Tóm tắt Thiên thần bóng tối

Tóm tắt Thiên thần bóng tối

“Nếu một dân tộc chẳng may rơi vào vòng nô lệ, chừng nào dân tộc đó còn giữ được tiếng nói của mình, thì chẳng khác gì đang nắm giữ chìa khóa chốn lao tù.” – Buổi học cuối cùng, Alphonse Daudet.

Câu nói của nhà văn nổi tiếng người Pháp ấy đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm nay, từ khi tôi mới chỉ là một đứa học sinh lớp 6 háo hức lật giở từng trang sách Ngữ Văn thơm phức mùi mực in.

Lên lớp 7, tôi được học thêm bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” của cố giáo sư Đặng Thai Mai, cùng với những trích đoạn của những nhà văn nổi tiếng khác về lòng yêu nước.

Thời gian trôi đi, và tôi biết, tôi yêu Tiếng Việt – tôi yêu ngôn ngữ cha sinh mẹ đẻ, yêu thứ ngôn ngữ uyển chuyển du dương, lên bổng xuống trầm với những thanh bằng thanh trắc. Yêu Tiếng Việt, xa hơn, là lòng yêu nước.

Lòng yêu nước đang được mọi người từng ngày, từng giờ hô vang bằng những câu khẩu hiệu mỹ miều: “Nếu Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng ra trận” hay đơn giản hơn là “Tôi yêu Việt Nam”. Hay lại có cách bày tỏ lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực như đóng góp tiền xây dựng Trường Sa, Hoàng Sa, hay tuần hành phản đối Trung Quốc. Lòng yêu nước, vốn bắt nguồn từ tình yêu với những gì thân thuộc nhất: yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu con đường đến trường,… và yêu thứ ngôn ngữ ngọt ngào qua từng câu hát ru của bà, của mẹ.

Nhưng sao, “Thiên thần bóng tối” (TTBT) của Chi Chan – một “tác phẩm” chà đạp lên Tiếng Việt, chà đạp lên nền Văn học Việt Nam, lại được ngang nhiên xuất hiện trên kệ sách, được đón đọc, được ca tụng, được in ấn đẹp đẽ hơn cả những tác phẩm xuất sắc đã trôi vào quên lãng như: Lớp học của anh Bồ câu trắng, Mẹ vắng nhà, hay Bí mật miếu Ba Cô,…?

Đã có không ít review (bài nhận xét, đánh giá) về TTBT xuất hiện trong thời gian gần đây, khen có, chê có, đủ cả. Khen thường là những độc giả ít tuổi hơn tác giả, còn chê bai lại đa phần thuộc về những người đọc lớn tuổi hơn, và khó tính hơn. Nhưng trăm người trăm ý, thôi thì hôm nay tôi cũng xin góp vui vài lời, nói ra một vài suy nghĩ và quan điểm cá nhân, nếu không hợp ý ai, xin mời comment ở dưới, chúng ta cùng bàn luận 🙂

Tôi không dám nói mình đọc nhiều sách, nhưng tôi tin chắc rằng số sách mình đọc qua cũng không hề ít, cũng như khá phong phú và đa dạng về thể loại: từ truyện thiếu nhi đến các tác phẩm kinh điển, từ văn học lãng mạn đến văn học hiện thực, từ giả tưởng đến thực tế, từ truyện chữ đến truyện tranh, từ cổ điển đến hiện đại, từ văn học Việt Nam đến văn học thế giới, từ văn học chính thống đến văn học mạng, cả những tác phẩm phân tích, phê bình,… đương nhiên là có cả các loại sách giáo khoa và sách tham khảo các môn (=)))Và vì thế, tôi khá tin vào cảm nhận văn học của mình. Nhưng trong suốt mười mấy năm, bắt đầu từ khi đọc sách đến nay, thật sự chưa một quyển sách nào khiến tôi cảm thấy mình đã lãng phí thời gian một cách ngu ngốc như khi đọc TTBT.

Khi đọc được thông tin một fiction trên mạng với hơn ba triệu lượt view được in ra thành sách, tôi đã khấp khởi mừng thầm mà chạy đi đọc thử, tìm trên mạng để ngó nghiêng xem mặt mũi TTBT tròn ngang méo dọc thế nào. Nhưng than ôi, ngay từ những dòng đầu tiên, với teen code đầy rẫy, với rating 5+ to đùng, với casing thay vì casting, tôi đã cảm thấy thất vọng tràn trề. Càng đọc, tâm trạng tôi càng đi xuống, khi mà truyện lại là một motif quen thuộc với những rắc rối, luẩn quẩn giữa một nhân vật nữ chính có số phận đau khổ với ba anh nam chính – con trai của một ông trùm Mafia, chưa kể đến những sáng tạo chẳng giống ai và những sai lầm nghiêm trọng về những kiến thức cơ bản. Cả truyện đa phần là thoại, dấu câu sử dụng tùy tiện, ngôn từ nghèo nàn, biểu cảm thiếu đến tội nghiệp, miêu tả cụt ngủn và ngắn thảm thương, còn tự sự lại rối rắm và đôi lúc vớ vẩn. Nhiều chi tiết vô lý và dư thừa, chưa kể lỗi chính tả và teen code tràn ngập.

Công bằng mà nói, so với những fanfic trên một vài 4rum bây giờ như zing, hay KST, thì TTBT không phải là fic tệ nhất. Thậm chí tôi còn có thể mỉm cười khen ngợi trước nỗ lực hoàn thành được một truyện khá dài của Chi, hay một vài câu văn, tình huống mà em đã dựng nên. Không biết đây là may hay rủi của Chi Chan khi TTBT được xuất bản. Bởi nếu em cứ để fic nằm yên trên zing, em sẽ không phải nhận những lời chỉ trích, phán xét đôi lúc hơi thái quá của những độc giả khắt khe. Nhưng TTBT được xuất bản, và em buộc phải đối diện với những lời phê phán, bình phẩm, tuy gay gắt nhưng đúng đắn và sẽ rất có ích nếu em là một người cầu tiến và thực sự có niềm đam mê với viết lách.

Trước hết, với tư cách là một người đọc fiction trên mạng, cũng một người viết fic, tôi cảm thấy khá buồn vì fic TTBT của Chi Chan vẫn rơi vào lối mòn, vào đống hỗn tạp cũng mang tên là fic đang nhan nhản trên nhiều diễn đàn, vì rằng tôi khóc dở mếu dở khi đỏ mắt tìm điểm hay, điểm sáng trong đó với đôi mắt cận nặng của mình (có lẽ vì vậy mà mắt tôi tăng số nhanh chăng?) Vì em chẳng có chút nào tỏ ra là tôn trọng với fic: rating 5+, ý em là chỉ cần từ 5 tuổi trở lên là có thể đọc được ư? Em có hiểu gì về rating không? Khi viết fic em có chịu tìm hiểu một chút kiến thức nào về fiction, ngay từ những điều cơ bản nhất như thế không? Và tôi nghĩ câu trả lời là không! Rating 5+, thì những kiến thức sai sót trong TTBT  có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng đứng trên góc nhìn là một người yêu sách, thì tôi còn buồn bởi “quyển sách” TTBT (Người Việt Trẻ mua bản quyền, NXB văn học xuất bản, Văn Việt phát hành) gấp trăm gấp nghìn lần khi đọc fic TTBT.

Và lại càng buồn hơn nữa trước thái độ của fan TTBT và Người Việt trẻ khi mà họ ra sức bảo vệ cho TTBT một cách vô lý.

Xin được chỉ ra đây một vài lỗi sai cơ bản về kiến thức của TTBT:

– Chất tẩy rửa có tính axit (mà đúng ra phải là tính kiềm)

– Gen thứ 17 (hoàn toàn không có chuyện đánh số cho gen)

– Uống cả cốc chất tẩy rửa chỉ cần uống thêm vài ngụm nước là sau đó có thể ăn uống ngon lành

Và cả những sáng tạo đến từ một nền văn minh khác:

– Xây dựng lò phản ứng hạt nhân dưới tầng hầm của ngôi nhà mình đang ở

– Dùng tim lọc chất độc.

Thử hỏi xuất bản một quyển sách như TTBT, có khác nào đang reo rắc những suy nghĩ, kiến thức sai lầm nguy hiểm vào đầu của cả một thế hệ trẻ? Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, thì ra đây chính là cách trồng người của NXB sao? Họ cẩu thả trong việc kiểm duyệt, sẵn sàng cho in ấn những kiến thức sai lệch, nhẫn tâm quay lưng với mồ hôi và nước mắt của biết bao nhà khoa học, của biết bao thế hệ đã đổ ra để đúc rút nên những kiến thức quý báu. Thử hỏi nếu một đứa trẻ 11, 12 tuổi đọc TTBT, hoàn toàn không có một tí kiến thức gì về hóa sinh, liệu có ai dám chắc em ấy sẽ không tin vào những gì có trong TTBT, để mà nhỡ có uống chất tẩy rửa thì cũng ung dung uống thêm vài ngụm nước rồi yên tâm đi nằm (chờ chết)? Đó là những gì được in thành sách kia mà? Nếu như thế thật, tội sát nhân đó, Chi Chan có gánh nổi không, NXB có gánh nổi không?

Tôi là một người đọc không đến mức quá kỹ tính, nhưng cũng không sao chấp nhận nổi một thứ gì đó được xuất bản, có thể nằm trên kệ sách cùng với những Kiêu hãnh và Định kiến, Cuốn theo chiều gió, Bố già, với những Đời thừa, Thi nhân Việt Nam…mà lại có những câu văn non nớt, ngô nghê thể hiện sự yếu kém trong cách hành văn, sự nghèo nàn trong vốn từ, hay lại có những chi tiết phi lý thể hiện suy nghĩ ngờ nghệch và thậm chí có phần ấu trĩ như trong TTBT.

Dấu ba chấm và dấu chấm than bị Chi Chan sử dụng vô tội vạ, tưởng như em quăng bừa chúng vào bất cứ chỗ nào em muốn, mà hoàn toàn không hiểu gì về tác dụng biểu cảm, hàm ý mà chúng cất giữ. Em mong muốn làm giàu đẹp thêm kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú của Việt Nam ta, tốt thôi. Tôi vô cùng hoan nghênh, nhưng em làm ơn hãy dùng chúng đúng thời điểm, đúng ngữ cảnh, và dùng những từ ngữ dễ nghe một chút, được không em? Tiếng một xô nước khi bị hất đi không thể nào là “phặc”, cốc nhựa đặt lên bàn cũng không thể phát ra từ “phạc”,…

Ngữ pháp sai cơ bản với những câu què, câu cụt đếm không xuể (chứ không phải câu đặc biệt hay câu rút gọn). Câu được Chi Chan sử dụng đa phần là câu đơn, khó có thể tìm thấy chút bóng bẩy, mượt mà hay nhạc điệu êm ái thường có trong những tác phẩm văn học.

Thử hỏi có thứ tiếng nào có những câu văn hay hơn:

Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. – Một thứ quà của lúa non: Cốm – Thạch Lam

Tiếng Việt ta hay là thế, đẹp là thế, vậy mà sao dưới ngòi bút của Chi, tôi chỉ tìm thấy những câu văn cộc lốc, ngắn ngủn, và khô cứng.

Cách xưng hô “ta, em” thì như thể đang kéo lùi tất cả lại những thập niên giữa thế kỷ trước, dù rằng trong TTBT xuất hiện cả Obama.

Chỉ riêng về văn phong, quyển TTBT của em, với tôi, không bao giờ xứng đáng có mặt trên giá sách.

Thậm chí nếu nói về bản trên mạng với vô số lỗi chính tả hay teencode, tôi sẽ không bao giờ quay lại đọc TTBT lần thứ hai. Nếu nói rằng ai trên mạng cũng viết như thế, thì đó là một sự nhầm lẫn tai hại, và coi thường giới fictioner Việt Nam.

Chi Chan có biết, Người Việt trẻ có biết, trong khi người ta đang kêu gào rát cổ bỏng họng về việc làm trong sáng Tiếng Việt, thì TTBT không khác gì là một hành động đe dọa nghiêm trọng đến sự trong sáng và giàu đẹp của Tiếng Việt? Không khác gì khuyến khích cho những câu văn lủng củng đang tràn lan trong những bài văn hiện nay rằng cứ viết thế đi, bởi sách được xuất bản cũng không thiếu những câu như thế. Đừng kêu ca tại sao khả năng viết văn của các em ngày nay đi xuống, khi mà đã xuất bản TTBT, khi mà có em đã khen TTBT là tác phẩm để đời của Chi Chan.

Về nội dung, tôi cũng cố gắng mà dùng vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình, để mà cảm nhận cho hết một tình yêu cao đẹp, một thế giới bí ẩn đầy bất ngờ. Ừ thì cũng bất ngờ thật, nhưng là chán nản đến bất ngờ, bởi thế giới Mafia trong TTBT tồn tại quá nhiều vô lý, một thế giới Mafia nửa mùa mà trong đó chỉ xuất hiện những cảnh bạo lực, máu me, giết chóc được diễn tả một cách vô lý, những mafia khét tiếng và đám tay sai đều có đầu óc rỗng tuếch,… Tôi chỉ thấy Chi Chan đang ép buộc của nhân vật mình yêu nhau, bởi dường như những  đoạn biểu cảm, phân tích diễn biến tâm lý nhân vật của TTBT ít một cách đáng thương. Xuyên suốt quyển sách, tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè có vẻ là một điều xa xỉ khi mà khó khăn vô cùng tôi mới thấy được một vài phân đoạn những tình cảm đó được đề cập đến. Cuộc sống vốn muôn màu, thật đáng tiếc làm sao khi TTBT lại mắc phải sai lầm mà những người viết tuổi teen khác cũng có: đó là tập trung vào tình yêu mà bỏ quên những yếu tố khác.

Có thể nói, TTBT là nơi giao thoa “đầy cảm xúc” giữa ngôn tình Trung Quốc, phim Hàn Quốc, truyện tranh thiếu nữ Nhật Bản (shoujo manga) và cả những sáng tạo, thêm thắt phóng đại vượt quá sức tưởng tượng dưới ngòi bút của một cô bé thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Nội dung thiếu logic, xa rời thực tế, nhưng lại không phải là truyện viễn tưởng, mà chính xác ra có lẽ là phải gọi là … hoang tưởng.

Nhân vật của Chi Chan thì quá hoàn hảo, chẳng có chút gì được coi là đột phá. Thậm chí nếu không muốn nói nhân vật nữ chính có thể coi là vô lễ, thiếu giáo dục. Nhân vật nam là motif quá quá quen thuộc trong những tiểu thuyết ngôn tình hiện nay. Tôi rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến cảnh em tôi một ngày nào đó vô tình đọc phải TTBT và chẳng may bị tiêm nhiễm bởi cách ăn nói cộc lốc của Hải Băng (nhân vật nữ chính), hay bị ảnh hưởng bởi những hành động bạo lực nhan nhản trong từng trang giấy. Thật đáng sợ biết bao!

Miêu tả của em cũng rất ít, tôi khó mà hình dung được khung cảnh, diễn biến của câu chuyện. Cũng như em có những chi tiết dư thừa (ví dụ như đoạn quản lý của cậu hai và Hải Băng thách nhau cởi quần áo rồi sau đó Băng lôi máy quay ra và cậu ta chạy mất), chưa kể tới việc tình tiết, diễn biến truyện của em gấp gáp và vội vàng. Tôi nhớ Pautopxki từng cực lực phê phán việc cố gắng nhồi nhét những chi tiết dư thừa, vì Chi Chan à, như thế nó sẽ khiến những gì em viết trở thành một mớ lùng bùng, rối rắm và không hề có tí liên kết hay liền mạch nào.

Với những gì tôi đã liệt kê ở trên, liệu TTBT, có xứng đáng gọi là một tác phẩm, hay như một fan của em đã nói, “TTBT không phải là tác phẩm, chỉ là truyện, có cần khắt khe đến thế không?”

Phải chăng chỉ vì vài đồng lợi nhuận trước mắt, NXB đã quên đi nhiệm vụ của sách: là truyền đạt tri thức, là người thầy dẫn đường? Nhưng truyền đạt thế nào đây, dẫn đường thế nào đây? Một người bác sĩ tồi chỉ có thể giết chết vài người, nhưng một người thầy giáo tồi, sẽ chôn vùi vài thế hệ. Đầu độc những “búp trên cành” – lứa tuổi còn đang chập chững phát triển, chưa định hướng được đúng sai, thử hỏi: liệu TTBT và NXB, có gánh nổi tội danh ấy?

Như đã nói ở trên, tôi hoàn toàn không thích cái cách mà fan của TTBT bảo vệ Chi Chan một cách vô lý. Sau đây tôi xin tóm tắt vài lý do của fan cho những thiếu sót của TTBT

–          Chi Chan mới 16 tuổi, viết như vậy là được rồi, cả về lối hành văn lẫn kiến thức

Fan thân mến của TTBT và Chi Chan ơi, các bạn có biết như thế chính là đang giết chết người mà các bạn hâm mộ không?

Đừng lấy độ tuổi làm thước đo để mà đánh giá việc lao động nghệ thuật. Năm tuổi Mozart sáng tác bản nhạc đầu tiên, hay như cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình đã có cho riêng mình tiểu thuyết viễn tưởng đầu tay, thậm chí rất nhiều fictioner trên mạng bắt đầu sáng tác vào độ tuổi đôi tám như Chi Chan: chị Du với Legend of Porasitus, chị Aster, … Hãy đọc thử Legend of Porasitus (LOP) và quay lại đọc TTBT, fan của Chi Chan ơi, bạn có dám nói với tôi một lần nữa câu nói phía trên không?

Các bạn cho rằng Chi Chan viết như thế là được rồi, sẽ khiến Chi ảo tưởng vào tài năng của mình, tặc lưỡi cho qua những thiếu sót không thể chấp nhận, tiếp tục bước đi trên con đường lầm lạc. Ừ thì có thể cho rằng những tác giả tôi kể trên (chị Du, chị Aster) may mắn có được chút tài năng thiên phú, nhưng điều đó không đồng nghĩa văn chương sẽ chứa chấp những con người không chịu cố gắng hoàn thiện bản thân.

Từ đầu truyện tới cuối truyện, tôi không thấy được sự phát triển, cố gắng hay tiến bộ nào của Chi Chan, vẫn là những chapter (chương truyện) tràn ngập thoại, vẫn là những dấu câu bị sử dụng lung tung, vẫn là những câu văn không hề có chút nào gọi là trau chuốt.

Tôi cũng là một người viết nghiệp dư, tôi cũng bắt đầu fic đầu tay của mình khi bằng tuổi của Chi, với bối cảnh là nước Nhật, tôi đã phải cố gắng để tìm hiểu về phong tục tập quán, về cây đàn Koto, về những bản nhạc nổi tiếng được soạn cho Koto (tôi còn nghe đi nghe lại chúng để hi vọng nắm bắt được một chút thần thái trong đó), chị Du với LOP có đến hai beta reader (những người đọc và góp ý trước khi post chính thức) và một người trong đó là beta reader về phần Chiến thuật.  Vậy mà chỉ là những kiến thức cơ bản, Chi Chan cũng không thể dành chút thời gian ra mà dùng Google tìm hiểu được hay sao? Sự cẩu thả, không biết thì viết bừa đó, có thể chấp nhận được không, khi mà những người viết khác cũng đang dành biết bao thời gian, công sức ra để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, lại cũng bị xếp ngang hàng?

Tôi không hiểu nổi, là fan quá yêu quý TTBT và Chi Chan, nên mới phát ngôn như thế, hay do thời gian đọc sách càng ngày càng ít, không có điều kiện tiếp xúc với những tác phẩm xuất sắc, nên cảm nhận về văn học của các bạn khác tôi?

–          Nội dung hấp dẫn, mới lạ, kích thích trí tò mò

Phần này đã được liệt kê với những lỗi ở trên, xin miễn bàn lại.

Chỉ muốn nhắn nhủ là cũng có kha khá văn hóa phẩm với nội dung không trong sáng, lành mạnh cũng được khá nhiều người tìm đọc vì nội dung đặc biệt của nó.

Nếu muốn đọc về Mafia, xin mời đọc Bố già. Nếu muốn đọc về thù hận đan xen tình yêu, Legend of Porasitus – một fiction nổi tiếng trên mạng thật sự đáng đọc.

–          Fic nghĩa là giả tưởng, Chi Chan viết thế nào chả được.

Vâng, đương nhiên, fic là nơi thỏa sức vùng vẫy của trí tưởng tượng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ngồi lên những kiến thức khoa học cơ bản, vì đó là sự cẩu thả, vô trách nhiệm của tác giả!

Đừng lôi Harry Potter hay Twilight ra so sánh, vì đó được gắn mác là fantasy rồi, vì người đọc khi đọc cũng mặc nhiên công nhiên đó là những tác phẩm giả tưởng về một thế giới không thật, thế giới phép màu. Còn TTBT với những CIA, FBI, rồi Mafia (chứ không phải Ma cà rồng) đều có thật, Chi Chan cũng không tạo ra bất kỳ sinh vật kỳ ảo nào cả, thì liệu có được phép coi là truyện giả tưởng không? Còn nếu vẫn khăng khăng so sánh khập khiễng, thì phải chăng cũng nên so sánh TTBT với cả những câu chuyện cổ tích nơi mà bà tiên hóa phép quả bí ngô thành xe ngựa, nơi có ông bụt hiện lên mỗi lần Tấm khóc?

–          Còn một số lý lẽ nữa của fan trước những lời chê bai của độc giả khó tính hơn như:

Không thích thì đừng đọc, hay TTBT khiến bản thân cảm thấy xúc động,… thì tôi xin được miễn bàn đến. Bởi tôi không thích đương nhiên tôi không đọc, nhưng tôi không muốn em tôi đọc một quyển sách như thế, tôi không muốn sau Chi Chan sẽ là vô vàn những Chi Chan, những TTBT khác, nên tôi buộc phải lên tiếng, còn cảm nhận của ai ra sao, đó là tùy từng người. Tôi không bắt ai cũng khó chịu với TTBT, thì cũng đừng nghĩ rằng ai đọc TTBT cũng nên có cảm giác giống bạn.

Từ việc viết cho vui, đến việc viết mang lên mạng, và rồi viết để xuất bản là những khoảng cách vô cùng xa. Viết ra thì phải có trách nhiệm với những gì mình viết, vì thế việc phải chịu những lời nhận xét trái chiều là điều hiển nhiên, thậm chí với những người tâm huyết với nghề văn, nhận xét khó nghe đôi lúc lại vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cũng mong các bạn anti fan không dùng những lời lẽ quá mức khi nhận xét về tác giả, vì đó là tôn trọng cả Chi Chan lẫn bản thân. 🙂

Bài viết đã dài, thay cho lời kết, xin trích một đoạn trong Thi nhân Việt Nam, hi vọng mọi người cùng chung tay bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ văn học Việt Nam và tinh hoa của mấy nghìn năm lịch sử:

“Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng. …

Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.”…

Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai.”