Các phương pháp xác định lượng của vật chất

Mục lục bài viết

  • 1. Phương pháp là gì ?
  • 2. Khái niệm phương pháp luận
  • 3. Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn
  • 3.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện
  • 3.2 Nội dung của nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn
  • 4. Nguyên tắc phát triển trong nhận thức và thực tiễn
  • 4.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc
  • 4.2 Nội dung của nguyên tắc
  • 5. Nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong nhận thức và thực tiễn
  • 5.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc
  • 5.2 Bản chất của nguyên tắc
  • 5.3 Nội dung của nguyên tắc
  • 6. Mối liên hệ giữa các nguyên tắc phương pháp luận trên

1. Phương pháp là gì ?

Phương pháp chính là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ tri thức về các quy luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu nhất định; là cách thức xây dựng và tạo lập cơ sở cho các hệ thống triết học và tri thức khoa học; là tổng số cách tiếp nhận và các hành động chinh phục thế giới hiện thực bằng lý luận hay thực tiễn.

2. Khái niệm phương pháp luận

Phương pháp luận là hệ thống những quan điểm, những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo chủ thể trong việc xác định phương pháp cũng như trong việc xác định phạm vi, khả năng áp dụng chúng một cách hợp lý, có hiệu quả tối đa.

Trong thực tiễn, để đạt được mục đích đề ra con người có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết một công việc nào đó, gọi là sự lựa chọn phương pháp. Sự lựa chọn này phải trải qua một hoặc nhiều quá trình và phương pháp được lựa chọn có thể đúng, có thể sai. Xuất hiện vấn đề xác định được phương pháp đúng, khoa học và phương pháp sai, chưa khoa học, từ đây xuất hiện nhu cầu tri thức đúng về phương pháp và đó cũng là lý do để khoa học về phương pháp, tức là lý luận về phương pháp hay còn gọi là phương pháp luận ra đời.

Như vậy, phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là khoa học về phương pháp. Có một số câu hỏi đặt ra là: "Nhiệm vụ của phương pháp luận là giải quyết những vấn đề như phương pháp là gì? Bản chất, nội dung, hình thức của phương pháp ra sao? Phân loại phương pháp cần dựa vào những tiêu chí gì? Vai trò của phương pháp trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn?..." Điều này chứng tỏ vai trò tiền đề của phương pháp luận, cho phép đánh giá các phương pháp từ góc độ tính chân thực, tính hiệu quả của chúng.

3. Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn

3.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện

Cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện chính là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của phép biện chứng duy vật, theo đó, các sự vật, hiện tượng tồn tại trong sự tác động qua lại, chuyển hoá lẫn nhau và tách biệt nhau.

3.2 Nội dung của nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và thực tiễn

- Nguyên tắc toàn diện trong sự đối lập với chủ nghĩa chiết trung và thuật nguỵ biện, phản ánh mối liên hệ chủ yếu để rút ra những mặt, những mối liên hệ tất yếu của sự vật, hiện tượng đó; nhận thức chúng trong sự thống nhất hữu cơ nội tại bởi chỉ có như vậy, nhận thức mới có thể phản ánh được đầy đủ nhất sự tồn tại khách quan với nhiều thuộc tính, nhiều mối liên hệ, quan hệ và tác động qua lại của các khách thể nhận thức.

- Nguyên tắc toàn diện xem xét mối liên hệ gắn với nhu cầu thực tiễn; không viển vông, ảo tưởng bởi mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng với nhu cầu của con người rất đa dạng, trong mỗi hoàn cảnh, chỉ phản ánh được mối liên hệ nào đó phù hợp với nhu cầu của con người nên nhận thức về sự vật, hiện tượng cũng mang tính tương đối, không đầy đủ, không trọn vẹn. Nắm được điều đó, sẽ tránh được việc tuyệt đối hoá những tri thức đã có, xem đó là những chân lý bất biến, tuyệt đối mà không bổ sung, không phát triển. Chỉ có như vậy mới thấy được vai trò của các mặt trong từng giai đoạn cũng như của toàn bộ quá trình vận động, phát triển của từng mối quan hệ cụ thể của sự vật, hiện tượng.

- Nguyên tắc toàn diện xem xét mối liên hệ đồng bộ; không cục bộ, phiến diện; nghĩa là trong thực tiễn, phải áp dụng đồng bộ một hệ thống các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động làm thay đổi các mặt, các mối liên hệ tương ứng của sự vật, hiện tượng. Song trong từng bước, từng giai đoạn phải nắm đúng khâu trọng tâm, then chốt để tập trung lực lượng giải quyết, tránh dàn trải.

- Nguyên tắc toàn diện dự báo được khả năng vận động, phát triển; tránh trì trệ, bảo thủ.

4. Nguyên tắc phát triển trong nhận thức và thực tiễn

4.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc

Về cơ sở lý luận của nguyên tắc phát triển trong nhận thức và thực tiễn là nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng duy vật.

Theo đó, phát triển là một phạm trù dùng để khái quát quá trình vận động đi lên; là một hình thức của vận động và trong sự phát triển, sẽ nảy sinh những tính quy định mới, cao hơn về chất, nhờ đó làm cho cơ cấu tổ chức, phương thức tồn tại và vận động của sự vật, hiện tượng cùng chức năng vốn có của nó ngày càng hoàn thiện hơn.

4.2 Nội dung của nguyên tắc

- Nguyên tắc phát triển yêu cầu, khi xem xét sự vật, hiện tượng, phải đặt nó trong trạng thái vận động, biến đổi, chuyển hoá để không chỉ nhận thức sự vật, hiện tượng trong trạng thái hiện tại, mà còn phải thấy được khuynh hướng phát triển của nó trong tương lai. Cần chỉ ra nguồn gốc của sự phát triển là mâu thuẫn, còn động lực của sự phát triển là đấu tranh giữa các mặt đối lập trong sự vật, hiện tượng đó.

- Nguyên tắc phát triển yêu cầu, phải nhận thức sự phát triển là quá trình trải qua nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Mỗi giai đoạn phát triển lại có những đặc điểm, tính chất, hình thức khác nhau; bởi vậy, phải phân tích cụ thể để tìm ra những hình thức hoạt động, phương pháp tác động phù hợp để hoặc, thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển đó.

- Nguyên tắc phát triển đòi hỏi trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn phải nhạy cảm với cái mới, sớm phát hiện ra cái mới, ủng hộ cái mới hợp quy luật, tạo điều kiện cho cái mới phát triển; phải chống lại quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến v.v. Sự thay thế cái cũ bằng cái mới diễn ra rất phức tạp, nhiều khi cái mới hợp quy luật chịu thất bại tạm thời, tạo nên con đường phát triển không thẳng mà quanh co, phức tạp; tránh lạc quan và bi quan thái quá trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng. Trong quá trình thay thế cái cũ bằng cái mới phải biết kế thừa những yếu tố tích cực đã đạt được từ cái cũ mà phát triển sáng tạo chúng trong điều kiện mới.

5. Nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong nhận thức và thực tiễn

5.1 Cơ sở lý luận của nguyên tắc

Về cơ sở lý luận của nguyên tắc lịch sử - cụ thể là toàn bộ nội dung phép biện chứng duy vật và nguyên tắc chân lý là cụ thể của lý luận nhận thức duy vật biện chứng.

5.2 Bản chất của nguyên tắc

Đối với bản chất của nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong nhận thức và thực tiễn này nằm ở chỗ, trong quá trình nhận thức sự vật, hiện tượng, trong sự vận động, trong sự chuyển hoá qua lại của nó, phải tái tạo lại được sự phát triển của sự vật, hiện tượng ấy, sự vận động của chính nó, đời sống của chính nó.

5.3 Nội dung của nguyên tắc

Về nội dung của nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong nhận thức và thực tiễn được V.I.Lênin nêu rõ là phải xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xét xem hiện nay nó đã trở thành như thế nào.

Như vậy, nguyên tắc lịch sử - cụ thể tái tạo lại sự vật, hiện tượng thông qua lăng kính của những ngẫu nhiên, những bước quanh co, những gián đoạn theo tình tự không gian và thời gian, theo trình tự của sự hình thành sự vật, hiện tượng; nhờ đó mà có thể phản ánh được sự vận động đa dạng và nhiều vẻ của các hình thức biểu hiện cụ thể của sự vật, hiện tượng để qua đó, nhận thức được bản chất của nó.

- Nguyên tắc lịch sử - cụ thể yêu cầu phải nhận thức được vận động có tính phổ biến, là phương thức tồn tại của vật chất; nghĩa là phải nhận thức được rằng, vận động làm cho sự vật, hiện tượng xuất hiện, phát triển theo những quy luật nhất định và hình thức của vận động quyết định bản chất của nó.

- Nguyên tắc lịch sử - cụ thể yêu cầu phải chỉ rõ được những giai đoạn mà nó đã trải qua trong quá trình phát triển của mình; phải biết phân tích mỗi tình hình cụ thể trong nhận thức và thực tiễn, để nhận thức và giải thích được những thuộc tính, những mối liên hệ tất yếu đặc trưng, những chất và lượng vốn có của sự vật, hiện tượng.

- Nguyên tắc lịch sử - cụ thể còn yêu cầu chỉ ra được mối liên hệ khách quan; chỉ ra được các quy luật khách quan quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, quy định sự tồn tại hiện thời và khả năng chuyển hoá thành sự vật, hiện tượng mới thông qua sự phủ định; chỉ ra được rằng, thông qua phủ định của phủ định, sự vật, hiện tượng phủ định là sự kế tục sự vật, hiện tượng bị phủ định, là sự bảo tồn sự vật, hiện tượng bị phủ định trong dạng đã được cải tạo cho phù hợp với sự vật, hiện tượng phủ định.

- Trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn luôn quán triệt nguyên tắc lịch sử - cụ thể để nhận thức sự vật, hiện tượng với đầy đủ các mối liên hệ trong sự tồn tại khách quan vốn có của nó, để nhận thức được vị trí, vai trò của từng mối liên hệ quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

6. Mối liên hệ giữa các nguyên tắc phương pháp luận trên

- Sự thống nhất giữa các nguyên tắc phương pháp luận trên.

- Sự khác nhau giữa các nguyên tắc phương pháp luận trên.

- Vận dụng đồng bộ các nguyên tắc phương pháp luận vào nhận thức và thực tiễn.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài, gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).