Cách sơ cứu trẻ bị sặc sữa

Sặc sữa là vấn đề phổ biến hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ sặc sữa rất nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy các chuyên gia y tế luôn khuyên cha mẹ nên chuẩn bị kiến thức về cách sơ cứu trẻ sặc sữa để có thể áp dụng trong trường hợp xấu xảy ra.

Sặc sữa là tình trạng thức ăn từ hầu họng vào thanh khí quản gây chắn đường thở khiến trẻ không thông khí được dẫn đến suy hô hấp rất nhanh. Việc thiếu oxy có thể gây tổn thương tất cả các mô, cơ quan, trong đó có não bộ, tim mạch, hô hấp là những cơ quan chức năng sống còn. 

Biểu hiện của trẻ sặc sữa

Sặc sữa là hiện tượng trào ngược sữa từ đường tiêu hóa sang đường hô hấp dẫn đến tắc đường dẫn khí hậu quả là trẻ suy hô hấp rất nhanh. Các biểu hiện của trẻ sặc sữa mà bố mẹ cần lưu ý:

  • Trong lúc bố mẹ đang cho bé ăn sữa bỗng nhiên trẻ im lặng, khựng người, tím tái.

  • Hoặc bé đang nằm (sau ăn) bỗng nhiên ho sặc sụa, tím tái và lịm đi.

  • Trẻ có thể hoảng hốt, co cứng người hoặc mềm nhũn.

  • Sữa có thể trào ra ở mũi và miệng bé.

  • Nếu không cấp cứu kịp thời trẻ có thể ngưng tim, ngưng thở.

Cách sơ cứu trẻ bị sặc sữa
Sữa trào ra ở miệng bé là một trong những dấu hiệu của trẻ sặc sữa 

Nguyên nhân sặc sữa ở trẻ

Nếu bạn thấy con mình bị sặc sữa, đó có thể là do kỹ năng nuốt của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Bị sặc khi cho con bú có thể dẫn đến những cơn ho. Hơn nữa, đôi khi sữa có thể xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi hít. Em bé có thể bị sặc sữa mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc chưa trưởng thành khả năng nuốt đến các vấn đề về bú do các rối loạn về giải phẫu hoặc chức năng, cũng có thể do yếu tố từ mẹ.

Các nguyên nhân chính gây sặc sữa ở trẻ khi cho bé bú có thể là :

  • Sữa về quá nhiều: Dòng sữa chảy về nhanh hơn là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị sặc sữa. Trẻ sơ sinh có thể không nuốt được nhanh chóng. Điều này có thể thường xảy ra nếu người mẹ cung cấp quá nhiều sữa cho con bú. Em bé có thể cắn khi đang bú do sữa bị trào ra ngoài, do đó khiến việc nuốt khó khăn hơn.

  • Sữa trào ra quá mức: Đó là hiện tượng sữa bị đẩy ra ngoài khi con bạn đang bú. Phản xạ co bóp được điều khiển bởi hormone oxytocin. Lượng sữa mẹ tiết ra nhiều hơn có thể gây ra hiện tượng ọc sữa, ho hoặc sặc ở trẻ sơ sinh.

  • Trẻ sơ sinh có những bất thường bẩm sinh gặp khó khăn khi bú và có nguy cơ cao bị sặc khi bú mẹ hoặc bú bình.

Các bất thường bẩm sinh sau đây có thể dẫn đến các vấn đề về nuôi dưỡng:

  • Sơ sinh non tháng.

  • Các nguyên nhân từ thần kinh như bại não, chậm phát triển trí tuệ.

  • Hội chứng Down.

  • Các dị thường về cấu trúc của miệng ví dụ như sứt môi hở hàm ếch và hội chứng Pierre Robin.

  • Các vấn đề về đường tiêu hóa hô hấp chẳng hạn như lỗ rò thực quản khí quản.

  • Bệnh tim bẩm sinh.

Bậc cha mẹ nên lưu ý kiểm tra xem trẻ có bị sặc thường xuyên khi cho ăn hay không, nếu trẻ sặc thường xuyên nên đưa đến cơ sở y tế để thăm khám. Nếu trẻ được can thiệp sớm có thể làm giảm nguy cơ viêm phổi hít và các biến chứng khác.

Nôn trớ và sặc sữa khi bú là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh có thể tự bảo vệ mình khỏi bị sặc nhờ phản xạ ho. Các bước sau đây nên được thực hiện nếu con bạn bị sặc khi bú: 

Cách 1: 

  • Ngừng cho trẻ bú sữa, đặt trẻ úp trên đùi, đầu chúc xuống và thấp hơn lồng ngực.

  • Dùng 1 tay vỗ mạnh vào lưng (giữa 2 xương bả vai) cho đến khi sữa ọc ra.

Cách sơ cứu trẻ bị sặc sữa
Sơ cứu trẻ sặc sữa bằng cách vỗ vào lưng

Cách 2:

  • Ngừng cho trẻ bú sữa, đặt trẻ nằm ngửa trên đùi.

  • Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa đặt dưới mũi ức và đẩy xuống để để sữa theo hầu họng ra ngoài.

 Lưu ý :

  •  Không được đút ngón tay vào miệng trẻ gây nôn.

  • Nếu sau khi làm những động tác trên mà trẻ vẫn ho sặc sụa và tím tái thì hãy mang trẻ đi cấp cứu ngay lập tức, tránh mất nhiều thời gian.

Các biện pháp khắc phục sau đây có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa tỷ lệ sặc sữa mẹ:

  • Thay đổi tư thế cho trẻ bú là cách tốt nhất để tránh bị sặc khi cho trẻ bú. Tư thế cho con bú nằm ngửa được khuyến khích cho những bà mẹ có hoạt động quá sức. Điều này có thể giúp làm chậm dòng chảy của sữa do trọng lực và em bé có thể quản lý dòng chảy tốt hơn.

  • Nằm nghiêng cũng có thể làm giảm sự cố nghẹt thở. Tư thế này có thể cho phép trẻ buông vú và để sữa chảy ra ngoài miệng, tránh bị sặc.
  • Lỗ của núm vú có độ to phù hợp, khi trẻ bú không nên chơi đùa để tránh trẻ bị phân tâm.

Cách sơ cứu trẻ bị sặc sữa
Tư thế bú mẹ đúng của trẻ, tránh nguy cơ sặc sữa 

Lưu ý: Bạn nên thận trọng khi vắt hoặc hút sữa vì nếu để sữa trong thời gian dài có thể làm giảm chất lượng của sữa. Tham khảo ý kiến ​​của nhân viên y tế về việc cho con bú, cách vắt hoặc hút sữa chính xác. Bỏ túi những cách để sơ cứu em bé bị sặc sữa để đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

Sặc sữa là tình trạng nguy hiểm khẩn cấp đối với trẻ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến biến chứng và di chứng nặng nề sau này. Phụ huynh nên trang bị kiến thức về các bước sơ cứu sặc sữa là cần thiết.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.