ISFJ tính cách

Nhóm tính cách ISFJ: Đặc điểm, thế mạnh và nghề nghiệp phù hợp

30/10/2021 09:30
Trong số 16 nhóm tính cách theo trắc nghiệm MBTI thì tính cách ISFJ khá phổ biến, tuy nhiên, chẳng phải ai cũng rõ ràng về các đặc điểm của nhóm tính cách này. Thực tế, khi hiểu rõ về chính mình, bạn có thể cân nhắc và đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp cũng như thúc đẩy bản thân để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.

Có những nhóm tính cách chỉ khác nhau ít nhiều, trong khi một số nhóm lại gần như "xung khắc" với nhau. Dĩ nhiên, không có gì chắc chắn rằng tất cả mọi người cùng một nhóm tính cách đều sẽ giống nhau, lựa chọn nghề nghiệp như nhau hay thân thiết với những người thuộc các nhóm phù hợp. Tuy vậy, khi làm trắc nghiệm MBTI, bạn nên đọc kỹ kết quả cũng như tìm hiểu sâu để dễ dàng định hướng và lựa chọn hơn. Trong bài viết này, hãy cùng JobOKO tìm hiểu về nhóm tính cách ISFJ nhé.

ISFJ tính cách

Tìm hiểu về đặc điểm và hướng dẫn lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm tính cách ISFJ

I. Nhóm tính cách ISFJ là gì? Các đặc điểm chính

1. Nhóm tính cách ISFJ là gì?

ISFJ là từ viết tắt được sử dụng để mô tả một trong 16 kiểu tính cách theo trắc nghiệm MBTI. ISFJ là viết tắt của Hướng nội, Cảm nhận, Cảm xúc và Đánh giá. Một người thuộc nhóm tính cách ISFJ sẽ tràn đầy năng lượng nhờ thời gian ở một mình (Hướng nội), tập trung vào các sự kiện và chi tiết hơn là các ý tưởng và khái niệm (Cảm nhận), người đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và giá trị (Cảm xúc) và thích được lập kế hoạch, tổ chức hơn là hơn là linh hoạt và thích nghi (Đánh giá). Các ISFJ đôi khi được coi là những Người Bảo vệ vì họ quan tâm đến việc chăm sóc và đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh.
Tính cách ISFJ có đặc điểm là chịu khó, cần cù và chăm sóc, trung thành và thích những giá trị truyền thống. Họ thực tế, nhân ái và quan tâm, có động lực để giúp đỡ và hỗ trợ tốt nhất cho mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, ISFJ cũng có tính cách ổn định, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm. Họ vừa tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, trong khi cũng quan tâm đến nhu cầu của người khác. Họ muốn người khác biết rằng mình đáng tin cậy, kiên trì và hòa đồng.
Một đặc điểm khác của tính cách ISFJ là rất coi trọng các mối quan hệ và luôn cố gắng hợp tác, duy trì sự hòa hợp với những người xung quanh. Họ muốn có sự ổn định và lâu dài trong các mối quan hệ của mình và có xu hướng gắn bó với gia đình.

2. ISFJ trong mắt những người xung quanh

Các ISFJ có đặc điểm là rất khiêm tốn và hiếm khi muốn gây sự chú ý, cũng thường được nhận xét là ít nói. Những người thuộc nhóm tính cách ISFJ có thể thích được tham gia vào các nhóm xã hội, vì cộng đồng, tổ chức phi chính phủ... nhưng đa số là làm việc ở hậu trường, siêng năng để hoàn thành vai trò của mình.
Trong các mối quan hệ, ISFJ cũng không thường xuyên chủ động và khá kín đáo, khó kết thân thực sự được với người lạ. ISFJ biết lắng nghe, ghi nhớ những chi tiết và đặc điểm của mọi người xung quanh, thích sự trung thực và kết nối dựa trên sự gắn kết về quan điểm, giá trị.

3. Mức độ phổ biến của nhóm tính cách ISFJ

Tại Mỹ, tính cách ISFJ là nhóm tính cách phổ biến nhất trong dân số và đồng thời cũng là loại phổ biến nhất ở phụ nữ. ISFJ tạo nên từ 14% dân số, trong đó có 19% phụ nữ và 8% nam giới.

ISFJ tính cách

Người thuộc nhóm tính cách ISFJ có những đặc điểm gì?

4. Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ISFJ

  • Aretha Franklin (Ca - nhạc sĩ).
  • Mother Teresa (Mẹ Teresa, Thánh Teresa - Nữ tu).
  • George H.W. Bush (Cựu tổng thống Mỹ).
  • Beyoncé (Ca sĩ).
  • Laura Bush (Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ).
  • King George VI (Cựu Quốc vương của Vương quốc Anh).
  • Kate Middleton (Công nương Anh).
  • Rosa Parks (Nhà hoạt động cách mạng vì quyền dân chủ).
  • Princess Mary of Denmark (Công nương Đan Mạch).
  • Clara Barton (Y tá, người sáng lập Hội Chữ thập Đỏ).

II. Thế mạnh và điểm yếu của những người thuộc nhóm tính cách ISFJ

1. Điểm mạnh của ISFJ

  • Thực tế: Với trí nhớ nhạy bén, con mắt quan sát cực tinh tế và tính cách cầu toàn, theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối đến từng chi tiết, ISFJ là những người có năng lực làm việc xuất sắc. Khi tập trung vào một nhiệm vụ, các bạn thuộc nhóm tính cách ISFJ có kỹ năng giải quyết vấn đề chẳng khác gì Sherlock Holmes nhờ sự bình tĩnh và tỉnh táo.
  • Làm việc chăm chỉ: Nỗ lực và nghiêm túc khi một nhiệm vụ cần phải hoàn thành, nhóm tính cách ISFJ đều là những người có năng lực tốt, có cách tiếp cận cứng rắn cho công việc của họ (đôi khi có vẻ nghiêm túc quá mức đối với người khác). Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là ISFJ quan tâm rất nhiều đến mọi người nên sẽ không độc đoán.
  • Hỗ trợ tích cực: Bên cạnh đó, ISFJ còn là những người trợ giúp đắc lực, vui vẻ chia sẻ thời gian và năng lượng của họ với bất kỳ ai cần và luôn cố gắng duy trì cách tiếp cận đồng cảm với các vấn đề và mục tiêu. Chính sự toàn diện và toàn diện trong tầm nhìn của họ hình thành nên bản sắc của nhóm tính cách ISFJ, mang lại cho họ khả năng độc đáo làm bừng sáng lên những phần tốt đẹp của cuộc sống.
  • Trung thực, kiên định và đáng tin cậy: Thực tế, hầu hết mọi người đều phải thừa nhận rằng nhóm tính cách ISFJ coi trọng danh dự, được yêu quý nhờ sự chính trực, trách nhiệm, trung thành và cam kết. Nhận xét ngắn gọn, nhiều người cho rằng tấm lòng của ISFJ tốt như vàng vậy, thẳng thắn và luôn suy nghĩ cho mọi người, có trái tim lương thiện và đáng tin.

2. Điểm yếu của ISFJ

  • Không thích sự thay đổi: Những người thuộc nhóm tính cách ISFJ coi trọng phong tục và truyền thống và gần như sẽ cảm thấy lo lắng với những gì thay đổi quá nhanh hoặc khó tiếp thu khi thấy ai đó không tuân thủ các tiêu chuẩn. Thậm chí, ở thời hiện đại như ngày nay, ISFJ có thể cảm thấy thất vọng, bi quan khi chứng kiến những xu hướng không theo lẽ thường, dễ gắn các nhận định như "suy đồi đạo đức", "phá hủy nề nếp"...
  • Quá vị tha: Tưởng chừng như vị tha là tốt nhưng đôi khi tấm lòng tử tế cũng khiến các bạn thuộc tính cách ISFJ gặp phải những khó khăn. Nếu những người mà họ chọn để tin tưởng tỏ ra không trung thực hoặc không đáng tin cậy, họ sẽ rất dằn vặt, khó buông bỏ vì "cái tình" níu giữ lại. Những tình huống như vậy cũng khiến ISFJ bị tổn thương và dễ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
  • Không giỏi giải quyết xung đột, dễ bị lừa: Nhóm tính cách ISFJ coi trọng sự riêng tư, có phần hơi nhút nhát và do đó, không phải lúc nào bạn cũng có thể kết hợp tốt với những kiểu tính cách cởi mở hoặc khó đoán. Sự phức tạp về mặt xã hội của môi trường sống dễ khiến ISFJ bị lấn át và bạn dễ cảm thấy quá khó khăn khi phải giải quyết xung đột hoặc bị áp lực với những lời chê bai, chỉ trích, công kích cá nhân. Kết hợp với tính cách kiên định và có phần ngoan cố của mình, ISFJ nhiều khi sẽ cảm thấy tổn thương và bị áp đặt.
  • Tự làm mình áp lực: ISFJ được biết đến với tinh thần làm việc tuyệt vời và tấm lòng tử tế với mọi người xung quanh nhưng theo thời gian, đặc điểm tích cực này có thể chuyển thành thói nghiện công việc và khiến ISFJ quá tải đến mức muốn sụp đổ. Các ISFJ tham công tiếc việc có thể bị xu hướng cầu toàn làm mình ám ảnh, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
ISFJ tính cách
Ưu và nhược điểm của nhóm tính cách ISFJ​

III. Lựa chọn nghề nghiệp cho ISFJ

Trong công việc, ISFJ luôn mong muốn được giúp đỡ mọi người theo cách thiết thực, có tổ chức và kế hoạch. Những người thuộc nhóm tính cách ISFJ cố gắng duy trì các giá trị mà họ coi trọng, muốn công việc hoàn thành theo cách an toàn, truyền thống, làm việc chăm chỉ và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

Với thế mạnh tính cách là tư duy thực tế, chăm chỉ và nhiệt tình, ISFJ thích các công việc đòi hỏi sự chú ý cẩn thận đến từng chi tiết, tuân thủ các quy trình đã thiết lập, đồng thời muốn hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả và có cấu trúc. Bên cạnh đó, các bạn thuộc nhóm tính cách ISFJ thường thích làm việc ở hậu trường và muốn nhận được sự công nhận. Tuy nhiên, ISFJ không thích phô trương hay được khen ngợi theo cách quá nổi bật. Các công việc phù hợp cũng như môi trường làm việc lý tưởng cho ISFJ là có trật tự, cung cấp nhiều quyền riêng tư và các đồng nghiệp hợp tính cách, có thể chia sẻ các giá trị và quan điểm với nhau.

Khi lựa chọn nghề nghiệp, ISFJ nên chọn công việc thiên về hỗ trợ và giúp đỡ, công việc có ý nghĩa với các cá nhân, cộng đồng. Những nghề nghiệp cần sáng tạo, thay đổi liên tục hoặc vai trò lãnh đạo có thể khiến bạn cảm thấy áp lực.

1. Những công việc phù hợp nhất cho ISFJ

Tính cách ISFJ khá tích cực, do đó, bạn có thể thích hợp với nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau như là:

  • Cộng đồng, dịch vụ xã hội, phi lợi nhuận.
  • Kỹ thuật viên sinh học, môi trường,...
  • Pháp y.
  • Kiểm lâm, bảo tồn rừng.
  • Chăm sóc sức khỏe: HLV thể thao, HLV thể hình, bác sĩ nha khoa, bác sĩ siêu âm, kỹ thuật viên xét nghiệm, y tá, dược sĩ, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nhi khoa...
  • Giáo dục và đào tạo: Giáo viên, tư vấn tuyển sinh, quản lý tại trường học và các cơ sở đào tạo...
  • Khối văn phòng và hỗ trợ hành chính: Thư ký, kế toán, kiểm toán, trợ lý, nhân viên hành chính, HR, lễ tân...
  • Cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu.
  • Thợ làm móng, làm tóc, chăm sóc sắc đẹp...
  • Kinh doanh, tài chính: Chuyên viên tuyển dụng, C&B, cán bộ cho vay, cố vấn tài chính/ chuyên viên tư vấn tài chính, nhân viên thu mua, thẩm định viên...
  • Việc làm khối kỹ thuật, kiến trúc: Kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, thợ cơ khí, kỹ sư HVAC, kỹ sư môi trường, kỹ sư y sinh,...
  • Thợ làm bánh, thợ mộc.
  • Tài xế lái xe.
  • Tiếp viên hàng không.
  • Công việc trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ăn uống.
  • Họa sĩ.
  • Lính cứu hỏa.
  • Cảnh sát, thám tử, thẩm phán, công tố viên...

2. Các nghề nghiệp mà ISFJ nên tránh

Các nghề nghiệp sau đây được cho là không phổ biến trong nhóm tính cách ISFJ:

  • Vai trò quản lý.
  • Giám đốc kinh doanh, marketing.
  • Tư vấn bảo hiểm.
  • Copywriter.
  • Giám đốc nghệ thuật.
  • Nhà báo.
  • Diễn viên.
  • Nhiếp ảnh gia.
  • Quân sự.
  • Kỹ sư cơ khí.
  • Luật sư.
  • Nhân viên phát triển thị trường.
  • Nghiên cứu kinh tế, khoa học xã hội.
ISFJ tính cách
Những công việc không phù hợp với nhóm tính cách ISFJ

3. Khả năng làm việc nhóm (teamwork) của ISFJ

Trong một tập thể hay một nhóm nhỏ, các bạn thuộc tính cách ISFJ hầu như đều đóng vai trò là những thành viên hỗ trợ, tuân theo quy trình để hoàn thành công việc và hợp tác tốt với những người xung quanh. Bạn có thể không quan tâm đến vị trí dẫn dắt hay lãnh đạo nhưng sẽ cực phù hợp cho các vai trò thư ký, ghi chép tỉ mỉ các sự kiện, nhiệm vụ.
Bởi vì đặc điểm tính cách ISFJ là nhạy cảm với mối quan tâm và cảm xúc của người khác nên hiếm khi gây ra xung đột. Dĩ nhiên, ISFJ cũng chỉ thường cảm thấy an toàn nhất trong một nhóm mà mọi người đều tuân thủ các quy tắc và thủ tục thiết lập từ trước.

4. ISFJ trong vai trò leader, quản lý

Ở các vị trí lãnh đạo, tính cách ISFJ có xu hướng hơi bảo thủ và thực tế. ISFJ tập trung vào những gì có thể làm để giúp đỡ người khác một cách thiết thực, có trách nhiệm. Các ISFJ thực tế chỉ miễn cưỡng đảm nhận vai trò lãnh đạo, nhưng cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình và sẽ sẵn sàng nỗ lực hết sức nếu được yêu cầu. Bên cạnh đó, ISFJ trung thành với các tổ chức, có niềm tin mạnh mẽ vào quyền hạn và tôn trọng thứ bậc (mong đợi điều tương tự từ nhân viên, cấp dưới của mình). Phong cách lãnh đạo của tính cách ISFJ là dựa trên kết nối cá nhân, quan hệ và sự hỗ trợ.

IV. ISFJ trong các mối quan hệ

1. Phong cách giao tiếp của ISFJ

Về cơ bản, phong cách giao tiếp của nhóm tính cách ISFJ là hỗ trợ, giỏi lắng nghe và điều chỉnh dựa trên thái độ của đối phương. ISFJ nhạy cảm và muốn hợp tác nên hiếm khi căng thẳng hay xung đột mà thường tiếp nhận thông tin chi tiết, sau đó chia sẻ nếu thấy có ích. Sự tinh tế, khéo léo trong giao tiếp cũng là một đặc điểm nổi bật của ISFJ.

2. Những nhóm tính cách hợp với ISFJ

  • Phù hợp nhất: ISFJ có thể thân thiết với những người cùng nhóm tính cách hoặc các bạn thuộc nhóm ISTJ, INFJ và ESFJ. Nhiều điểm chung trong tính cách, sở thích, giá trị thúc đẩy mọi người dễ thân thiết, hòa hợp và hiếm khi xảy ra tranh chấp hay xung đột.
  • Khác biệt nhưng thu hút lẫn nhau: Có một chút khác biệt cả về thế giới quan, giá trị quan và tính cách nhưng những bạn thuộc nhóm ISFP, ESTJ, ESFP, ENFJ lại dễ thu hút ISFJ nhờ sự thú vị trong quan điểm, cách nhìn nhận.
  • Bổ sung cho nhau: Những người thuộc nhóm tính cách ISFJ có thể khó mà ngay lập tức thân thiết với những ai thuộc các nhóm ISTP, INFP, ESTP, ENFP. Tuy nhiên, hai bên có thể hiểu nhau dần dần và quan hệ chủ yếu dựa trên sự bổ sung những thiếu sót cho nhau.
  • Trái ngược, dễ xung đột: Khác với các nhóm tính cách kể trên, ISFJ rất khó để kết hợp với những người thuộc nhóm tính cách INTP, INTJ, ENTP, ENTJ vì tính cách hai bên gần như trái ngược nhau. Dù vậy, nếu như có thể kết nối và hợp tác lâu dài thì ISFJ có thể học hỏi được khá nhiều từ những tính cách đối lập với mình.
ISFJ tính cách
ISFJ phù hợp với những nhóm tính cách nào?

V. Nguyên tắc để ISFJ phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Để phát huy hết tiềm năng của mình, những ai thuộc nhóm tính cách ISFJ nên tập trung vào thay đổi và phát triển bản thân theo hướng sau:

  • Tiếp xúc với các cá nhân khác biệt, chấp nhận sự đa dạng: Nhóm tính cách ISFJ có xu hướng tự giam mình trong thế giới quan của riêng họ và dành quá nhiều thời gian để sống trong thế giới nhỏ. Thực tế, bạn nên tiếp xúc xã hội rộng hơn với những người có tư duy và hệ tư tưởng khác nhau. Kiểu tương tác mang tính xây dựng và đổi mới sẽ giúp bạn thoải mái với sự đa dạng, chấp nhận sự thay đổi của xã hội, đồng thời tránh cho bạn trở nên có phần quá nghiêm khắc hoặc cực đoan trong cách nhìn nhận vấn đề.
  • Đừng quá kiếm chế, hãy cởi mở hơn: Trong giao tiếp và hợp tác với người khác, các bạn có tính cách ISFJ đôi khi hoạt động như thể mục đích của cuộc đời là giữ hòa bình cho thế giới và làm cho mọi người hạnh phúc. Thói quen kìm nén cảm xúc và trì hoãn nhu cầu của bản thân có vẻ giúp bạn trở nên khác biệt và... cao quý, tuy nhiên, nó cũng đồng thời khiến bạn mắc kẹt trong các mối quan hệ.
  • Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn: Đây là lời khuyên hữu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với các bạn thuộc nhóm tính cách ISFJ vốn tham công tiếc việc, ít dành thời gian cho bản thân. Hãy chú ý phát triển bản thân trong khi linh hoạt hơn, phóng khoáng hơn và đôi khi hãy can đảm để thử thách điều mới mẻ, tránh trở thành người bảo thủ và cứng nhắc bạn nhé.
  • Hài hước hơn một chút: Mặc dù thái độ nghiêm túc của ISFJ có thể có ý tốt nhưng đôi khi, một chút hài hước và thậm chí là bất cần cũng sẽ chẳng làm tổn thương ai. Ngược lại, bạn sẽ trở nên thú vị hơn, mang lại niềm vui và tiếng cười cho những người xung quanh cũng như chính bản thân bạn. Đồng thời, điều này giúp bạn giảm căng thẳng, nâng cao hiệu quả công việc về lâu dài.
  • Đừng lo lắng quá nhiều: Tính cách ISFJ hướng nội và nhạy cảm nên sẽ luôn thận trọng và dễ bị lo âu. Tốt nhất, bạn hãy nghĩ rằng mình không nhất thiết phải theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Chỉ khi bạn nới lỏng các tiêu chuẩn khắt khe của mình thì hạnh phúc và thành công thực sự mới đến với bạn.

Trên đây là một số thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về tính cách ISFJ mà JobOKO chia sẻ cùng bạn, mong rằng sẽ giúp bạn hiểu hơn về chính mình, định hướng tốt hơn cho công việc và cuộc sống. Chúc bạn thành công!

MỤC LỤC:
I. Nhóm tính cách ISFJ là gì? Các đặc điểm chính
II. Thế mạnh và điểm yếu của những người thuộc nhóm tính cách ISFJ
III. Lựa chọn nghề nghiệp cho ISFJ
IV. ISFJ trong các mối quan hệ
V. Nguyên tắc để ISFJ phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Đọc thêm: Đặc điểm nhóm tính cách ISFP và gợi ý chọn nghề nghiệp phù hợp

Đọc thêm: Thế mạnh, điểm yếu và cách lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm tính cách ISTJ