Xã hội hóa có nghĩa là gì

Những ảnh hưởng về mặt xã hội cũng như gen sinh học cùng lúc ảnh hưởng đến hành vi của con người. Tầm quan trọng của mỗi yếu tố khác nhau, tuỳ thuộc vào quan niệm của các nhà nghiên cứu. Các nhà sinh học xã hội tìm kiếm sự giải thích các hành vi xã hội như kết quả của sự tiến hoá. Họ cho rằng các hành vi như bệnh đồng tính, tính tình luôn cáu gắt,… mang bản chất sinh học, trong khi đó, các nhà xã hội học nói chung cho rằng phần lớn những hành vi của con người chịu ảnh hưởng của xã hội, và là kết quả của quá trình xã hội hoá.

Xã hội hoá là một quá trình thông qua đó con người hình thành nên tính cách của mình, học được cách ứng xử trong một xã hội hay một nhóm. Nói cách khác, chính là quá trình con người sinh vật học hỏi để trở thành con người xã hội. Như vậy, xã hội hoá bắt đầu từ khi con người ta sinh ra và chỉ kết thúc khi con người không còn tồn tại.

Nhờ quá trình xã hội hoá, rất hiếm khi chúng ta phải giải đáp ý nghĩa của các hành vi trong những tiếp xúc xã hội thông thường - đối với chúng ta, hầu hết mọi hành động dường như hoàn toàn dễ hiểu vào thời điểm chúng xảy ra bởi vì chúng ta đã học được các quy luật mà người khác cũng đang phải tuân thủ. Nói cách khác, chúng ta có thể dự đoán cái gì đang xảy ra trong phần lớn các trường hợp do ý thức rằng những quy luật sẽ phải tuân theo. Ví dụ, chúng ta luôn quen với việc bác sỹ trong bệnh viện phải mặc áo blouse trắng, cảnh sát phải mặc quân phục, và nếu điều đó không xảy ra sẽ khiến chúng ta rất ngạc nhiên. Bên cạnh đó, chúng ta trông đợi mọi cá nhân trong các trường hợp cụ thể phải thực hiện đúng vai trò của mình.

Như vậy, xã hội hoá là quá trình tiếp nhận nền văn hóa của xã hội nhờ đó chúng ta học được cách suy nghĩ và ứng xử được coi là thích hợp trong xã hội. Xã hội hoá cũng được xem là sự chuyển giao văn hoá giữa các thế hệ, và là cách thức mà các cá nhân trở thành thành viên của một xã hội, thể hiện những trải nghiệm của mình và xử sự theo những hành vi mà họ được học trong nền văn hoá của xã hội mà họ sống. Thông qua quá trình xã hội hoá, con người chấp nhận và thích nghi với những quy tắc của xã hội, sử dụng chúng để quy định hành vi của mình.

Trong cuộc sống xã hội, chúng ta thường học cách suy nghĩ và hành động của những người mà chúng ta tiếp xúc được coi là thích hợp (cũng như những suy nghĩ và hành vi chúng ta cho là không thích hợp) và quá trình tiếp thu này chỉ chấm dứt khi đời sống xã hội chấm dứt bằng cái chết. Thông qua việc học hỏi ở những người xung quanh, giáo dục và truyền thông, đã khiến các môi trường xã hội xung quanh có ảnh hưởng quyết định đối với mỗi cá nhân. Bàn về xã hội hoá, các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến bốn môi trường xã hội hoá quan trọng sau: 1/ Gia đình; 2/ Nhà trường, và các tổ chức xã hội; 3/ Nhóm xã hội; 4/ Các phương tiện truyền thông đại chúng.

Môi trường xã hội hoá

v         Gia đình

Mỗi người đều sinh ra trong một gia đình. Quá trình xã hội hoá của một người từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời có ảnh hưởng quyết định tới thái độ và hành vi khi đã lớn, cho nên gia đình, như là nhóm người đầu tiên mà mỗi cá nhân trong mọi xã hội thường phải phụ thuộc vào, rõ ràng là một môi trường xã hội hoá đầu tiên và có tầm quan trọng chính yếu.

Để trưởng thành, mỗi người cần phải trải qua một thời gian dài ở gia đình trước khi có thể tự sinh sống. Quá trình xã hội hoá rất cần thiết để mỗi cá nhân trở thành những thành viên xã hội một cách đầy đủ, chính vì vậy, gia đình, như một môi trường xã hội đầu tiên là nơi cá nhân tiếp xúc và trải qua quá trình xã hội hoá của mình, ở đó, mỗi người được học để biết mình là ai, mình cần trở thành người như thế nào, và phải biết đối xử với người khác ra sao

Gia đình là một nhóm xã hội nhỏ, chính vì vậy, xã hội hoá được thực hiện chủ yếu qua giao tiếp trực tiếp. Quá trình xã hội hoá của đứa trẻ được theo dõi chặt chẽ và được điều chỉnh ngay.

Phần lớn ảnh hưởng của gia đình trong giai đoạn sơ khai của quá trình xã hội hoá được thực hiện một cách không chính thức và không có chủ định và là sản phẩm của tương tác xã hội giữa những người gần gũi nhất về tinh thần và thể chất. Trong bước khởi đầu đó, chúng ta cũng học được nhiều thông qua quan sát và kinh nghiệm hệt như được hướng dẫn hay dạy dỗ một cách có chủ định. Do vậy, khi cha mẹ ta nói với ta rằng phải khoanh tay chào những người lớn tuổi hay phải mời cơm bố mẹ trước mỗi bữa ăn thì bên cạnh đó, một cách không chủ định, họ cũng dạy chúng ta nhiều hơn họ có thể hình dung như về trật tự trong giao tiếp gia đình, xã hội.

Như vậy, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình khác nhau có thể xảy ra các quá trình xã hội hoá khác nhau, chính điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như khả năng phát triển của đứa trẻ sau này. Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu về vốn văn hoá (xin xem thêm mục từ vốn văn hoá) cho rằng, nguồn gốc gia đình có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của mỗi người. Một đứa trẻ sinh ra trong một tầng lớp trung lưu có cơ may trở thành một người của giai cấp trung lưu nhiều hơn so với những đứa trẻ sinh ra ở tầng lớp khác; hay những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bác sỹ cũng dễ trở thành một bác sỹ hơn so với các gia đình khác. Một số người gọi đây là quá trình tái tạo văn hóa gia đình.

Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của các tổ chức xã hội ngaòi gia đình và truyền thông đại chung, quá trình xã hội hoá trong gia đình mất dần ảnh hưởng của nó. Cha mẹ có thể không hoặc ít hiểu biết về quá trình xã hội hoá cũng như mục đích của nó. Họ cũng không được huấn luyện nhiều cho các kỹ năng này, mà chủ yếu xã hội hoá con cái của mình thông qua những kinh nghiệm mà họ trải qua và có được từ người khác. Chính vì lý do đó, nhà trường và các tổ chức, đoàn thể xã hội khác cùng với truyền thông đại chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xã hội hoá các cá nhân.

v         Nhà trường và các tổ chức xã hội ngoài gia đình

Dù có tầm ảnh hưởng quyết định trong những năm đầu cuộc đời, quá trình xã hội hoá không chỉ giới hạn trong gia đình. Các tổ chức xã hội đặc biệt là nhà trường có tầm quan trọng ngày càng tăng trong quá trình xã hội hoá của mỗi cá nhân do phần lớn thời gian ngoài gia đình, các cá nhân phụ thuộc vào các tổ chức đó. Chính vì lẽ đó, nhiều người cho rằng toàn bộ quá trình giáo dục phổ thông cũng là một môi trường xã hội hoá chính yếu. Trong các xã hội phát triển và phân hoá cao, có rất nhiều kỹ năng và kiến thức đòi hỏi phải được thông qua các phương tiện xã hội hoá chính thức. Xã hội càng phức tạp, càng có nhiều kỹ năng bao nhiêu thì càng cần thiết có những thiết chế được lập ra một cách có chủ định - các cơ sở giáo dục như trường học, trường cao đẳng và trường dạy nghề - để phổ biến các kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Trường học có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với cách nhìn nhận thông thường của mọi người: là nơi các cá nhân đến để tiếp thu kiến thức. Khi một đứa trẻ tới trường, nó tiếp thu không phải chỉ các môn học của nhà trường mà cả những quy tắc và những cách thức quy định hành vi. Học sinh phải học không chỉ lịch sử và địa lý cũng như các môn học khác mà còn cả cách thức quan hệ với giáo viên và các bạn học như khi nào được phép phát biểu, cách thức tuân thủ giờ giấc của lớp học,... cũng như những cách thức nhìn nhận về thế giới khác. Ở trường, cá nhân ngoài việc học những môn học chính, chúng còn được tiếp thu những tư tưởng, khuôn mẫu, và giá trị mà xã hội coi trọng. Người ta thường đánh giá học sinh không chỉ bởi điểm số mà chúng đạt được qua mỗi môn học, mà cả việc chúng chấp hành những qui định trong nhà trường, hay đối xử với bạn bè, thầy cô, thậm chí với gia đình như thế nào. Như vậy, quá trình xã hội hoá mà học sinh tiếp nhận ở trường học do vậy không chỉ liên quan tới việc tiếp thu những kỹ năng qui định mà còn cả những kỹ năng xã hội khác.

Khi trưởng thành, các cá nhân lại tham gia vào các tổ chức xã hội cụ thể hay những nghề nghiệp nào đó. Các tổ chức xã hội thường được thiết lập vì những mục đích cụ thể và có những yêu cầu cụ thể cho các cá nhân tham gia tổ chức đó. Khi cá nhân tham gia vào một tổ chức, cơ quan, họ thường chịu ảnh hưởng một cách vô thức những quy ước, quy định có sẵn của các tổ chức này. Chúng ta thường nói nhiều đến thói quen nghề nghiệp, đây chính là một trong những hậu quả của quá trình xã hội hoá.

v         Nhóm xã hội

Bên cạnh gia đình và các tổ chức, các nhóm xã hội (đặc biệt là nhóm bạn) cũng là môi trường xã hội hoá quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.

Khi đứa trẻ lớn lên, các môi trường khác bên ngoài cũng bắt đầu có ảnh  hưởng. Những đứa trẻ khác mà nó tiếp xúc, bạn bè cùng lứa tuổi, bạn cùng chơi có ảnh hưởng xã hội hoá quan trọng. Môi trường này được gọi là nhóm tương đương và có lẽ là môi trường xã hội hoá đầu tiên mà bọn trẻ tiếp xúc được những suy nghĩ và hành vi khác với những điều mà chúng học được ở nhà. Cá nhân đặc biệt chịu ảnh hưởng của nhóm tương đương trong giai đoạn vị thành niên, vì trong giai đoạn này, các nhóm vị thành niên tạo điều kiện cho cá nhân chấm dứt sự phụ thuộc vào người lớn và thiết lập một vị thế xã hội bình đẳng mà từ trước tới giờ mỗi cá nhân chưa có được.

Trong suốt cuộc đời của mình, mỗi người trong chúng ta sống trong rất nhiều nhóm xã hội khác nhau và có rất nhiều người bạn, cả thân thiết lần không thân thiết, nhưng ít nhiều có ảnh hưởng đến suy nghĩ của mỗi người về xã hội. Mối dây quan hệ xã hội chằng chịt với bạn bè cũng tạo cho cá nhân tham gia vào các nhóm khác nhau. Các nhóm đó có mục tiêu rất đa dạng, tuy nhiên, theo quan điểm xã hội học, thì mỗi nhóm xã hội, bất kể với mục đích gì, đều phát triển một cách không chủ định các khuôn mẫu hành vi khác nhau.

Các nhóm bạn cũng được hình thành theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung, thường bạn bè là ngang tuổi với nhau. Khi còn nhỏ, các nhóm bạn bè thường được hình thành một cách ngẫu nhiên như trong lớp học, cùng nơi ở,… Khi chúng ta càng lớn lên, chúng ta càng có thêm nhiều người bạn dựa trên sở thích, công việc, hay vị trí xã hội

Nhóm bạn là nơi mỗi cá nhân có thể học hỏi những hành vi mà họ có thể không thể, không có điều kiện hay vì một lý do nào đó không được thực hiện ở các môi trường xã hội hoá khác như gia đình, nhà trường hay qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự thực cho chúng ta thấy rằng, cá nhân có thể học hỏi nhiều từ những người bạn của mình đối với những vấn đề cụ thể, như những vấn đề trong hôn nhân, quan hệ khác giới

v    Truyền thông đại chúng

Truyền thông đại chúng ngày càng phát triển đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội. Sự phát triển của truyền thông đã đưa nó trở thành nguồn cung cấp "kinh nghiệm" và chủ yếu cho cộng đồng nói chung và mỗi cá nhân nói riêng.

Xã hội hóa là quá trình học hỏi nền văn hóa của xã hội mà cá nhân sống. Khi truyền thông đại chúng trở thành nguồn cung cấp thông tin quan trọng và là bộ phận không thể thiếu trong xã hội thì nó trở thành công cụ quan trọng trong quá trình xã hội hóa.

Khi nói đến truyền thông đại chúng, chúng ta thường nghĩ tới một dạng thiết chế dùng để phục vụ sự trao đổi thông tin, giao lưu tư tưởng, giải trí... Trên thực tế, những gì mà truyền thông đại chúng mang lại cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. "truyền thông cung cấp cho chúng ta kinh nghiệm gián tiếp về các sự kiện và quá trình xẩy ra vượt quá kinh nghiệm xã hội của chúng ta. Chúng ta ngày càng "biết" nhiều hơn, và được khuyến khích để làm như vậy thông qua các kinh nghiệm trung gian ở tivi, phim ảnh, radio, báo chí, sách". (Bilton, tr.382) Bên cạnh đó một cách có chủ định, truyền thông đại chúng trở thành một cái chung, một cái để mọi so sánh có thể dựa vào, qua đó tạo nên sự hiểu biết chung cho mọi người, làm cho mối quan hệ giữa con người - con người và con người - sự vật trở nên gần gũi với nhau hơn. Thực tế này chỉ cho chúng ta thấy rằng truyền thông đại chúng "không đơn giản cung cấp thông tin phản ánh thế giới xã hội con người, mà đúng ra chúng cấu trúc thế giới đó cho chúng ta, không chỉ bằng cách gia tăng tri thức của chúng ta về thế giới mà còn giúp chúng ta "có ý thức về nó"" (Bilton, tr.382).

Truyền thông đại chúng, xét về mặt hình thức, là nguồn cung cấp kinh nghiệm, tri thức cũng như giải trí đơn thuần. Song về nội dung, truyền thông đại chúng dù ở dạng này hay dạng khác luôn được định hướng. Những thông tin có thể biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp, nói rõ ra hoặc nói dưới dạng ẩn ý đều có một mục tiêu là bảo vệ những giá trị mà xã hội coi trọng, giải thích sự hợp lý của tồn tại xã hội với cá nhân và cộng đồng. Và đó là cái mà xã hội qua phương tiện truyền thông đại chúng thực hiện việc xã hội hóa. Những mục tiêu chung, giá trị chung được phổ biến cho xã hội toàn thể dần trở thành mục tiêu và giá trị của mỗi cá nhân bằng cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, rộng rãi nhất và kinh tế nhất.

Nếu như gia đình và nhà trường luôn được coi là hai môi trường quan trọng của quá trình xã hội hóa - tạo cho cá nhân tiếp nhận nền văn hóa của xã hội mà cá nhân đang sống - thì truyền thông đại chúng ngày càng chiếm lĩnh dần trong việc đóng vai trò quan trọng để xã hội hóa cá nhân nhờ sự phát triển mạnh của phương tiện này và sự hạn chế của hai thiết chế gia đình và giáo dục. Sự cách li của mọi tầng lớp người với các hoạt động công cộng, thời gian rỗi ngày càng trở nên hiếm hoi khi xã hội chuyển sang xã hội công nghiệp, hậu công nghiệp và việc con người ngày càng gắn bó với báo chí, tivi, mạng vi tính,... do khả năng nhận thức, trình độ hiểu biết ngày càng cao, đã đưa loài người tới một thời đại của thông tin, trong đó việc xã hội hóa cá nhân đòi hỏi sự cung cấp từ truyền thông đại chúng.

Truyền thông đại chúng, bằng cách rút ngắn khoảng cách về thời gian và không gian làm cho con người gần gũi với nhau, và với thế giới bên ngoài  hơn. Cá nhân học được nhiều hơn đồng nghĩa với khả năng di động xã hội của cá nhân cao hơn, xã hội năng động hơn. Truyền thông bằng việc đưa tin, đã trực tiếp xây dựng thực tế và sự nhất trí trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng, trên cơ sở đó hình thành nên một thứ quyền lực cưỡng bức trở lại với mỗi cá nhân mà dư luận xã hội là một dạng cụ thể. Qua đó, "chúng khuyến khích những đường hướng suy nghĩ và nhận thức nào đó và làm nản lòng những đường hướng khác. Vậy là thực tế được xây dựng bằng cách áp đặt một khuân khổ chọn lọc mà có thể gạt bỏ những giải thích hoặc những hệ thống có ý nghĩa khác" (Bilton, tr.382). Cá nhân - một cách vô tình hoặc cố ý đã học được cách ứng xử cần thiết từ các phương tiện truyền thông.

Nhờ sự phát triển rộng khắp của các phương tiện truyền thông, các ưu thế khác trong đó có cả sự hấp dẫn đi kèm với điều kiện kinh tế - xã hội cũng phát triển tạo điều kiện cho truyền thông xâm nhập nhanh vào từng gia đình, từng bộ phận xã hội, đã làm truyền thông đại chúng có ý nghĩa lớn trong việc xã hội hóa cá nhân. Từ tầm quan trọng này đã buộc các nhà quản lý xã hội, các nhà xã hội học phải để tâm tới.    

Quá trình phát triển của truyền thông đại chúng - nhờ sự phát triển của điều kiện kinh tế, kỹ thuật, xã hội - đã đặt ra nhiều vấn đề có tính xã hội. Đầu tiên được kể đến là quá trình đa dạng hoá về các nguồn phát tin. Ngày nay, cá nhân có thể có quyền tự do lựa chọn nguồn nhận tin nhiều hơn do sự đa dạng của các nguồn tin mà sự phát triển này đem lại. Những nguồn thông tin trở nên có tính cạnh tranh trong việc "chinh phục" công chúng. Những nguồn thông tin nội địa chưa chắc đã chiếm ưu thế khi mà với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những giới hạn về không gian (và kể cả thời gian) bị phá vỡ. Vấn đề thứ hai là sự ra đời các phương tiện truyền thông, phương tiện thông tin mới có những chức năng ưu việt hơn (internet là một ví dụ) đã tạo sự đột biến trong truyền thông, đưa con người tới những khám phá mới, quan niệm mới về con người - xã hội - tự nhiên cũng như không gian - thời gian. Vấn đề thứ ba, khi truyền thông đại chúng phát triển, chúng kéo theo một bộ phận xã hội đông đảo phụ thuộc vào chúng. Truyền thông đại chúng trở thành một hệ thống xã hội có đời sống tồn tại riêng và quan hệ trực tiếp với các hoạt động xã hội thường ngày khác. Một xã hội thông tin đang đến gần và người ta đang phải đặt nhiều câu hỏi cho nó. Vấn đề thứ tư là những tác động "xấu" từ truyền thông đại chúng đang gia tăng không biên giới. Chúng đang thiết lập nên một thứ văn hóa mới, xoá mờ các đa dạng văn hóa cũ, tạo ra những cách sống đang được truyền thông đại chúng nhào nặn.

Chúng ta hiểu rằng xã hội hóa là việc làm đòi hỏi cá nhân  học các qui tắc ứng xử, các giá trị, chuẩn mực xã hội (nền văn hóa cộng đồng) để cá nhân có thể hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, và việc tạo sự hòa nhập cho cá nhân đó được tiến hành bởi nhiều thiết chế, tổ chức cũng như cách thức cũng khác nhau. 

Do mỗi người có vị trí xã hội khác nhau, vai trò khác nhau, mà các giá trị lại chung, do vậy các cách thức xã hội hóa cũng khác nhau. Bên cạnh đó mỗi thiết chế, tổ chức lại có những đòi hỏi khác nhau đối với cá nhân nên các hình thức xã hội hóa càng trở nên đa dạng. Đối với nhà quản lý xã hội thì việc xã hội hóa là tốt nhưng phải đi đúng mục tiêu, có nghĩa là phải hướng tới các giá trị xã hội mà nhà quản lý coi trọng, không đi ngược lại với lợi ích của họ. Như vậy, rõ ràng phương tiện truyền thông là công cụ có nhiều ưu điểm nhất: dễ kiểm soát, rộng rãi, tiết kiệm... chính vì vậy truyền thông đại chúng được ưu tiên phát triển với mục đích xã hội hóa cá nhân. Vì được định hướng bởi mục đích như thế  nên các phương tiện truyền thông dù ở loại này hay loại khác, chương trình này hay chương trình khác đều mang tính giáo dục sâu sắc, đây là điểm khởi đầu quan trọng trong việc xã hội hóa cá nhân. 

Xã hội hóa là quá trình kéo dài cả cuộc đời con người, môi trường xã hội hóa được hiểu đơn giản là các hoạt động xã hội, hoạt động sống diễn ra xung quanh họ và có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới họ. Các yếu tố của môi trường xã hội hóa tác động mạnh nhẹ khác nhau, truyền thông đại chúng cũng vậy, điều này phụ thuộc vào các đặc điểm kinh tế - xã hội - chính trị - địa lý của cá nhân. Tuy vậy, khi xã hội càng phát triển thì ngành truyền thông là trung tâm trong việc cung cấp những ý tưởng và hình ảnh mà con người sử dụng để giải thích và hiểu một số lớn kinh nghiệm hàng ngày của họ. Đặc biệt hơn, chúng tiêu biểu cho một kênh được thiết chế hoá để phân phối tri thức xã hội và do đó tiêu biểu cho một công cụ mạnh mẽ của kiểm soát xã hội. (xem Bilton, tr.385)

Mỗi cá nhân tiếp thu cách thông tin theo những cách riêng của mình tuỳ vào hoàn cảnh sống, những khả năng cá nhân, những điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị mà họ chịu sự chi phối. Tuy nhiên, những thông tin vẫn được tiếp nhận theo ba mức độ: cần thiết, có thể cần thiết và không cần thiết. Những thông tin với người này là cần thiết nhưng điều đó không chắc đúng với người hàng xóm của anh ta. Trình độ học vấn, sở thích cá nhân, những điều kiện về kinh tế, những hiểu biết về xã hội,... hay cả giới tính là những biến số can thiệp vào sở thích của anh ta đối với các thông tin. Chẳng hạn, có một số người rất thích bóng đá trong khi đó số khác lại không. Một số thích học toán hơn văn trong khi một số khác thì ngược lại.  Việc xem xét theo quan điểm xã hội học nhấn mạnh ở điểm dị biệt này.

Việc tiếp thu tri thức, thông tin qua truyền thông đại chúng ngày càng trở nên quan trọng đối với cá nhân trong quá trình xã hội hoá của họ vì sự phát triển của thông tin hướng tới một xã hội thông tin. Trong xã hội thông tin, con người có xu hướng tiếp xúc với nhau theo cách gián tiếp. Khoảng cách về không gian và thời gian được thu hẹp nhưng người ta lại đặt nhiều vấn đề về sự tiếp xúc mặt đối mặt. Rõ ràng là kiểu tiếp xúc này có những tác dụng nhất định (đặc biệt về tình cảm) trong quá trình xã hội hoá nói riêng và trong các sinh hoạt xã hội khác nói chung, nhưng đây dường như lại là một xu hướng tất yếu của thế kỷ tới. Như vậy, gánh nặng xã hội hoá sẽ đặt trên vai của các phương tiện truyền thông.

Truyền thông có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Chúng ta vẫn luôn nhìn thấy mặt tích cực của quá trình truyền thông nhiều hơn là những gì tiêu cực. Song trên thực tế, những mặt tiêu cực luôn đồng hành với mặt tích cực và dường như chúng cũng không kém ảnh hưởng gì đối với công chúng so với những cái mà chúng đã làm được. Truyền thông đại chúng có thể làm cho những điều xấu trở nên quyến rũ hơn dù mục đích ban đầu cuả chúng là phê phán những điều xấu đó. Truyền thông đại chúng cũng có thể hướng dẫn người ta - một cách vô tình hay cố ý - tham gia vào những điều xấu...

Một số lý thuyết về xã hội hoá

v    Thuyết cấu trúc - chức năng:

Quan điểm cấu trúc - chức năng cho rằng, các xã hội có khuynh hướng được xây dựng nội tại hướng tới sự hài hoà và tự điều chỉnh, tương tự như những tổ chức hay cơ chế sinh học. Giống như cơ thể con người là một thể thống nhất mà các bộ phận riêng phải phục vụ nhu cầu của cả hệ thống, xã hội là một hệ thống các thiết chế phụ thuộc lẫn nhau và tham gia tạo nên sự bền vững của tổng thể. Xã hội hoá là quá trình phổ biến những chuẩn mực, giá trị mà xã hội mong đợi ở mỗi cá nhân để từ đó các cá nhân có thể duy trì một xã hội trật tự. Như vậy, xã hội hoá được xem như một quá trình khoác chiếc áo xã hội lên mỗi cá nhân, hay quá trình tái tạo văn hóa ở các thế hệ.

Theo quan điểm cấu trúc chức năng, quá trình xã hội hoá như vậy là cần thiết để duy trì sự ổn định xã hội, và xã hội hoá được xem như một chức năng tồn tại của xã hội, quyết định sự cân bằng của cả hệ thống xã hội. Mỗi cá thể với tư cách là một thành viên của xã hội cần phải được xã hội hoá để hiểu một cách đầy đủ về vai trò của mình trong các nhóm xã hội cụ thể. Yêu cầu cấu trúc của các nhóm xã hội được hiện thực hoá thông qua các cá nhân.

Từ quan điểm này, chúng ta cũng có thể thấy rằng trong quá trình xã hội hoá, xã hội có vai trò quan trọng hơn và chi phối hành động của cá nhân. Emile Durkheim cho rằng, xã hội là một thực thể tồn tại ngoài cá nhân và trên cá nhân, nó ép buộc và hình thành nên chính cuộc sống của mỗi cá nhân. Trong các tác phẩm của mình, Talcott Parsons  nhấn mạnh đến ưu tiên đối với vấn đề trật tự xã hội. ông cho rằng, trật tự xã hội phải được giữ vững bằng xã hội hoá và quá trình kiểm soát xã hội. Sự ràng buộc và chi phối của xã hội ảnh hưởng đến cách mà mỗi cá nhân thực hiện quá trình xã hội hoá của mình, chính vì lẽ đó, các cá nhân sinh ra trong các môi trường xã hội hoá khác nhau sẽ chịu những chi phối khác nhau, đòi hỏi đóng những vai trò, vị trí xã hội khác nhau, và kết quả là, họ trải qua các quá trình xã hội hoá khác nhau để đảm bảo những vai trò xã hội tương ứng của họ trong một cấu trúc xã hội tương ứng. Đó chính là sự tái tạo văn hóa để đảm bảo sự vận hành cấu trúc xã hội. Hệ thống giáo dục được xem là hệ thống xã hội hoá quan trọng để các cá nhân thực hiện được những mong đợi của xã hội, đáp ứng việc duy trì trật tự xã hội hiện hành.

v         Thuyết hành động xã hội 

Nhiều nhà khoa học không đồng tình với cách giải thích xã hội hoá của lý thuyết cấu trúc chức năng do nó cung cấp một bức tranh khá tĩnh về xã hội, trong đó chúng ta không thấy được những mối xung đột ngầm ẩn. Họ cho rằng, tiếp cận chức năng quá nhấn mạnh vào bản chất được quy định của quá trình xã hội hoá đã dẫn đến sự thiếu hụt và nhìn nhận đơn giản tính cách và hành vi của con người. Vì vậy, họ đã đề xuất một hướng tiếp cận mới bổ sung cho những thiếu sót trên, đó là lý thuyết hành động xã hội.

Lý thuyết hành động xã hội tập trung chú ý vào cách các cá nhân vận dụng và thể hiện những quy ước xã hội. Lý thuyết hành động xã hội cho rằng các quy luật văn hóa liên tục được thiết lập và tạo ra như là kết quả của những chọn lựa và quyết định của cá nhân chứ không phải là các yếu tố của hành động cá nhân. Điều này không có nghĩa là hoàn toàn xem nhẹ tầm quan trọng của xã hội hoá. Các xã hội giữ được tính bền vững nhờ quá trình này. Tuy nhiên, từ quan điểm lý thuyết hành động xã hội, xã hội hoá không bao giờ chỉ đơn giản là vấn đề tiếp thu các quy luật xã hội có sẵn. Về bản chất, xã hội hoá cũng là một phương tiện tạo ra sự thay đổi do con người học được hành vi chứ không phải hành vi được xã hội khoác lên con người. Đó là một phần lý do giải thích tại sao những người có cùng môi trường xã hội hoá giống nhau lại hình thành nên các kết quả khác nhau.

Như vậy, thuyết hành động xã hội thấy được vai trò tích cực, sáng tạo và khả năng đổi mới của cá nhân trong quá trình xã hội hoá, nhấn mạnh tính linh hoạt và biến đổi của tương tác xã hội. Xã hội hoá theo đó là quá trình phức hợp trong suốt cuộc đời và vai trò sinh ra từ tương tác xã hội chứ không phải là sự tuân thủ tuyệt đối từ một số hệ giá trị xã hội trung tâm.

v              Thuyết tương tác tượng trưng

Thuyết tương tác tượng trưng nhấn mạnh tới tính đa dạng của các vai trò xã hội trong các nền văn hóa, cách thức mà các qui luật xã hội và các đặc tính xã hội được các cá nhân xây dựng nên thông qua sự tác động qua lại của họ. Như vậy, theo quan điểm của thuyết tương tác tượng trưng, chúng ta xác định được chúng ta là ai thông qua việc giải nghĩa những phản ứng của người khác đối với những hành động của chúng ta. Tính đa dạng của đời sống xã hội và tính linh hoạt có sáng tạo của đời sống xã hội là các chủ đề trung tâm của thuyết tương tác tượng trưng.

 Các nhà lý thuyết tương tác tượng trưng như G.H. Mead, C.H. Cooley và W.I. Thomas đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giai đoạn đầu của quá trình xã hội hoá đối với sự phát triển các kỹ năng xã hội và tinh thần của cá nhân. Ngôn ngữ tượng trưng, những nhận thức và ngữ nghĩa gần trong việc sử dụng ngôn ngữ chỉ có thể học được thông qua quá trình xã hội hoá. Họ cũng cho rằng đây không phải là quá trình một chiều và sự thay đổi có thể xảy ra đối với từng cá nhân. Giữa quá trình tiếp thu và sự tự phát triển tư duy và suy luận có một mối quan hệ gần gũi, có nghĩa là cá nhân có cá tính và khả năng suy nghĩ một cách linh hoạt. Các cá nhân suy nghĩ về những hành động của bản thân và cách mà những người khác phản ứng lại những hành động đó. Mead cho rằng cá nhân bị ảnh hưởng mạnh bởi những phản ứng của người khác và chính vì vậy, anh ta là sản phẩm của xã hội. Tuy nhiên, anh ta cũng có thể là xuất phát điểm của các hành động và đổi mới ý thức. Một cá nhân càng trưởng thành càng tự nhận thức được hành vi của mình và vì vậy họ học hỏi ít bị động hơn.

v    Các cách giải thích tâm lý học

Tâm lý học cũng rất quan tâm đến quá trình xã hội hoá theo cách hiểu đây là một quá trình phát triển nhân cách, nhận thức của con người. Một số nhà nghiên cứu tâm lý như Sigmund Freud, Erik Erikson, Jean Piaget, Lawrence Kohlberg,… quan tâm đến mối quan hệ giữa bản chất sinh học và tác động của xã hội đến sự hình thành nhân cách và nhận thức của con người từ khi sinh ra đến khi lớn lên. Sigmund Freud cho rằng nhân cách được tạo nên bởi ba nhân tố: cái nó, cái tôi và cái siêu tôi, trong đó: 1/ cái nó (id) cung cấp những động lực sinh học vô thức; 2/ cái tôi (ego) là cái trung gian giữa những yêu cầu xã hội được mỗi cá nhân tiếp thu và cái nó; 3/ cái siêu tôi (super-ego) là những yêu cầu của xã hội. ông cho rằng ba yếu tố trên ảnh hưởng tới con người theo các mức độ khác nhau ở những giai đoạn phát triển nhân cách khác nhau.

Erik Erikson, một Freud mới, lại chuyển trọng tâm chú ý của mình từ ba động lực như trên đã nói sang chủ yếu quan tâm đến thế giới duy lý của cái tôi. Jean Piaget quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển nhận thức của đứa trẻ, qua sự phát triển khả năng nhận biết và cảm nhận. Lawrence Kohlber xác định ba mức độ phát triển đạo đức: tiền qui ước, quy ước, và hậu quy ước

Nói chung, khác với các nhà xã hội học, các nhà tâm lý học giải thích quá trình xã hội hoá từ sự phát triển của nhân cách và nhận thức, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố sinh học.

*

*   *

Trên thực tế, xét ở một khía cạnh nhất định, xã hội hoá tồn tại ở tất cả các quan hệ xã hội. Do chúng ta chỉ có thể chấm dứt liên quan đến các quan hệ xã hội khi đời sống của chúng ta kết thúc, xã hội hoá phải được nhìn nhận như một quá trình tất yếu, suốt đời. (Thậm chí khi chết, chúng ta vẫn còn là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể. Vì thế, chúng ta vẫn còn phải tuân thủ những tiêu chuẩn mà nhóm xã hội trông đợi ở chúng ta.)

Xã hội hoá liên quan đến các khái niệm về chuẩn mực và giá trị. Mối quan hệ giữa chuẩn mực, giá trị và xã hội hoá là hết sức rõ ràng. Trong khi các chuẩn mực và giá trị qui định những quy luật của xã hội thì thông qua xã hội hoá, các cá nhân có thể tiếp thu được những chuẩn mực và giá trị của những người khác, học được cách coi các qui luật và truyền thống của xã hội mình đang sống là đúng đắn.

Dù xã hội hoá là quá trình chịu ảnh hưởng lớn từ xã hội, quá trình xã hội hoá vẫn không giam cầm sự tự do cá nhân. Các cá nhân vẫn có thể chấp nhận hay không chấp nhận sự xã hội hoá, thậm chí đôi khi còn cố gắng thay đổi xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1.     Bilton, T. Bonnett, K.,... 1993. Nhập môn xã hội học. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, H.

2.     Elkin, Howard S., and Gerald Handel, 1984, The child and Society: The Process of Socialization (4th ed.). New York: Random House.

3.     Ericson, Erik, 1964. Childhood and Society (rev. ed). New York: Norton.

4.     Freud, Sigmund, 1962. Civilization and Its Content. New York: Norton.

5.     Koller, Marvin R., and Oscar W. Ritchie, 1978. Sociology of Childhood. Englewood Cliffs. NJ.: Prentice-Hall.

6.     Piaget, Jean, and Barbel Inhelder, 1969. Psychology of the Child. New York: Basic Books.

7.     Popenoe, D., 1986. Sociology, sixth edition,  Englewood Cliffs. NJ.: Prentice-Hall.

8.     Rose, Peter I., ed. 1979. Socialization and the Life Cycle. New York: St. Martin’s Press.