Học sinh chơi game khi học online

Phụ huynh "sốc" khi con nghiện game

Sau thời gian học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chia sẻ với PV, không ít phụ huynh phàn nàn về kết quả học tập của con bị giảm sút, ngồi học không tập trung..., thậm chí nhiều phụ huynh đã "tá hỏa" khi biết con đã trở thành game thủ.

Chị Thủy (Kim Đồng, Hà Nội) chia sẻ, cả hai vợ chồng đều bận rộn với công việc nên chuyện học hành của con đều nhờ cả vào ông bà nội. Nhưng chỉ sau hơn một tuần, cô giáo chủ nhiệm đã trao đổi về việc con mất tập trung khi học, thường xuyên không hoàn thành bài tập cô giao.

"Hôm đó, tôi được nghỉ nên có thời gian ngồi học cùng con. Vô tình, tôi phát hiện con vừa học online vừa mở nick rủ các bạn chơi game. Tôi thật sự rất sốc, con trai tôi đã mê mẩn các trò chơi trên mạng sau một thời gian học trực tuyến", chị Thủy nói.

Học sinh chơi game khi học online

Nhiều phụ huynh lo ngại con trở thành game thủ sau thời gian dài học trực tuyến (Ảnh minh họa)

Theo lời kể của chị Thủy, hàng ngày, cứ sau giờ học là các con lại cùng rủ nhau chơi game. Trung bình cũng 3-4 tiếng/ngày. "Cứ tình hình học trực tuyến kéo dài thêm vài tháng thì sớm muộn các con cũng thành game thủ hết", chị Thủy lo lắng.

Cùng chung tâm trạng, chị Thu Hương (Linh Đàm, Hà Nội) buồn rầu nói: "Sau một thời gian học trực tuyến, cô giáo chủ nhiệm đã 2 lần trao đổi về việc con gái tôi không tập trung khi học, cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình để con học tập tốt hơn".

"Học không tập trung, dù có nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng kè kè bên con được. Con gái tôi học lớp 4 nhưng con bé chơi game lúc nào vợ chồng tôi không hề hay biết. Cháu lén tải rất nhiều game chơi trong lúc học và học theo rất nhiều câu từ khiếm nhã có trong Tiktok", chị Hương chia sẻ.

Trao đổi với ĐS&PL, BS. Đinh Hữu Uân - Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nguyên bác sĩ Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I cho rằng, chơi game có thể giảm căng thẳng cho học sinh khi phải học quá lâu hoặc bị hạn chế ra ngoài trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên khi chơi game đến mức độ nghiện, trở thành bệnh lý thì việc điều trị rất kỳ công, đòi hỏi nỗ lực lớn của bản thân trẻ, cha mẹ và người thân xung quanh.

"Trẻ nghiện game sẽ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Điều đáng lo ngại, game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển", bác sĩ Uân cảnh báo.

Bác sĩ Uân khuyến cáo, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con; thay vì cấm đoán, đánh mắng, cha mẹ hãy chơi cùng con, khuyên nhủ con nhẹ nhàng để con không bị tách biệt bởi thế giới ảo từ game online.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý, việc trẻ ôm máy tính hàng nhiều giờ đồng hồ dẫn đến kiệt quệ cả về tinh thần và sức khỏe, không kiểm soát được hành vi, phát sinh ảo giác.

Học sinh chơi game khi học online

Cần nhận ra những biểu hiện sớm của tổn thương tâm lý

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Đơn cử như vụ việc bé trai 5 tuổi (ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay vào đầu tháng 6/2020 khiến dư luận bàng hoàng. Nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân chính là một học sinh đang học lớp 11, nghiện game và muốn thực hiện theo các hành động trong game.

Dưới góc nhìn xã hội học, một chuyên gia cho rằng, nghiện game là một hiện tượng xã hội gần gũi với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ nếu nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người). Khi bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới. Khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm... dẫn đến những hậu quả khó lường.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe của học sinh, cần có những nghiên cứu để quyết định thời gian tối đa ngồi trước màn hình đối với từng cấp học. Bên cạnh đó, phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của tổn thương tâm lý và tinh thần khi học trực tuyến tránh hệ lụy về sau.

Trao đổi với báo chí, Ths.Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn - Trị liệu tâm lý SHARE cho rằng: "Không thể phủ nhận những lợi ích của việc học online trong thời đại ngày nay và đặc biệt là trong quãng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.

Những tác động đó có thể bao gồm sự thiếu đi những hoạt động giáo dục khác ở trường bên cạnh việc học kiến thức cùng với sự thiếu đi những tương tác thường xuyên giữa những bạn học với nhau khiến cho trẻ không có bạn bè để trò chuyện và mất cơ hội xây dựng tình bạn mới. Xây dựng tình bạn là một chức năng rất quan trọng đối với trẻ em vì điều này mang lại cho trẻ sự an toàn và lòng tự trọng, mang lại cho các em cảm giác thân thuộc.

Thêm nữa, hoạt động giáo dục thể thao và các lớp học ngoại khóa cũng đã dừng lại, các tiếp xúc bị hạn chế tối đa... Phần lớn, các bậc cha mẹ đều đi làm và đứa trẻ ở một mình trong nhà, không có cách nào để bọn trẻ có thể tiếp xúc với bất kỳ ai. Điều đó khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi, cô đơn, tách biệt, căng thẳng kéo dài, cảm giác bất lực...".

Học sinh chơi game khi học online

Phim ảnh, trò chơi luôn sẵn sàng trên mạng, kéo nhiều học sinh ra khỏi giờ học trực tuyến - Ảnh: A.Q.

Camera chỉ nhằm kiểm soát để con không "đi chơi trên mạng" trong giờ học mà thôi. Còn tình trạng các bé lơ đãng, không tập trung trong giờ học, cô giáo gọi tên không trả lời thì không thể can thiệp được.

Phụ huynh Vũ Công Tới

Chị Đỗ Thu Hòa, phụ huynh có con đang học lớp 4 ở quận Bình Tân, TP.HCM, kể câu chuyện của không riêng nhà chị. Thời điểm này khi TP.HCM đã hết giãn cách, chuyển sang giai đoạn bình thường mới, đa số phụ huynh đều phải đến công sở. 

Trên các group phụ huynh có con đang học tiểu học, nhiều người đã bày tỏ đang gặp vấn đề nan giải khi để con ở nhà tự học online.

Nhiều trò chơi vui hơn học

Chị Nguyễn Minh Hương, phụ huynh có con đang học lớp 3 ở quận Bình Thạnh, cho biết: "Trước đây, trong thời kỳ giãn cách tôi phải đặt máy tính của mình ở kế bên bàn học của con để vừa làm việc, vừa giám sát con học trực tuyến. Nhưng chỉ cần thấy mẹ đứng lên đi ra khỏi phòng là ngay lập tức con gái tôi mở YouTube, tranh thủ xem phim. Bây giờ vợ chồng tôi đều không có ở nhà, bà nội cháu bảo: bé cứ xem phim suốt, bà nhắc bé cũng không nghe".

Không những thế, còn khá nhiều trường hợp nan giải như lời kể của chị Hoài Thu, phụ huynh ở quận Phú Nhuận: "Nhà tôi không cho con chơi game nên hai bé đang học lớp 2 và lớp 5 không dám đụng đến các game trên máy tính. Nhưng mới đây khi tôi để quên xấp tài liệu ở nhà và bất ngờ quay về thì phát hiện hai anh con trai đang xem các clip trên YouTube trong giờ học trực tuyến. Điều đáng nói nhất là anh lớp 2 đang xem clip "Hôn nhân mang lại cho bạn điều gì?"".

Vợ chồng chị Thu tá hỏa không chỉ vì con xem phim trong giờ học mà còn là nội dung phim các con xem. 

"Ông bà ngoại của cháu thì hơn 80 tuổi, không rành công nghệ và cũng không thể quản các cháu xem gì, nghe gì trên mạng. Chúng tôi quyết định ngắt YouTube ở máy tính của con" - chị Thu nói.

Theo ghi nhận, hiện nhiều gia đình đã chặn hết các trò chơi giải trí trên máy tính của con, chặn YouTube...

"Cứ tưởng như thế là yên tâm để con tập trung vào việc học. Không ngờ con tôi chuyển sang đọc truyện tranh trên mạng trong giờ học" - anh Hoàng Vũ, phụ huynh có con đang học lớp 5 ở huyện Bình Chánh, than thở.

Thỏa hiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên tiểu học ở TP.HCM cho biết họ đang rất đau đầu với tình trạng học sinh chơi game, xem phim trong giờ học. 

"Bình thường khi dạy trực tiếp thì chỉ những học sinh yếu mới không thể trả lời những câu hỏi gợi ý tìm hiểu bài của giáo viên. Còn bây giờ dạy online thì tình trạng giáo viên hỏi rồi nhận được sự im lặng là thường xuyên, kể cả với những học sinh giỏi. Tôi có yêu cầu các con mở camera, có bé mở camera những vẫn không trả lời. Hỏi phụ huynh mới biết là bé tắt micro để chơi game" - cô Th., giáo viên ở TP Thủ Đức, cho hay.

Thừa nhận tình trạng học sinh lơ là trong giờ học online, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận 11 giải thích: "Trẻ muốn học online thì bắt buộc máy tính phải có kết nối với Internet. Mà trên mạng bây giờ có rất nhiều trò tiêu khiển hấp dẫn trẻ hơn là những bài dạy của thầy cô giáo. Tình trạng học sinh chơi game, xem phim, đọc truyện tranh trên mạng trong giờ học là có thật. Giải pháp hữu hiệu nhất bây giờ phải được thực hiện đồng bộ từ phía giáo viên và cả phụ huynh".

Một mặt vẫn mong chờ những tiết dạy online hấp dẫn từ phía thầy cô giáo, mặt khác các phụ huynh đã tự tìm giải pháp, trong đó, giải pháp được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất ở thời điểm này là lắp camera để giám sát từ xa việc học của con.

Anh Vũ Công Tới, nhà ở TP Thủ Đức, chia sẻ: "Lúc đầu tôi lắp camera trong phòng của con. Nhiều lúc nhìn vào camera không thấy cu cậu trong phòng, gọi điện về hỏi: Giờ học mà con đi đâu vậy? Bé nói con đi vệ sinh, con đi uống nước, tóm lại là rất nhiều lý do. Cuối cùng thì tôi lắp camera ngay màn hình máy tính của con cho chắc. Trong giờ học mà con mở phim hay chơi game là biết ngay".

Còn chị Hoài Thu thì chia sẻ sau khi thực hiện các cách mà không thành công, vợ chồng chị chọn giải pháp thỏa hiệp. 

"Tôi ngắt YouTube trên máy tính của con được hai ngày thì phải mở lại vì trong quá trình dạy trực tuyến, đôi khi thầy cô giáo có share những clip ở YouTube để giúp học sinh hiểu bài hơn. Ngắt YouTube thì con tôi không xem được, không học được. Nhiều bạn bè tôi còn cho biết chặn game, YouTube thì các bé sẽ tìm ra nhiều trò khác trên mạng như đọc truyện ngôn tình, lướt web... Nghĩ mãi, cuối cùng tôi đành phải dùng giải pháp thỏa thuận với con".

Vợ chồng chị Thu đã ngồi nói chuyện với các con, tính thời gian học trực tuyến, thời gian làm bài tập, thời gian sinh hoạt, giải trí trong ngày của hai bé rồi đi tới giải pháp: "Tôi đồng ý với mong muốn của con là mỗi ngày các con được giải trí trên máy tính từ 90 - 120 phút với điều kiện không được làm việc riêng trong giờ học trực tuyến. Nếu bạn nào làm việc riêng thì bị phạt, không được giải trí trên máy tính nữa. Ông xã tôi vốn dân công nghệ thông tin nên chỉ cần ông bà ngoại thông báo hôm nay cháu có xem phim trong giờ học tức là hết giờ học online, máy tính của con sẽ bị ngắt Internet. Giải pháp này tạm thời hữu hiệu trong những ngày gần đây".

Tăng tương tác

Dạy online không như dạy trực tiếp, giảng bài qua màn hình máy tính học sinh rất dễ bị phân tâm. Vì thế giáo viên cần tương tác với học sinh nhiều hơn, nhất là học sinh lớp 1 thì các em thích được cô gọi tên, khen ngợi, khích lệ... Trong tiết dạy của mình, tôi sẽ gọi tên học sinh liên tục để các em phát biểu, đọc bài..., tránh tình trạng học sinh ngủ quên hoặc làm việc riêng trong giờ học.

Cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà (giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM)

Chuyển hoạt động liên tục

Học sinh chơi game khi học online

Một phụ huynh ở TP.HCM học cùng con hồi còn giãn cách xã hội - Ảnh: GIA HUY

Ngồi một chỗ học qua màn hình đôi khi người lớn cũng thấy buồn ngủ chứ đừng nói đến trẻ con. Chưa kể học sinh tiểu học chỉ có thể tập trung trong thời gian ngắn. Do đó, không để trẻ ngồi ù lì một chỗ trong suốt tiết học online.

Học sinh chơi game khi học online

Cứ khoảng 10-15 phút, tôi lại chuyển hoạt động để trẻ lấy lại sự tập trung. Ví dụ học đến hình chữ nhật thì sau khi giảng bài tôi sẽ cho các con 3 phút để đi tìm những đồ vật trong nhà có hình chữ nhật. Hoặc đôi khi chỉ là yêu cầu các con tập thể dục tại chỗ; đứng lên tìm cái bình, rót nước vào ly để uống; hay chạy một vòng xung quanh nhà rồi quay lại nói với cô một từ mà con đang nghĩ đến... Tức là tôi tìm nhiều cách để học sinh có thể di chuyển, hoạt động. Như thế khi ngồi học các em đỡ táy máy chân tay.

Ngoài ra, dù là dạy trực tuyến nhưng tôi vẫn chia nhóm cho học sinh thảo luận, làm việc nhóm. Trong việc dạy online, thái độ của giáo viên có quyết định rất lớn đến học sinh. Giáo viên vui vẻ, hào hứng thì sẽ truyền được năng lượng ấy cho học sinh, cộng thêm một số phương pháp giảng dạy tích cực sẽ "cuốn" học sinh vào bài học. Còn giáo viên cứ nói giọng đều đều thì rất khó thu hút học sinh tiểu học.

Khi dạy online, tôi cũng cẩn thận hơn về việc dùng từ ngữ trong lời nói của mình đối với học sinh, hạn chế dùng những từ ngữ tiêu cực mà nên dùng những từ tích cực, sao cho nhẹ nhàng và dễ chịu.

Cô Nguyễn Minh Nghĩa (giáo viên lớp 3/8 Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, Q. 7, TP.HCM)

Học sinh chơi game khi học online
Cha mẹ đi làm, con học online ra sao?

HOÀNG HƯƠNG