Cách bóc vỏ hạt mít

Ngày đấy, hễ nhà ai có mít chín mang bổ thì bao giờ số hạt mít cũng được trẻ nhỏ trong nhà cố giành lấy để luộc và rang. Chẳng vậy mà chẳng có nhà ai mang hạt mít lẫn với xơ mít bỏ đi cả. Ngay cả ở chợ quê, dãy hàng bán mít chín bổ cho khách ăn ngay, các hạt vương vãi cũng được chủ hàng lượm, gom mang về cho con cháu của họ. Nhà tôi có hai cây mít cổ thụ quả sai trĩu trịt, mỗi mùa có tới hàng trăm quả nên cứ hè đến - mùa mít chín về là mấy anh chị em chúng tôi không chỉ được ăn mít thỏa thích, mà còn được sở hữu rất nhiều hạt mít. Những quả mít mẹ mang chợ bán cả quả cho người ta thì thôi, chứ nếu bổ miếng tách múi cho khách ăn tại chỗ thì như những nhà khác, bao giờ mẹ cũng gom hết số hạt mít mang về. Hạt mít mẹ mang về tôi luôn đem rửa sạch rồi mang ra sân phơi cho se se vỏ. Chỉ phơi qua một nắng thế thôi rồi mang vào trữ ở chiếc thúng dành chế biến ăn dần. Giống mít nhà tôi là mít dai, múi ngọt sắc như đường phèn, hạt to lại rất bở, bở tơi như đỗ khi chế biến, chứ không sượng như hạt mít mật. Mùa mít qua đi, trong nhà tôi thường có rất nhiều hạt mít, có khi phải tới vài thúng đầy. Số hạt mít này anh chị em chúng tôi thường mang rang, luộc, nướng để ăn dần.

Cách bóc vỏ hạt mít

Hạt mít luộc bùi, thơm, bở, nhưng bóc khó. Hạt mít rang trên chảo lửa không chỉ ngon hơn, mà khi ăn bóc cũng dễ bởi vỏ bao quanh hạt mít trở nên giòn tan dễ vỡ. Tuy nhiên, để luộc một mẻ hạt mít chỉ mất độ mươi, mười lăm phút là chín, nhưng khi rang thì lâu công hơn, mất thời gian hơn gấp đôi lần. Đã vậy lại phải dùng đũa đảo liên tục cho đều lên, nếu không hạt mít sẽ bị cháy, mà lại không chín đều quanh hạt. Ngoài hai cách chế biến trên thi thoảng tôi cũng mang hạt mít nướng ăn vào các buổi ngồi bếp đun nấu cơm, nấu cám cho lợn. Tôi còn nhớ, vì nhà tôi có nhiều hạt mít mà bọn trẻ con trong xóm luôn thích chơi với tôi bởi khi nào chúng sang nhà tôi cũng được tôi cho chúng ăn hạt mít. Ngay cả những buổi đi học, đi chăn trâu ngoài đồng tôi cũng hay mang hạt mít theo cùng nên tôi không thể tham ăn, mà luôn để cả hội ăn cùng.

Hạt mít không chỉ dùng để ăn vặt, mà hạt mít còn là nguyên liệu để mẹ tôi mang chế biến để làm mốc ngả tương. Với người thành phố thì nghe món tương hạt mít có vẻ lạ tai, nhưng những ngày tôi còn nhỏ thì làng quê tôi có nhiều nhà dùng hạt mít để chế biến tương ăn. Món tương hạt mít ăn rất ngon, ngọt phù hợp với các món chấm rau luộc cũng như mang kho, nấu. Tôi còn nhớ như in cung cách chế biến món tương hạt mít của mẹ. Hạt mít sau khi đồ bằng chõ như kiểu đồ xôi xong là mang bỏ vào cối đá đại dùng chày gỗ giã cho nhuyễn thành bột. Bột hạt mít được dàn mỏng trên nia tre đậy bằng lá sung hay lá cây quả ngái. Sau gần 1 tuần món bột hạt mít lên mốc vàng, mốc xanh là lật mặt dưới của nia lên trên, đợi lớp mốc vàng, mốc xanh xuất hiện là được. Số bột hạt mít tạo thành mốc này được bóp nhỏ bằng tay, sau đó kết hợp với đậu tương rang vàng xay vỡ làm đôi mảnh để ngả tương. Chum tương hạt mít gia đình tôi có thể ăn dần quanh năm mà vẫn ngon, không bị hỏng. Ngày đó nước mắm còn hiếm, vẫn là thứ nước chấm xa xỉ nên món tương gạo, tương hạt mít trở nên quen thuộc trong đời sống của gia đình tôi, cũng như người dân quê nói chung.

Món hạt mít ngày xưa bình dị và thân thuộc ấy đã đi cùng suốt những năm tháng tuổi thơ tôi nghèo khó, thiếu thốn nơi làng quê yêu dấu, chẳng vậy mà giờ đây dẫu cuộc sống đã đủ đầy trong tôi vẫn không bao giờ có thể quên được giai đoạn ấy - giai đoạn của không ít ngày phải lấy hạt mít ăn thay cơm