Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào

Vậy là cũng được hơn bốn tháng sau ngày mình bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp, đặt một dấu chấm cuối cùng trên trang sách ghi lại chặng đường bốn năm đại học của mình. Khoá luận của mình làm về lĩnh vực ứng dụng thị giác máy tính vào thương mại điện tử , tựa của bài nghiên cứu là A proposed content based image retrieval system for SME E-Commerce website, bài nghiên cứu này đạt tổng điểm là 9, qua đó giúp mình tốt nghiệp cử nhân ngành Thương mại điện tử của trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM. Ở bài viết này, mình muốn ghi lại chặng đường và những bài học mà mình đã học được trong suốt quá trình làm khoá luận.

1. Tại sao mình phải làm khoá luận tốt nghiệp (KLTN)?

Trước tiên, để hiểu được tại sao mình cần phải làm KLTN thì chúng ta cần hiểu KLTN là gì. Về bản chất thì KLTN giống như một đồ án cuối khoá của sinh viên, để tổng hợp lại các kiến thức, kĩ năng của bản thân trong suốt quá trình học đại học, từ đó họ có thể áp dụng chúng vào việc thực hiện một bài nghiên cứu hàn lâm và mang tính khoa học cao, kết quả của quá trình nghiên cứu này là một KLTN, chung quy lại KLTN của sinh viên trường mình có thể coi như là một bài nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh.

Theo quy định của khoa mình thì sinh viên có quyền được chọn làm KLTN với một số điều kiện nhất định về điểm số và thành tích học tập, tuy nhiên, sinh viên cũng có thể chọn học các môn thay thế để bù đắp vào 6 tín chỉ KLTN, ở khoá của mình thì gần như 80% các bạn sinh viên chọn học môn thay thế (môn chuyên đề), vậy thì tại sao mình chọn làm khoá luận?

Mình chọn làm KLTN vì hai nguyên nhân:

  • Thứ nhất là mình muốn một lần thử sức làm một bài nghiên cứu hoàn chỉnh, để xem là mình có thực sự hiểu và áp dụng được những thứ mình học vào thực tế hay không.
  • Thứ hai là vì mình học chương trình đào tạo đặc biệt của ngành mình, gọi là hệ Cử nhân tài năng, ở hệ này thì một trong những điều kiện tiên quyết để tốt nghiệp là bắt buộc phải hoàn thành KLTN bằng tiếng Anh.

Từ hai lý do trên đã đưa đẩy mình vào chặng đường gần 6 tháng với cột mốc đáng nhớ cũng như những điều mình đúc kết ra được mà mình sẽ trình bày ở bên dưới.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào
Hình: Mình ở ngày bảo vệ 2021

2. Quá trình mình làm khoá luận tốt nghiệp

Trước khi đi vào hành trình làm KLTN của mình, mình muốn cung cấp cho các bạn hai thông tin chính, thứ nhất là về thời gian của học kì 8 – học kì cuối cùng trong 4 năm học của mình, và cũng là học kì mình phải thực hiện KLTN. Cái thứ hai là hoàn cảnh của mình trong lúc làm:

  • Thứ nhất là về thời gian: nếu các bạn đọc series 2 bài về Hành trình từ mất gốc đến 6.5 IELTS Academic, bạn sẽ biết rằng là mình hoàn thành kì thi IELTS – một trong những điều kiện tiên quyết để tốt nghiệp vào đầu tháng 12/2020. Và sau một chuỗi ngày vật lộn với tiếng anh, mình dự tính sẽ nghỉ xả hơi vài tháng để ôn lại kiến thức trước khi bắt tay vào việc đi thực tập và làm KLTN.
  • Thứ hai là hoàn cảnh lúc mình làm KL, đợt đấy mình đi thực tập full-time ở một công ty đa quốc gia từ thứ 2 đến thứ 6, thời gian thực tập kéo dài sáu tháng từ tháng 02/2021 đến tháng 08/2021.

Để các bạn dễ hình dung, mình đính kèm chương timeline của trường mình bên dưới, lưu ý mình là sinh viên khoá 17 (K17)

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào
Hình: Timeline thực hiện khoá luận tốt nghiệp K17

Ở học kì cuối cùng trong bốn năm Đại học, tụi mình cần phải làm hai chuyện, thứ nhất là hoàn thành báo cáo thực tập ít nhất hai tháng ở một công ty trong lĩnh vực, sau đó thì sẽ được khoảng 2 tháng nữa để hoàn thành KLTN, lý do mà Khoa sắp xếp như vậy vì thường thì KLTN của sinh viên khoa mình thường theo hai hướng:

  • Hướng đầu tiên đó là sinh viên đó sẽ đi làm vào khoảng cuối tháng 1 đến tháng 3 để hoàn thành báo cáo thực tập, sau đó sẽ có hai tháng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 để làm khoá luận. Báo cáo của sinh viên theo hướng này thường là họ sẽ làm một dự án gì đó trong công ty, sau đó nộp cho báo cáo thực tập, rồi 2 tháng cuối sẽ dành thời gian phát triển dự án này lên để đưa nó thành khoá luận tốt nghiệp. Đây là dạng phổ biến hơn cả ở khoa mình, các bài nghiên cứu của dạng này thường theo các hướng như: “Áp dụng quy trình ABC vào công ty XYZ”, “Nghiên cứu hành vi sử dụng hệ thông X tại công ty Y” …
  • Hướng thứ hai ít phổ biến hơn, hướng này có khung thời gian như hướng trên, tuy nhiên nếu sinh viên chọn cách này để làm thì họ sẽ làm một bài khoá luận TÁCH BIỆT hoàn toàn với báo cáo thực tập. Nghĩa là trong vòng hơn 4 tháng sinh viên đó phải làm hai báo cáo khác nhau, theo mình quan sát thì cách làm này thường sẽ khó khăn hơn và áp lực hơn, và đây là cách mà mình đã chọn cho bài nghiên cứu của mình. Lý do mình chọn cách này là vì thời gian mình thực tập ở công ty khá gấp, trừ đi các tuần training và làm quen với môi trường thì project đầu tiên mình làm là xây dựng một hệ thống trên nền tảng Microsoft SharePoint, nó không mang nhiều ý nghĩa về mặt hàn lâm học thuật cũng như nghiên cứu.

Và với hoàn cảnh đó thì mình bắt tay vào làm thôi, sau một quá trình tìm tòi và tích luỹ kinh nghiệm từ những bài Nghiên cứu khoa học ở năm nhất và năm ba, mình rút ra được một quy trình làm KLTN phù hợp với bản thân như sau:

  • Bước 1: Xác định hướng nghiên cứu và viết đề cương.
  • Bước 2: Tìm giảng viên hướng dẫn phù hợp
  • Bước 3: Trao đổi với giảng viên về tính khả thi, tính mới cũng như khả năng của bản thân với đề tài được chọn.
  • Bước 4: Làm khảo lược nghiên cứu (literature review) thật kĩ để có bức tranh tổng thể về chủ đề nghiên cứu
  • Bước 5: Thực nghiệm và học cách viết học thuật (academic writing)
  • Bước 6: Nhận góp ý và bảo vệ

Ở phần tiếp theo mình sẽ nói rõ từng phần cho các bạn dễ hình dung.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào
Hình: Khoá luận tốt nghiệp lưu trữ ở thư viện

3. Từ ý tưởng đến sản phẩm

3.1. Ý tưởng

Để nghiên cứu một vấn đề gì đó, đầu tiên mình đã đọc rất nhiều để tìm ra một chủ đề vừa sức mình và mang tính khả thi cao. Nhớ những ngày đầu tiên làm, mình chọn một chủ đề về hệ thống điểm danh khi đang đeo khẩu trang tại phòng Lab trường mình, tuy nhiên sau nhiều lần trao đổi với giảng viên hướng dẫn (GVHD) về tính mới, thì thầy có đề xuất thêm cho mình một ý tưởng về hệ thống tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, gần như lúc đấy kiến thức của mình về mảng này là con số 0, nhưng mình cũng mang nó về nhà để tìm hiểu tính khả thi của nó.

Ngoài lề nữa là để tìm được ý tưởng thì mình nghĩ là trong suốt 4 năm đại học của các bạn, hãy làm NCKH khi có thể, việc làm nghiên cứu sẽ giúp các bạn đọc nhiều hơn, vì đọc và bóc tách thông tin là kĩ năng mà mình thấy sinh viên chúng mình cực kì thiếu. Việc đọc nhiều sẽ giúp các bạn có cái nhìn rộng hơn về ngành, hiểu sâu hơn các môn học mà chúng mình được học ở trường, biết đâu được một ngày nào đó ý tưởng sẽ loé lên trong đầu sau khi bộ não chúng ta xâu chuỗi những kiến thức mà ta đã tích luỹ được.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào
Hình: Ngày mình bảo vệ trước hội đồng

3.2. Làm khảo lược nghiên cứu (Literature review)

Sau khi nhận được ý tưởng đến từ thầy, thứ duy nhất mình mang về nhà đó là bốn chữ “tìm kiếm hình ảnh”. Mình bắt đầu lên các trang mạng tra xem đã có ai làm về vấn đề này chưa, xem các từ khoá trong ngành nói về vấn đề này là gì, mình đã đọc khá nhiều, mất gần một tuần để mình tìm ra được các keyword quan trọng trong hướng mà mình sẽ làm đó là “Visual Search” và “Image based retrieval system”. Đây là hai từ khoá cực kì quan trọng, nó là những từ được giới khoa học dùng khi nói về hệ thống này, nó như một chiếc chìa khoá giúp mình mở ra kho tàng tri thức của mảng nghiên cứu này. Dưới đây là một template mẫu mà mình dùng để trích xuất thông tin từ các bài nghiên cứu đó.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào
Hình: Template để tìm hiểu khảo lược nghiên cứu

Lần đầu tiên đọc vào các bài nghiên cứu của những người đi trước, mình chắc chỉ hiểu được 10% vì mình thiếu những kiến thức cơ bản về toán cho khoa học dữ liệu, những thứ được coi là xương sống và nền tảng cho những bài này. Tuy nhiên vì deadline nằm ở trước mắt, nên mình quyết tâm là không bỏ cuộc, mình vẫn chai lì đọc đi đọc lại, đãi cát tìm vàng, chạy thử code của họ, thử hàng trăm cách khác nhau.

3.3. Thực nghiệm

Sau khi đọc và tóm tắt rất nhiều bài, mình dần hiểu ra quy trình để xây dựng một hệ thống tìm kiếm hình ảnh là như thế nào, các mô hình học máy nào thường được sử dụng để xây dựng các hệ thống này, họ có những bài toán nào cần giải quyết. Ví dụ như lúc đọc đến hệ thống Visual Search của JD.com và Alibaba, mình rất kinh ngạc khi họ xây dựng một hạ tầng cực kì khủng cho bài toán indexing hình ảnh, hay việc dùng các mô hình tìm kiếm như Faiss của Facebook để truy xuất kết quả nhanh nhất.

Nói tóm lại là mình hiểu rất nhiều điều từ việc đọc, bước tiếp theo là mình thử xem mình sẽ áp dụng chúng vào bài nghiên cứu của mình như thế nào. Vì mình nhận thấy là đa số các bài báo về lĩnh vực này đều chủ yếu xây dựng cho các doanh nghiệp lớn – nơi mà chi phí cho hạ tầng không phải là vấn đề lớn, nên mình đã chọn là sẽ xây dựng một mô hình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ – các doanh nghiệp này cần một hệ thống vừa có hiệu năng tốt, vừa có giá thành duy trì hệ thống vừa phải. Sau nhiều lần thử và sai, mình cũng đã xây tạm được một cái website tích hợp chức năng này vào, nó trông giống vậy nè:

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào

3.4 Viết bài nghiên cứu

Nếu các bạn đã từng làm nghiên cứu, các bạn sẽ hiểu được rằng là cách trình bày một bài nghiên cứu khoa học bằng Tiếng Anh nó rất khác so với cách chúng ta nói, hay những email trong công việc.

Mình ví dụ như để diễn tả tả một sự đồng ý về một luận điểm nào đó, thông thường ta sẽ dùng nguyên văn câu “I certainly agree with that argument.”, nhưng ở academic writing họ lại dùng các từ mang tính formal hơn “That is a compelling argument.”. Sự khác biệt ở đây đó là đại tự nhân xưng đã chuyển từ chủ quan sang khách quan.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào

Trên đây chỉ là một số ví dụ đơn giản, dù đã cố gắng thi xong chứng chỉ IELTS Academic trước khi làm, nhưng lúc bắt tay vào viết khoá luận mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc viết một cách học thuật, mình phải liên tục đọc các paper (bài báo khoa học), đọc thêm các sách hướng dẫn về academic writing, coi qua các cụm từ hay sử dụng trong nghiên cứu học thuật, dưới đây là một số nguồn mình đã học và đọc qua:

  • Series Academic Writing
  • Lipson, C. (2018). How to write a BA thesis: A practical guide from your first ideas to your finished paper. University of Chicago Press.
  • Schimel, J. (2012). Writing science: how to write papers that get cited and proposals that get funded. OUP USA.

3.5 Bảo vệ trước hội đồng

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào

Tuỳ vào quy định của khoa và trường các bạn đang học thì sẽ có những quy định riêng về chấm điểm và bảo vệ trước hội đồng. Tuy nhiên ở khoa mình, điểm số của KLTN sẽ là trung bình cộng của 5 thầy cô bao gồm:

  • Thầy hướng dẫn của mình (1)
  • Thầy/Cô phản biện qua mẫu có sẵn và sẽ gửi ra hội đồng trước ngày bảo vệ. (2)
  • Ba thầy cô sẽ trực tiếp hỏi mình vào ngày bảo vệ, bên cạnh đó những thầy cô này sẽ đại diện đọc nhận xét và câu hỏi phản biện từ (1) và (2)

Mình vẫn nhớ ngày mình bảo vệ là ngày 16/05/2021, trước đó thì mình đã có một khoảng thời gian rất áp lực, vì mình vừa phải đi làm full-time, nên chỉ có khoảng thời gian cuối tuần dành cho khoá luận, những ngày trong tuần thì mình tranh thủ buổi tối để làm thêm, tuy nhiên gần như năng lượng của bản thân đã dành cho công việc cả, nên việc nghiên cứu cũng không đạt hiệu suất 100% được.

Trước ngày bảo vệ, mình xin nghỉ thứ 6 và hai ngày cuối tuần, dành toàn bộ thời gian để viết bài và hoàn chỉnh KLTN, đêm trước khi mình ra hội đồng, lúc đó khoảng 9h tối, mình vẫn đang ở công ty để gặp thầy hướng dẫn qua video call, mặc dù chưa thực sự tự tin về kết quả của mình làm ra, nhưng thầy luôn động viên mình, nó giúp mình tin tưởng vào khả năng của bản thân hơn và cố gắng thể hiện thật tốt trước hội đồng.

Ngày bảo vệ, mình cố gắng trình bày những kết quả và quá trình nghiên cứu thật ngắn gọn và đầy đủ nhất có thể, hội đồng sẽ tập trung vào đọc bài của bạn và sẽ chuẩn bị nhiều câu hỏi, nên hãy luôn cẩn thận với mỗi một dòng, một câu, một cái chấm phẩy trong bài viết của mình, phải thực sự hiểu tại sao nó ở đó. Với những câu hỏi quá khó hoặc nằm ngoài tầm hiểu biết, hãy chân thành nhận trách nhiệm về sự thiếu sót kiến thức của bản thân, bên cạnh đó hãy cố gắng coi buổi bảo vệ này như một buổi trao đổi, ghi nhận góp ý từ những người thầy, người cô của mình, từ đó có thể hoàn thiện đứa con tinh thần của mình hơn.

4. Tổng kết

Quá trình làm khoá luận tốt nghiệp là một quá trình gian nan và tốn rất nhiều thời gian để làm việc, đây gần như là một trong những đứa con tinh thần cuối cùng thời đại học của mỗi sinh viên, là một niềm tự hào khi viết vào CV khi đi tìm việc. Hơn hết, những kiến thức và kĩ năng về tự học và tự nghiên cứu là một trong những hành trang to lớn giúp mỗi chúng ta tự tin bước vào môi trường công việc.

Gần 6 tháng kể từ khi lên ý tưởng cho đến bảo vệ KLTN thành công, mình đúc kết được một vài bài học rất quý cho bản thân, cũng như cho các thế hệ đi sau:

  • Về quản lý thời gian:
    • Đi làm: khó khăn lớn nhất mình gặp phải đó là thời gian thực tập của mình nó kéo dài xuyên suốt quá trình làm KLTN, nó gần như lấy đi rất nhiều năng lượng và sự tập trung của bản thân, nếu hoàn cảnh không thực sự bắt ép bạn phải làm điều này, hãy sắp xếp sao cho thật hợp lý, và tốt hơn hết là hãy dành toàn thời gian của mình cho việc làm KLTN.
    • Gặp gỡ giảng viên hướng dẫn: đây là một điều cực kì quan trọng, hãy lập ra một kế hoạch cụ thể từ buổi gặp đầu tiên đến cuối cùng, ít nhất mỗi tuần hãy xin góp ý từ giảng viên một lần. Một mặt vừa giúp cải thiện bài làm của bạn, gỡ rối những chỗ khúc mắc, một mặt lại giúp cho mối quan hệ giữa bạn và giảng viên càng thêm gắn kết, rất tốt cho tương lai sau này.
  • Về mặt nghiên cứu và bảo vệ:
    • Phải luôn đọc thật nhiều, nguyên tắc của mình là trước khi viết một bài, phải đọc ít nhất mười bài. Trong lúc đọc thì tập cách đọc chủ động và trích xuất thông tin tối đa, bên cạnh đó cũng học luôn cách viết của người ta.
    • Luôn tìm các phương án thực nghiệm khả thi và thử nó, thử đến khi nào bạn hết còn có thể thử thì thôi. Kết quả khoá luận của mình là một chuỗi ngày thử liên tục các mô hình, đoạn code từ rất nhiều project trên thế giới, cuối cùng sau những lần đó, mình đã ngộ ra những thứ phù hợp với KL của mình.
    • Trong quá trình đi học đại học, hãy luôn tìm hiểu ở tầng sâu nhất có thể của kiến thức môn bạn học, đọc hết sách giáo trình, rút trích thông tin tối đa, vì đôi lúc một vài keyword mà bạn đã đọc qua ở một giáo trình nào đó sẽ cứu bạn ở một bài đồ án to như khoá luận đấy.
    • Phải thật chủ động và có trách nhiệm: đầu tiên là việc chủ động, hãy cố gắng hoàn thành bài làm của bạn và đi xin góp ý từ nhiều thầy cô nhất có thể càng tốt, mỗi một góp ý là một lần bạn soi chiếu lại bài của mình, từ đó bạn sẽ cảm nhận được những trách nhiệm của bản thân mình trong việc hoàn thiện nó.

Trên đây là một vài điều tổng kết một trong những đề tài, dự án lớn nhất thời đại học của mình. Một đề tài mà mình chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản thân, một cột mốc đánh dấu sự kết thúc của hơn 130 tín chỉ đại học, cảm ơn bản thân đã cố gắng rất nhiều, cảm ơn những người luôn bên cạnh và động viên mình những lúc mình khó khăn nhất. Chúc tất cả các bạn độc giả đã đọc đến đây thật nhiều sức khoẻ và luôn thành công trong những dự án của riêng bạn.

Báo cáo thực tập và khóa luận tốt nghiệp khác nhau như thế nào