Lý Thường Kiệt có phải thái giám không

Về Trang Chính

Lý Thường Kiệt tự nguyện tịnh thân để lập công danh


Trong lịch sử triều Lý, có lẽ Lý Thường Kiệt là một trong những cái tên nổi danh nhất khi ông phò Vua phá Tống bình Chiêm công danh hiển hách. Tuy nhiên, ít người biết ông vốn không thuộc hoàng tộc nhà Lý và lại càng ít người biết ông xuất thân từ quan thái giám.

Số phận trời định

Lý Thường Kiệt vốn tên Ngô Tuấn, là con trai của tướng Ngô An Ngữ với phu nhân họ Hàn. Ông sinh năm 1019 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Tương truyền, từ khi sinh ra, số mệnh Lý Thường Kiệt đã được báo trước là sẽ công danh hiển hách song lại phiền là không có con nối dõi.

Lý Thường Kiệt có phải thái giám không

Tượng Lý Thường Kiệt tại Bảo tàng lịch sử quân sự.

Sách Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam

kể rằng, khi Hàn phu nhân đang mang thai Ngô Tuấn từng gặp 1 ông lão. Ông lão nói rằng: Đêm trước lão xem thiên văn thấy một ngôi phúc tinh sa xuống khu vực này nên định bụng sáng ra đi xem, nay gặp phu nhân lão đã hiểu rõ sự tình. Xin chúc mừng phu nhân. Phu nhân sắp có tin vui rồi. Nhìn sắc mặt, dáng vẻ và cốt cách của phu nhân, lão đoán chắc phu nhân sẽ sinh quý tử. Đây là 1 con người tuấn kiệt, uy danh lừng lẫy không chỉ mang lại vinh quang cho dòng họ Ngô mà còn là phúc tinh của nước Nam này nữa.


Đang nói chuyện vui bỗng ông lão ngập ngừng: “Duy chỉ có một điều…”. Hàn phu nhân gạn hỏi mãi ông lão mới bảo: “Duy có 1 điều e rằng lại không có con nối dõi”. Nói xong, sợ Hàn phu nhân buồn bã ông lão an ủi: “Nhưng dù chẳng có người nối dõi thì tiếng thơm muôn thuở cũng không dòng họ nào sánh kịp”. Hàn phu nhân còn đang ngẩn ngơ suy nghĩ những lời lạ lùng của ông lão thì ngoảnh đi ngoảnh lại ông đã biến đâu mất. Mọi người đều cho là thần nhân mách bảo.


Quả nhiên, một thời gian sau phu nhân phát hiện mình đã có mang. Hết hạn thai kỳ, Hàn phu nhân sinh ra 1 bé trai rất khôi ngô. Chỉ vài ngày sau khi sinh, đứa trẻ đã nhận biết được cha mẹ, ra chiều rất lanh lợi. Ngô tướng quân đặt tên con là Ngô Tuấn với ý nghĩa mong con sau này lớn lên trở thành 1 người tuấn kiệt tài ba.


Bước ngoặt trong đời


Năm Ngô Tuấn 13 tuổi thì cha mất trong một lần đi tuần tra ở biên giới ở châu Tượng. Ông được người chú rể là Tạ Đức đón về nuôi nấng dạy dỗ thay cha. Tạ Đức đã dạy Ngô Tuấn đủ cả văn võ. Ban ngày thì học cưỡi ngựa bắn cung, lập doanh bày trận. Đêm đến lại nghiên cứu các binh thư kim cổ cùng sách Nho sách Phật đủ cả. Yêu mến đứa cháu có chí hướng, Tạ Đức còn đem cô cháu gái tên là Thuần Khanh gả cho Ngô Tuấn.


Năm 17 tuổi, Ngô Tuấn lại mất mẹ. Khi mãn hạn chịu tang, theo lệ tập ấm, chàng được bổ nhiệm chức Kỵ mã hiệu úy – một chức quan nhỏ trong lực lượng kỵ binh của quân đội.


Mặc dù đã lấy Thuần Khanh song Ngô Tuấn chỉ ham mê nghiên cứu binh thư nên chuyện gia đình có phần xao nhãng. Bởi thế mà mấy năm vẫn chưa có con. Mọi chuyện đang bình thường thì năm 1041, một biến cố xảy ra làm thay đổi hẳn cuộc đời của Ngô Tuấn. 


Năm ấy, Lý Thái Tông trong khi đi săn đã nhìn thấy một viên kỵ mã mặt mũi khôi ngô. Rất vừa lòng, nhà vua cho gọi lại phán bảo: “Ta thấy ngươi hình dung tài mạo tuyệt vời lại cưỡi ngựa bắn cung giỏi, ta rất muốn bổ ngươi vào ngạch thị vệ để luôn hầu cận bên ta. Nhưng muốn vào cung ngươi phải tự yếm. Ta sẽ cho ngươi tiền để làm việc này. Tuy nhiên ta biết ngươi đã có gia đình. Vậy ngươi hãy tự quyết chứ ta không ép”.


Vốn là người có chí hướng lập công danh nên khi Ngô Tuấn coi việc vào cung là một cơ hội để thi thố tài năng và bằng lòng ngay. Có điều chàng vẫn canh cánh về người vợ Thuần Khanh.


Cuối cùng Ngô Tuấn cũng bộc lộ nỗi lòng mình với vợ và quyết ý để nàng đi tìm hạnh phúc khác còn mình thì vào cung. Biết tin, Tạ Đức rất tức giận nhưng sau đó, nghĩ đến lệnh vua khó chối, lại có câu chuyện thần nhân xưa kia đã nhắc khiến ông cũng nguôi ngoai và rồi chính ông lại giúp đỡ Ngô Tuấn giải quyết việc của Thuần Khanh. Vậy là từ đây cuộc đời Ngô Tuấn trở thành 1 thái giám trong cung đình.

Lưu danh sử sách


Vào cung chẳng bao lâu, Ngô Tuấn đã chứng tỏ được tài năng của mình nên nhanh chóng nổi danh trong triều đình. Từ một thái giám chỉ lo việc vặt trong cung, năm 1054, Ngô Tuấn đã được thăng lên chức Bổng hành quân hiệu úy – một chức võ quan cao cấp của triều đình. 


Tuy nhiên sử sách và người đời chỉ biết đến Ngô Tuấn dưới cái tên Lý Thường Kiệt. Theo các sử liệu, Thường Kiệt là tên tự của Ngô Tuấn còn việc ghép họ Lý vào là vì Ngô Tuấn có công lao nên được ban quốc tính (họ của Vua). Rất tiếc sử sách không chép rõ việc này xảy ra năm nào.

Lý Thường Kiệt có phải thái giám không

Đền thờ Lý Thường Kiệt tại làng phố Nguyễn Huy Tự - Hai Bà Trưng – Hà Nội. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo.


Từ đây, tên tuổi Lý Thường Kiệt nổi như cồn, trở thành 1 nhân vật lớn trong thời đại nhà Lý. Năm 1064, ở phương Nam, nước Chiêm Thành sang cống nạp nhà Tống và xin mua ngựa. Trong nước thì vua Chế Củ (tức Rudravarman III ) tăng cường xây dựng, rèn luyện quân đội nhằm mục đích chuẩn bị liên minh với nhà Tống tấn công Đại Việt. Để phá thế liên minh Tống – Chiêm, Vua Lý Thánh Tông quyết định tấn công Chiêm Thành trước. 


Tháng 2/1069, trong đạo quân đi đánh Chiêm Thành do vua Lý Thánh Tông làm soái, Lý Thường Kiệt được vua chọn làm tướng tiên phong. Ông đã dẫn quân đánh tan quân phòng thủ của Chiêm trong trận Tu Mao khiến vua Chiêm phải nửa đêm bỏ trốn khỏi kinh thành. Rồi chính đội quân truy kích của ông lại bắt được vua Chiêm, buộc ông vua này phải cắt 3 châu cho Đại Việt để được tha về. Nhờ công lao trong cuộc chiến này, Lý Thường Kiệt được phong Phụ quốc thượng tướng quân tước Khai quốc công. Không lâu sau lại được thăng lên Thái úy, nắm binh quyền cả nước.


Trang sử vẻ vang nhất trong cuộc đời Lý Thường Kiệt và cũng là trong triều đại nhà Lý là cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077. Như bao triều đại trước, triều Tống luôn dòm ngó Đại Việt. Sau khi quân Chiêm Thành bị nhà Lý đánh tan tác, nhà Tống mất liên minh nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị đưa quân sang đánh nước ta.


Không ngồi yên đợi giặc, Lý Thường Kiệt tâu với Vua cho dẫn quân đánh trước để phá cuộc chuẩn bị của chúng. Năm 1075, Cánh quân bộ có 6 vạn quân do Tôn Đản chỉ huy đánh sang Tống từ hướng Cao Bằng. Quân thủy có 4 vạn do Lý Thường Kiệt chỉ huy từ Quảng Ninh sang Khâm Liêm. Hai cánh quân đánh đâu thắng đó như đi vào chỗ không người. Đến tháng 12/1075, hai cánh quân hợp vây thành Ung Châu. Sau 40 ngày vây hãm, quân nhà Lý hạ được thành rồi tiến lên đánh Tân Châu. Những nơi đi qua, quân Lý triệt phá hết các cầu cống, kho lương, vũ khí của địch. Đầu năm 1076, cuộc tiến công hoàn thành mục tiêu, quân nhà Lý rút về nước.


Năm sau, quân Tống kéo 10 vạn quân và 20 vạn dân phu sang đánh báo thù. Lý Thường Kiệt cho dựng phòng tuyến trên sông Cầu chặn được bước tiến của địch khiến chúng đánh lâu không thắng lại gặp phải bệnh dịch tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nắm được tình trạng địch, Lý Thường Kiệt chủ động cho người sang giảng hòa để kết thúc chiến tranh. Những vùng quân Tống lấn chiếm, khi quân Tống rút đến đâu, ông cho quân theo sau chiếm lại tới đó.


Một năm trước khi mất, dù tuổi đã cao, Lý Thường Kiệt vẫn cầm quân đi đánh quân Chiêm Thành. Nguyên trước đây vua Chế Củ cắt 3 châu cho Đại Việt để được tha về nhưng năm 1104, vua Chế Ma Na lại đem quân chiếm lại. Được tin, vua sai Lý Thường Kiệt đem quân vào đánh, phá được quân Chiêm, Chế Ma Na lại phải nộp đất ấy cho Đại Việt.


Năm 1105, Lý Thường Kiệt mất, được tặng chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, tặng thực ấp 1 vạn hộ. Trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt là thái giám đầu tiên nêu gương sáng về tấm lòng phò vua báo quốc. Trong lịch sử chiến tranh Đại Việt – Trung Quốc, ông là tướng Việt duy nhất chủ động đánh sang Trung Quốc để bẻ gãy mũi nhọn xâm lược của địch.

Về Trang Chính