Tiêu luận lý thuyết về nền kinh tế thị trường xã hội CHLB Đức

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Đức: Cội nguồn tư tưởng và thực tế ngày nay

11/10/2016

Trong bài viết này, tác giả đã luận chứng để làm rõ cội nguồn tư tưởng, nội dung cũng như hiện thực của nền kinh tế thị trường xã hội ở Cộng hoà Liên bang Đức hiện nay. Theo tác giả, nền kinh tế thị trường xã hội không đơn thuần chỉ là một cách tiếp cận kinh tế, mà còn gắn kết với sự phát triển xã hội nhằm mang lại cuộc sống phúc lành cho tất cả mọi người. Tâm điểm của kinh tế thị trường xã hội là cuộc sống tốt đẹp của con người, nó dựa trên nền tảng của các tiến trình xã hội; hay tiến trình lịch sử và văn hoá.Cái chúng ta cần chính là sự kiến tạo một trật tự kinh tế-xã hội đảm bảo được cả hoạt động kinh tế lẫn những điều kiện sống của con người. Chúng ta cần đến sự cạnh tranh vì để đạt được mục tiêu trên thì không thể thiếu cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích cuối cùng.(Niên giám Ordo, 1948)

1. Thế nào là nền kinh tế thị trường xã hội?

Nền kinh tế thị trường xã hội là một trật tự kinh tế được thiết lập ở Tây Đức sau năm 1945. Nó không hoàn toàn là một tóm lược của hệ thống lý thuyết (lý luận), mà đúng hơn là sự pha trộn những ý tưởng chính trị - xã hội về một xã hội tự do và công bằng. Mặc dù không được định nghĩa rõ ràng, nhưng ý tưởng chính về một nền kinh tế thị trường xã hội có thể được minh họa thông qua hình ảnh một trận đấu bóng đá.

Giống như trong một trận bóng đá cầu thủ phải tuân theo những quy tắc (luật chơi) cơ bản: luật việt vị hay quy định chỉ thủ môn được chơi bóng bằng tay..., để có một cuộc chơi lành mạnh trong lĩnh vực kinh tế cũng cần những luật lệ cơ bản như vậy. Nếu ngay từ đầu ta đã xác định được những luật lệ (luật chơi) và chấp thuận những luật lệ này là hợp lý thì khi đó, có thể coi kết quả cuộc chơi cũng sẽ là hợp lý. Vì vậy, một bộ khung bao gồm các luật lệ (kinh tế) phải theo sát hoạt động kinh tế (sân chơi kinh tế), đảm bảo cho nó vận hành ổn định và mang lại các hiệu quả kinh tế, cũng như tạo ra sự công bằng trong xã hội. Hệ quả thứ hai liên quan đến luật chơi là khi đã chấp nhận các luật lệ này thì chúng ta không nên can thiệp trực tiếp vào cuộc chơi, trừ khi xuất hiện những trường hợp vi phạm luật chơi. Hơn nữa, những người chơi, trong trường hợp này là những người làm kinh tế, không phải bận tâm đền tính công bằng của các luật lệ. Họ chỉ phải tập trung vào công việc của mình, nghĩa là làm thế nào để cuộc chơi được thực hiện một cách tốt đẹp (lành mạnh) hơn, thành công hơn.

Nói một cách khái quát, đối lập với thế giới hài hòa nhờ bàn tay vô hình điều khiển (khái niệm của Adam Smith), những người sáng lập ra trật tự kinh tế Đức sau chiến tranh đã tin chắc rằng hệ thống kinh tế cần phải được một hiến pháp kinh tế của nhà nước chỉ đạo (định hướng). Điều này không có nghĩa là kế hoạch hóa tập trung hay sự can thiệp sâu của nhà nước, mà đúng hơn là sự cần thiết phải thiết kế một bộ khung pháp lý và một số nguyên lý cơ bản của chính sách kinh tế mà các chính trị gia bắt buộc phải tuân theo, còn nhà nước phải bảo vệ. Theo đó, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường xã hội không phải là người gác đêm (nhà nước tối thiểu) như chủ nghĩa tự do kinh tế truyền thống quan niệm - một nhà nước quan tâm chủ yếu đến việc bảo vệ tài sản và cuộc sống của những người ủy thác cho nó; trái lại, nhà nước phải là một nhà nước mạnh, đủ năng lực bảo vệ thị trường đang hoạt động tách khỏi sự đe dọa của quyền lực độc quyền và sự mưu cầu đặc quyền đặc lợi.

Các nhà lý luận và các nhà thực hành của nền kinh tế thị trường đã tin rằng kế hoạch (dự án) của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX sẽ có thể được hiện thực hóa thông qua việc tạo ra khung pháp lý cho một trật tự thị trường vận hành lành mạnh. Đồng thời, họ cũng tin rằng, những nguyên lý chi phối và duy trì một hệ thống kinh tế vận hành tốt dần dần sẽ cung cấp những giải pháp cho các vấn đề xã hội.

2. Sự thành công thông qua cạnh tranh

Việc trở lại với những ý tưởng của Ludwig Erhard (1897 - 1997), Bộ trưởng Bộ Kinh tế đầu tiên của Đức sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và là cha đẻ của phép màu nhiệm kinh tế, sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ mối quan hệ giữa chủ nghĩa tự do và an ninh xã hội; Trong cuốn sách bán chạy nhất của ông - Sự thành công thông qua cạnh tranh, L.Erhard viết: Khi quyết định loại bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn cấu trúc xã hội bảo thủ cũ, tôi dự định về một sức mua đại quy mô... Cùng với cạnh tranh, sự xã hội hóa - theo đúng nghĩa của từ này - của tiến bộ và lợi nhuận được hiện thực hóa một cách tốt nhất. Thêm vào đó, động cơ cá nhân hướng tới năng suất cao hơn vẫn được duy trì. Với ba khía cạnh: thứ nhất, khắc phục kết cấu xã hội bảo thủ; thứ hai, xã hội hóa tiến bộ và lợi nhuận; thứ ba, ý tưởng về động cơ cá nhân, chúng ta có thể làm rõ hơn ba mục tiêu chính của khái niệm Kinh tế thị trường định hướng xã hội:

Cải tạo về mặt cấu trúc của xã hội nhằm đạt được một trật tự không có chỗ cho đặc quyền đặc lợi, các phần tử nắm quyền của các đảng phái hay chế độ phong kiến, cũng như các nhóm quyền lực kinh tế kiểu nhóm độc quyền, các cácten (tập đoàn kinh tế) hoặc các tơrớt có thể chi phối thị trường và xã hội. Đó là nơi, về luật lệ, tất cả các thành viên trong xã hội cùng có cơ hội như nhau để phát triển cá nhân mình, vượt qua mọi rào cản về mặt giai cấp.

2. Sự thành công về kinh tế thể hiện không những ở việc tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội tiêu dùng, mà còn ở sự phân phối của cải trong xã hội. Chỉ có một trật tự thị trường dựa trên các quy tắc (luật lệ) mới tạo ra tính năng động và sự tái phân phối thu nhập thông qua sức mạnh của thị trường (không có sự can thiệp của chính phủ) và cùng tham dự vào sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Theo nghĩa này, sự xã hội hóa của tiến bộ và lợi ích là mối quan tâm trọng yếu của nền kinh tế thị trường xã hội.

3. Tập trung vào động cơ cá nhân trước hết không có nghĩa là gây sức ép đến công việc, mà là mở ra cơ hội để phát triển cá nhân. Mỗi người cần được có cơ hội để tham dự vào các quá trình kinh tế, xã hội tùy thuộc vào khả năng của cá nhân mình.

3. Những nguyên lý cấu thành và điều hòa

Các quan điểm của Walter Eucken, một người sáng lập khác của nền kinh tế thị trường xã hội Đức, sẽ giúp chúng ta minh họa được những ý tưởng cụ thể về một trật tự kinh tế dựa vào luật (rule-based economic order) và để thực thi trật tự này. Eucken đã phát triển những ý tưởng chính (về mặt lý thuyết) về khái niệm nền kinh tế thị trường xã hội vào những năm 1930 - 1940. Ông từng là giáo sư kinh tế học của Đại học Freiburg. Eucken và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện những đề tài gọi là trường phái Freiburg về chủ nghĩa tự do được điều tiết - thuật ngữ chủ nghĩa tự do mới được điều tiết (ordoliberalism)[1] là một minh chứng nữa để khẳng định rằng trật tự (ví dụ: những luật lệ của thị trường tự do) là mối quan tâm chính của truyền thống này. Trong tác phẩm Những nguyên lý của chính sách kinh tế được xuất bản sau khi ông mất, Eucken đã chỉ rõ: Chúng tôi quan niệm những nguyên lý cấu thành là những nguyên lý thiết lập nên một hiến pháp kinh tế của đất nước mà áp dụng vào mỗi thời điểm lịch sử cụ thể đều tạo ra một hệ thống kinh tế nhất định. Điều này được thực hiện qua việc tạo ra các điều kiện cần thiết để sản sinh ra hệ thống đó. Do đó, tất cả các nguyên lý được bàn đến giúp thúc đẩy việc thông qua quyết định kinh tế lớn (chiến lược) và là các công cụ được sử dụng trong thực tiễn để đảm bảo việc thực thi quyết định đó.

Nguyên lý cấu thành cơ bản nhất của luật kinh tế, mà có thể nhận thấy trong cốt lõi của các nguyên lý cấu thành, là hệ thống giá cả đang vận hành trong cạnh tranh hoàn hảo. Chỉ bằng cách như vậy, giá cả mới có thể thực sự đóng vai trò là chỉ số cho các quan hệ khan hiếm (indicators of scarcity relations). Sáu nguyên lý khác được sinh ra từ nguyên lý này, trong đó có ba nguyên lý thể hiện rõ các khía cạnh của chính sách kinh tế. Chính sách tiền tệ hướng đến việc bảo toàn, ổn định giá trị đồng tiền là ưu tiên hàng đầu. Tính ổn định của chính sách kinh tế có liên quan đến tính bền vững của các biện pháp kinh tế và bầu không khí tin cậy là cơ sở vững chắc cho đầu tư. Nguyên tắc của thị trường mở đáp ứng được cơ chế cạnh tranh và sự hội nhập kinh tế quốc tế. Ba nguyên lý mang tính chất luật pháp hơn: 1/ Tài sản cá nhân như là sức mạnh đối chọi với quyền lực nhà nước, điều kiện tiên quyết của quá trình cạnh tranh và là sự thể hiện của tự do cá nhân; 2/ Tự do của khế ước, như là điều kiện cần thiết để hợp tác kinh tế; 3/ Trách nhiệm pháp lý để bảo đảm quá trình thông thương kinh tế trong khuôn khổ của trách nhiệm tự do.

Liên quan đến việc điều tiết trật tự này, Eucken đã trình bày bốn nguyên lý điều tiết: 1/ Giám sát độc quyền để có thể chống lại các khuynh hướng phản đối cạnh tranh; 2/ Nguyên lý về chính sách thu nhập cho phép thực hiện sự phân phối hợp lý hơn thông qua việc áp dụng hệ thống thuế lũy tiến; 3/ Nguyên lý về hoạch toán kinh tế, trong đó xem xét cả ảnh hưởng của những tác động vốn không được các nhà doanh nghiệp và công nhân chú ý và tính đến một sự kiểm tra các vấn đề tác động từ bên ngoài; 4/ Nguyên lý về sự hiệu chỉnh những phản ứng cung ứng bất thường điều đặc biệt lo ngại trong thị trường lao động

4. Bình ổn xã hội

Nền kinh tế thị trường xã hội không chỉ mang tính xã hội do việc hướng đến cải biến cấu trúc xã hội, mà còn kết hợp với những suy xét kinh tế trong những bối cảnh lịch sử, văn hóa cụ thể của xã hội.

Để minh họa cho khía cạnh này, cần phải đề cập đến quan niệm của Alfred Muller-Armack, người sáng lập thứ ba của nền kinh tế thị trường xã hội. Ông là giáo sư kinh tế học ở Cologne và sau này làm việc trong Bộ Chính sách kinh tế của Ludwig Erhard.

Ý tưởng trung tâm mà Muller-Armack đưa ra là bình ổn xã hội, một khái niệm nhằm xây dựng quan điểm xã hội bao gồm các tín ngưỡng và hệ tư tưởng khác nhau. Bình ổn có nguồn gốc từ thuật ngữ Hy Lạp ειρηνη - không chỉ có nghĩa là hòa bình mà còn bao hàm cả ý tưởng hòa giải các xu hướng và tín ngưỡng khác biệt trong xã hội. Quá trình xây dựng một trật tự mang tính xã hội và nhân văn, như mục tiêu hướng đến của quan điểm về nền kinh tế thị trường xã hội, sẽ đem đến một xã hội hài hòa toàn thể, trong đó các lý thuyết về trật tự kinh tế và chính sách kinh tế hài hòa với chính sách văn hóa, xã hội.

Vì vậy, đối với Muller-Armack, nền kinh tế thị trường xã hội là một phong cách chú trọng cả cái kinh tế lẫn cái xã hội.

5. Những thách thức hiện tại

Nền kinh tế thị trường xã hội, đương nhiên, cũng phải đương đầu với những thách thức hiện tại của tất cả các nước công nghiệp. Trước hết, những khó khăn này nảy sinh do cuộc khủng hoảng tài chính và hậu quả là, về mặt chính trị, thường có những biện pháp không triệt để (nửa vời) để nhằm giảm sự suy thoái kinh tế. Điều này trước tiên liên quan đến những thách thức đối với chính sách về tiền tệ và thị trường lao động của châu Âu. Ngoài ra, việc nhận thức lại hệ thống an ninh xã hội cũng cần thiết, vì hệ thống này chịu sức ép bởi sự thay đổi nhân khẩu học ở Đức. Tìm ra các giải pháp khả thi và bền vững về mặt tài chính là một trong những nhiệm vụ cơ bản đối của việc cải cách nền kinh tế thị trường xã hội của Đức ở thời điểm hiện tại.

Thêm vào đó, nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ khó nhất trong tương quan với những thách thức tương lai của nền kinh tế thị trường xã hội. Kết quả thăm dò gần đây về sự ủng hộ nền kinh tế thị trường xã hội rất đáng lo ngại: chỉ có 31% dân số vẫn giữ quan điểm tích cực về nền kinh tế thị trường xã hội ở Đức và chỉ có 13% công nhận các điều kiện kinh tế của cộng hòa liên bang Đức là công bằng. Trong bối cảnh đó, cần phải thảo luận về nghịch lý của nền kinh tế thị trường. Những quan sát có tính kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều trường hợp, người dân cảm thấy nền kinh tế thị trường xã hội là bất công, tính hiệu quả và năng lực sản xuất của nó đặc biệt trong sự phân ranh của nó với mô hình kinh tế kế hoạch hóa hiện nay thậm chí còn không được đếm xỉa đến trong các cuộc điều tra.

Để có thể tìm ra biện pháp khắc phục với sự thiếu lòng tin vào nền kinh tế thị trường xã hội, điều thiết yếu đối với nước Đức là phải trở lại với những ý tưởng ban đầu về nền kinh tế thị trường xã hội. Nền kinh tế thị trường xã hội không đơn thuần (nhiều hơn) chỉ là một mô hình tổ chức các quá trình kinh tế. Nó còn đồng thời là chính sách xã hội vượt ra ngoài cung và cầu (Wilhelm Ropke). Theo nghĩa này, thị trường phải được hiểu chỉ là phương tiện, dù không thể thiếu được, để đạt tới các mục đích xã hội. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trước, những trì trệ chính trị ngày một tăng dẫn đến sự thất vọng về mặt chính trị gắn liền với việc phạm vi chính trị của sự sáng tạo đang suy yếu dần trong thế giới toàn cầu. Chính sách tự nó trải nghiệm, ở mức độ suy giảm dần, với tư cách là kẻ tạo dựng, nhưng ngày càng trở thành một kẻ hiệu chỉnh yếu ớt của thị trường toàn thế giới.

Chúng ta đã đạt tới thời điểm cần đến (năng lực) tư duy để chuyển sang một hướng khác: bất chấp những nan giải không tính hết được của việc tạo dựng luật lệ trong một thế giới toàn cầu, sứ mệnh chính trị thường hằng phải thuộc về nhà nước và trong một mức độ ngày một tăng là các thiết chế siêu quốc gia khi đương đầu với hệ thống kinh tế cùng với những đòi hỏi của bản thân để nó hoạt động. Trên quan điểm quốc gia - dân tộc, điều quan trọng có tính sống còn trong trường hợp này gắn với chính sách xã hội mang tính định lượng định hướng tới sự tham gia. Điều này liên quan đến tất cả mọi người đang tìm kiếm cơ hội để thể hiện những kỹ năng của mình vào thị trường và xã hội. Việc thể hiện và phát huy được những năng lực thông qua giáo dục, sự hòa nhập về mặt chính trị và tham gia vào kết cấu xã hội là nhiệm vụ cấp thiết nhất đối với chính sách xã hội trong tương lai.

6. Kết luận

Nền kinh tế thị trường xã hội không đơn thuần chỉ là một cách tiếp cận kinh tế, mà còn gắn kết với sự phát triển của toàn thể xã hội nhằm mục đích đem lại phúc lành (hạnh phúc, no ấm) cho những cá nhân thay vì hướng đến hiệu quả kinh tế thuần túy. Do vậy, tâm điểm của nền kinh tế thị trường xã hội là định đề chuẩn tắc về một cuộc sống tốt đẹp. Hơn thế, nền kinh tế thị trường xã hội dựa trên nền tảng của các tiến trình xã hội, hay tiến trình lịch sử và văn hòa. Sự phát triển theo thời gian sẽ làm biến đổi cấu trúc của chính nền kinh tế thị trường xã hội (như đã thấy ở Đức). Bởi vì, tính nhạy cảm về mặt văn hóa của nền kinh tế thị trường xã hội đặc biệt tương xứng với việc thực hành tự do kinh tế và sự cạnh tranh trong ngữ cảnh của các vùng khác nhau trên khắp thế giới. Thay vì hy vọng rằng chỉ duy có một vài nguyên lý kinh tế sẽ đưa đến sự phát triển (như đồng thuận Washington đã chỉ ra), nền kinh tế thị trường xã hội quan tâm tới những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau trong các xã hội khác nhau.

Người dịch: Lê Thúy Hạnh

(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)


(*) Giáo sư, Viện Walter Eucken, Freiburg, Cộng hoà Liên bang Đức.

[1] Ordoliberalism tạm dịch là chủ nghiã tự do mới được điều tiết là chủ nghĩa tự do mới của Đức nhấn mạnh vai trò (điều tiết) của Nhà nước đối với thị trường tự do để thị trường này hoạt động đem lại hiệu quả tương ứng với tiềm năng lý thuyết của nó ND.



Tiêu luận lý thuyết về nền kinh tế thị trường xã hội CHLB Đức
Bình luận