Con ếch chết vì cái miệng tiếng Anh

GN - Con ếch chết vì cái miệng, tai họa từ miệng mà ra, nên phải cảnh giác cái miệng của mình. Càng dẻo miệng thì càng khó tu, tưởng ưu mà lại khuyết, ngỡ lợi mà hại, thậm chí đó là con dao hai lưỡi, là một trong những nguyên nhân của sự thối thất trên đường đạo.

Hỏi: Tôi năm nay 19 tuổi, đang tập sự xuất gia chuẩn bị thọ giới Sa-di. Tôi nghiệm thấy dù là sống trong đạo hay ngoài đời thì giao tiếp có vai trò rất quan trọng. Bản thân tôi nhìn chung không đến nỗi tệ lắm, học hành cũng tạm được nhưng cái khuyết điểm lớn nhất của tôi chính là ăn nói.

Tôi nói chuyện không được hay, không biết cách giao tiếp sao cho đúng và mỗi khi nói ra câu chuyện nào đều rất tẻ nhạt, khó nghe và kém duyên, thua xa những huynh đệ khác. Trong khi những huynh đệ khác nói chuyện rất khéo, nghe rất hay, có trí tuệ và tròn vị Phật pháp, cộng thêm sự hài hước khiến người nghe sinh tín tâm và cảm mến.

Tôi nghĩ khi làm đạo mà biết cách ăn nói thì việc hoằng hóa sẽ thuận lợi, hóa độ chúng sinh sẽ dễ dàng hơn. Tôi thấy mình kém ở vấn đề giao tiếp nên cuộc sống tu tập có nhiều trở ngại như trong việc học tập có ít bạn bè chỉ dẫn, trong đại chúng thì không thân với ai nên cảm thấy tủi thân, khi có Phật tử hỏi đạo thì ấp úng hay trả lời mông lung. Tôi rất lo cho tương lai của mình, sợ về sau sẽ không hướng dẫn được ai, hoằng pháp lợi sinh khó khăn, không giúp ích nhiều cho xã hội. Mong được quý Báo hướng dẫn và sẻ chia.

(KIỀU AN, )

Bạn Kiều An thân mến!

Về xã hội thì bạn đã trưởng thành, còn trong đường đạo thì bạn đang đặt những bước chân đầu tiên. Tuổi trẻ, mầm non của Phật pháp, ưu tư về việc kiện toàn tri thức, trau dồi các kỹ năng sống, tìm hiểu giáo pháp, trui rèn đạo hạnh, phát huy tuệ giác, un đúc hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh là điều đáng trân trọng. Xác định chính xác mục tiêu, định hướng đúng đắn cho sự nghiệp, từng bước thực hiện hoài bão sẽ góp phần quan trọng để đưa đến thành công.

Với người xuất gia, mục tiêu quan trọng và cao cả nhất là tu tập đạt đến giác ngộ và giải thoát, kế đến mới tùy duyên hoằng pháp lợi sinh. Muốn thành tựu giải thoát, giác ngộ cần chuyên tâm tu tập Giới - Định - Tuệ. Sau thời gian dài học đạo, đã trưởng thành trong giáo pháp, có đạo lực rồi thì mới tùy duyên hoằng hóa. Cần lưu tâm đến hai chữ “tùy duyên”, nghĩa là duyên của mình đến đâu thì làm đạo đến đó, làm đạo phải trên nền tảng giới nghiêm - tâm định - trí sáng, làm được nhiều việc mà thong dong như không làm thì mới đúng nghĩa Phật sự.

Sau khi nắm được mục tiêu cốt lõi của người xuất gia, bạn sẽ thấy vấn đề mình đang quan tâm là trau dồi kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng nhưng đó chỉ là cành lá chứ không phải gốc rễ. Phát triển cành lá mà không vun bồi gốc rễ là chưa đúng quy trình, cây có thể chết, mất cả gốc lẫn ngọn.

Ở giai đoạn tập sự xuất gia như bạn, nói chuyện hay và giao tiếp khéo thì tốt, còn không hay thì cũng chẳng sao. Việc cần nhất ở bạn là nói đúng, nói đủ, nói với cái tâm chân thành. Nói đúng thì bạn đã biết, chỉ cần nói lên sự thật. Nói đủ thì có lẽ bạn đã biết được nhiều phần, vì nói ít hay nói nhiều không phải lúc nào cũng hay. Nói bằng cái tâm thành thì bạn cần chiêm nghiệm thật sâu để thấy được sự mầu nhiệm của lời nói phát ra từ trái tim.

Những lời nói lưu xuất từ trí khôn, dẻo miệng, lợi khẩu (điều bạn đang quan tâm) mới nghe thì thật tuyệt, như rót mật vào tai nhưng không dễ rót vào tim người, nhất là người từng trải, luôn cảnh giác trước lời hay vì dối gian cuộc đời. Cho nên khi nói chưa hay, giao tiếp chưa khéo thì tập luyện, sửa đổi. Tập luyện rồi mà vẫn vụng, không như ý thì hãy nói bằng sự chân thành. Kinh Phật có dạy, lời chân thật sẽ cảm động đến chư thiên và phi nhân, huống gì là con người. Khá nhiều vị xuất gia chỉ nói ít, mộc mạc nhưng nhờ nói lời ái ngữ, chân thật, nói từ trái tim và tuệ giác nên kết quả diệu dụng vô cùng.

Mặt khác, ở giai đoạn tập tu mà nói hay, lắm khi lại mang đến kết cục không hay, phá sản đạo nghiệp. Như cây non mà chim đến đậu nhiều thì khó tránh họa gãy cành. Người chân tu khi biết mình nói hay, nhiều người mến mộ thì phải thu mình lại, ẩn dật, thậm chí cả tịnh khẩu thì mới mong an ổn để tiến tu. Con ếch chết vì cái miệng, tai họa từ miệng mà ra, nên phải cảnh giác cái miệng của mình. Càng dẻo miệng thì càng khó tu, tưởng ưu mà lại khuyết, ngỡ lợi mà hại, thậm chí đó là con dao hai lưỡi, là một trong những nguyên nhân của sự thối thất trên đường đạo.

Thế nên, chỉ cần bạn nói lời ái ngữ, giao tiếp với sự thành tâm, tiếng nói từ trái tim sẽ tự kết nối với trái tim một cách nhẹ nhàng. Bấy giờ, huynh đệ trong đại chúng cũng như mọi người sẽ tin tưởng, chân thành với bạn. Cố tìm mọi cách để nói hay, giao tiếp giỏi mà tâm không thành thì kết quả sẽ ngược lại. Sự nghiệp hoằng pháp về sau phụ thuộc vào đạo lực chứ không phải nói hay. Người tu có từ bi và trí tuệ thì đôi khi chỉ ngồi yên và im lặng cũng hoằng pháp hữu hiệu. Nên hãy chuyên tâm trau dồi Giới - Định - Tuệ thì về sau bạn có nền tảng và phương tiện để thành tựu sự nghiệp hoằng pháp, lợi sinh.

Chúc bạn tinh tấn!

Thái Hạo

Sự kiện bà Nguyễn Phương Hàng, CEO của Đại Nam, bị khởi tố và bắt tạm giam vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân”, đã gây nên một cuộc bàn tán sôi nổi ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Hằng nổi tiếng trên mạng xã hội vài năm gần đây bởi những livestream tố cáo nhiều nhân vật, từ “thần y” Võ Hoàng Yên, đến giới nghệ sĩ, nhà báo…, và gần đây là đụng chạm tới chính quyền lẫn giới quan chức. Có rất nhiều quan điểm và đánh giá khác nhau trước sự kiện này ở cộng đồng mạng Việt Nam, trong đó, nổi bật lên là loại ý kiến được thể hiện bằng một câu thành ngữ: “Ếch chết tại miệng”.

Không xét nguồn gốc và nhiều cách giải thích khác nhau đối với câu thành ngữ này, ở đây, ứng hợp vào trường hợp bà chủ Đại Nam bị bắt, những người thốt ra câu nói trên đều mang hàm ý rằng: to mồm, nói năng càn quấy bạt mạng, không biết tiết chế giữ gìn v.v.., thì “chết” là phải. Trong trường hợp bà Hằng, nó có thể rất đúng.

Vấn đề nằm ở chỗ, câu ếch chết tại miệng vốn phổ biến trong cộng đồng văn hóa Việt, và nó thường được dùng như một lời cảnh báo, răn dạy, đe dọa, thậm chí mỉa mai, châm biếm. Và song hành với nó là một câu khác: im lặng là vàng. Nghĩa là từ một kinh nghiệm sống khá khôn ngoan và có phần “chí lý” khi nhắc nhở việc nói năng chuẩn mực, người Việt dần sử dụng nó như một phương thức ứng xử phổ biến: muốn sống thì ngậm miệng lại.

“Ngậm miệng” để không nói những lời vô nghĩa, những lời quàng xiên tùy tiện thì tất nhiên là đúng rồi, và luôn luôn là nên như thế. Nhưng nếu ngậm miệng trước cả những bất công, ngang trái, ngậm miệng trước sự thật và những dối trá, ngậm miệng trước cái xấu cái ác… thì không những không còn đúng nữa mà còn là một lối hành xử tệ hại. Đáng tiếc và đáng lo thay, điều đó lại đang hiện hữu như một phương thức xử thế chủ đạo làm thành linh hồn của cả một cộng đồng.

Người Việt thường “dạy khôn” nhau: tránh voi chẳng xấu mặt nào; khôn thì sống, mống thì chết; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau v.v.. Thế là người ta né tránh sự thật, chấp nhận im lặng, “không phải việc nhà mình thì đừng có trây mồm vào”, “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt” – nên nịnh bợ, xun xoe lên ngôi.

Lối ứng xử ngậm miệng này là một sản phẩm có tính lịch sử do hàng ngàn năm sống trong xã hội chuyên chế nhiều “tai bay vạ gió” mang lại. Theo thời gian và kinh nghiệm, nó trở thành một thứ tâm thức cộng đồng, chi phối từ trong sâu thẳm, “uốn nắn” hành vi của mỗi người. Không những luôn “nhìn trước ngó sau” mà hơn thế, công khai tuyên bố “không bàn chuyện chính trị”, chặng hạn.

Aristotle bảo “Con người là một sinh vật chính trị”; Bertolt Brecht thì nói, đại ý, trong mọi sự dốt nát thì dốt nát chính trị là tệ hại nhất. Nhưng người Việt thì thường coi việc “không nói đến chính trị” là một sự khôn ngoan và tự hào vì sự khôn ngoan ấy.

Tiếng nói của con người là vô cùng hệ trọng. Bởi nó không những là phương tiện giãi bày, kết nối để cân bằng đời sống cá nhân và liên nhân mà hơn thế, để kiến tạo xã hội. Socrates nhìn ra rằng “Chân lý sinh ra từ đối thoại”, sự va đập quan điểm sẽ giúp con người trưởng thành. Một xã hội không có tiếng nói trung thực thẳn thắn, xã hội ấy sẽ trở thành một chiếc ao tù bốc mùi xú uế.

Khi người ta chọn im lặng trước những sai quấy nghĩa là họ đang tiếp tay cho cái ác. Phương châm sống “im lặng là vàng”, đáng sợ thay, lại đang được dùng để khuyên bảo nhau. Thay vì khuyến khích và tự khuyến khích nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình thì người ta cảnh báo nhau một cách đầy đe dọa rằng “ếch chết tại miệng!”.

Người Việt và mạng xã hội Việt Nam thường rất ồn ào trước những chuyện đời tư của kẻ khác, nhưng những việc xã hội mang tính công lợi thì lại hay thờ ơ, lãnh đạm hoặc tìm cách im lặng, tránh né. Một đời sống tinh thần như thế tất mở ra viễn cảnh về tình trạng trì trệ lâu dài, không biết ngày nào mới ra khỏi.

Ếch chết không phải tại miệng, mà là tại người, tức là tại… loài khác. Tiếng kêu của con ếch là tiếng gọi bản năng, thiêng liêng và chính đáng. Tiếng kêu ấy không những tự thân nó không dẫn tới cái chết mà ngược lại, mang đến sự sống bất diệt của nòi giống. Không có tiếng kêu, con ếch tìm nhau kiểu gì và làm sao duy trì sự sống qua các thế hệ? Ếch có thể hoặc nên vì hiểm nguy mà ngậm miệng, suốt đời không kêu nữa? Ngụy biện là một trong những lỗi tư duy phổ biến và tai hại của người Việt, nhằm lấp liếm và lẩn tránh sự thật, lẩn tránh trách nhiệm.

Làm con ếch nghĩa là phải kêu. Cũng thế, làm người nghĩa là phải nói. Vấn đề là cần phải học để sao cho lời nói trở nên đúng đắn, văn minh – chứ không phải là không nói nữa.

Không thể vì những rủi ro do sự xấu ác của môi trường sống mà con người nên từ bỏ tiếng nói của mình; ngược lại, môi trường càng xấu ác, con người càng phải cất lên tiếng nói công chính, vì nó là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để kiến tạo một xã hội lành mạnh, và là con đường dẫn tới sự phồn thịnh.

Chừng nào người Việt còn trốn chạy khỏi tiếng nói thiêng liêng của mình, chừng ấy chính họ còn phải sống trong lạc hậu và bất công ngang trái. Cái câu “Ếch chết tại miệng”, vì thế, cần sửa lại, “Ếch sống tại miệng”!

T.H

Nguồn: FB Thái Hạo