Trường sinh học nhân điện Dasira Narada

Những năm gần đây, trên địa bàn TP. Nha Trang có hàng ngàn lượt người tìm đến phương pháp tập thiền để chữa bệnh. Hầu hết trong số họ là những người cao tuổi, người bị bệnh mãn tính đã đi điều trị ở nhiều bệnh viện Điều gì đã khiến họ có lòng tin vào một phương pháp chữa bệnh như vậy?


Thiền đường và sự tự nguyện

Những người tập môn thiền này tôn vinh ngài Dasira Narada (1846 - 1924), người Sri Lanka, đậu Tiến sĩ Triết học Đông phương tại Đại học Nalanda năm 1871. Ông từng làm Bộ trưởng Y tế Sri Lanka, sau đó tu 18 năm tại Himalaya. Phương pháp của ông là nhân điện, khai mở luân xa (môn trường sinh học), còn được gọi là Vi diệu pháp hành thiền. Hiệu ứng tiếp thu năng lượng bằng phương pháp thiền là nếu cơ thể ốm yếu thường bệnh vặt, khi được khai mở luân xa và tập luyện thường xuyên, đúng cách thì sau 2 tuần các bệnh như cảm cúm, nhức mỏi, huyết áp cao... sẽ không còn. Tinh thần sảng khoái nhẹ nhàng, mở rộng tình thương, kiên nhẫn, khiêm tốn... Năm 1972, môn pháp này tới Việt Nam và được nhiều người theo học.

Trường sinh học nhân điện Dasira Narada
Buổi chữa bệnh tại Câu lạc bộ Dã Tượng.


Trong vai người đi chữa bệnh, tôi tìm đến câu lạc bộ (CLB) Dã Tượng (số 56-25/2 đường Dã Tượng). Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy đối tượng đến chữa bệnh chủ yếu là người lớn tuổi. Có người nhà xa phải đi từ 12 giờ hơn cho kịp buổi chữa bệnh (bắt đầu lúc 13 giờ 30). Họ đến thiền đường, trật tự lấy phiếu ghi số thứ tự và ngồi ghế đợi. Sau đó, thành viên tham gia chữa bệnh đến mỗi bệnh nhân, xem số thứ tự và giấy ghi bệnh để chữa cho đúng. Có từ 2 đến 3 thành viên chữa bệnh cho một bệnh nhân trong khoảng 30 phút. Tôi cũng lấy một phiếu, kể bệnh và được 3 thành viên chữa trị. Điều tôi cảm nhận tại CLB này là tuy không gian chật chội do nhiều người ngồi đợi đến lượt mình, nhưng không khí chữa bệnh rất nghiêm túc, trật tự; người chữa bệnh tận tình, chu đáo. Căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, mặc dù hàng tuần luôn đón hơn 200 lượt người tới chữa bệnh.

Trường sinh học nhân điện Dasira Narada
Ông Nguyễn Đức Dung đã có thể cầm được cốc nước để uống.

Từ khi thành lập (tháng 4-2011) đến nay, CLB Dã Tượng do ông Nguyễn Văn Khôi làm trưởng đại diện đã mở được 20 khóa thiền, mỗi khóa từ 45 đến 50 học viên. Vào buổi chiều các ngày: Thứ hai, ba, tư, năm, bảy, từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30, đều đặn có khoảng 35 - 50 lượt người tới chữa bệnh; có khoảng 100 thành viên thường xuyên tới CLB làm công tác thiện nguyện trong chữa trị bệnh. Toàn bộ chi phí sinh hoạt tại CLB đều do các thành viên tự nguyện đóng góp. Sau mỗi khóa học, có những học viên thấy hồi phục sức khỏe nên đã hảo tâm góp tiền duy trì hoạt động của thiền đường. Các thành viên trong CLB luôn nỗ lực để giúp cho ngày càng có nhiều người có thể tự lo được sức khỏe, đặc biệt là những người nghèo không có tiền chữa bệnh. Ông Nguyễn Văn Khôi tâm sự: CLB là tâm huyết của nhiều thành viên, hoạt động với phương châm không tốn kinh phí mà vẫn cải thiện được sức khỏe. Nhưng hiện nay, địa điểm của chúng tôi quá chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của những người tìm đến chữa bệnh. Chúng tôi mong muốn xây dựng được một địa điểm rộng rãi để mọi người có không gian sinh hoạt cộng đồng và chữa bệnh cho nhiều người hơn nữa.


Đúng ngày mãn khóa 20, tham gia buổi bế giảng, chúng tôi đã nghe được nhiều phát biểu xúc động của học viên. Bà Nguyễn Thị Như Hồng vui mừng nói: Từ khi nghỉ hưu, tôi thấy mình có nhiều bệnh; đi từ Bắc đến Nam, tìm uống nhiều thuốc nhưng không đỡ. Qua khóa học này, tôi thấy sức khỏe khá lên nhiều. Đến nay, tôi đã hoàn toàn không còn uống thuốc tây nữa. Ông Nguyễn Viết Dũng cho biết: Tôi tham gia CLB này để giữ sức khỏe cho mình, mong muốn tuổi già sống vui khỏe.


Người thực, việc thực


Theo lời giới thiệu của CLB Dã Tượng, chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Đức Dung (63 tuổi, đường Cao Thắng). Ông Dung cho biết, ông bị mất ngủ hoàn toàn từ năm 2012. Cùng năm đó, hai tay ông bắt đầu bị teo dần, không cầm nắm được. Đi nhiều bệnh viện trong và ngoài nước để chữa bệnh, ông nhận được kết luận bị thoái hóa nơ-ron thần kinh vận động chi trên, hiện nay chưa tìm ra thuốc chữa. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày được các thành viên tập trung chữa trị, hai tay ông đã dần có cảm giác, đêm ngủ được từ 2 đến 4 giờ. Với nét mặt phấn chấn, ông kể: Buổi đầu đến CLB, tôi không thể cầm nổi tờ giấy khai bệnh; còn hiện nay, qua hơn 2 tháng gắn bó với thiền, tôi đã có thể ngủ được 5 - 6 giờ/đêm, tay đã cử động và cầm nắm được, tự đi xe đạp đến CLB sinh hoạt và chữa bệnh. Vợ ông tâm sự: 2 năm qua, gia đình tôi tốn kém cả mấy trăm triệu đồng chạy chữa cho ông nhưng không khỏi. Nay không mất đồng nào, ông đã thuyên giảm bệnh. Điều này đều nhờ các thành viên của CLB Dã Tượng chữa trị.


4 tháng trước, bà Lê Thị Ngừng (59 tuổi, tổ dân phố số 2, Hoàng Diệu) phải vịn tường lê từng bước. Bà được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm năm 2006. Năm 2013, bệnh quay trở lại, bà tích cực chữa bằng châm cứu, bấm huyệt nhưng không đỡ và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật lần 2. Khi đến với CLB Dã Tượng, sau 19 ngày chữa trị, bà đã cảm nhận được những chuyển biến tốt của cơ thể. Vì vậy, bà đã đăng ký học thiền. Bà chia sẻ: Mọi người nói tập thiền có thể khỏi bệnh, tôi không thể tin được. Nhưng hiện nay, tôi đã đi đứng bình thường trở lại, đủ sức chăm sóc 4 đứa cháu....

Trường sinh học nhân điện Dasira Narada
Các thành viên Câu lạc bộ Dã Tượng đang chữa bệnh cho người già.


Tham gia một trong những khóa học tại CLB Dã Tượng còn có cụ Bùi Kỉnh (85 tuổi, Việt kiều Mỹ). Hiện nay, cụ đã tìm lại được niềm vui sống. Mang trong người nhiều căn bệnh như: tim, huyết áp, tiền liệt tuyến..., mỗi ngày cụ uống 8 - 10 loại thuốc. Về căn bệnh tiền liệt tuyến, cụ đã được các bác sĩ ở Mỹ khai thông đường tiểu, nhưng mỗi đêm vẫn đi tiểu 5 - 6 lần. Khi về Khánh Hòa, cụ được chỉ tới CLB Dã Tượng học ngồi thiền chữa bệnh. Nhờ đó, bệnh tiền liệt tuyến của cụ đã thuyên giảm. Cụ Kỉnh chia sẻ: Tôi nghĩ đã đến đúng thầy, trúng thuốc. Hiện nay, tôi chỉ còn đi tiểu 1 lần/đêm...


Nên tạo điều kiện để thử nghiệm


Khi bệnh tật phát sinh, con người sẽ tìm kiếm mọi phương cách chữa trị. Ngoài bộ môn thiền nêu trên, còn có các cách thiền giữ sức khỏe khác như: thiền Yoga, thiền Tham thoại đầu... Những môn thiền này đã thiết thực giúp đời, được nhiều người đón nhận và mở CLB. Trong tình hình hiện nay, đa số bệnh viện đang quá tải, chữa bệnh bằng phẫu thuật và thuốc đều có chi phí cao. Tại những thiền đường, bệnh nhân không mất tiền nhưng bệnh có thuyên giảm nên nhiều người gắn bó, đến chữa bệnh. Tuy nhiên, tiếng tăm của những CLB này chủ yếu hoạt động theo cách giới thiệu truyền miệng, người nọ thấy hiệu quả thì chỉ bảo người kia đến chữa trị, duy trì sức khỏe chứ không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của các cơ quan, ban, ngành.


Thực tế cho thấy, có người chữa bệnh nhiều nơi không khỏi nhưng lại thuyên giảm và khỏi bệnh bằng những phương pháp đơn giản và không tốn tiền. Hiện nay, khoa học hiện đại chưa có kết luận. Nên chăng, các cơ quan chức năng có sự thẩm định và nhân rộng những điển hình làm việc thiện nguyện, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hương Quỳnh


Ông Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết: Thiền là các hình thức thực hành rèn luyện khác nhau nhằm giúp thư giãn, luyện tâm, nếu luyện tập đúng phương pháp thì có tác dụng nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, tính nhẫn nại, trong một số trường hợp có thể giúp cải thiện một vài triệu chứng của những bệnh mãn tính... Để việc tập thiền đạt hiệu quả cao, người tập cần xác định mục đích luyện tập của mình, tìm hiểu kỹ cơ sở luyện tập, tôn chỉ mục đích của cơ sở, nhất là người hướng dẫn luyện tập phải là những người có kinh nghiệm, được đào tạo tại những cơ sở thiền có uy tín và đã khẳng định được thương hiệu.



Ở TP. Nha Trang đã hình thành các CLB như: Đập Nước, Vĩnh Hải, Dã Tượng... Các CLB thiền nói riêng và CLB sức khỏe nói chung được thành lập và tổ chức theo Nghị định 45/2010 ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội; Nghị định 33/2012 ngày 13-4-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010 và các văn bản có liên quan.