Francis Bacon - Nhà triết học khoa học - Anh

Francis Bacon (1561 - 1626) - một trong những người sáng lập triết học Cận đại

Francis Bacon (1561 - 1626) - một trong những người sáng lập triết học Cận đại Phương pháp kinh nghiệm, hay phương pháp thực nghiệm là phương pháp nhận thức đề cao vai trò của tri thức xuất phát từ kinh nghiệm. F. Bacon là người khởi xướng khuynh hướng này tại Anh. Chủ nghĩa duy nghiệm Bacon vượt qua ý nghĩa phương pháp luận, hàm chứa cả nội dung thế giới quan sâu sắc, gắn với chủ chủ nghĩa duy vật đặc trưng của ông. Xuất phát điểm của triết học Bacon là phê phán tri thức kinh viện và những “ngẫu tượng” (ảo tưởng, bóng ma) của nhận thức, tức những lầm lẫn, hạn chế của quá trình nhận thức thế giới mà không phải lúc nào con người cũng ý thức được (thế mới gọi là “bóng ma”!). Tiếp đó, để thực hiện sự nghiệp “Đại phục hồi khoa học “(tên gọi chương trình cải tổ khoa học tổng thể của ông) cần đưa khoa học từ trên tháp ngà xuống với đời thường, đảm đương nhiệm vụ thực tiễn, trang bị cho con người ngọn đuốc trí tuệ, thâm nhập vào cõi bí hiểm của tự nhiên. Ngọn đuốc trí tuệ cụ thể là phương pháp luận kinh nghiệm, quy nạp. Hai khía cạnh của phương pháp luận đó: 1) tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm, nhưng không phải mọi kinh nghiệm, mà chỉ cần kinh nghiệm khoa học, tức kinh nghiệm thống nhất với lý trí (Bacon gọi là “kinh nghiệm mang ánh sáng”), được kiểm chứng bằng công cụ đáng tin cậy (experiment); 2) thực hiện phép quy nạp (induction) bắt đầu từ sự quan sát các hiện tượng riêng biệt, thu nhận dữ liệu, chọn lọc và xử lý chúng, lập bảng so sánh, cụ thể là ba bảng, gồm bảng hiện diện, bảng khiếm khuyết, bảng mức độ hiện diện các đặc tính của đối tượng cần nghiên cứu, nêu và kiểm chứng giả thuyết cuối cùng đưa ra nhận định chung cuộc. Con đường quy nạp, nói một cách vắn tắt là con đường đi từ cái riêng lẻ đến cái chung. Bacon liên tưởng quy nạp khoa học với công việc của con ong (cần cù, biết quan sát, chọn lọc, xử lý và biến cái thô mộc của tự nhiên thành mật ngọt, nghĩa là thành cái tinh túy và có ích). Nhờ có phương pháp khoa học đó mà con người đạt được tri thức hữu dụng, có giá trị thực tiễn, thứ tri thức biến thành sức mạnh, giúp con người khẳng định quyền lực của mình trước tự nhiên, và cả trước các lực lượng xã hội tự phát. Câu cách ngôn tri thức là sức mạnh do Bacon nêu ra đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Hơn ba trăm năm sau nhân loại đã đạt đến tinh thần đó một cách trọn vẹn. Sau Bacon phái kinh nghiệm - duy cảm đã thu hút khá đông đảo các nhà triết học duy vật lẫn duy tâm như T. Hobbes, J. Locke, G. Berkerly, D. Hume… Cùng với R. Descartes, F. Bacon được xem là người đồng sáng lập tinh thần triết học mới,sáng lập trường phái duy vật Anh thế kỷ 17, sáng lập khuynh hướng kinh nghiệm trong triết học cận đại. Theo C. Mác, Bacon cũng là ông tổ của khoa học tự nhiên thực nghiệm hiện đại, hiểu theo nghĩa phương pháp luận. a. Khái lược cuộc đời và tác phẩm Bacon sinh ngày 22/01/1561 tại London, trong gia đình dòng dõi quý tộc, bố, Nicolas Bacon, là Quan giữ ấn (Lord Keeper of the Seal) của Nữ hoàng Elisabeth I. Năm 1573 (12 tuổi) Bacon được gởi đến Cambridge học. Lúc này Cambridge và Oxford là trung tâm tri thức lớn, đã thấy xuất hiện nhiều yếu tố thế tục, phi tôn giáo trong sinh hoạt học thuật, bên cạnh hệ thống giáo dục kinh viện xưa cũ. Sau ba năm, từ giã, mang theo thái độ thù địch với triết học Aristotle. Mười sáu tuổi, Bacon được gia đình gởi sang Paris học, với ý định trở thành nhà hoạt động chính trị. Tại đây Bacon bắt đầu sự nghiệp hoạt động ngoại giao. Ong đi nhiều: qua các nước như Italia, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch. Tháng 02/1579, bố chết, Bacon về Anh. Là con thứ trong gia đình, ông chỉ nhận được gia sản thừa kế ít ỏi, Bacon tiếp tục chọn ngành học mà mình cho là mang tính thực tế, giúp cho con đường tiến thân, trong đó nổi lên ngành luật và triết. học Đó là thời kỳ để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Bacon. Những năm sinh viên Bacon tiếp thu nhiều tri thức quý giá, nhưng cũng rút ra nhiều bài học cho bản thân, kể cả những bài học phản diện. Đối với Bacon thứ tri thức nào thực sự mang lại hiệu quả thiết thân cho con người mới là tri thức đích thực. Ngược lạ, thứ “tri thức để tri thức”, còn tri thức bác học trống rỗng, nặng về giải nghĩa thuật ngữ, chuẩn hoá ngôn từ mà thiếu nội dung thực tiễn, bị ông xem là nguyên nhân làm cho khoa học giẫm chân tại chỗ. Năm 1586 Bacon trở thành luật sư tập sự, xây nhà mới, viết sách. Dòng dõi quý tộc là trợ thủ đắc lực cho sự thăng tiến về sự nghiệp của Bacon. Năm 1593 Bacontrở thành dân biểu, sau đó đứng đầu nhóm nghị sĩ đối lập. Năm1597, ông cho xuất bản tác phẩm tạo nên tiếng tăm cho mình, đó là “Những kinh nghiệm và những chỉ dẫn” Năm 1605 Bacon công bố tác phẩm “Về ý nghĩa và thành công của tri thức, tri thức thánh thần và tri thức con người”. Năm 1607 Bacon được giữ chức Cố vấn pháp luật (Office of Solicitor). Sau đó hai năm,1609, Bacon ra mắt tập sách “Về sự thông thái của người xưa”. Năm1612 Bacon trở thành Chưởng lý (Attorney General), chức vụ cao nhất trong hàng luật sư hoàng gia. Thời gian này Bacon cùng lúc viết sách, làm luật sư và đóng vai trò nghị sĩ. Năm 1614 vua James I giải tán Quốc hội, điều hành đất nước trong bảy năm. Năm 1616 Bacon được bầu làm thành viên của Hội đồng cơ mật. Năm 1617 được phong chức Quan giữ ấn, năm 1618 trở thành Đại pháp quan (Lord Chancellor) và được phong Nam tước Verulam, là một nhà cai trị tốt bụng (nhà vua gọi như vậy). Những năm Bacon đứng trên đỉnh cao quyền lực là những năm tồi tệ nhất của triều đại James, đêm trước cách mạng tư sản Anh. Trong bộ máy nhà nước tràn ngập nạn tham nhũng và hối lộ, khiến dân chúng bất bình. Đầu năm 1621, Vua James triệu tập Quốc hội. Các đại biểu bày tỏ sự bất bình trước sự gia tăng độc quyền. Hạ viện được đề nghị thanh tra hoạt động chính phủ. Sau đó Bacon bị kết án tội nhận hối lộ. Những ngày này Bacon viết thư cho Jakov, bào chữa một cách thống thiết. . Các pháp quan ủng hộ việc kết án Bacon, và ông buộc phải ra hầu tòa. Ông không cần người bào chữa, và không tự bào chữa. Bản án khắc nghiệt, nhưng các nghị sĩ vẫn biết rằng nhà vua sẽ giảm án. Bacon nhận án phạt bốn mươi ngàn bảng Anh (£), bị giam, bị tước quyền tham gia vào các chức vụ của nhà nước, vào quốc hội, hoàng gia. Sau hai năm ông được tự do, rồi được xóa án phạt. Ông lại được phép có mặt trong hoàng gia, và có thể giữ lại chiếc ghế tại Quốc hội, nhưng từ chối. Quảng đời còn lại ông dành tâm huyết cho khoa học và đời sống gia đình. Năm 1620 Bacon công bố tác phẩm triết học chủ yếu - “Công cụ mới”. Năm 1623 tác phẩm lớn: “Về phẩm giá và sự phát triển của khoa học” ngay lần ra mắt đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của những người có đầu óc cải tổ khoa học. Những năm đó Bacon viết “New Atlantis”, nhưng lại thường xuyên ốm đau, và sau một đợt cảm lạnh tiến triển thành viêm phế quản, Bacon qua đời vào ngày 09/04/1626. Các công trình nghiên cứu của Bacon có thể phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bàn về sự phát triển của khoa học và nhận thức khoa học. Nhóm này bao gồm các tác phẩm gắn liền với dự án “Đại phục hồi khoa học”, một dự án lớn, nhưng chưa kịp kết thúc; chỉ có phần hai của dự án là tương đối hoàn chỉnh, bàn về phương pháp quy nạp, được xuất bản vào năm 1620 dưới tên gọi “Công cụ mới”. Nhóm thứ hai tập hợp các tác phẩm về các vấn đề xã hội, hoặc mang tính tổng thể, như “New Atlantis”, “Tiểu luận đạo đức, kinh tế và chính trị”, “Lịch sử Henrich VII”, “Các nguyên lý và cơ sở” v. v. . b. Phân loại khoa học và đối tượng của triết học . Bacon hiểu từ “khoa học” theo nghĩa truyền thống, rất rộng (scientia), bao quát toàn bộ khả năng con người. Ông đưa các khả năng ấy vào ba nhóm - ký ức, tưởng tượng,; lý trí, và tương ứng với chúng là ba lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, và triết học. Khoa học lịch sử được chia thành lịch sử tự nhiên (historia naturalis). và lịch sử công dân (historia civilis). . Lịch sử tự nhiên mô tả các hiện tượng đa dạng của tự nhiên. Những lĩnh vực cấu thành: Lịch sử công dân: mô tả các hiện tượng của đời sống xã hội. Những lĩnh vực cấu thành: Bacon còn đưa vào “lịch sử” cả cái gọi là Bổ trợ lịch sử, gồm: Thơ ca cũng được đưa vào lĩnh vực khoa học, vì nó thể hiện khả năng của con người - khả năng tưởng tượng (phantasia) Thơ ca Phần quan trọng nhất, được Bacon triển khai kỹ nhất, chi tiết nhất trong bảng phân loại là Triết học. Ngoài những lưu ý đầu tiên, Bacon phân loại triết học ra:Thần học tự nhiên (học thuyết về thần), Triết học tự nhiên (học thuyết về tự nhiên), Triết học thứ nhất,, hay Đệ nhất triết học, mà trọng tâm là triết học con người (học thuyết về con người). Như vậy đối tượng của triết học, theo Bacon, là: Thượng đế, tự nhiên, và con người. :Học thuyết về thần, hay thần học tự nhiên, có: phần bổ sung là học thuyết về thiên thần và các thánh thần. Bảng phân loại khoa học của Bacon đề cập đến mối quan hệ giữa thần học và triết học. Ở lằn ranh giữa hai thời đại, tại Anh, trong sinh hoạt tinh thần vẫn ngự trị quan niệm “hai chân lý”. Điều này cho thấy Bacon thể hiện một thái độ uyển chuyển cần thiết đối với thần học, vừa chỉ ra vai trò của thần học và tôn giáo trong đời sống xã hội, vừa nhấn mạnh vị thế danh dự củà khoa học với tính cách là phương tiện giúp con người vươn lên làm chủ tự nhiên, qua đó làm chủ chính bản thân mình. . Với tính cách là nhà chính trị giàu kinh nghiệm, Bacon không thể không tính đến vai trò của thần học, do đó ông chủ trương dung hòa khoa học và thần học, với chủ trương “hai chân lý”, một quan niệm được Occam (1285-1349) và một số nhà duy danh thế kỷ 14 trình bày, và xa hơn một chút là Averroes (Ibn Rushd, 1126-1198) , Avicenna (Ibn Sina, 908-1037) . Theo Bacon “thần học mặc khải”, hay “thần học thiêng liêng” thể hiện “ý chí Thượng đế”. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng thần học mặc khải là điểm hoàn thiện của tri thức, là bến cảng mà từ đó tỏa đi những sung tư của con người. Bacon thừa nhận uy quyền nhất định của tôn giáo, xem nó như hình thức cần thiết bảo đảm ổn định xã hội. Thậm chí ý tưởng về một xã hội mà mọi người dân đều theo Cơ đốc giáo đã được nêu ra trong “New Atlantis”; thiết chế khoa học lớn nhất của quốc gia Bensalem gọi là Nhà Solomon, hay Hội đồng sáu ngày sáng thế. Bacon thường xuyên tham dự vào những nghi lễ tôn giáo. Cũng như Dante, dù không có thiện cảm với “dị giáo”, Bacon vẫn dành sự kính trọng cho những người “chưa biết đến niềm tin vàoThiên chúa”, nhưng đã đóng góp tích cực vào nền văn hoá chung của nhân loại, nhất là những người Hy Lạp, từ Thales đến Democritos, từ Socrates đến các nhà khắc kỷ. Như vậy, thông qua lý luận “hai chân lý”, Bacon chú trọng đến khả năng cùng tồn tại giữa tôn giáo và khoa học. Đương nhiên, hòa lẫn tôn giáo và khoa học đều có hại, cả cho tôn giáo lẫn khoa học, nhưng dung hòa thì được. Với tính cách là nhà triết học chủ trương cách tân, mong muốn giúp con người vươn lên làm chủ bản thân, khám phá tự nhiên, Bacon quan tâm đến việc bảo vệ khoa học và các nhà bác học khỏi sự truy bức tôn giáo, khẳng định quyền tự chủ của con người. Bacon phân biệt thần học mặc khải (quan niệm về tính chất không thể nhận thức được Thượng đế) và thần học tự nhiên, là thứ thần học cố gắng làm rõ khái niệm Thượng đế, thậm chí nhân đó đưa vào thần học cả một số đặc trưng của tự nhiên. Trong trường hợp này Bacon tiếp cận với Thomas Aquinas (St. Thomas). Trong tác phẩm “Về phẩm giá và sự phát triển của khoa học” Bacon gọi thần học tự nhiên là “triết học thần thánh”. Cần nói thêm rằng học thuyết “hai chân lý” đem đến cho Bacon phương tiện loại trừ thần học ra khỏi hệ thống tri thức. Chẳng hạn, chớ nên “xét đoán về những phép bí hiểm của đức tin” và tò mò muốn biết “bằng cách nào phép bí hiểm này được thực hiện” . Các nhà thần học, trong khi toan tính thực hiện điều này bằng sinh lực “yếu ớt” của trí tuệ con người, đã “hàm lẫn một cách dối trá thần thánh và con người” . Ở một chỗ khác, ông viết rằng thần học đem đến hiểm họa, cái độc hại, làm nảy sinh nhiều bất hòa, nó lầm lẫn, đánh trệch hướng trí tuệ và sức mạnh con người ra khỏi khoa học tự nhiên . Sự phân chia tiếp theo liên quan đến học thuyết về tự nhiên, hay triết học tự nhiên. Bacon hiểu siêu hình học như thế nào ? Trong triết học hậu cổ đại và trung cổ, một số lớn các nhà triết học xem siêu hình học như hạt nhân lý luận tư biện của triết học, không ít trường hợp đồng nhất với chính triết học. Bacon thì cụ thể hóa siêu hình học, hơn nữa lại gắn kết nó với vật lý học, và thực hiện chức năng nhận thức tự nhiên hiện thực. Ở Aristoteles siêu hình học là triết học thứ nhất. Bacon dù có xem xét lại siêu hình học, nhưng vẫn giữ khái niệm triết học thứ nhất,hay “khoa học phổ quát” (scientia universalis), gọi nó là “mẹ đẻ chung của tất cả các khoa học” . Với tính cách đó, nó đi trước tất cả các bộ phận triết học đi trước học thuyết về Thượng đế, về tự nhiên, và về con người. Bacon chia triết học tự nhiên ra thành triết học lý thuyết (siêu hình học, vật lý học) và triết học thực hành (cơ học, ma thuật). Toán học được Bacon xem như “bổ sung lớn cho triết học tự nhiên lý thuyết và triết học tự nhiên thực hành”. Nhờ sử dụng “kinh nghiệm mang ánh sáng” như phương tiện của mình mà triết học lý thuyết đạt được nhiều thành quả trong việc làm sáng tỏ nguyên nhân của các hiện tượng tự nhiên. Nhờ sử dụng “kinh nghiệm mang thành quả” như phương tiện của mình mà triết học thực hành cụ thể hoá các khám phá của triết học lý thuyết, phục vụ lợi ích của con người. Triết học thực hành không tuyệt đối hoá khía cạnh ứng dụng; nó còn đặt ra nhiệm vụ xác lập một cách trực tiếp những sự vật “nhân tạo”, nghĩa là những gì không có trong thiên nhiên hoang dã. Học thuyết về con người: Triết học về con người chiếm vị trí quan trọng trong bảng phân loại khoa học của Bacon. Vòng ngoài cùng: học thuyết về con người triển khai thành học thuyết về bản tính tự nhiên và trạng thái của con người, gồm học thuyết về nhân cách (cá nhân) người (điểm mạnh, điểm yếu), học thuyết về mối liên hệ giữa linh hồn và cơ thể. Vòng thứ hai: triết học con người triển khai thành học thuyết về cơ thể, gồm y học, nghệ thuật trang điểm (cosmetica) môn điền kinh, nghệ thuật thưởng thức, hưởng thụ. Vòng thứ ba: triết học về linh hồn triển khai thành học thuyết về linh hồn cảm thụ thần thánh, học thuyết về linh hồn cảm giác, học thuyết về thực thể và các năng lực của linh hồn, bổ sung cho học thuyết về các năng lực của linh hồn. Vòng thứ tư: học thuyết về cách sử dụng và các khách thể của các năng lực linh hồn, gồm khoa học công dân (lại gồm nhiều bộ phận cụ thể), đạo đức học (chú trọng phúc lợi), logic học (gồm nhiều bộ phận, như nghệ thuật khám phá, nghệ thuật phán đoán, nghệ thuật ghi nhớ, nghệ thuật truyền đạt…; rồi thậm chí có cái gọi là “bổ sung cho nghệ thuật truyền đạt”, gồm môn phê bình, môn sư phạm). Những gì cần rút ra từ học thuyết về con người? Con người với tính cách là cá thể, là đối tượng của nhân học (nhân loại học, nhân chủng học, philosophia humana), còn với tính cách thành viên xã hội, là đối tượng của triết học công dân (philosophia civilis) hay chính trị. Nhân loại học tìm hiểu cơ thể và linh hồn con người, những yếu tố tác động đến tính cách và lối sống của con người. Phần cuối cùng được Bacon chú ý đặt biệt - đó là tâm lý học và logic học, khoa học về tư duy, khám phá chân lý. Logic học Aristoteles đã kinh viện hóa không kích thích khám phá mà chỉ chứng minh cái sẵn có. Giờ đây trước mắt triết học là một nhiệm vụ rất nặng nề - khám phá những chân lý mà trước đó chưa hề biết đến, nhất là những chân lý giúp khẳng định quyền lực của mình trước tự nhiên. Vấn đề mà Bacon suy nghĩ là tìm kiếm một phương pháp nhận thức các chân lý khách quan, hữu dụng. Vấn đề này được trình bày trong “Công cụ mới” (Novum Organum). c. Chương trình đại phục hồi khoa học và tư tưởng chủ đạo của triết học Bacon Trong “Đại phục hồi khoa học” (Instauratio Magna Scientiarum). bày tỏ suy nghĩ của mình như sau: “Nhận thức được rằng lý trí con người tạo ra những khó khăn cho mình, không sử dụng một cách lành mạnh và tinh tế những phương tiện hỗ trợ đúng đắn nằm trong quyền lực con người, mà kết quả là đã xuất hiện vô số sự lầm lẫn về sự vật, gây ra không biết bao nhiêu tổn thất, kẻ hèn mọn này thấy cần thiết bằng tất cả sức lực mong muốn, với cách thức nào đó, phục hồi nguyên vẹn, hay ít ra cải thiện mối quan hệ giữa giữa trí tuệ và sự vật, để nó gắn kết với mẢnh đất trần tục hay có tính chất trần tục”. Vào thời Bacon tại Anh trong đời sống thực tiễn đã diễn ra nhiều thay đổi tích cực. Quá trình tích luỹ tư bản ban đầu, bât chấp những hậu quả đau thương của nó đối với dân nghèo, vẫn là quá trình không đảo ngược. Người dân đón chờ những sự kiện chính trị lớn lao, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn, đồng thời hạn chế sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Nói cách khác, trong đời sống xã hội đã xuất hiện những nhân tố báo trước sự kết thúc của nền quân chủ. . Tuy nhiên trong sinh hoạt khoa học đang ngự trị một nền quân chủ khác - uy quyền tư tưởng. Các giáo sư đại học trong lĩnh vực triết học chỉ lặp đi lặp lại những chân lý lỗi thời, những bài học tư duy sáo mòn của triết học kinh viện. Kết quả là khoa học dẫm chân tại chỗ, thậm chí bị “nhiểm độc”. Là người từng ở đỉnh cao quyền lực, với kinh nghiệm thực tiễn và ước muốn cải tổ môi trường khoa học, Bacon bắt tay xây dựng dự án “Đại phục hồi khoa học”. Đại phục hồi khoa học phải được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả,, để khôi phục vị trí danh dự của khoa học, và để khoa học từ trên chín tầng trời đến với tự nhiên, vơi sự vật, hoàn thành nhiệm vụ thực tiễn của mình. Tư tưởng Đại phục hồi khoa học xuyên suốt trên toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của Bacon, được trình bày dưới những hình thức khác nhau, với tất cả tính kiên trì và lòng nhiệt thành đáng khâm phục. Tiêc thay chương trình này vẫn còn dang dở. Mục đích của Đại phục hồi khoa học: là, thứ nhất, khôi phục lại vị trí của khoa học trong đời sống xã hội, thứ hai, xác định nhiệm vụ của khoa học trong điều kiện lịch sử mới,chỉ ra giới hạn của “thế giới trí tuệ” phù hợp với những biến đổi to lớn đang diễn ra trong xã hội; thứ ba, xác lập phương pháp khoa học giúp con người đi tới khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên, mở ra thế giới mới của mình. Mục đích cao nhất của tri thức khoa học, xét đến cùng, là đem đến cho con người phương tiện hiện thực và năng lực biến đổi thế giới. Theo Bacon, hai khát vọng của con người - khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực - đều ngang bằng nhau. Có tri thức ắt có quyền lực, sức mạnh. “Tri thức là sức mạnh” - tư tưởng chủ đạo của triết học Bacon, cũng là tuyên ngôn của thời đại mới. Đại phục hồi khoa học cũng chính là nhằm làm sao để tri thức khoa học thực sự trở thành sức mạnh, hữu dụng đối với con người. Phác thảo chương trình Đại phục hồi khoa học, gồm sáu phần: 1. Phân loại khoa học. 2. Công cụ mới, hay những chỉ dẫn cho việc giải thích tự nhiên. 3. Các hiện tượng của thế giới, hay lịch sử tự nhiên và lịch sử thực nghiệm dành cho cơ sở của triết học. 4. Cây thang lý trí. 5. Trước ngưỡng cửa triết học thứ hai. 6. Triết học thứ hai (đệ nhị triết học), hay khoa học hữu dụng. Bacon thực hiện các phần vừa nêu bằng những tác phẩm tương ứng với ý tưởng mỗi phần: Với phần 1: De Dignitate et Augmentis Scientiarum. Với phần 2: Novum Organum Scientiarum. Với phần 3: những tác phẩm, những trích đoạn liên quan đến lịch sử tự nhiên, các hiện tượng và các quá trình tự nhiên. Với phần 4: những trích đoạn. Với phần 5: những trích đoạn. Với phần 6: mới chỉ là dự định, chưa kịp thực hiện. Tuy nhiên ý tưởng của phần này thật rõ ràng, dứt khoát, nói lên mục đích cuối cùng của Đại phục hồi khoa học. “… Con người - đầy tớ và kẻ giải thích tự nhiên (…) chiến thắng được tự nhiên chỉ khi nào bắt nó khuất phục (…). Hai khát vọng của con người - khát vọng tri thức và khát vọng quyền lực - trên thực tế là nhất trí ở cùng một điểm”. “Thất bại trong thực tiễn là do không nhận thức được nguyên nhân ” . Bacon tin tưởng rằng với ngọn đuốc trí tuệ được thắp sáng một lần nữa, với sự hỗ trợ của hoạt động khoa học thực nghiệm, sự nghiệp Đại phục hồi sẽ thành công, đẩy lùi tri thức kinh viện ra khỏi đầu óc con người, khôi phục trật tự tự nhiên trong khoa học, một trật tự mà nhờ tuân thủ nó người Hy Lạp đã đạt được những thành quả to lớn. d. Học thuyết về các idola (những bóng ma, ảo tưởng, ngẫu tượng) và sự thanh tẩy trí tuệ con người khỏi chúng. Thế nào là idola? Thực chất là những chướng ngại cản trở sự tiến bộ trí tuệ, làm lệch lạc quá trình nhận thức của con người. Hình Ảnh bóng ma, hay ngẫu tượng cho thấy một thực tế là trong quá trình nhận thức nhiều người bị ám Ảnh bởi những sai lầm, nhưng khó xác định là những sai lầm gì, vì thế không tìm ra được phương thức khắc phục. Hơn thế nữa, do chỗ khá nhiều người không nhận thấy mình bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, nên nghĩ rằng mình vẫn ở trạng thái bình thường. Những “tù nhân tự nguyện” ấy của hoàn cẢnh cần được “thanh tẩy” đầu óc, thoát khỏi ngẫu tượng, trở lại cuộc sống lành mạnh. Sự thanh tẩy bắt đầu từ các nhà khoa học đang bị chi phối bởi chủ nghĩa giáo điều kinh viện. Tính lịch sử của quan niệm về “ảo tưởng” là ở chỗ, những ảo tưởng của nhận thức xuất hiện từ xa xưa, ngay từ những bước đi ban đầu của con người tìm hiểu thế giới. Bacon đã đem đến cho khái niệm này một ý nghĩa nhận thức luận rộng hơn. Theo Bacon, các ảo tưởng một phần cố hữu ở trí tuệ con người tự trong bản chất, một phần xuất hiện trong lịch sử nhận thức, một phần trong sự phát triển cá nhân của con người. Phê phán các ảo tưởng chính là phê phán ý thức đời thường và triết học kinh viện. Các ảo tưởng thường xuyên ám Ảnh, bám đuổi con người, tạo nên trong con người những quan niệm và những ý tưởng sai lầm, xuyên tạc diện mạo thực của tự nhiên, cản trở con người thâm nhập vào chiều sâu bí hiểm của tự nhiên . Các loại ảo tưởng: 1. Ảo tưởng tộc loài (idola tribus): Đây là loại ảo tưởng cố hữu tự bản tính con người, ở lý trí lẫn tình cảm. Cảm giác hoặc không giúp gì chúng ta khi đánh tuột khỏi tầm quản chế của mình các hệ thống và các sự vật tự nhiên, hoặc đánh lừa chúng ta. Biểu hiện rõ nhất: của loại ảo tưởng này là ở sự lý giải tự nhiên “theo con người” chứ không “theo tự nhiên”, áp đặt cho tự nhiên một khuynh hướng, một mục đích. Đó là căn bệnh chủ quan, duý ý chí trong nhận thức và hành động. Tiếp theo: sự tham lam của người đời. Ham muốn nhiều, mà khả năng hạn chế, khiến cho những nhận định khái quát không tập hợp những dữ liệu cần thiết. “Lý trí con người thật tham lam” . Tiếp theo nữa: sự cả tin (người ta tin mà không giải thích vì sao tin). Sự nông cạn và viễn vông khiến nhiều “độc tài” phải trả giá. Do đó, theo Bacon, cần gắn vào đôi cánh trí tuệ hai quả tạ, để nó tiếp cận với đất, với sự kiện. Theo Bacon, loại ảo tưởng này có cơ sở từ chính hoạt động của con người, nên ổn định, là loại ảo tưởng khó loại trừ, nhưng có thể trung hòa, hạn chế bớt hiểm họa do nó gây ra. 2. Ảo tưởng cái hang (idola specus): Theo Bacon, mỗi người có một “cái hang đặc thù của mình” làm “suy yếu và lệch lạc ánh sáng tự nhiên” . Điều kiện và môi trường nảy sinh là những đặc tính tâm lý và sinh lý, tạo nên tính cách riêng của mỗi nguời, thành phần xuất thân và điều kiện giáo dục. . Nền giáo dục Trung cổ từng giam hãm con người trong “cái hang” chật chội của nó, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Kết quả là nền giáo dục ấy tồn tại dai dẳng, gây nên tâm lý e ngại cái mới, thói quen chấp nhận lối tư duy mang tính giáo huấn một chiều. Điều đáng ngại nhất làmôi trường xúc cảm và ý chí mù quáng, tính bảo thủ và sự hèn nhát, thiếu bản lĩnh. Bacon: viết “Trí tuệ con người không phải là ánh sáng đơn điệu, nó bị ý chí và dục vọng vây bọc, chính điều này nảy sinh ra trong khoa học sự tùy hứng. Con người thường tin vào cái mình thích … Dục vọng làm ô nhiễm và thui chột lý trí” . Cần khắc phục nó như thế nào? Bacon nêu ra ba hướng khắc phục kết hợp với nhau là: tiếp cận sự vật. , kinh nghiệm tập thể, đường lối giáop dục thích hợp, kích thích sáng tạo cá nhân. 3. Ảo tưởng công cộng, hay quảng trường (idola fori): Loại ảo tưởng này sinh ra trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ. Người ta tưởng rằng trong giao tiếp lý trí của họ điều khiển từ ngữ của họ” , nhưng thực ra ngược lại. Ảo tưởng công cộng có thể xem như biểu hiện của “tha hóa ý thức”, rất khó nhận biết, thâm nhập vào ý thức con người, xuyên tạc logic của phán quyết, lập luận. Tôi nói, vì người khác nói như thế, tôi xét đoán sự vật theo dư luận, tôi chấp nhận một chiều “chân lý sẵn có”, mà không tìm hiểu thấu đáo, nói khác đi, ở tôi thiếu tinh thần hoài nghi và phê phán; tôi đã đánh mất cái tôi, ý thức. Thông qua hình Ảnh “ảo tưởng công cộng”, Bacon phê phán những hạn chế của thói quen ý thức, tính chất không hoàn thiện của tư duy đời thường, dư luận, và cả tệ sính chữ: tranh luận triền miên, vô bổ về ngôn từ. Cách khắc phục tốt nhất là thường xuyên trau dồi tri thức, tăng cường tính độc lập trong suy nghĩ, tinh thần hoài nghi, phê phán khoa học. 4. Ảo tưởng sân khấu (idola theatri): Loại ảo tưởng này sinh ra do lòng tin mù quáng vào uy quyền, nhất là vào các học thuyết và hệ thống triết học truyền thống, được dàn dựng theo kiểu “sân khấu triết học”. Trong số các “uy quyền truyền thống”, Bacon phê phán Aristoteles nặng nề nhất, vì: tư tưởng của nhà triết học Hy lạp này, nhất là tam đoạn luận, không còn phù hợp với nhu cầu phát triển tri thức, song lại được tuyên truyền ồn ào trong các trường học, tạo nên nền quân chủ trung sinh hoạt tinh thần trung cổ, để lại dấu ấn nặng nề trong ý thức của nhiều thế hệ các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học hiện tại. Suốt hàng ngàn năm người ta chỉ lặp đi lặp lại những chân lý cũ xưa, mà không tạo ra bất kỳ khám phá nào. Nguyên nhân trực tiếp của thực trạng khoa học dẫm chân tại chỗ là sự chế ngự của uy quyền tư tưởng. Thuộc về ảo tưởng sân khấu còn có kẻ thù của triết học tự nhiên như mê tín, lòng nhiệt thành tôn giáo mù quáng, thiếu cân nhắc . Phê phán uy quyền và chủ nghĩa giáo điều, Bacon viết: “Chân lý là đứa con của thời gian, chứ không phải của uy quyền” . Để khắc phục ảo tưởng sân khấu nhà khoa học cần tự tin hơn trong nghiên cứu, xoá bỏ mặc cảm, chủ động tiếp thu cái mới, thay thế cho cái cũ. Bacon nhận thấy vấn đề vượt qua uy quyền không đơn giản, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý nữa. Phê phán triết học kinh viện trung cổ và những sai lầm trong nhận thức làm nên phần “phủ định” của triết học Bacon. e. Novum Organum Scientiarum Để xác lập công cụ khoa học mới, điều trước tiên, theo Bacon, là loại trừ Ảnh hưởng của tam đoạn luận và phương pháp kinh nghiệm của Aristoteles. Tam đoạn luận của Aristoteles được triết học kinh viện hoàn thiện, nâng lên thành tư duy tư biện về toàn bộ thực tại, kể cả tự nhiên. Phương pháp luận này, dù đảm bảo tính logic chặt chẽ, song theo Bacon, vẫn chỉ ở cấp độ ngữ nghĩa, chứ không phải cấp độ vật thể. Hàng loạt những mệnh đề chặt chẽ về logic, nhưng lại không được kiểm chứng bằng thực nghiệm, do đó trở nên vô bổ. Đối lập với lôgíc học Aristoteles đã kinh viện hoá, Bacon nêu ra lôgíc học quy nạp mới như khoa học giúp con gnười thâm nhập sâu hơn vào tự nhiên. Ong viết:”Lôgíc học của chúng ta dạy và hướng dẫn lý trí đến chỗ nó không cố đạt đến sự trừu tượng hoá sự vật bằng những mánh khóe khôn ngoan (như điều mà lôgíc học vẫn thường làm), mà chủ trương thâm nhập vào tự nhiên và khám phá các thuộc tính và vận động của các vật thể và những quy luật nhất định của chúng trong vật chất…suy ra, khoa học này xuất phát không chỉ từ bản tính của trí tuệ, mà cả từ bản tính của sự vật” (Bacon, Novum Organumt. . 2, M, 1972, tr. 220) Sai lầm nghiêm trọng nhất của chủ nghĩa kinh viện là bám rất sát vào mệnh đề logic, nhưng không bám sát sự vật, tự nhiên. Phê phán dách tiếp cận này, Bacon viết: “Sự tinh tế của giới tự nhiên hơn hẳn sự tinh tế của lập luận”, “sự tinh tế của cảm giác và lý trí” . Phép diễn dịch không căn cứ vào các dữ kiện là phép diễn dịch trống rỗng. Đối với loại tam đoạn luận có sử dụng nhiều dữ kiện, Bacon tỏ thái độ thận trọng hơn. Bacon không phản bác những dữ kiện và tri thức kinh nghiệm nào đưa ta tới nhận định khái quát, nhưng Bacon phản bác thứ nhận định vội vàng, thiếu cân nhắc, do không quan sát đầy đủ các hiện tượng. Những kinh nghiệm được xây dựng theo lối quan sát phiến diện là không bền vững, thiếu cơ sở. Cần thay dự đoán bằng lý giải, thay diễn dịch tam đoạn luận bằng thực nghiệm - quy nạp. Phương pháp luận của Bacon là phương pháp luận thực nghiệm - quy nạp. , và đó cũng là công lao vĩ đại của Bacon trong việc liên kết các vấn đề của triết học với trình độ của khoa học đương đại. Lẽ cố nhiên Bacon không phải là người đầu tiên xác lập phép quy nạp. Socrates từng dùng quy nạp trong đạo đức học duy lý như một trong những bước quan trọng trên con đường vươn đến cái Thiện cao nhất. Aristotle sử dụng thuật ngữ này để chỉ phương pháp nghiên cứu đi từ cái đơn nhất tới cái chung. Vào thời Trung co: phép quy nạp được một số nhà triết học sử dụng, nhưng đa phần họ vẫn theo phương pháp diễn dịch - tam đoạn luận. Bacon nhận thấy trước ông có hai loại quy nạp: - Quy nạp hoàn toàn, nhưng chỉ tập hợp các dữ liệu của tư duy, thiếu nội dung thực tiễn, không có ý nghĩa đối với đời sống con người. - Quy nạp không hoàn toàn, nghĩa là thứ quy nạp dựa trên cơ sở quan sát một phần dữ kiện nào đó, và rút ra nhận định từ những cái không điển hình, không thể hiện bản chất sự vật với lý do là không ai có thể quan sát được hết tất cả. Đó là quy nạp thông qua sự liệt kê đơn giản, là nấc thang thấp trong sự phát triển của phép quy nạp. Bacon nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng quy nạp khoa học, hay quy nạp chân lý (inductio vera), đưa ra nhiều kết luận xác thực và mới mẻ. Ở đây sự xác lập các dữ kiện không còn là quan sát thụ động, đơn giản, mà là thí nghiệm. Nó đòi hỏi sự can thiệp tích cực của chủ thể - nhà nghiên cứu vào quá trình quan sát, loại bỏ một số điều kiện và xác lập một số khác, cho phép đạt tới chân lý khách quan thực sự. Điểm xuất pháp của quy nạp khoa học là “thắp lên một ngọn đuốc trí tuệ” soi đường, tiếp đó thực hiện các bước theo một trình tự hợp lý. Bước đầu (bước chuẩn bị): thu thập dữ liệu có trong tự nhiên (khoáng vật, kim loại…), nắm sơ bộ những thuộc tính chung nhất, đơn giản nhất của sự vật. Tiếp theo (bước phân tích, phân loại): tiến hànhquan sát tỉ mĩ, cẩn trọng, ghi dấu, tìm ra những liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, xác lập ba bảng, tùy theo kết quả quan sát: - Bảng hiện diện (tabula praesentiae), ví dụ: các đặc tính nhiệt trong ánh nắng mặt trời, trong lửa, trong thủy tinh nóng chảy, trong cơ thể sinh vật… - Bảng khuyết diện (tabula absentiae): cũng những đặc tính đó nhưng không diện diện ở một số sự vật; ví dụ: không có tính nhiệt ở ánh sáng mặt trăng, ở chất không bị nung nóng, ở nhựa của thực vật… - Bảng mức độ hiện diện (tabula graduum), ví dụ: nhiệt của cơ thể sinh vật thay đổi tùy thuộc vào vận động, nhiệt ở chỗ này ít hơn chỗ khác, ở điều kiện này hày điều kiện khác, v. v… Bước ba (bước xác lập, kiểm chứng, nhận định). Chỉ khi nào sự kiểm chứng đã thực hiện xong, mới có thể yên tâm về kết quả đã đạt được. Kết luận chung cuộc là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng. Như vậy, có thể nói Bacon đã đoán trước phương pháp nghiên cứu thực nghiệm mà vào giữa thế kỷ 19 phát triển khá rầm rộ. Bacon so sánh ba loại quy nạp như sau: Thứ nhất, quy nạp kiểu con nhện, đó là toan tính rút ra chân lý từ ý thức “thuần tuý”, không căn cứ vào các sự kiện và toàn bộ hiện thực nói chung; những kết luận của nó mang tính chất giả thiết, có thể chân lý, có thể giả tạoNhững kẻ giáo điều và những nhà duy lý sử dụng phương pháp này. Giống như con nhện, họ dệt nên màng lưới tư tưởng từ chính trí tuệ. Thứ hai, quy nạp kiểu con kiến, đó là thứ chủ nghĩa kinh nghiệm (duy nghiệm) thiển cận, chỉ chú trọng đến việc tập hợp sự kiện. Các nhà duy nghiệm, tựa như những con kiến, rất siêng năng tập hợp những sự kiện tách biệt nhau, nhưng không biết khái quát chúng. Phương pháp nhận thức này cũng tỏ ra phiến diện, bởi lẽ nó không giúp nhà nghiên cứuđi sâu vào bản chất của đối tượng. Thứ ba, quy nạp kiểu con ong, liên kết mặt tích cực của hai phương pháp trước, tránh được những hạn chế của chúng. Nhờ phương pháp này mà nhà nghiên cứu thực hiện bước đột phá từ kinh nghiệm sang lý luận. Né tránh phương pháp này sẽ trở lại “phương pháp của con kiến”, phương pháp thiếu chắc chắn và dễ dẫn ta đến sai lầm; còn sự vội vã lại có nguy cơ sa vào “phương pháp của con nhện”. Để khắc phục cả hai thái cực ấy cần tuân thủ tính kiên trì có hệ thống và tính trình tự nghiêm túc, thể hiện nguyên tắc thống nhất cái cảm tính và lý tính. Học thuyết quy nạp gắn kết hữu cơ với bản thể luận triết học của Bacon, với phương pháp phân tích, với học thuyết về các thuộc tính đơn giản và các hình thức của chúng, với nguyên tắc nhânquả. Người sáng lập nên phương án đầu tiên của lôgíc quy nạp thực hiện bước đột phá quan trọng trong khoa học lôgíc, góp phần khắc phục quan điểm hình thức và duy danh. Lôgíc học, được hiểu như hệ thống giải thích, nghĩa là như hệ thống với ngữ nghĩa học định trước, luôn luôn có tiền đề bản thể luận nào đó, và được xác lập như mô hình lôgíc của một số kết cấu bản thể luận. Bacon từng tuyên bố rằng lôgíc học cần xuất phát không chỉ từ bản tính của trí tuệ, mà còn từ bản tính của sự vật. Phương pháp quy nạp, với tính cách là phương pháp của khám phá, cần được ứng dụng theo các quy tắc nghiêm ngặt, nhằm đưa đến những kết luận chắc chắn và xác thực. Cách tiếp cận này này được Bacon trình bày mộ cách hình tượng: cần đem đến cho lý trí không phải đối cánh rộng, mà là quả chì và một vật nặng, để hãm bớt bước nhảy và bay của nó. Lời chỉ dẫn đó chứng tỏ thái độ thận trọng của Bacon trong việc tìm kịếm một phương pháp thích hợp đối với nhận thức chân lý. Thái độ đó không thừa, cắn cứ vào những biến động trong sinh hoạt khoa học thời ông. g. “New Atlantis” vàý tưởng về một xã hội dựa trên “quyền lực của tri thức” Phần thực hành của triết học Bacon gắn với ý tưởng xây dựng một xã hội mà “nghệ thuật quyền lực” đạt đến trình độ cao nhờ khoa học. Xã hội đó được ông mô tả trong tác phẩm chưa kịp hoàn thành - tác phẩm “New Atlantis” (1626). Sau đây là đoạn lược dịch: Trong suốt một năm ròng, trong chuyến hải hành đi từ Peru đến Trung Quốc và Nhật Bản, đoàn tàu gồm 51 thành viên bị bão làm lệch hướng, ghé vào một hòn đảo trên vùng biển Thái Bình Dương,, và phát hiện ở đây có cuộc sống ưu việt hơn hẳn các nước châu Au. Cộng đồng dân cư ở đảo đều theo Kytô giáo, rất mộ đạo và giàu lòng nhân ái. Tên hòn đảo là Bensalem, gợi nhớ về lịch sử bi hùng của cộng đồng từ thưở xa xưa. Về mặt chính trị, quyền lực được trao cho người uyên bác nhất; người này lập nên các bộ phận chức năng để quản lý đảo. Ở vùng đất này không có nhà tù, không có đảng phái chính trị,không có những cuộc chiến tranh và xung đột, bởi lẽ cư dân đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề liên quan đến lợi ích chung, Lực lượng phòng vệ được tạo ra chỉ nhằm bảo vệ đảo khỏi sự tấn công của các lực lượng bên ngoài, chứ không chống cư dân. Có thể xem phương thức cai trị trên đảo biểu hiện cho một nền quân chủ khai sáng, hình thức quyền lực mà Voltaire đề cập sau này. Những thành quả không ngờ tới của đảo Bensalem đã được giới thiệu tại cuộc gặp giữa một trong những người đứng đầu Ngôi nhà Salomon và tác giả: “Chúa chúc lành cho con trai, ta sẽ đưa cho con ba kho báu vĩ đại nhất của ta…Để cho con hiểu thực sự về Ngôi nhà Salomon, ta sẽ kể theo trình tự sau: Thứ nhất, ta sẽ cho con biết mục đích của tri thức chúng ta; thứ hai là các dự phòng và công cụ của chúng ta trong công việc; thứ ba là các công việc và chức năng; thứ tư - những quy định, thủ tục. Mục đích sự hiểu biết của chúng ta là tri thức về các nguyên nhân, và sự vận động bí ẩn của vạn vật; sự mở rộng ranh giới của vương quốc loài người đến giới hạn có thể. Các dự phòng và công cụ của chúng ta là những hang rộng, sâu dưới lòng đất, cái sâu nhất khoảng 600 sãi, một số hang nằm bên dưới các ngọn núi và đồi lớn, nếu tính cả độ sâu của đồi núi thì có hang đạt đến độ sâu 3 dặm. Chúng tôi gọi các hang động là là khu vực thấp, được dùng cho việc đông lạnh dự trữ, bảo quản các thể sống. Chúng ta mô phỏng các quặng mỏ tự nhiên để sản xuất ra nhiều kim loại mới bằng sự phối hợp các nguyên liệu. Chúng tôi chế tạo thuốc kéo dài tuổi thọ… Chúng ta có nhiều tháp cao, một số đạt đến trên 3 dặm, gọi là khu vực cao, dùng để quan sát các hiện tượng thiên văn…Chúng ta có nhiều hồ lớn, vừa ngọt vừa mặn để nuôi cá và chôn các sinh vật …có nhiều hồ nhỏ để lọc nước ngọt từ nước mặn và ngược lại…có nhiều dòng suối mạnh để sử dụng cho việc …tạo ra nhiều chuyển động đa dạng. Chúng ta có nhiều quặng nhân tạo như sulfur, thép, đồng, chì, nhiều quặng nhỏ để hỗn hợp các thứ khác, có nước thiên đường bổ ích cho sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ… Chúng ta có một số phòng (đặc biệt) điều hoà không khí để trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ… Chúng ta có (khả năng) điều chỉnh nhịp độ sinh trưởng của cây ăn trái để tạo ra những vụ thu hoạch trái mùa, nhanh hơn hay chậm hơn, phong phú về chủng loại, hình dáng, màu sắc, mùi vị, khác với trạng thái tự nhiên… Chúng ta có nhiều phương tiện …phối hợp các loại đất mà không cần hạt giống, bằng cách này tạo ra nhiều loại cây mới, ưu việt hơn… Chúng ta có nhiều chuồng trại và công viên nuôi thú và chim các loại, không chỉ để quan sát, bảo dưỡng, mà còn để làm thí nghiệm, giúp tìm hiểu cơ thể người, phát hiện ra nhiều hiện tượng lạ, sự hồi sinh của những thứ tưởng chừng đã chết. Chúng ta đã thí nghiệm nhiều chất độc hại và chất kích thích tăng trưởng trên cơ thể sinh vật, làm cho chúng trở nên lớn hơn hay nhỏ hơn bình thường…tìm ra nhiều cách lai tạo chúng để tạo ra nhiều loài mới…. Chúng ta có nhiều ngôi nhà độc đáo trang hoàng bằng các loại ánh sáng, tia bức xạ đủ màu…tìm ra cách thức tạo ánh sáng, cầu vồng, vầng hào quang nhân tạo, chế tạo các công cụ quan sát từ xa đến gần, từ lớn đến nhỏ… Chúng ta có nhiều ngôi nhà âm thanh, nơi thực hành và thưởng thức các laọi âm thanh với sự hài hòa của những lát cắt âm thanh nhỏ nhất mà các con chưa biết, ngọt ngào hơn những thứ mà các con chưa nghe…Chúng ta có đủ phương tiện chuyển tải âm thanh theo đường ống với những khoảng cách và con đường khác nhua kỳ lạ… Chúng ta có những ngôi nhà hương thơm, đem đến nhiều mùi vị phong phú. Chúng ta tạo ra các mùi hương lạ từ các hỗn hợp khác nhau… Chúng ta tạo ra các loại thiết bị chiến đấu và máy móc các loại, các hỗn hợp thuốc súng có thể cháy ở dưới nước và không bị nguội đi… Chúng ta mô phỏng các loài chim, tạo ra một số thiết bị bay trên không trung,. Chúng ta có tàu thuyền lặn dưới nước… Chúng ta có ngôi nhà - toán học dùng để trưng bày mọi công cụ tính toán như hình học, thiên văn học Chúng ta có nhiều ngôi nhà đánh lừa các giác quan, ở đó hiện diện mọi thủ thuật khéo léo về tung hứng, ảo Ảnh, ảo giác, biểu tượng. …Đấy là sự giàu có của Ngôi nhà Salomon, hỡi con trai! […] Vì lợi ích của cư dân, chúng ta phân công 12 người đi đến các nước khác dưới những tên gọi khác nhau. Họ đem về sách vở, mô hình đủ loại. Chúng ta gọi họ là các thương nhân ánh sáng. Chúng ta có 3 người chuyên sưu tập các thí nghiệm khác nhua trong sách vở; những người ấy được gọi là những người xâm nhập Chúng ta có 3 người chuyên sưu tập các thí nghiệm về công nghệ máy móc, khoa học tự do và khoa học thực hành, được gọi là những người bí ẩn. Chúng ta có 3 người chuyên tiến hành những thử nghiệm mới, được gọi là những người tiên phong. Chúng ta có 3 người chuyên rút ra các dữ liệu từ những thí nghiệm, lập thành bảng biểu, đặt tên mới để giúp cho quá trình quan sát tiếp theo, được gọi là những người biên soạn. Chúng ta có 3 người quan sát các thí nghiệm, ứng dụng các thành quả từ những thí nghiệm ấy vào nhận thức và cuộc sống…được gọi. là những ân nhân. Sau nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi chung, chúng ta phân công 3 người nâng cấp các thí nghiệm mới, đi sâu vào bản chất hơn, được gọi là các ngọn đuốc (ngầm hiểu ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng quá trình tìm hiểu bản chất sự vật - ĐNT). Chúng ta có 3 người tiến hành trực tiếp các thí nghiệm và báo cáo chúng, được gọi là những người tạo kháng thể. Cuối cùng chúng ta có 3 người mở rộng các phát minh bằng thí nghiệm trước đó thành các quan sát quy mô lớn hơn, rút ra các tri thức, cách ngôn, được gọi là những người giải thích tự nhiên. …Chúng ta buộc các phát minh và sáng chế phải được in ấn, xuất bản công khai, truyền thụ, hoặc giữ bí mật, nếu thấy điều đó là cần thiết… …Chúng ta có 2 nhà lưu trữ rất đẹp và dài. Ở một ngôi nhà chúng ta đặt các mô hình và kiểu mẫu nhiều loại phát minh xuất sắc và độc đáo. Ở ngôi nhà khác chúng ta đặt tượng tất cả các nhà phát minh lớn, đó là tượng Columbus, người phát hiện ra Tây An, cũng là nhà phát minh ra tàu thuỷ; bên cạnh đó là tượng các nhà phát minh ra quy tắc (nhận thức các nguyên nhân), thuốc súng, âm nhạc, chữ viết, in ấn, thuỷ tinh, lụa, rượu, bắp và bánh mỳ, đường…” (Francis Bacon / Utopia/ Reference Archive/ http: www. marxists. Org/reference/archive/bacon/1626/new-atlantis/). Trong tác phẩm dang dở này Bacon tưởng tượng về một xã hội với những thành quả khoa học - kỹ thuật mà vào thời đại hiện nay đã không còn xa la, nói khác đi, Bacon đã đoán trước xu thế của lịch sử ở bình diện tri thức. Đảo Bensalem được Bacon hình dung như một xã hội lý tưởng, có khả năng t6ỏ chức hoạt động khoa học ở trình độ cao, biết vận dụng tối đa các phát minh khoa học vào việc quản lý xã hội và làm giàu cho các cư dân. Con người trở nên minh mẫn về trí tuệ, hoàn thiện về nhân cách, tự mình xây dựng nên một vương quốc của hạnh phúc và thịnh vượng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vào nửa sau thế kỷ XVII, khi xây dựng Viện khoa học Hoàng gia London, người ta khắc ghi tên ông trên bia đá như sự tri ân người đã gợi mở ý tưởng về sự cần thiết tổ chức hoạt động khoa học ở quy mô quốc gia để tập trung sức mạnh của tri thức khoa học vì tiến bộ xã hội. Những gì cần rút ra từ “New Atlantis” ? Trước hết, có thể thấy rằng, vào thời Bacon, cũng như trước và sau đó, tư duy không tưởng về một xã hội tốt đẹp, hoàn thiện, luôn chiếm vị trí xứng đáng. Nó thể hiện sinh động ở chủ nghĩa nhân văn Kytô giáo Erasmus và Munzer, hoài nghi luận xã hội Montaigne, chủ nghĩa cộng sản không tưởng More và Campanella (thời Phục hưng), phương án Khế ước xã hội của Hobbes,phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. và chủ nghĩa cộng sản không tưởng đầu thế kỷ XIX - nguồn gốc lý luận trực tiếp của chủ nghĩa xã hội khoa học. Đặc điểm chung của tư duy không tưởng, trong đó có tư duy không tưởng Bacon, là từ cuộc sống hiện thực, căn cứ vào xu thế vận động của lịch sử và khả năng của con người, dự báo về cái sẽ diễn ra trong tương lai. Tính đa dạng của các dự án không tưởng phản ánh tính đa chiều đa dạng của đời sống và các nhu cầu của con người. Thứ hai, học thuyết không tưởng của Bacon bám sát vào thành quả của khoa học thế kỷ XVII, vào trinh độ nhận thức chung. Vào thế kỷ XVII khoa học từ chỗ là hoạt động nghiên cứu tự do dần dần trở thành thiết chế xã hội, một thành tố không thể thiếu trong đời sống của một quốc gia. Các nhà khoa học bước đầu liên kết với nhau trong nỗ lực khẳng định vị thế và sức mạnh của con người. Cũng chính ở đây thể hiện tầm nhìn xa của ông về cái cần có trong xã hội tương lai dưới ánh sáng của tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Thứ ba, trong “New Atlantis” Bacon nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của nhà triết học và nhà chính trị. Từ kinh nghiệm quyền lực của một người từng làm đến chức Thủ tướng, Bacon nắm bắt khá đầy đủ và chính xác những đòi hỏi bức thiết của xã hội, đồng thời lại dung hoà những ước muốn hợp lý với trật tự chính trị - xã hội hiện hành. Chế độ chính trị tại Bensalem là bản sao của nước Anh, chỉ khác ở chỗ chủ thể quyền là giới khoa học, các chuyên gia kỹ thuật. Chế độ đó cũng mô phỏng một phần mô hình nhà nước lý tưởng của Platon, nhưng không chi tiết hoá các quan hệ quyền lực và phương thức tổ chức đời sống cộng đồng. Từ góc độ nhà triết học - nhà cách tân, Bacon cổ vũ cho tinh thần khám phá khoa học, dành cho mình nhiệm vụ đánh thức tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người. Bacon nhấn mạnh: cũng như Columbus khám phá ra châu Mỹ (Bacon gọi là Tây An), chúng ta sẽ khám phá ra những vùng đất mới trong khoa học. Tinh thần khám phá đó cho phép con người mở rộng đến vô tận vương quốc của mình. Thứ tư, bức tranh xã hội của “New Atlantis” còn làm nổi bật vai trò hoà giải của khoa học; xem khoa học là cầu nối hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Chuyển giao công nghệ và chuyển giao tri thức giữa các quốc gia - tư tưởng đó được thai nghén trong “New Atlantis”, dù chỉ là những dự phóng còn chưa rõ nét. Ý nghĩa nhân văn - khai sáng của “New Atlantis” là ở chỗ, bằng trí tưởng tượng phong phú, Bacon đã tiên đoán về thời đại kinh tế tri thức, về thời đại mà ở đó tri thức trở thành tài sản vô giá của nhân loại, chỉ ra sự thống nhất giữa tri thức và quyền lực, nhấn mạnh tư tưởng cốt lõi sau đây: một xã hội muốn tồn tại và phát triển bình thường cần phải quan tâm đến lợi ích con người, những nguyện vọng, sở trường và thiên hướng cá nhân của họ. Lẽ cố nhiên cách đặt vấn đề của Bacon về vai trò của khoa học trong đời sống xã hội không tránh khỏi tính phiến diện, thể hiện ở dự báo về xu hướng kỹ trị, một xu hướng tuyệt đối hoá tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, che khuất hoặc giảm nhẹ các nhân tố khác như chính trị, văn hoá, tư tưởng, xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX, và vẫn còn phổ biến trong thời đại hiện nay. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng những thành quả của khoa học - kỹ thuật và công nghệ không phải là phương thuốc vạn năng, chữa lành mọi vết thương xã hội, rằng tiến trình lịch sử - xã hội không diễn ra một chiều, mà trên cơ sở tổng hoà các nhân tố khác nhau, và rằng, đạt đến quyền lực chính trị cần có sự kết hợp giữa tri thức, bản lĩnh và kinh nghiệm, mà trước hết là tri thức về bản chất con người. Ở phương diện này N. Machiavelli chính là người mở đường, người đã “bắt đầu xem xét nhà nước bằng đôi mắt người” (Xem C. Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, t. 1, CTQG, HN, tr. 166), đã đạt nền móng cho khoa học chính trị hiện đại. h. Chủ nghĩa duy vật Bacon Học thuyết “hai chân lý” và mối liên hệ của nó với thần học là hiện tượng khá phổ biến vào thế kỷ XVI - XVII. Tuy nhiên ở Bacon việc thừa nhận hai chân lý và xem Thượng đế là đối tượng triết học chỉ có thể giải thích từ quan điểm lịch sử cụ thể. Vào thời Bacon tôn giáo là hình thức sinh hoạt phổ biến, chi phối các lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, chíhn trị của xã hội với những mức độ khác nhau. Vấn đề là ở chỗ trong bối cẢnh chung đó Bacon đã tự vượt lên, thể hiện mình như một nhà cách tân khoa học, người sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh như thế nào. Chủ nghĩa duy vật của Bacon tập trung chủ yếu trong triết học tự nhiên. Bacon đánh giá cao chủ nghĩa duy vật tự phát cổ đại, nhất là nguyên tử luận Leuccippos và Democritos, là học thuyết xem các nguyên tử - những phần tử bé nhất, không phân chia - như bản nguyên thế giới. Tính vật chất của bản nguyên thế giới, được khẳng định trong triết học tự nhiên Hy lạp cổ đại, từ Thales đến Epicuros, theo Bacon, là bước đi đầu tiên trong công cuộc khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên (xem F. Bacon, tác phẩm, t. 1, Moscou, Tư tưởng, 1977, tr. 181). Điểm xuất phát trong triết học tự nhiên của Bacon là quan niệm về nguồn gốc vật chất của sự hình thành vũ trụ. Theo Bacon, ngay từ trong thần thoại đã xuất hiện mầm mống của cách hiểu như thế dưới những suy luận về cái vô hạn, bất định, bất phân, hay hỗn mang (chaos). Song ông lưu ý rằng, hỗn mang không phải là thứ vật chất phi hình thức, mà là vật chất đã định hình, đã được tổ chức ở trình độ thấp, từ trạng thái vô định của thế giới. Các nhà nguyên tử luận trên cơ sở đúc kết các khám phá về tự nhiên đã trừu tượng hoá chúng bằng khái niệm nguyên tử, và từ sự suy tưởng về vận động của các nguyên tử mà đưa ra nguyên tắc tính nhân quả và tính tất yếu. Dù tuyên bố mình là người đi theo Democritos, Bacon không vì thế mà chịu Ảnh hưởng của chủ nghĩa máy móc triệt để, là đặc điểm phổ biến của triết học châu Au thế kỷ XVII - XVIII. Bacon khác xa T. Hobbes và R. Descartes ở điểm này. Cũng như các nhà duy vật cổ đại, Bacon khẳng định tính vĩnh cữu và tính vô hạn của vật chất đang vận động, trong đó diễn ra sự đấu tranh của các lực đối lập, chẳng hạn giữa “bất hoà” và “hoà giải”, phân rã và liên kết. v. . v. . Bacon tán thành quan điểm của Heraclitos về thế giới như quá trình trải qua sinh thành, phát triển và diệt vong. Quan niệm về nguồn gốc vật chất của sự hình thành thế giới ở Bacon gắn với quan niệm về tính thứ nhất và tính tích cực nội tại của vật chất. Vật chất, theo Bacon, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cái tự thân tồn tại, không chịu sự chi phối của bất kỳ nguyên nhân nào khác. Cách hiểu như thế ã phần nào khắc phục chủ nghĩa máy móc trong lý luận nhân quả, quan hệ tất nhiên - ngẫu nhiên. Chủ nghĩa máy móc xem xét sự vận động của sự vật ở bình diện lực hút - lực đẩy đơn giản, do đó không tránh khỏi rơi vào vòng luẩn quẩn của “cú hích của Thượng đế” khi giải thích nguyên nhân vận động của toàn thể vũ trụ. Bacon nhậnt hấy rằng, chuỗi nguyên hnân trong tự nhiên, xuất phát từ cái riêng đến cái chung, được hoàn thiện ở khái nhiệm “nguyên nhân vật chất” phổ quát ban đầu. Bacon không đưa ra định nghĩa vật chất; ông làm sáng tỏ khái niệm vât chất trong mối liên hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các hiện tượng vật chất, giữa vật chất với vận động và hình thức, nghĩa là dựa một phần vào học thuyết của Aristoteles về bốn nguyên nhân, song loại bỏ những yếu tố duy tâm và mục đích luận. Khái niệm “hình thức” được lý giải khá đa dạng: bản chất sự vật, nguyên nhân và nguồn gốc bên trong, cái xác định hay phân biệt các sự vật, tính quy luật vận động thuần túy của vật chất. Song ở cách lý giải nào hình thức vẫn là cái mang tính vật chất, tính khách quan. Bacon phân biệt hình thức của các sự vật cụ thể (thực thể) và hình thức của các thuộc tính đơn giản, hay của cái bản chất. Trong khi đánh giá cao lập trường của các nhà duy vật cổ đại Bacon nhận thấy hạn chế cơ bản của họ ở sự đồng nhất bản nguyên thế giới với các yếu tố vật chất cụ thể - cảm tính, đồng thời chỉ ra sự cần thiết khái quát hóa vấn đề bản nguyên, nhằm nêu bật tính phổ biến và tính không thể hủy diệt của vật chất. “Vật chất trừu tượng” như kết quả của lý trí con người được Bacon phân tích từ lập trường duy vật, phê phán sự tách rời “ý niệm” khỏi cơ sở trần tục, hiện thực, do phái Platon chủ trương. Ong cũng phê phán cách hiểu sai lầm của phái Aristoteles về “vật chất thụ động”, hay “vật chất trong khả năng”, tiềm thể. Theo Bacon, “vật chất trừu tượng” chỉ tỏ ra hợp lý như ý niệm mà nhờ đó chúng ta có thể bao quát một cách có ý thức và xác định bản tính của các sự vật hiện thực. Vật chất trừu tượng và thiếu tính tích cực không nên xem như bản nguyên, bởi lẽ không thể xác lập các sự bật hiện thực từ các sự vật do tưởng tượng mà ra. Bacon là một trong những nhà triết học đầu tiên khẳng định nguyên lý về tính không thể bị hủy diệt của vật chất. Theo ông, tổng số vật chất là vĩnh cửu, không tăng không giảm, nhờ đó vật chất được bảo toàn cả về lượng lẫn về chất, thông qua sự đa dạng các hình thức tồn tại và phát triển của các vật thể. Quan niệm về tính không thể bị hủy diệt của vật chất tạo nên sự kết nối tư tưởng giữa Bacon với nguyên tử luận Lecippos - Democritos và Epicuros; sự kết nối ấy cho thấy một quá trình lâu dài của nhận thức đi từ suy tưởng đơn giản đến khoa học tự nhiên thực nghiệm, trong đó sự suy tưởng được thay bằng các minh chứng kha học thực sự. Bacon không dừng lại ở tư duy trực quan - suy tưởng chấc phác về vận động của các nguyên tử, mà làm sáng tỏ tính tích cực nội tại của chúng thông qua công cụ khoa học, thông qua thực nghiệm, thí nghiệm. Bacon cũng vạch ra sự mâu thuẫn của nguyên tử luận, thể hiện ở việc thừa nhận hư không với tính cách là cái không tồn tại và sự liên kết thuần tuý bên ngoài của các nguyên tử, sự hợp nhất hay phân rã về lượng của chúng. Ong cho rằng, cách tiếp cận tương tự sẽ mở đường cho quan niệm máy móc về vận động như sự chuyển dịch, sự thay thế vị trí của các vật thể trong không gian. Bacon liên kết quan điểm về tính không bị hủy diệt của vật chất với quan điểm về sinh thành và phát triển phổ biến trong tự nhiên, mặc dù ông chỉ trình bày chúng ở những nét sơ khởi, chưa đầy đủ. Theo ông, quy luật và trật tự của các biến đổi là thường xuyên và vĩnh cửu, nhưng bản chất thì không thường xuyên và khả biến. Trong thế giới không có cái gì bất biến, mọi thứ đều “trải qua”, tổng thể vũ trụ là cái toàn thể vận động. Có thể nhận thấy ở đây nguyên tắc “vạn vật biến dịch” của Heraclitos. Tuy nhiên nhà triết học cổ đại Hy Lạp không chỉ ra tính tương đối của đứng im, do đó đã bị trường phái Elea phê phán, và thay nguyên tắc “vạn vật biến dịch” bằng nguyên tắc “vạn vật bất biến” và “vạn vật đồng nhất thể”, với 40 luận chứng bác bỏ vận động. Khắc phục khiếm khuyết này, Bacon một mặt thừa nhận vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất, mang tính phổ biến, nghĩa là bao quát toàn bộ sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất, kể cả đời sống xã hội; mặt khác, xem đứng im như mặt đối lập của vận động, thậm chí là một dạng vận động đặc biệt, “vận động của nghỉ ngơi”. Vận động tuyệt đối, đứng im tương đối - quan điểm đó, nếu được triển khai và phân tích sâu sắc thêm, sẽ trở thành quan điểm biện chứng thực sự về vận động. Bacon đặt ra nhiệm vụ của khoa học là tìm hiểu các quy luật của tự nhiên, hay các “hình thức”, thể hiện tính thống nhất và đa dạng của các sự vật, hiện tượng. Hiểu được các ‘hình thức ‘ nghĩa là có được cái cẩm nang để thâm nhập vào giới tự nhiên, khám phá những đặc tính bản chất của nó trong các sự vật. Giới tự nhiên đa dạng và luôn phân chia ấy được Bacon hình dung như hình chóp nhọn, xuất phát từ các hiện tượng đơn nhất, thông qua tiểu loại và chủng loại đến cái chung nhất, từ nấc thang thấp đến sự thống nhất cao hơn (xem Bacon, toàn tập, t. 1, M, 1971, tr. 192). Bacon đôi khi còn sử dụng yếu tố nhân hình hoá để giải thích nguồn gốc của tự vận động trong tự nhiên, chẳng hạn xem nguồn gốc của vận động trong vật thể cảm tính là tinh thần. Tuy nhiên đối với Bacon tinh thần, cũng như hình thức, lại có tính vật thể, cố hữu ở tính tích cực nội tại của nó, đồng nghĩa với “vật thể tự nhiên”. Lối lý giải lạ lùng này chứng tỏ sự lúng túng của Bacon trong quan điểm tự nhiên, nhưng cũng cho thấy nỗ lực của ông muốn vượt qua thần học chính thống và nhị nguyên luận kiểu Descartes sau này. Trong triết học tự nhiên Bacon đến gần với quan niệm về sự chuyển hoá từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất. , khi nhấn mạnh khả năng của con người nhận thức về tính thống nhất lẫn tính đa dạng của các sự vật, hiện tượng, sự chuyển hóa của mọi cái đang tồn tại từ tính đa dạng đến sự thống nhất và từ tính thống nhất đến tính đa dạng. Vận động của các vật thể, theo Bacon, cũng phức tạp như chính vật thể. Thế giới vật chất hàm chứa nhiều chất; vật chất có thể đông đặc hay lỏng nóng hay lạnh, nặng hay nhẹ, khô hay ẩm, đơn giản hay phức tạp, cảm tính hay phi cảm tính, thậm chí hợp lý hay bất hợp lý, …Rõ ràng cách hiểu như thế về đa dạng các hình thức vận động của vật chất còn mang tính ấu trĩ, và chưa vượt ra khỏi phương phpá tư duy siêu hình. Song mặt tích trong việc phân loại vận động của Bacon là ở chỗ, bằng cách đó ông muốn khắc phục sự suy diễn thuần túu lôgíc và tư biện của Aristoteles trong quan điểm vận động thông qua các phạm trù phổ biến như xuất hiện, trải qua, tăng, giảm, biến đổi, luân chuyển, có thể áp dụng cho mọi hình thức vận động, mà không tính đấn đặc thù của từng chủng loại sự vật. Trong cách phân loại vận động của mình Bacon chú ý trước tiên đến các hình thức vận động đã được khoa học tự nhiên nghiên cứu, trong đó có vận động tự quay của các hành tinh, vận động từ tính và trường hấp dẫn (gravitation), vận động chống lại áp lực, vận động nhiệt, vận động ánh sáng, vận động xung động, vận động mô tả, vận động sản sinh, vận động theo hương tập hợp quy mô lớn, vận động theo hướng tập hợp quy mơ nhỏ, vận động tỉnh tại, hay đứng im, vận động vượt thoát…Bacon liệt kê khoảng trên 20 hình thức vận động, song theo ông, trên thực tế số lượng vận động là vô hạn. Tinh vô hạn ấy của vận động chứng mính tính đa chất trong tự nhiên. Bên cạnh các chất sắn có trong tự nhiên, con người tạo ra những chất mới, phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình. Bacon hpê phán quan điểm máy móc, tức quan điểm quy giản các chất về cái gọi là những “chất có trước”, hay những chất nền tảng đầu tiên. Thế giới đa chất, không có chất nào là đơn giản - tuyên bố đó của Bacon mở đường cho quá trình tìm hiểu tự nhiên như chỉnh thể thống nhất trong tính đa dạng. Mối liên hệ giữa các chất được thực hiện bằng con đường chuyển hoá lẫn nhau của các vật thể trên cơ sở “vận động phổ quát (xem Bacon, tác phẩm, t. 1, M, 1971, tr. 192 - 195). Các vật thể trong tự nhiên không bị huỷ diệt, mà chuyển hoá. Quá trình này được bacon phân tích trong nhóm các phạm trù lượng - chất - độ, trong đó độ là “liều lượng của tự nhiên”, nó chỉ ra giới hạn và khả năng chuyển hoá của các sự vật, sự tổng hợp chất và lượng diễn ra như thế nào. Tóm lại, thông qua triết học tự nhiên, Bacon thể hiện mình như một nhà duy vật, hơn nữa, là cha đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh thế kỷ XVII. Điều này cũng có nghĩa là chủ nghĩa duy vật Bacon gắn liền với phương pháp luận của ông, đồng thời chứa đựng một số yếu biện chứng theo cách hiểu hiện đại. Để có được những yếu tố tích cực đó Bacon biết cách kế thừa có chọn lọc tư tưởng cổ đại, nhất là chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng tự phát. Ngay cả khi phê phán tam đoạn luận Aristotelesvà “nền quân chủ khoa học” do triết học kinh viện tạo ra, dựa vào uy quyền Aristoteles, Bacon vẫn dành cho nhà triết học này sự đánh giá trân trọng, nhất là ở cách tiếp cận về quá trình nhận thức và nội dung tri thức. Các yếu tố biện chứng trong thế giới quan của Bacon phản ánh khát vọng cách mạng của một bộ phận tầng lớp xã hội vào đêm trước cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII, những biến đổi to lớn trong hoạt động thực tiễn và trong khoa học, mà Bacon là nhân chứng lịch sử. Tuy nhiên, xét chung cuộc, Bacon, cũng như J. Locke sau này, là những nhà tư tưởng đã chuyển phương pháp tư duy siêu hình từ khoa học tự nhiên sang triết học, khi đòi hỏi tìm hiểu các sự vật đơn nhất, cụ thể, nhưng lại không vạch ra bằng cách nào các sự vật ấy nằm trong mối liên hệ, tác động lẫn nhau, chế ước nhau, chuyển hoá vào nhau. Vì thế những yếu tố biện chứng ở Bacon vẫn chỉ dừng lại dưới hình thức “dự báo thiên tài”. Ngoài ra, cần thấy rằng, vào thời Bacon thuật ngữ “phép biện chứng”vẫn còn được hiểu theo nghĩa truyền thống, do người Hy lạp khởi xướng. Trong hệ thống khoa học “phép biện chứng” là đối tượng của lôgíc học và tu từ học, các yếu tố cần thiết của khoa học nhân văn như triết học và luật học. Bacon quy phép biện chứng về nghệ thuật thông báo, truyền dẫn tin tức và xác lập luận cứ. Tiếp theo phép quy nạp (hay phép biện chứng) của Platon, Bacon xác định nhiệm vụ của “phép biện chứng” là khám phá hình thức của phép chứng minh nhằm tránh cho lý trí những sai lầm ngẫu nhiên. Phải đến thế kỷ XIX phép biện chứng theo cách hiểu hiện đại mới hình thành

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phân tích âm nhạc

I TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT CỦA NGHỆ THUẬT ÂM NHẠC, PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TÁC PHẨM ÂM NHẠC Âm nhạc như chúng ta đã biết và đã hiểu rất rõ về nó. Âm nhạc-nghệ thuật của âm thanh là 1 trong những hình thái ý thúc của xã hội, phụ thuộc vào hoạt động và quy luật của tự nhiên, đông thơi âm nhạc còn có những quy luật riêng bắt nguồn từ tính chất đặc biệt của nó. Tinh chất đặc biệt đó của âm nhạc là bản chất thời gian. Tại sao chúng ta lại có thể nói như vậy? Bởi âm nhạc được trình bầy, phat triển qua thời gian thể hiện sự tiến triên của nội dung hình tượng(hình tượng ở đây là các nhân vật sự kiện trong thời gian bài hát ra đời.v.v) Âm nhạc thông qua những âm thanh mang tính nhạc dụa trên hai yếu tố cơ bản là giai điẹu và tiết tấu được tổ chức 1 cách chặt chẽ tao thành những hệ thông có logic để thể hiện hình tượng nôi dung nhất định những tình cảm sinh động,sâu sắc của con người. Một tác phăm nghệ thuật âm nhạc có tính nghệ thuật cao bao giờ cũng chứa đựng 1 nội dung sâu sắc. Để thể hiện

Bàn về phạm trù Thiện - ác - Hoàng Văn Thuận

Phạm trù Thiện – ác? Truyền thống yêu nước của dân tộc ta Họ và tên : Hoàng Văn Thuận – Sư phạm Triết học – K62 Thiện và ác là một cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại mặc dù quan niệm về nó có thể thay đổi trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của các quốc gia dân tộc khác nhau. Thiện và ác cũng là những phạm trù căn bản làm ranh giới hay là thước đo đời sống đạo đức của mỗi cá nhân. Ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng đã muốn tìm ra một đặc tính cố định của con người để giải thích nguồn gốc ý thức, hành vi đạo đức của mọi cá nhân đang biểu hiện ra muôn hình muôn vẻ, và vô cùng phức tạp trong cuộc sống chung của xã hội. · Quan niệm về thiện ác trong lịch sử\. Theo quan niệm của các nhà triết học cổ đại phương Tây như Xôcrát (469 – 399) và Platôn (427 – 347) thì “cái thiện” là một ý niệm chung, phổ biến và bất biến, là ý niệm cao nhất mlaf Chúa sáng, là mặt trời sinh ra muôn vật. Mọi ý niệm trong thế giới ý niệm đều tồn tại, bất biến không sinh ra cũng kh

Tư Tưởng mỹ học Ấn Độ phần 1

Tư tưởng mỹ học ở Ấn Độ cổ - trung đại Họ và tên: Hoàng Văn Thuận – Sư phạm Triết học – K62 1. Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của triết học ấn độ cổ, trung đại 1.1. Hoàn cảnh ra đời của tư tưởng triết học và mỹ học Ấn Độ cổ, trung đại 1.1.1. Điều kiện tự nhiên Ấn Độ là một bán đảo lớn - một "tiểu lục địa" nằm ở miền Nam châu Á; phía Tây Nam và Đông Nam giáp Ấn Độ Dương, phía Bắc là dãy Hymalaya hùng vĩ án ngữ theo một vòng cung dài 2.600km. Điều kiện thiên nhiên và khí hậu của Ấn ộ rất phức tạp. Địa hình vừa có nhiều núi non trùng điệp, vừa có nhiều sông ngòi với những vùng đồng bằng trù phú; có vùng khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều, có vùng lạnh giá, quanh năm tuyết phủ, lại cũng có những vùng sa mạc khô cằn, nóng nực. Tính đa dạng, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và khí hậu là những thế lực tự nhiên đè nặng lên đời sống và ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí người Ấn Độ cổ. 1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội Sự phát triển của xã h