Bình luận về nghị quyết trung ương 4 năm 2024

Dự̣ thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng khóa XII nêu rõ: “Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, đưa tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên trong Đảng…”.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương cũng nhìn nhận: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong quá trình chuẩn bị kiểm điểm, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý cho cấp trên (nhất là cho cá nhân), chất lượng còn hạn chế. Một số đồng chí chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực được giao phụ trách. Nhìn chung, khuyết điểm khá phổ biến là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. (...) Một số quy định, quy chế để triển khai thực hiện Nghị quyết chậm được ban hành, một số vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân chậm được xem xét, xử lý. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi”.

Những tồn tại đó cần phải có sự tập trung, nỗ lực cao độ mới có thể khắc phục triệt để.

Từ thực tế thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở cơ sở, xin nêu một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, trước hết, cần làm cho toàn thể đảng viên trong đảng bộ, chi bộ nhận thức rõ khái niệm suy thoái là gì, những biểu hiện và mức độ khác nhau của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, khắc phục những nhận thức không đúng về suy thoái, coi suy thoái như là một sai phạm nặng nề, thậm chí hư hỏng, không thể chấp nhận được. Cũng cùng một sự việc như nhau, nếu cho đó là khuyết điểm thì thừa nhận, còn cho đó là suy thoái thí tìm cách chống chế. Những nhận thức đó nếu không được khắc phục sẽ làm hạn chế cho bước kiểm điểm tập thể và cá nhân sau này.

Thứ hai, bước kiểm điểm tập thể cấp ủy, đảng bộ, chi bộ có vị trí hết sức quan trọng. Nếu bước kiểm điểm tập thể chỉ ra được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không những làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tập thể mạnh lên mà còn tạo cơ sở và tiền đề thuận lợi cho bước kiểm điểm cá nhân. Tuy nhiên, có một số nơi sau khi kiểm điểm tập thể đã vội đưa ra kết luận không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trên thực tế, hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, các cấp ủy không tìm ra “một bộ phận không nhỏ suy thoái”, như vậy “một bộ phận” đó nằm ở đâu?

Thứ ba, bước kiểm điểm cá nhân có ý nghĩa quyết định. Muốn khắc phục tình trạng suy thoái trong Đảng phải khắc phục cụ thể ở từng cá nhân cấp ủy viên và đảng viên. Nhìn chung, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều đảng viên thông qua bước kiểm điểm cá nhân đã thành khẩn tự phê bình và phê bình, liên hệ sâu sắc những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bản thân và đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, nếu nơi nào người đứng đầu, cấp ủy viên không thực sự làm gương trong tự phê bình và phê bình, đảng viên còn e dè, nể nang theo kiểu “nhẹ người nhẹ ta”... thì những nơi đó việc kiểm điểm cá nhân thường không đạt yêu cầu. Do đó, việc kiểm điểm cá nhân phải đạt kết quả thực chất.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự kết hợp giữa xây và chống, lấy xây làm chính. Vì mục tiêu cao nhất của Nghị quyết Trung ương 4 là làm cho Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, từ tập thể đến cá nhân phải có chương trình hành động cụ thể, nội dung và giải pháp khả thi về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Định kỳ, kiểm điểm kết quả thực hiện, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tránh làm hình thức, theo kiểu phong trào, thời gian đầu sôi nổi, sau đó dần dần bị lãng quên.

Thứ năm, để việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đạt được kết quả như mong đợi, cần khắc phục cho được 3 lực cản. Một là, bệnh thành tích, sợ vạch ra khuyết điểm sẽ bị cấp trên đánh giá thấp, không được biểu dương, không được công nhận đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Hai là, thái độ thiếu mạnh dạn tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, e ngại nói ra khuyết điểm sợ bị tập thể đánh giá thấp về mình, nên chăng khuyết điểm tự mình biết, tự mình sửa chữa. Cách suy nghĩ này rất tai hại. Người có lỗi mà không vạch ra khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc sẽ làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Ba là, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, dẫn tới hậu quả bằng mặt không bằng lòng, trong hội nghị không nói, ra khỏi hội nghị thầm thì, chỉ trích lẫn nhau... Mỗi cấp ủy viên, mỗi đảng viên phải chủ động và tích cực khắc phục 3 lực cản này thì việc thực hiện Nghị quyết mới đạt kết quả.

Tóm lại, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là cách để mỗi đảng viên và mỗi tổ chức đảng khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, từ đó hoàn thiện cá nhân mỗi đảng viên và xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Do đó, mỗi cá nhân phải nhận thức đúng đắn về các hoạt động này và chủ động thực hiện một cách tích cực!