Hạnh phúc là gì bao lần ta bối rối

TT - Có thể nói, nếu trước năm 1968 nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc vẫn đau đáu câu hỏi “Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng...” thì cho đến một ngày “Miền Nam gọi hai chúng mình có mặt...”, chị mới tìm thấy hạnh phúc cho mình:

Hạnh phúc là gì bao lần ta bối rối
Phóng toẢnh chụp lại từ tư liệu gia đình - Ảnh: Tuấn Minh

Hình ảnh một người con gái đất Bắc mảnh mai, chịu khó xông pha nơi một vùng đất miền Trung lạ lẫm, lại đang đắm chìm trong bom đạn, đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con.

Ngày ngày chị được nuôi giấu, chở che dưới hầm bí mật trong nhà của những bà mẹ ở Bình Dương, để rồi đêm đêm các mẹ, các chị, các anh đưa chị ra sau hè bên hàng dương cụt ngọn, băng qua lửa đạn, đến với bà con vùng cát cháy.

Bút ký cuối cùng của một đời văn: ngắn ngủi Gương mặt thách thức với chân dung của người dân chân chất vùng Thăng Bình, Duy Xuyên khi đương đầu với bom đạn, quyết “một tấc không đi, một li không rời...” được ra đời.

Những chân dung được Dương Thị Xuân Quý khắc họa một cách sinh động và làm lay động lòng người. Chính vì vậy mà Dương Thị Xuân Quý càng tìm được sự đồng cảm, tình yêu thương nơi người dân đất Quảng. Chị luôn ở trong tâm tưởng họ.

Dương Thị Xuân Quý sinh trưởng trong một gia đình nổi tiếng ở tỉnh Hưng Yên. Ba chị là ông Dương Tụ Quán, chủ bút báo Duy Tân, và hai người bác ruột là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm.

Chị tốt nghiệp Trường Báo chí trung ương và về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961, đến tháng 4-1968 chị xung phong vào chiến trường miền Nam.

Hơn bốn tháng vượt Trường Sơn, chị vào đến chiến trường Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) vào tháng 7-1968 và về làm phóng viên cho tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung Trung bộ (Khu 5), đóng tại vùng núi phía tây Quảng Nam.

Tháng 12-1968 chị đi công tác xuống vùng ác liệt Quảng Đà để viết, chưa đầy hai tháng sau chị đã anh dũng hi sinh. Toàn bộ các truyện ngắn và bút ký chị viết trong những ngày khói lửa ở chiến trường Quảng Đà và viết trước đó được tập hợp thành tập Hoa rừng.

Sau ngày giải phóng, trên khoảnh vườn nhỏ nhà ông Võ Bắc (thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) nơi chị ngã xuống vào năm 1969, nhiều người dân đã cùng đồng đội và người thân của chị đào bới từng tấc đất, hi vọng tìm thấy di hài của chị...

Để rồi trong buổi trưa đầy nắng vàng, gợn vài đám mây của cơn áp thấp nhiệt đới đầu tháng tám, bên hố đào rộng chừng 2m2, di hài chị cùng những hiện vật dần hiện ra. Những cặp mắt đỏ hoe của đồng đội, của bạn văn và hàng trăm người dân thôn Thi Thại chợt vỡ òa.

Ông Nguyễn Bá Thâm, trước đây công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, nghẹn ngào kể lại rằng năm 1985 ông cùng bạn văn một thuở nhiều lần tìm kiếm. Nhưng vô vọng, bèn hốt mấy nắm đất nơi chị nằm xuống đưa về nghĩa trang Hòa Phước.

Còn lần này không phải thần giao cách cảm hay mê tín dị đoan, mà như lời ông Đặng Xuân Ba, một cựu chiến binh từng ngưỡng mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, đã tình nguyện lặn lội về Quảng Nam tìm mộ chị dựa trên phán đoán và kinh nghiệm chiến trường, cuối cùng ông đã tìm ra.

Thuở còn học phổ thông, chính chúng tôi, những học trò nghèo đất Quảng đã phải lội bộ hơn 30km tìm về nơi chị nằm xuống để cùng đọc Bài thơ về hạnh phúc.

Hạnh phúc là gì? Câu hỏi muôn thuở ấy, giờ đây khi nhìn gương mặt người bạn văn, bạn đời của chị, rồi cả những gương mặt người dân chứng kiến giờ phút tìm được chị, chúng tôi hiểu cái hạnh phúc đơn sơ bình dị ấy đã được trả lời.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc lặng lẽ xếp những kỷ vật cùng nắm xương tàn, tận tay an táng chị dưới tấm bia tưởng niệm và đêm đó ông đã thức trọn bên mộ chị sau gần 37 năm âm dương cách biệt.

“Con sông Giằng gầm réo miên man/ Em vẫn viết với dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc...”.

Bài thơ về hạnh phúc

Tưởng nhớ X.Q thân yêu (1)(Trích)

I

Thôi em nằm lạiVới đất lành Duy XuyênTrên mồ em có mùa xuân ở mãiTrời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyênTrời chiến trường không một phút bình yênSúng nổ gấpAnh lên đường đuổi giặcLấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biênBước truy kích đạp trăm rào gai sắcÔi mũi lê này hôm nay sao sáng quắcAnh mất em như mất nửa cuộc đờiNỗi đau anh không thể nói bằng lờiMột ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháyNhững viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy Bên những vết đạn xưa chúng giết bao ngườiAnh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơiNhư bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúcNhưng em ạ, giây phút này chính lúcAnh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thườngNhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vươngAnh nổ súng

II

Hạnh phúc là gì?Bao lần ta lúng túngHỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa raCho đến ngày cất bước đi xaMiền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắtMỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừngEm xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưngMôi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướtBao dốc cao em cần cù đã vượtVà mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anhEm nói tới tương lai tươi thắm ngọt lànhEm nói tới những điều em định viếtGiữa hai cơn đau em ngồi ghi chépCon sông Giằng gầm réo miên manNước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chanEm vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúcVà em gọi đó là hạnh phúc...Quanh những bờ dương bị giặc san bằngĐã lại mở những chiến hào gan gócNhững em bé, dưới mưa bom vẫn đi làm đi họcNhững vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh trànTrong một góc vườn cháy khét lửa NapanEm sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.Và em gọi đó là hạnh phúc...

...

III

Em ra đi chẳng để lại gìNgoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng miVà anh biết khi bất thần trúng đạnEm đã ra đi với mắt nhìn thanh thảnBởi được góp mình làm ánh sáng ban maiBởi biết mình có mặt ở tương laiAnh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sốngSẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêuEm trong anh là mùa xuân náo độngTừ phút này càng rực rỡ bao nhiêu