Đi tảo mộ là gì

Tại Việt Nam có rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Và một trong số đó có thể kể đến là phong tục tảo mộ. Đây là một nét văn hóa tâm linh, thể hiện lòng thành kính với người thân trong gia đình đã khuất. Và trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa phong tục tảo mộ ngày cuối năm và lễ vật, văn khấn khi đi tảo mộ. 

Đi tảo mộ là gì
Tìm hiểu phong tục tảo mộ ngày cuối năm

Nội dung

1. Tảo mộ là gì? 

Tảo mộ là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam. Phong tục này để thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng của con cháu với tổ tiên, đấng sinh thành và những người thân đã khuất. 

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, đi tảo mộ nghĩa là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, sửa sang và quét dọn sạch sẽ phần mộ của người đã mất trong gia đình trước khi tết Nguyên Đán đến. 

Đây còn là dịp để gia đình cùng nhau quây quần, ôn lại kỷ niệm xưa đồng thời nhắc nhở nhau nhớ về công ơn của tổ tiên, ông bà. Để từ đó cố gắng phấn đấu học hành, làm tốt công việc để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình. 

Đi tảo mộ là gì
Tảo mộ là dịp để con cháu sửa sang lại phần mộ của tổ tiên

2. Tảo mộ nên chọn lúc nào là tốt nhất? 

Theo ông bà ta từ thời xưa thì lễ tảo mộ thường diễn ra vào dịp cuối năm. Theo đó, thì tảo mộ sẽ diễn ra suốt trong tháng chạp (tháng 12 âm lịch) và không bị giới hạn về ngày nào. Do tháng chạp là tháng cuối cùng trong năm để tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới đến. Và đây cũng là lúc mà con cháu phải nhớ đến ông bà tổ tiên. Vào thời gian này thì các gia đình thường sắp xếp công việc để cùng nhau về tảo mộ. 

Trong tháng chạp, các gia đình chọn ra một ngày để làm lễ tảo mộ và ngày được chọn nên là ngày ông Công ông Táo 23/12 âm lịch. Đây là dịp thuận lợi vì gần tết đến nên con cháu đều gác lại công việc và trở về đông đủ cùng nhau. 

Trong không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón tết nguyên đán cuối năm của người trần thì người âm cũng cần được hưởng và được đón tết như vậy. Và một trong những cách đó là làm cho phần mộ của tổ tiên trong gia đình được gọn gàng, sạch sẽ và đầy đủ. 

Với nhiều gia tộc lớn thì họ rất coi trọng việc tảo mộ. Nó như một bài học để dạy cho con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, và cũng là dịp để các con cháu trong nhà đoàn tụ với nhau, giữ nếp của gia đình. Tuy đây chỉ là một hành động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn. 

Đi tảo mộ là gì
Cuối tháng chạp là khoảng thời gian con cháu tụ họp đông đủ

Khoảng thời gian ngày 20-30 tháng chạp được nhiều gia đình lựa chọn để đi tảo mộ nhất. Vì không gian, thời gian và tiết trời khi đó rất hợp để đi tảo mộ. Vì đó là lúc mà con cháu vừa hoàn thành công việc xong, vừa cũng là lúc dọn dẹp lại mọi thứ để chuẩn bị đón xuân sang. 

3. Ý nghĩa phong tục tảo mộ 

Vào những ngày giáp Tết, các gia đình thường sắm lễ vật để cúng các vị gia tiên, thần cai quản nghĩa trang hay các khu mộ, gò mả, những ngôi mộ quanh nhà để sửa sang lại phần mộ của người đã khuất, kính mời ông bà, tổ tiên về đón tết cùng gia đình. 

Lễ tạo mộ thường diễn ra từ sáng sớm. Mọi người cầm dao, cuốc, xẻng, miệng cười nói rôm rả và cùng nhau đi tảo mộ ngày cuối năm. Họ cùng nhau làm cỏ, sơn lại phần mộ của người đã khuất. Đồng thời một người đại diện thắp nhang, đốt đèn và cúng, khấn vái trước khi động mộ. 

Đây là dịp để con cháu giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những câu chuyện, sự việc đã xảy ra trong năm. Nên nó không chỉ là phong tục phổ biến mà còn là hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Các anh em trong cùng dòng họ sẽ gặp mặt nhau để làm lễ cúng tổ, sửa sang, trang hoàng lại các phần mộ. 

Khi đi tảo mộ thì ông bà hay bố mẹ sẽ dẫn con cháu theo. Trước là để hướng dẫn cho con cháu biết những ngôi mộ của gia tiên, sau là để dạy cho con cháu các đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Sau cùng, các cụ lớn tuổi trong dòng họ sẽ ngồi phân tích về gốc gác, quan hệ họ hàng và tên tuổi của những người đã khuất để con cháu có thể hiểu rõ hơn. 

Đi tảo mộ là gì
Ông bà sẽ nói về gốc gác và tên tuổi của người đã khuất cho con cháu nghe

Việc tảo mộ có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu gặp mặt nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Tương tự như việc mỗi cuối năm thì con cháu sẽ làm lễ tạ ơn thần linh, thổ địa nơi họ đang sinh sống. 

Trong khi một số người thì được phân công đi dọn một, một số người ở nhà sẽ lo nấu nướng mâm cúng để tạ lễ ông bà, tổ tiên. Sau khi dọn dẹp cỏ, sơn phết, lau chùi lại mộ, mọi người sẽ quay về nhà của trưởng họ hoặc nhà thờ dòng họ để cùng nhau trò chuyện, hỏi han lẫn nhau. 

Khi kinh tế ngày càng phát triển, những ngôi mộ đã được thay thế từ xi măng, quét vôi thành sơn, ván gạch. Nhiều gia đình có điều kiện thì sẽ xây những nhà mồ với quy cách và quy mô không kém gì so với nhà ở. 

Tảo mộ là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Nó là một nghi thức để giáo dục cho các thế hệ sau về lòng hiếu thảo, biết tri ân với các bậc tiền nhân. Do vậy, dù đi đâu, làm gì thì hàng năm, con cháu cũng đều nhớ về quê hương, cùng nhau tụ họp và tảo mộ. 

Bạn đã biết:

  • Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
  • Tất Niên là gì? Ý nghĩa của Tất Niên

4. Lễ vật cần chuẩn bị khi đi tảo mộ

4.1. Các vật dụng cần chuẩn bị

Đi tảo mộ chính là những hành động đi sửa sang, dọn dẹp làm mới lại phần mộ của người đã khuất. Nên bạn sẽ cần chuẩn bị những vật dụng sau: 

  • Xẻng, cuốc để đắp lại phần mộ cho đầy đặn. Ở nhiều nơi còn có quan điểm dùng cuốc để cuốc xung quanh mộ để mở đường cho ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng với con cháu
  • Các vật dụng để có thể quét dọn phần mộ, nhổ cỏ
  • Bật lửa
  • Nhang

Bên cạnh đó, khi tảo mộ, bạn cũng cần kiểm tra xung quanh phần mộ xem có bị tổ mối xông hay các con động vật đục khoét, phá hoại hay không. Nếu có thì cần xử lý ngay. 

4.2. Lễ vật cúng lễ tảo mộ 

Tùy theo phong tục ở mỗi vùng miền thì sẽ có những cách chọn lễ vật và bày biện khác nhau. Tựu chung thì mâm cúng lễ tảo mộ phải đảm bảo đầy đủ được cơ bản những thứ như sau để theo chuẩn phong tục của người Việt Nam: 

  • Hoa tươi, có thể chọn 1 bó hoặc 5-7 bông, miễn là chọn số lẻ, kiêng số chẵn. Bởi người xưa quan niệm rằng số lẻ là số dương còn số chẵn là số âm, đại diện cho những điều không may mắn
  • Hương, nhang, chọn loại chất lượng tốt
  • Đĩa trầu, cau
  • 1 chai nước trắng
  • 1 chai rượu, nên chọn rượu truyền thống của Việt Nam như rượu nếp, rượu trắng,…
  • Nến cốc để đảm bảo độ an toàn, hạn chế việc bị bỏng tay cũng như tình trạng dễ bắt lửa, cháy lan sang xung quanh khu vực đó
  • Xấp tiền vàng mã
  • Đĩa hoa quả, chọn 1,3 hoặc 5 loại quả
  • 1 gói chè
  • 1 bao thuốc lá
  • 1 bộ y phục cho người đã khuất
  • Phẩm oản, 3 hoặc 5 cái
  • Xôi
  • Gà trống luộc
Đi tảo mộ là gì
Lễ cúng được bày cẩn thận trước mộ của người đã khuất

Đây chỉ là mâm lễ cúng cơ bản trong lễ tảo mộ. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà bạn có thể lựa chọn thêm hoặc giảm bớt đi một số lễ vật sao cho phù hợp nhất. Nhưng nên lựa chọn thắp hương món ăn, hoa quả, bánh kẹo mà lúc người đó còn sống thích ăn. 

Lễ vật cần được bày biện gọn gàng, sạch sẽ và đặt nghiêm chỉnh ở trước mộ. Việc bày biện đẹp mắt cũng là cách thể hiện sự tinh tế, lòng thành của người dâng lễ. Nếu không có mâm thì hoàn toàn có thể linh động đặt đồ cúng vào giấy báo, tấm bìa sạch, không được đặt lên phần gồ ghề và tránh đặt lên mộ. 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị lễ cúng với thổ Công, thổ địa cai quản khu nghĩa trang đó. Lễ cúng sẽ đơn giản hơn, bao gồm: bánh chưng/xôi, giò hoặc hoa quả để cảm ơn các ngài đã cho phép tổ tiên cư ngụ ở chốn này. 

5. Bài cúng tảo mộ cuối năm 

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con kính lạy:

  • Quan Đương Xứ Thổ Địa Chính Thần.
  • Ngài Thổ Địa Ngũ Phương Long Mạch Tôn Thần.
  • Các ngài Tiền Thần Chu Tước, Hậu Thần Huyền Vũ, Tả Thần Thanh Long, Hữu Thần Bạch Hổ cùng Liệt Vị Tôn Thần cai quản ở xứ này.

Con kính lạy vong linh…

Hôm nay là ngày… tháng… năm… nhằm tiết… Chúng con là:… thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư Vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.

Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:… hiện phần mộ an táng ở nơi này.

Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối.

Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.

Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.

Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.

Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm… (đọc tên các đồ mã dâng cho vong).

Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Đi tảo mộ là gì
Văn khấn vào ngày tảo mộ cuối năm

Đọc thêm:

  • Giao Thừa có ý nghĩa gì?
  • Phong tục đi lễ chùa đầu năm
  • Xuất hành là gì?

6. Kết luận

Trên đây là ý nghĩa của phong tục tảo mộ cũng như các lễ vật cần sắm sửa và văn khấn cho lễ cúng tảo mộ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích bạn cho dịp cuối năm, đầu xuân sắp tới.