Giới thiệu sự tiến triển của thư viện trường học

Nguyễn Quốc Vương


Email:

Bài này đã đăng trong Hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021 tại Hà Nội và qua Zoom. 

Dẫn Nhập

Khi nhìn nhận và đánh giá vai trò của giáo dục trường học đối với sự phát triển của học sinh, người ta thường có xu hướng tập trung vào vai trò của chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp giảng dạy mà quên mất tác động và ý nghĩa to lớn của văn hóa trường học. Trong thực tế, văn hóa trường học với nội hàm rộng lớn của nó bao gồm cả bầu không khí, đời sống sinh hoạt ở trường, các mối quan hệ phức tạp, tương tác lẫn nhau, cùng các sự kiện nghi lễ và hoạt động văn hóa ở trường học luôn có ảnh hưởng quan trọng tới sự trưởng thành của học sinh. Môi trường văn hóa học đường đó thường được coi là một dạng “chương trình tàng ẩn” (hidden curriculum). Thiếu nó, quá trình để học sinh “xã hội hóa” bản thân biến mình thành một thành viên của xã hội, một người công dân đúng nghĩa sẽ không thể diễn ra suôn sẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang dần trở thành nước công nghiệp và xã hội trở thành xã hội thông tin, việc nhận thức đúng về vai trò của văn hóa học đường đối với sự phát triển toàn diện của học sinh để thực hiện mục tiêu-triết lý giáo dục toàn diện càng trở nên quan trọng. Trước kia trong xã hội nông nghiệp truyền thống, học sinh có thể xã hội hóa cá nhân thông qua tương tác, trải nghiệm và học hỏi trong môi trường văn hóa gia đình, xã hội địa phương (làng/xã) một cách thuận lợi và phong phú. Các yếu tố như gia đình lớn, nhiều thế hệ, cộng đồng địa phương có tính ổn định và bền chặt, sinh hoạt chung của cộng đồng thu hút đông đảo sự tham gia của mọi người là các yếu tố tác động tích cực tới quá trình xã hội hóa cá nhân của trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên ngày nay, khi gia đình hạt nhân là chủ yếu, môi trường truyền thống không còn, sự di động của dân số diễn ra mạnh mẽ và sinh hoạt cộng đồng ở địa phương gặp khủng hoảng, quá trình trưởng thành trong tư cách là người công dân của học sinh đã vấp phải nhiều khó khăn. Những thách thức này buộc trường học phải chủ động tạo ra môi trường văn hóa cần thiết, thích hợp để cho học sinh trải nghiệm, tham gia như một chủ thể. Ở phương diện này, trường học giống như J. Dewey (1859-1952) đã chỉ ra không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà trường học chính là cuộc sống.

Trong xây dựng văn hóa học đường, văn hóa đọc phải có vị trí xứng đáng. Nó phải được đặt ở vị trí trung tâm với vai trò lớn lao của thư viện. Ở các nước kinh tế phát triển và tiên tiến như Hà Lan, Phần Lan, Nhật Bản… thư viện trường học được coi là “trái tim của trường học”. Tất cả những hoạt động văn hóa, giáo dục quan trọng nhất của trường học đều xuất phát từ thư viện và gắn bó với thư viện.

Ở nước ta hiện nay, cho dù có ít nhiều chuyển biến tích cực, văn hóa đọc trong trường học vẫn là một vấn đề lớn đáng âu lo. Các thư viện trường học thực sự hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành ‘trái tim của trương học” còn rất ít ỏi. Học hỏi các nước trên thế giới đi trước để thư viện trường học có vị trí xứng đáng là công việc khẩn thiết. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về vị trí, vai trò, cũng như hiện trạng và hoạt động trong thực tế của thư viện trường học Nhật Bản. Trên cơ sở đó, tôi sẽ rút ra một vài bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng trong phát triển văn hóa ở trường học.

1. Vị trí, vai trò của của thư viện trường học ở Nhật Bản

1.1. Hiện trạng hệ thống thư viện và thư viện trường học ở Nhật Bản 

Ở châu Á, Nhật Bản là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thiết lập hệ thống thư viện hiện đại theo mô hình phương Tây. Người đầu tiên giới thiệu hệ thống thư viện phương Tây vào Nhật Bản là Fukuzwa Yukichi (1835-1901). Trong bộ sách Tây Dương sự tình ghi chép lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe ở Âu Mỹ (trọn bộ 10 cuốn) xuất bản từ năm 1866 đến 1870, ông đã giới thiệu về thư viện (phòng đọc sách) nằm trong Bảo tàng Đế quốc Anh đương thời (British Museum Reading Room). Không chỉ giới thiệu về cơ cấu, cách thức tổ chức của thư viện, Fukuzawa Yukichi còn mô tả cách thức các cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp, tặng sách cho các thư viện.

Tất nhiên, trước đó ở Nhật Bản đã có các thư viện nằm trong các trường học dành cho võ sĩ, quý tộc, thư viện của các trường phiên (dưới thời Minh Trị sau này đổi thành tỉnh). Tuy nhiên sau khi thông tin về hệ thống thư viện phương Tây trong Tây Dương sự tình lan truyền, người Nhật đã xúc tiến xây dựng hệ thống thư viện mới. Kiến nghị xây dựng thư viện kiểu mới do Ichikawa Seiryu được trình lên chính quyền Minh Trị (5/1872) đã dẫn tới sự ra đời của các thư viện mới ra đời trong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ. Cũng trong năm 1872 này, thư viện Kyotoshushoin được lập ra ở Kyoto và đây được coi là thư viện công đầu tiên của Nhật Bản hiện đại.

Sau khi đánh bại nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Nhật-Thanh (1894-1895), những tiếng nói kêu gọi xây dựng thư viện quốc gia dâng cao và ngày 22/4/1897, chính phủ ban bố “Đế quốc thư đồ quán quan chế” khai sinh ra “Thư viện đế quốc” lẫn nghề “thủ thư”. Năm 1947, dưới tác động của Hiến pháp 1946 với ba trụ cột là “hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền”, “Thư viện đế quốc” đổi tên thành “Thư viện Quốc gia” và đến 1949 thì trở thành “Thư viện Quốc hội Nhật Bản” và tồn tại, hoạt động cho tới tận ngày nay.

Cho đến nay, Nhật Bản đã có một hệ thống thư viện hiện đại, rộng khắp. Theo số liệu điều tra do Hiệp hội thư viện Nhật Bản cung cấp năm 2020 Nhật Bản hiện có 3316 thư viện công (năm 2019: 3306). Thống kê của Hiệp hội thư viện Nhật Bản năm 2020 cũng cho biết ở Nhật Bản có 19 thư viện tư nhân. Một cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ vào năm 2008 cho biết 100% các tỉnh, 98% thành phố, quận, 59.3% khu phố, 22. 3% làng có thư viện.

Các thư viện này hoạt động theo Luật thư viện Nhật Bản được công bố ngày 30/4/1950 (bộ luật số 118) và sửa đổi năm 2019.

Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ thời Minh Trị đến nay, hệ thống thư viện trường học Nhật Bản cũng được xây dựng, phát triển và hiện đại hóa liên tục song hành với hệ thống thư viện nói chung ở trên. Ta có thể biết được về hiện trạng thư viện trường học Nhật Bản từ một vài số liệu do Cuộc điều tra có tên “Điều tra về hiện trạng thư viện trường học” của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản năm 2020 cung cấp như dưới đây.

Bảng 1. Tình hình bố trí giáo viên thủ thư ở trường tiểu học

Tình hình chung

Tình hình ở những trường có trên 12 lớp

Quốc lập

92.6% (100%)

92.6% (100%)

Công lập

69.9% (67.9%)

99.4% (99.4%)

Tư thục

61.8% (64.3%)

87.8% (89.2%)

Đặc khu

0.0% (50%)

0.0% (100%)

Tổng

69.9% (68%)

99.2% (99.3%)

Bảng 2. Tình hình bố trí giáo viên thủ thư ở trường trung học cơ sở

Tình hình chung

Tình hình ở những trường có trên 12 lớp

Quốc lập

 71% (72.6%)

95.7% (95.9%)

Công lập

64.2% (64.6%)

98.8% (98.9%)

Tư thục

46.7% (68.4%)

66.7% (88%)

Đặc khu

………………………….

…………………

Tổng

63% (65%)

 96, 9% (98.3%)

Bảng 3. Tình hình bố trí giáo viên thủ thư ở trường trung học phổ thông

Tình hình chung

Tình hình ở những trường có trên 12 lớp

Quốc lập

 64.7% (64.7%)

100% (100%)

Công lập

86.1% (87%)

98.5% (99.3%)

Tư thục

70.9% (79.6%)

80.6% (88.2%)

Đặc khu

12.5% (10.5%)

100% (100%)

Tổng

81.4% (84.5%)

 93.2% (96.1%)

Bảng 4. Tình hình bố trí thủ thư trường học ở trường tiểu học

Số trường học có bố trí

Tỷ lệ phần trăm so với tổng thể

Quốc lập

 40 (42)

58.8% (58.3%)

Công lập

13.051 trường (11.561)

69.1% (58.8%)

Tư thục

109 (115)

46.8% (51.3%)

Đặc khu

2 (2)

100% (100%)

Tổng

13.202 (11.720)

68.8% (58.8%)

Bảng 5. Tình hình bố trí thủ thư trường học ở trường trung học cơ sở

Số trường học có bố trí

Tỷ lệ phần trăm so với tổng thể

Quốc lập

 38 (40)

55.1% (54.8%)

Công lập

6027 (5392)

65.9% (57.1%)

Tư thục

310 (521)

42% (70.4%)

Đặc khu

…………………

…………..

Tổng

6375 (5953)

 64.1% (58%)

Bảng 6.  Tình hình bố trí thủ thư trường học ở trường trung học phổ thông

Số trường học có bố trí

Tỷ lệ phần trăm so với tổng thể

Quốc lập

 13 (13)

76.5% (76.5%)

Công lập

2290 (2349)

66.4% (66.9%)

Tư thục

775 (915)

55.2% (66.4%)

Đặc khu

1 (2)

6.3% (10.5%)

Tổng

3079 (3279)

63% (66.6%)

Ghi chú: Con số trong ngoặc đơn là số liệu của cuộc điều tra lần trước.

Nhìn vào bảng số liệu trên ta sẽ thấy ở các trường công lập việc bố trí nhân sự có chuyên môn cao làm việc như là thủ thư trường học và giáo viên thủ thư đã được hoàn thành về cơ bản.

1.2. Vị trí-vai trò của thư viện trường học ở Nhật Bản

Vị trí-vai trò của thư viện trường học ở Nhật Bản được xác định rất rõ về mặt pháp lý trong Luật thư viện trường học. Trong Luật thư viện trường học (có hiệu lực từ ngày 1/4/1953 và sửa đổi ngày 24/6/2016) quy định rõ “Thư viện trường học là công trình cơ bản không thể thiếu trong giáo dục trường học”.

Cũng chính trong Điều 1 này mục đích của thư viện trường học được xác định là “hướng tới sự phát triển lành mạnh và làm phong phú giáo dục trường học”.

Sự khẳng định vai trò-vị trí quan trọng của thư viện trường học còn được nhắc lại rõ hơn nữa ở điều 3 cho dù ngắn gọn: “Trường học phải có thư viện riêng”.

Trong Bản Hướng dẫn học tập hiện hành (Văn bản giống như chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công  nghệ biên soạn, ban hành) ở phần “Tổng quy” có lưu ý khi xây dựng kế hoạch chỉ đạo (giáo án) giáo viên phải: “Sử dụng thư viện trường học có kế hoạch, nỗ lực sử dụng chức năng của thư viện đó để làm phong phú các hoạt động học tập, hoạt động đọc sách có tính chủ thể và tích cực của học sinh”

Những chức năng-nhiệm vụ cơ bản nhất của thư viện trường học cũng được thể hiện ở Điều 4 Luật thư viện trường học như sau:

(1) Sưu tầm tư liệu thư viện, phục vụ việc sử dụng của học sinh và giáo viên.

(2) Hợp lý hóa sự phân loại, trưng bày tư liệu thư viện và xây dựng mục lục.

(3) Tiến hành các buổi đọc sách, các hội nghiên cứu, buổi chiếu phim, buổi triển lãm tư liệu…

(4) Hướng dẫn trẻ em, học sinh sử dụng tư liệu thư viện và sử dụng các thư viện trường học khác.

(5) Liên lạc mật thiết và hợp tác với các thư viện trường học, bảo tàng, nhà công dân và các thư viện khác…

(6)Thư viện trường học có thể được sử dụng phục vụ công chúng nói chung trong giới hạn việc đó không gây trở ngại cho việc đạt được mục đích nói trên.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, thể thao, Khoa học và Công nghệ cũng diễn giải chức năng của thư viện trường học ở ba phương diện chủ yếu[3]:

(1) Chức năng là “Trung tâm đọc sách”, “trung tâm thông tin-học tập” của học sinh

(2) Chức năng hỗ trợ giáo viên

(3) Chức năng khác: cung cấp “nơi trú ngụ” cho học sinh khi học sinh muốn yên tĩnh một mình, nơi kết bạn, nơi thư giãn, nơi trú ngụ an toàn sau khi tan học…Thư viện trường học cũng sẽ là nơi tiến hành các hoạt động đọc sách ở địa phương, gia đình khi phối hợp với người dân địa phương và phụ huynh.

Với vị trí, vai trò, chức năng nói trên, thư viện trường học sẽ trở thành “trái tim của trường học” kết nối với mọi hoạt động giáo dục diễn ra trong trường học.

2. Các hoạt động của thư viện trường học Nhật Bản trong thực tiễn

Trong thực tiễn, các thư viện trường học Nhật Bản thông qua các hoạt động cụ thể và phong phú đã đóng vai trò lớn đối với giáo dục trường học. Sẽ khó có thể hình dung ra giáo dục Nhật Bản sẽ thế nào nếu như các thư viện trường học ngừng hoạt động hoặc không hoạt động có hiệu quả. Ta có thể thấy được phần nào vai trò to lớn của thư viện trường học Nhật Bản trong thực tiễn qua số liệu của cuộc điều tra có tên “Điều tra về Hiện trạng thư viện trường học” năm 2020 được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ công bố ngày 29 tháng 7 năm 2021.

Cuộc điều tra này cho biết số sách mà mỗi học sinh mượn hàng năm từ thư viện trường học ở ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là : 49, 9 và 3. Các số liệu khác như số ngày thư viện trường học mở cửa trong tổng số những ngày học sinh đi học và tỷ lệ sử dụng thư viện ở các môn học, hoạt động giáo dục cũng phản ánh vai trò của thư viện trong thực tế.

Tỷ lệ số ngày mở cửa thư viện trường học trong tổng số những ngày học sinh đi học ở tiểu học là 94.3%, trung học cơ sở là 84.6%, trung học phổ thông là 93.1%. Tỉ lệ những ngày thư viện trường học mở cửa khi học sinh được nghỉ học dài ngày ở tiểu học là 16.9%, trung học cơ sở 16.7%, trung học phổ thông 50.5%.

Số liệu của cuộc điều tra này cũng cho biết tỉ lệ sử dụng thư viện trong môn “Quốc ngữ”, “học tập tổng hợp” có xu hướng cao. Tỉ lệ sử dụng thư viện ở môn quốc ngữ ở tường tiểu học là 94.7%, trung học cơ sở là 72.8%, THPT 56.6%, “Thời gian học tập tổng hợp”: tiểu học 86.7%, trung học cơ sở 65.9%, trung học phổ thông 35.8%.

Hoạt động của thư viện trường học Nhật Bản trong thực tế được tiến hành với sự tham gia trong vai trò hạt nhân của những lực lượng sau.

Thứ nhất là “thủ thư trường học”. Đây là những “nhân viên chuyên trách đảm nhận công việc ở thư viện trường học” (Điều 6 Luật thư viện trường học).

Thứ hai là “giáo viên thủ thư”. Tư cách, bằng cấp của “giáo viên thủ thư” được quy định rõ ở “Điều 5” Luật thư viện trường học. Theo đó đây là các giáo viên làm công tác giảng dạy, có trình độ chuyên môn cao, có học qua một khóa học về thư viện và được cấp chứng chỉ để làm công việc “giáo viên thủ thư”.

Thứ ba là toàn bộ giáo viên-nhân viên trong trường với tư cách là người phối hợp, hợp tác.

Thứ tư là “Ủy ban phụ trách về sách” (図書委員会). Đây là tổ chức được thiết lập dưới sự hướng dẫn của giáo viên với các thành viên là học sinh. Hoạt động của nó được coi là một bộ phận trong các hoạt động của Hội học sinh (tổ chức có tính tự trị) của học sinh trong trường. Công việc của Ủy ban này là mượn, trả sách, chỉnh lý sắp xếp tài liệu, thống kê điều tra, xây dựng môi trường khuyến khích đọc sách, tiến hành các hoạt động quảng cáo, thông tin liên quan đến sách, thư viện…

Những hoạt động cụ thể mà thư viện trường học ở Nhật thường tiến hành ngoài việc cho học sinh và giáo viên mượn sách rất phong phú. Ở đây xin giới thiệu một số hoạt động chủ yếu, nổi bật.

- Triển lãm-trưng bày sách: Thư viện trường học  tiến hành trưng bày-triển lãm sách theo chủ đề của tháng, quý, năm và đặc biệt là theo mùa. Những chủ đề thường thấy sẽ là chủ đề bốn mùa, “Biển”, “Mẹ”, “Hòa bình”, “Thể thao”, “Giải Nobel”, “Tết”, “Lễ hội”…

- Đọc sách cho học sinh nghe: Nhân viên của thư viện trường học hoặc tình nguyện viên, chuyên gia, nghệ sĩ được thư viện mời tới sẽ đọc một cuốn sách (thường là sách tranh-ehon hoặc là tác phẩm có dung lượng nhỏ) cho học sinh nghe. Hoạt động này rất phổ biến đặc biệt với các trường mầm non, tiểu học.

- Giờ đọc sách buổi sáng: Đây là hoạt động thư viện phối hợp với nhà trường và toàn thể giáo viên, học sinh thực hiện. Trong tuần vào buổi sáng, học sinh sẽ đồng loạt được đọc cuốn sách mình yêu thích trong một khung giờ cố định hoặc được nghe giáo viên, nhân viên thư viện đọc sách. Hoạt động này ở Nhật rất sôi nổi và được tiến hành như một phong trào trên toàn quốc. Bốn nguyên tắc vàng của “Đọc sách buổi sáng” là : Tất cả cùng đọc, Đọc sách mình thích, Chỉ cần đọc cũng không sao. Thời gian đọc có thể là 5, 10 phút hoặc kéo dài đến 20-30 phút.

Theo kết quả điều tra của hội xúc tiến đọc sách buổi sáng thì ở thời điểm ngày 2 tháng 3 năm 2020 trên toàn nước Nhật có 26.540 trường thực hiện theo phong trào này (chiếm 75.7%). Trong đó có 23.561 trường thực hiện với toàn bộ học sinh (88.8%).

- Tổ chức và hỗ trợ thi viết cảm nhận về sách: Đây là hoạt động cơ bản và quan trọng để khuyến khích học sinh đọc sách. Ngoài các cuộc thi ở cấp trường, ở Nhật còn có cuộc thi viết cảm nhận về sách ở quy mô quốc gia với các giải thưởng lớn: Giải thưởng của thủ tướng chính phủ, Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Giải thưởng của báo Mainichi, Giải thưởng của chủ tịch Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản, Giải thưởng khích lệ của Suntory.

3. Hiện trạng thư viện trường học Việt Nam và những bài học có thể học hỏi từ Nhật Bản.

3.1. Sơ lược về hiện trạng thư viện trường học ở Việt Nam.

Ở Việt Nam trong suốt một thời gian dài chúng ta chỉ có “Pháp lệnh thư viện” mà không có “Luật thư viện”. Luật thư viện do Quốc hội nước ta ban hành mới có hiệu lực từ 1/7/2019. Và đây cũng chỉ có một luật thư viện chung cho tất cả các loại hình thư viện mà chưa có luật riêng cho thư viện trường học. Trong điều 9 của Luật thư viện có liệt kê các loại hình thư viện trong đó có nhắc đến Thư viện trường học ở mục đ “Thư viện cơ sở giáo dục đại học” (Thư viện đại học) và  mục e “Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác”.

Trong Chương trình phổ thông tổng thể dài 53 trang được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT
ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì từ “Thư viện” được nhắc đến duy nhất…một lần.

 Xin trích nguyên văn:

 “3. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Địa điểm, diện tích, quy mô nhà trường; khối phòng học tập; khối phòng hỗ trợ học tập; thư viện; khối phòng hành chính quản trị; khu sân chơi, thể dục thể thao; khối phụ trợ; khối phục vụ sinh hoạt; hạ tầng kĩ thuật và thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Mục này nằm trong mục “VII. Điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông”. Sẽ rất đáng suy ngẫm nếu ta so sánh sự quan tâm tới “thư viện” trong chương trình tổng thể của Việt Nam và sự có mặt của “thư viện” trong bản Hướng dẫn học tập (phần tổng quy)-một văn bản có tính chất tương đương của Nhật Bản hiện hành.

Không chỉ trong văn bản pháp quy, hành chính, trên thực tế cho dù đã có cải thiện, hoạt động thư viện trường học hiện tại vẫn chưa tương xứng và đáp ứng được yêu cầu của cải cách giáo dục. Tuy không có số liệu thống kê cụ thể thu được từ các cuộc điều tra lớn trên phạm vi toàn quốc để biết mỗi học sinh mượn bao nhiêu sách từ thư viện trường học trong một năm nhưng tôi cũng có được số liệu do thủ thư ở một số trường công và tư thục cung cấp. Số liệu thu được rất thấp. Một trường THPT công lập ở phía Bắc cho biết số sách một học sinh trung bình mượn trong một năm là 1-1,2 cuốn/năm (trong đó chủ yếu là tài liệu ôn thi). Một hệ thống trường tư thục có tiếng ở Hà nội cho biết số sách học sinh mượn từ thư viện thống kê được là 3-4 cuốn/năm.
Những con số khó có thể nói là làm cho chúng ta thỏa mãn. Tình trạng có thư viện nhưng không có thủ thư đủ tiêu chuẩn cũng thường xảy ra. Thủ thư phải làm nhiều việc khác ngoài việc chính là quản trị thư viện và khuyến đọc. Sách trong thư viện cũ, lạc hậu, không phù hợp. Thời gian mở cửa thư viện bất hợp lý, học sinh không được  mượn sách về nhà… Có nhiều trường thậm chí khi được cá nhân, tổ chức tặng sách đã khóa lại mà không cho học sinh mượn… Bản thân tôi đã kêu gọi ủng hộ sách cho nhiều thư viện cho nên đã trực tiếp chứng kiến những bất cập này. Ngoài ra hiện tượng bịa ra số liệu bạn đọc, số sách đã mượn để “hoàn thành nhiệm vụ” để “chạy theo thành tích” cũng không phải là hiếm gặp.

Trong tương lai gần cần phải có một cuộc điều tra tổng thể về hiện trạng thư viện trường học trên toàn quốc để nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, quan tâm nắm được thực tế khách quan từ đó có chính sách, hành động hợp lý. Cuộc điều tra này cần tiến hành thường xuyên, định kì.

3.2. Những bài học kinh nghiệm có thể học hỏi từ Nhật Bản

Từ những gì Nhật Bản đã và đang làm trong thực tiễn và tham chiếu với tình hình thực tế của Việt Nam chúng ta có thể rút ra điều gì?

Theo tôi có một số bài học kinh nghiệm ta có thể học hỏi từ Nhật Bản.

Thứ nhất, về lâu dài, cùng với thực hiện chiến lược khuyến đọc quốc gia và thực thi luật thư viện cần phải có luật khuyến đọc và luật thư viện trường học. Những bộ luật này sẽ xây dựng hành lang pháp lý và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả nhà nước và nhân dân cho sự nghiệp khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc lấy cứ điểm là gia đình và nhà trường.

Thứ hai, cần có chính sách tiền lương hợp lý đối với cán bộ thư viện cũng như các chương trình đào tạo chuyên môn cho lực lượng này. Có thể học hỏi Nhật Bản trong việc đào tạo ra “giáo viên thủ thư”. Đây là các giáo viên được đào tao về nghiệp vụ thư viện, thông tin để có thể hướng dẫn học sinh học tập sâu, sáng tạo trong khi sử dụng các tài nguyên của thư viện. Công việc của giáo viên thủ thư sẽ không chỉ là cho mượn sách, chỉ ra tên sách cần đọc mà còn hướng dẫn chi tiết được các chủ đề nghiên cứu, các tác giả nên đọc và xây dựng được danh sách sách học sinh cần đọc một cách có hệ thống theo nhu cầu và khả năng từng cá nhân.

Thứ ba cần đưa hoạt động thư viện trường học vào thực chất để nó xứng đáng, thực sự là “trái tim của trường học”. Các hoạt động giáo dục của nhà trường phải xuất phát từ thư viện, lấy thư viện làm trung tâm để huy động sự tham gia của các giáo viên, học sinh cán bộ trong toàn trường cũng như sự tham gia của người dân địa phương, phụ huynh.

Thứ tư, đổi mới thiết kế, bài trí, hoạt động của thư viện để tạo ra sinh khí mới cho thư viện trường học với các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn như triển lãm trưng bày theo chủ đề, câu lạc bộ đọc sách, đọc sách cho học sinh nghe, đọc sách buổi sáng, thi viết cảm nhận về sách…Cần đưa học sinh và các giáo viên bộ môn vào các hoạt động này. Trong khi chờ có chương trình đào tạo giáo viên thủ thư có thể sử dụng các thầy cô yêu sách và khuyến đọc như tình nguyện viên.

Thứ năm, điều chỉnh lịch hoạt động của thư viện để vào ngày hè, ngày nghỉ học sinh vẫn có thể tới mượn và đọc sách như thường.

Cuối cùng, cần tiến hành các hoạt động điều tra về hiện trạng thư viện trường học định kì và thường xuyên bằng phương pháp khoa học trên phạm vi toàn quốc để nắm được tình hình thực tế thông qua các số liệu thực chứng. Từ đó, các cơ quan có trách nhiệm sẽ có được sự điều chỉnh trong chính sách vĩ mô và các chỉ đạo cụ thể phù hợp.


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục Nhật Bản, Hướng dẫn học tập bản tổng quát, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019

2. Hội xuất bản Việt Nam, Kỷ yếu tọa đàm Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào? TP HCM, 27/8/2019.

3. Nguyễn Quốc Vương, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, NXB Tri thức, 2018

4. Nguyễn Quốc Vương, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, tái bản lần 1, Eduking-NXB Tri thức, 2019

5. Nguyễn Quốc Vương, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Edunking-NXB Tri thức, 2019

6. Nguyễn Quốc Vương, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, NXB Phụ nữ Việt Nam, tái bản lần thứ 4, 2021.

7.Takahashi Saito, Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm đến, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021.

8. Tanaka Yoshitaka, Cải cách giáo dục Việt Nam liệu có thực hiện được “lấy học sinh làm trung tâm”?, Nguyễn Quốc Vương dịch, Eduking-NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020.