Đánh giá trắc nghiệm dược động học

Duoplavin thuộc danh mục thuốc kháng đông, chống kết dính tiểu cầu và tiêu sợi huyết. Thuốc Duoplavin có chứa các thành phần chính là Clopidogrel và Acetylsalicylic acid. Người bệnh theo dõi bài viết dưới đây để biết “Duoplavin là thuốc gì” hay “thuốc Duoplavin có tác dụng gì?”.

Thuốc Duoplavin có dạng bào chế là viên nén bao phim, đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên. Thuốc dành cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Dược lực học:

Hoạt chất Clopidogrel trong thuốc Duoplavin là 1 tiền chất, được các men CYP450 chuyển hoá để tạo thành chất chuyển hoá có hoạt tính ức chế sự kết tập tiểu cầu. Các chất chuyển hoá để có hoạt tính của Clopidogrel thì cần phải ức chế chọn lọc sự kết gắng của Adenosin diphosphat (ADP) với thụ thể P2Y12 của nó trên tiểu cầu, thông qua đó sẽ ức chế sự hoạt hóa phức hợp glycoprotein GP IIb/IIIa qua trung gian ADP và thu được kết quả là ức chế kết tập tiểu cầu.

Vì không thể đảo ngược sự gắn kết nên những tiểu cầu này sẽ bị ảnh hưởng trong cả quãng đời còn lại của chúng (khoảng từ 7 – 10 ngày). Sau đó, sự hồi phục chức năng của tiểu cầu bình thường sẽ xảy ra ở một tốc độ phù hợp với sự chu chuyển tiểu cầu.

Ngoài ra, sự kết tập tiểu cầu do các chất chủ vận không phải ADP gây ra cũng bị ức chế bởi tác dụng chẹn sự khuếch đại hoạt tính tiểu cầu ADP được phóng thích gây ra. Vì chất chuyển hoá có hoạt tính được hình thành bởi các men CYP450 nên không phải người bệnh nào cũng thu được sự ức chế tiểu cầu như mong đợi.

Trong khi đó, hoạt chất Acid acetylsalicylic trong thuốc Duoplavin cũng có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu bằng sự ức chế không đảo ngược được của Prostaglandin cyclooxygenase. Kết quả là ức chế sự sản sinh của Thromboxan A2 - chất gây co mạch và kết tập tiểu cầu. Tác dụng này sẽ kéo dài suốt quãng đời của tiểu cầu.

Dược động học:

  • Hấp thu: Sau khi người bệnh sử dụng liều khởi đầu và lặp lại 75mg/ ngày thì Duoplavin sẽ được hấp thu nhanh. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương không biến đổi và xảy ra khoảng 45 phút sau khi người bệnh uống thuốc. Tỉ lệ hấp thu của Duoplavin ít nhất là 50% và dựa trên sự bài tiết các chất chuyển hoá của hoạt chất Clopidgrel trong nước tiểu. Sau khi được hấp thu, thành phần ASA trong thuốc Duoplavin sẽ được thủy giải thành Acid salicylic và đạt đến nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng 1 giờ sau và cơ bản không còn phát hiện được sau khi uống khoảng 1,5 – 3 giờ.
  • Phân bố: Hoạt chất Clopidogrel và chất chuyển hoá chính trong máu gắn kết in vitro có thể đảo ngược được với protein huyết tương của người bệnh. Trong khi đó, chất chuyển hoá Acid salicylic lại có tỉ lệ kết gắn cao với protein huyết tương. Ở nồng độ thấp (<100 microgram/ml) thì khoảng 90% lượng Acid salicylic sẽ gắn với albumin và được phân bố rộng rãi đến tất cả các mô và dịch của cơ thể, bao gồm hệ thần kinh trung ương, các mô bào thai và sữa mẹ.
  • Chuyển hoá: Clopidogrel được chuyển hoá rộng rãi ở gan.
  • Thải trừ: Trên người, sau 120 giờ sau khi uống thì sẽ có khoảng 50% được bài tiết qua nước tiểu và khoảng 46% được bài tiết trong phân. Sau khi uống 1 liều duy nhất 75mg thì thời gian bán hủy của Clopidogrel là khoảng 6 giờ và thời gian bán thải của các chất chuyển hoá chính trong máu là 8 giờ sau khi dùng liều duy nhất lặp lại. Sau khi áp dụng liều điều trị, sẽ có khoảng 10% Clopidogrel được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng Acid salicylic, 10% là phenol glucuronide, 75% dưới dạng acid salicyluric và 5% là acyl glucuronide của Acid salicylic.

2. Chỉ định của thuốc Duoplavin

Thuốc Duoplavin được chỉ định trong các trường hợp:

  • Phòng ngừa sự hình thành cục máu đông trong động mạch xơ cứng có thể dẫn đến nguy cơ tai biến xơ vữa huyết khối như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong.
  • Phòng ngừa các cục máu đông gây nhồi máu cơ timđau thắt ngực không ổn định.

3. Chống chỉ định của thuốc Duoplavin

Không dùng thuốc Duoplavin trong trường hợp:

  • Người có tiền sử quá mẫn với Clopidogrel, acid acetylsalicylic (ASA) hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc;
  • Người bị dị ứng với các thuốc kháng viêm không steroid khác;
  • Người đang bị loét dạ dày hoặc bị chảy máu trong não;
  • Người mắc bệnh gan hoặc thận nặng;
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ.

Chống chỉ định ở đây là tuyệt đối. Người bệnh không vì bất cứ lý do gì mà có thể linh động dùng thuốc Duoplavin nếu thuộc trường hợp bị chống chỉ định.

4. Liều Dùng của Thuốc Duoplavin 75Mg/100Mg

Cách dùng:

  • Duoplavin được bào chế dưới dạng viên nén, do đó khi dùng thuốc thì người bệnh hãy nuốt cả viên thuốc với 1 ly nước đầy. Chú ý tuyệt đối không nghiền nát, nhai hoặc bẻ nhỏ viên thuốc Duoplavin khi sử dụng bởi điều này có thể làm tăng tốc độ giải phóng hoạt chất và gây nên hậu quả nghiêm trọng.
  • Người bệnh uống thuốc cùng với thức ăn hoặc không.
  • Nên uống thuốc Duoplavin vào 1 giờ nhất định trong ngày để phát huy tác dụng tốt nhất.
  • Thời gian và liều lượng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng bệnh và khả năng dung nạp với Duoplavin.

Liều dùng tham khảo:

  • Uống 1 viên/ lần/ ngày.

Lưu ý: Liều dùng Duoplavin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng Duoplavin cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng Duoplavin phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Duoplavin:

  • Trong trường hợp quên liều thuốc Duoplavin thì nên bổ sung bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu thời gian gần đến lần sử dụng tiếp theo thì nên bỏ qua liều Duoplavin đã quên và sử dụng liều mới.
  • Khi sử dụng Duoplavin quá liều thì người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Tác dụng phụ của thuốc Duoplavin

Ở liều điều trị, thuốc Duoplavin được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Duoplavin, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Thường gặp, ADR >1/100:

  • Trên hệ tiêu hoá: Đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu hoặc ợ nóng.
  • Toàn thân: Chảy máu.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100:

  • Trên hệ tiêu hoá: Ói mửa, loét dạ dày, buồn nôn, táo bón hoặc đầy hơi trong dạ dày và ruột.
  • Trên da: Nổi mẩn và ngứa.
  • Toàn thân: Choáng váng, đau đầu, có cảm giác tê rần hoặc kiến bò.

Hiếm gặp, 1/10000 < ADR < 1/1000:

  • Toàn thân: Chóng mặt.

Rất hiếm gặp, 1/10000 < ADR:

  • Trên hệ tiêu hoá: Sưng miệng, đau bụng dữ dội, viêm miệng và thay đổi vị giác.
  • Toàn thân: Giảm huyết áp, phản ứng dị ứng toàn thân, lơ mơ, ảo giác, đau cơ, đau khớp và viêm mạch máu nhỏ.
  • Da: Vàng da, dị ứng da và da nổi bọng nước.
  • Hô hấp: Khó thở và ho.

Không xác định tần suất:

  • Thính giác: Mất thính lực và ù tai.
  • Toàn thân: Phản ứng dị ứng đe doạ tính mạng, gút (thống phong), hạ đường huyết và dị ứng thức ăn diễn biến xấu.

Những phản ứng phụ của thuốc Duoplavin còn đang được phân tích và theo dõi ở các bệnh nhân cùng kết quả thí nghiệm. Không thể khẳng định trên đây là tất cả ảnh hưởng của thuốc Duoplavin. Tuy nhiên, dựa vào đó người bệnh có thể phòng ngừa tránh được những ảnh hưởng nguy hiểm do phản ứng phụ gây ra.

Một vài trường hợp hiếm gặp có thể xuất hiện biến chứng hay tương tác gây ra hậu quả nghiêm trọng khi dùng thuốc Duoplavin. Để bảo vệ sức khỏe bản thân tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng khi dùng thuốc Duoplavin, người bệnh hãy nói với bác sĩ mọi dấu hiệu bất thường. Đồng thời nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

6. Lưu ý khi dùng thuốc Duoplavin

  • Trước khi dùng thuốc Duoplavin, người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu có 1 trong các nguy cơ như: Xuất huyết (loét dạ dày), rối loạn về máu, có cục máu đông trong động mạch não, vừa bị chấn thương nặng, mới phẫu thuật trong thời gian gần hoặc sắp phải phẫu thuật trong 7 ngày tới.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Duoplavin nếu có bệnh gan thận, gút, tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng thuốc.
  • Cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu trong quá trình sử dụng thuốc Duoplavin mà xuất hiện tình trạng ban xuất huyết giảm tiểu cầu với các biểu hiện như bầm tím da, mệt mỏi, vàng da hoặc vàng mắt.
  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú nếu muốn dùng thuốc Duoplavin thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, cân nhắc thật kỹ lợi ích và nguy cơ có thể gây ra cho thai nhi.

7. Tương tác thuốc Duoplavin

Duoplavin có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:

  • Thuốc chống đông dạng uống.
  • ASA;
  • Thuốc kháng viêm không steroid khác;
  • Heparin hoặc thuốc tiêm nào đó có tác dụng giảm đông máu;
  • Thuốc ức chế bơm proton (ví dụ Omeprazole);
  • Thuốc Methotrexat;
  • Thuốc Probenecid;
  • Thuốc Benzbromarone;
  • Thuốc Sulfinpyrazone;
  • Thuốc Fluoxetin;
  • Thuốc Fluvoxamin;
  • Thuốc Moclobemide;
  • Thuốc Carbamazepine;
  • Thuốc Oxcarbazepine;
  • Thuốc Ticlopidin.

Ngoài ra, rượu, thức uống có gas có thể làm thay đổi hoặc làm chậm tốc độ tác dụng của thuốc Duoplavin nên người bệnh cần chú ý tránh xa những đồ uống này.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Duoplavin thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Duoplavin phù hợp.

8. Lưu ý khi dùng thuốc Duoplavin

  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Duoplavin cho người làm nghề lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Duoplavin cho người bị suy gan, suy thận nặng.
  • Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Duoplavin có dấu hiệu bị đổi màu, mốc, chảy nước hay hết hạn dùng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Duoplavin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Duoplavin là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

XEM THÊM:

  • Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu
  • Những nơi cục máu đông có thể hình thành
  • Xét nghiệm gen sàng lọc bệnh tắc nghẽn mạch máu di truyền