẽ lại đua nhau dùng nên cái văn hóa sử dụng teencode sẽ rất khó để “lụi tàn”. Tuy nhiên anh chàng này cũng cho rằng, ai khi lớn lên rồi nhìn lại 1 thời “trẻ trâu” ngày xưa cũng thấy teencode buồn cười, trẻ con và không dùng nữa.
Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay
Teencode gắn liền với thời “trẻ trâu” của 8x, 9x
  • My Nguyễn sinh viên đến từ Đại học Kinh tế thì cho rằng teencode không xấu nhưng các bạn trẻ cũng cần biết khi nào nên dùng. Teencode chỉ nên được dùng giữa những bạn trẻ với nhau còn khi nói chuyện với người lớn thì phải sử dụng ngôn ngữ bình thường.
  • Có những quan điểm cho rằng việc sử dụng teencode đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và khiến cho tiếng Việt dần bị biến đổi, không còn quy tắc sử dụng chung trong một cộng đồng nữa. Về lâu dài, sử dụng teencode quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến vốn từ của các bạn trẻ và hình thành thói quen không tốt khi trình bày và soạn thảo văn bản.
  • Nhưng cũng có quan điểm cho rằng sử dụng teencode chỉ mang tính chất giải trí, đọc cho vui. Đây cũng là sự sáng tạo ký hiệu, mật mã khá thú vị để “né” được thầy cô, phụ huynh của thời “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Những bạn trẻ viết teencode chỉ nhằm mục đích truyền tải thông tin nhanh hơn trong giao tiếp chứ không có mục đích nào khác. Hơn nữa teencode cũng chỉ được các bạn tuổi teen dùng khi nhắn tin với nhau nên không làm ảnh hưởng đến học tập hay bài viết. Chúng ta cũng không nên quá khắt khe trong việc lên án sử dụng teencode.

Bàn luận về việc sử dụng teencode của giới trẻ

Những đứa trẻ đang ở trong độ tuổi trưởng thành thường rất dễ bị cuốn theo phong trào và muốn được kết bạn nhiều hơn. Chính vì vậy việc sử dụng cùng một ngôn ngữ với các bạn xung quanh là điều hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà teencode đã trở thành ngôn ngữ không thể thiếu trong quá trình giao tiếp bằng tin nhắn.

Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay
Hãy cẩn trọng hơn khi sử dụng teencode để bảo vệ tiếng Việt

Tuy nhiên, việc các bạn trẻ Việt lạm dụng sử dụng teencode quá nhiều đã khiến cho bản chất của tiếng Việt đang dần mất đi cái bản sắc đặc biệt của riêng nó. Thế nên, việc hạn chế sử dụng teencode hàng ngày là nhiệm vụ cấp thiết ngay lúc này. Hiện nay, thì dạng ngôn ngữ teencode này cũng đang dần được loại bỏ hoàn toàn và hầu như không thấy xuất hiện nhiều.

Qua bài viết này chắc hẳn các bạn cũng đã hiểu rõ teencode là gì rồi đúng không nào? Teencode không xấu nhưng cần phải biết cách sử dụng sao cho hợp lý để mọi người không cảm thấy khó chịu bạn nhé!

(HNM) - Ngôn ngữ mạng có tính đặc thù, là thứ ngôn ngữ phi chính thức, thể hiện sự tự do cá nhân. Hiện nay, ngôn ngữ mạng được dùng rất phổ biến và theo các chuyên gia về ngôn ngữ, việc lạm dụng dạng ngôn ngữ này đem lại không ít hệ quả xấu. Ngôn ngữ mạng hiện đang được sử dụng phổ biến, trong trường học, ngoài đường phố, thậm chí cả trong công sở. Với một nhóm xã hội nhất định, nhất là nhóm người trẻ, ngôn ngữ mạng đem lại sự thú vị nhất định. Người ta có thể sử dụng các con số thay cho chữ cái, như viết "6677028" để chuyển thông điệp "xấu xấu bẩn bẩn không ai tán", dùng dãy số "08081508" để nói "không tắm không tắm, một năm không tắm". Đôi lúc, người viết chọn cách "nói" chệch khỏi nguyên tắc, cố tình thay "b" bằng "p", bỏ dấu thanh, chẳng hạn như "em pé nhưng cái suy ngj nó lớn lém anh ơy" (em bé nhưng cái suy nghĩ nó lớn lắm anh ơi)…

Thực trạng sử dụng tiếng Việt theo lời teencode của sinh viên hiện nay

Việc lạm dụng ngôn ngữ mạng có thể mang đến tác hại lâu dài trong giới trẻ. Ảnh: Trọng Hải

Theo các nhà nghiên cứu, ngôn ngữ mạng ở Việt Nam là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt - cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp "bất tuân quy tắc", nhiều khi ngôn ngữ mạng không chệch khỏi quy luật ngôn ngữ. Ví dụ, người ta viết "k" thay "c" vì âm "cờ" có thể đọc như "k", "q". Theo TS Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ngôn ngữ mạng thiên về khẩu ngữ, là ngôn ngữ nói được thể hiện dưới dạng viết. Nó không chỉ được đơn giản hóa, từ cấu trúc ngữ pháp đến từ ngữ, để bảo đảm tính nhanh gọn mà còn sử dụng các ký hiệu, biểu tượng một mặt để biểu đạt thông tin, làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động. Ngôn ngữ mạng mang tính cởi mở bởi nó là ngôn ngữ của giới trẻ với tâm lý muốn cách tân, tạo ra trào lưu mới và muốn khẳng định bản thân, bởi thế mang tính khôi hài và đôi khi có phần dung tục. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều tra về thái độ xã hội đối với ngôn ngữ mạng được sử dụng trên diễn đàn tuổi "teen". Kết quả cho thấy, đối với việc sử dụng tiếng Việt của nhóm trẻ 9x trên diễn đàn, 6,6% số người được khảo sát trả lời "thích", cho rằng ngôn ngữ mạng có gì đó vui vui, tiện lợi và "sành điệu"; 51,2% trả lời "không thích", vì ngôn ngữ mạng khó hiểu, rối mắt và làm hỏng tiếng Việt; 42,2% trả lời "bình thường". Đối với việc "trộn" tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, 6,6% trả lời "thích" vì thấy lạ, "sành điệu", 52% trả lời "ghét", cho rằng cách sử dụng ngôn ngữ nói trên gây khó hiểu, làm hỏng tiếng Việt, 41,4% trả lời "bình thường". Như vậy, có thể thấy những luồng ý kiến khác nhau về việc sử dụng ngôn ngữ mạng, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối. Nhìn từ góc độ chuẩn hóa tiếng Việt thì sự phản đối ngôn ngữ mạng là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xã hội của ngôn ngữ thì ngôn ngữ mạng là của cư dân mạng, mang tính chất nhóm xã hội, thậm chí mang phong cách cá nhân nên nó hoàn toàn có thể được sử dụng theo cách riêng của mỗi cá nhân, mỗi nhóm. Ngôn ngữ mạng là thứ ngôn ngữ phi quy thức, mang tính khẩu ngữ nên, về nguyên tắc, chỉ nên dùng trong không gian vui chơi giải trí một cách thân mật, trong phạm vi một nhóm xã hội nào đó. Tuy nhiên, trong thực tế, thứ ngôn ngữ này nhiều khi được sử dụng trong phạm vi giao tiếp chính thức, chẳng hạn như tin nhắn của một sinh viên gửi cho thầy giáo: "Em chao thay ak. Thay ui, sang hum nj nha em co vjek, thay cho em nghj hok mot bui dk ko ak?" (Tạm dịch: Em chào thầy ạ. Thầy ơi, sáng hôm nay nhà em có việc, thầy cho em nghỉ học một buổi được không ạ?). Trong trường hợp này, không tính đến việc thầy giáo có thể không hiểu được thông tin mà sinh viên muốn truyền tải, việc sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với phạm vi và bối cảnh giao tiếp là không thể chấp nhận được. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh có nhiều người tán đồng việc sử dụng ngôn ngữ mạng, coi đó như một thứ chuẩn mực để đánh giá giới trẻ, bất kể quy tắc nghiêm ngặt đối với việc sử dụng ngôn ngữ, xã hội nên phản ứng như thế nào? Ngôn ngữ mạng "đã chuẩn" theo quan niệm của một số nhóm xã hội, nhưng thực sự thì cái sự "chuẩn" ấy có cần phải "chỉnh" hay không? TS Nguyễn Văn Khang nhận định: "Ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được thanh niên sử dụng nhằm trẻ hóa, thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay. Tuy nhiên, ngôn ngữ mạng là ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội nên có sức lan tỏa rất lớn. Mặt khác, nếu dùng nhiều sẽ thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Trong ngôn ngữ mạng, câu không cần đúng, chỉ viết cực ngắn nên nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài thì dần dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy".

Như vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ mạng như sử dụng dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn, trong bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể mang đến tác hại lâu dài. Sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ mạng, sử dụng thế nào, đó là điều mọi người nên cân nhắc.